Tiểu thuyết “Thằng Hóm” – phần XI

Tiểu thuyết “Thằng Hóm” – phần XI

Trên tầng gác thứ hai của hiệu Đông Hưng Viên, chung quanh một cái bàn tròn, dưới hai đôi cánh quạt máy vù vù bẩy cậu thiếu niên ngồi nhìn nhau mủm mỉm cười, người hầu sáng đứng cạnh bàn chờ một vài tích tắc không thấy cậu nào gọi món gì, liền lên tiếng:

– Thưa các cậu dùng gì ạ?

Quý bảo các bạn:

– Đấy tùy ý chúng mày, đứa nào muốn ăn gì thì gọi. Hôm nay tao cho pha thả cửa.

Rồi cậu quay lại nói với tên hầu sáng:

– Anh cho tôi ba hào mai quế lộ với lại một đĩa cánh gà rán.

Tân, Mùi, Lâm, Chắt, Nghi, Hựu mỗi cậu đều gọi một món kẻ mì gà, kẻ bít tết, kẻ vằn thắn ….một bữa cao lầu của những kẻ thiếu kinh nghiệm về hàng quân, lúc ấy khoảng ba giờ trưa nên căn gác Đông Hưng viên vắng teo. Các khách trú đến nhậm sả tấp nập từ giờ ngọ đã đùn về đấy từ lâu. Cả một căn gác rộng chỉ còn trơ co người ngồi thu tiền ở công toa. Bầy thiếu niên kia và dăm ba anh hầu sáng mỏi mệt. Nhân có sự vắng vẻ ấy, lúc món ăn đã được bầy trước mặt các cậu, Quý mới nâng chén rượu mai quế lộ, đứng lên nói:

Tao thết chúng bay bữa cao lầu hôm nay là để mừng sự đắc thắng của bọn mình với bọn thằng Hợi. Nhân tiện tao muốn báo với chúng mày một tin không biết là mừng hay buồn, rằng từ mai tao không đi học nữa, ở nhà giữ sổ sách giúp việc ba tao. Vậy uống rượu đi chúng mày!

Hựu cũng đứng dạy nâng chén đáp lại:

– Tao thay mặt các thằng ngồi quanh cái bàn tròn này mừng bậc đại ca trong bọn ta đã đắc thắng cả ở việc khác nữa. Còn cái việc thằng Quý ở nhà coi sổ sách thì là một việc đại may cho cả bọn, nên uống rượu mừng.

 Năm cậu kia đồng thanh hét “uống” rồi tất cả đều nốc hết chén mai quế lộ. Lúc ngồi xuống ghế Hựu ghé tai Quý thì thầm “Nâng cảm, mày ghê lắm đấy” Quý nháy nháy cặp mắt cười, cả bọn chẳng hiểu gì hết cũng cười theo họ uống, họ ăn, họ cười vang, họ văng tục…náo động cả căn gác vắng teo. Cậu nào cậu nấy no phè phỡn cả.

Chính cái lúc bọn Quý vui đùa với nhau như thế là lúc trên con đường từ Hàng Trống đến sở Mật Thám, một viên cảnh sát đi xe đạp đang áp giải một đứa trẻ bị xích tay ngồi trên chiếc cao xu, đứa trẻ ấy là Hóm. Viên cảnh sát ấy, sự trào phúng của định mệnh đã bắt phải là bác cai Tương.

– Cha thực của Hóm bác đã bị bắt đi giải Hóm về sở mật thám để người ta tra xem nó có dấu trăm bạc đi đâu nghe ông Cẩm nói mà bác Tương lặng điếng cả người. Thì ra bác sắp đem con bác cho người ta tra khảo, mà vì bổn phận, bác phải đi, phải giải Hóm đi, dọc đường bác hỏi Hóm:

– Mày đầu đuôi làm sao mà lại sinh ra thế?

– Cháu oan lắm. Cháu không ăn cắp. Cháu bắt được tờ giấy hai chục, thế thôi, còn trăm bạc kia thì thật quả cháu không biết. Chú làm thế nào cứu được cháu chứ!

Bác Tương nuốt lệ đáp:

– Tao thương mày lắm nhưng làm thế nào được…

– Chú mở khóa xích ra…

– Chết! chết! chết! không thể được.

– Thật quả cháu không làm nên tội.

Bác Tương chép miệng thở dài.

– Khổ thân mày, thật là mày làm khổ thân mày!

Bỗng trên xe Hóm chồm lên làm cái xe suýt tùng bê. Nó gọi thất thanh “U! u ơi u” trên vỉa hè Richand, một người đàn bà đang đứng nói chuyện với bệnh nhân trong nhà thương, vội quay ra đường rồi rú lên: Hóm! Con ơi, con làm sao thế con? Bác Sinh gái chạy ù ra giữa đường kèm bên chiếc xe tay. Nhưng bác đã vội kêu khe khẽ “Ô kìa, anh……

Tương, ông Tương ở viện cảnh sát, hồn vía bay đi đâu hết. Bác phải vịn vào cái gác đờ – bu cái xe cho tay khỏi ngã bò xuống đất, lầm bẩm “Thìn, thìn!”

Bác Sinh gái đã hỏi Hóm:

– Sao thế con? Sao lại bi bắt thế hả con? Rồi bác lại van nài tên đối xếp:

– Anh Tương, ông Tương ơi ông nỡ bắt con thế ư? Anh Tương ơi, con anh đấy mà! Bác cứ lẽo đẽo chạy theo xe, Hóm thì giọt ngắn giọt dài:

– U ơi! Con chết mất. Chú ấy giải con đến săng tan bây giờ đây. Mà con oan.

Nó gào lên: “Con oan! Con oan! Con không ăn cắp”. Đứng trước cảnh ngộ bất ngờ ấy, Tương luống cuống không biết xử trí ra sao. Một đằng là người tình cũ và giọt máu chính truyền của mình, một đằng là lệnh ông Cầm, là pháp luật, là bổn phận. Bác không dám cho xe dừng lại, mà lại không lỡ để Thìn chạy lẽo đẽo kêu khóc theo xe như thế.

Bác Sinh gái bỏ bên trái, chạy sang bên phải, chạy sát cạnh xe đạp Tương, năn nỉ:

– Anh Tương, anh thương em, anh thương con, anh cứu nó.

– Tôi biết làm thế nào được bây giờ?

– Anh cứu con, anh cứu em anh Tương.

Chợt Tương nhác trông thấy một người đội xếp tây cùng một người đội xếp ta từ mé hội chợ đi xe đạp tới. Bác hốt hoảng bảo mẹ Hóm:

– Chết kia! Đội xếp tây kia kìa. Vào trong hừ, đừng theo nữa.

Nhưng bác Sinh gái không nghe, vẫn cứ chạy theo xe đạp Tương, viên đội xếp Tây vừa tới, quắc mắt hỏi Tương:

– Gì thế?

Bất đắc dĩ Tương trả lời:

– Đây là người nhà thằng bé ăn cắp này, nó cứ chạy theo tôi khóc lóc, bác Sinh gái sợ hãi chạy vào vỉa hè. Thấy viên đội xếp tây gạc pê – đan xe đạp vào dịa hè, cầm dùi cui dọa đuổi đánh, miệng si sô ầm ĩ, bác Sinh gái đành cắm cổ chạy, rẽ vào ngõ Hội Vũ. Bác vừa đi vừa than khóc rất ái oan:

– Con ơi là con ơi, mẹ làm gì lên tội mà để con chịu khổ sở tù tội thế. Con ơi là con ơi!. Anh ơi sao anh nỡ tệ thế anh ơi!

Sau hôm bị bắt về. Bác đã lần mò đến hiệu Tiên Phú hỏi thăm con, nhưng một người trong hiệu đã trả lời bác rất sắc lắc:

– Thằng Hóm ấy à? Ra bể mà tìm nó. Nó đi Sầm Sơn với ông chủ, bà chủ rồi, hai tháng nữa mới về.

Thất vọng, người mẹ đau khổ ấy lại gánh hàng đi. Mấy hôm sau, nhớ con, bác lại đến hỏi thì cậu Kỳ ở hiệu Tiên Phú trả lời bằng một câu chửi: “Hỏi gì mà hỏi lắm thế? Cút! Tiên sư mày ra! Ngày nào cũng đến quấy rầy. Hóm Hóm. Nó chết rồi”. Từ đấy, bác không dám lại hỏi nữa, đinh ninh là Hóm đi Sầm Sơn hai tháng nữa mới về.

 Rồi đến hôm nay sao sự tình lại ra thế được? Tương lại bắt Hóm?

Sao Tương lại giải Hóm đến săng – tan? Bác chẳng đã nói rõ cho Tương biết rằng Hóm là con Tương đấy ư? Sao Hóm lại gào lên: “Con oan, con oan, con không ăn cắp”. Ăn cắp hôm ở Sầm Sơn với chủ cơ mà! Sao lại ăn cắp? Ăn cắp của ai? Mà sao Tương lại đội xếp để rồi bắt Hóm giải đến Săng – tan. Sao Hóm lại kêu: “Chú ấy giải con đến Săng – tan ý”. Thế nghĩa là Tương đã nhận đưcợ ra Hóm trước khi bắt Hóm? Sao đã biết Hóm, Tương lại không cứu Hóm?

Đầu óc bác Sinh gái rốia lọan, bác trách Tương là vô tình, oán Tương là bội bạc, rủa Tương là đồ khốn nạn. Trách chán, oán chán, rủa chán, bác lại khóc, bác ngồi sụo xuống ngõ Hội Vũ bưng mặt khóc, đời bác nay là hết sinh thù! Trong mấy năm nay gian lao cực nhọc, tay cô đơn và khổ sở, bác cũng vẫn còn sống cho hai ước vọng: gặp Tương và gặp Hóm. Bác mong gặp Tương không phải có ý muốn theo Tương, nhờ vả Tương. Trăm năm đã lỗi nhời nguyền, bác có đủ can đảm sống trong cảnh nhỡ nhàng, một mình đương đầu với số kiếp. Bác mong gặp Tương chỉ vì người tình xưa xưa ấy có thể nhắc nhở cho bác cái tuổi xuân dĩ vãng đầy yêu thương, đầy thú sống lồng nàn, bác chỉ muốn được nép mình dưới một gốc cây nào đó, để nhìn Tương lững thững đi qua, và cứ thế, mãi mãi, không bao giờ hai người hỏi nhau, trò chuyện với nhau. Mối tình đã chia lìa, còn nối lại làm gì? Cuộc ái ân đã phanh phôi từ thủa ấy còn chắp lại làm sao được. Bác biết rằng nếu được nhìn Tương thoáng qua trên một vỉa hè nào, lòng bác sẽ đau sót lắm, giấc ngũ của bác sẽ bị ám ảnh một cách thảm thiết lắm. Nhưng không hiểu sao bác vẫn mong gặp Tương, mong đau đơn, mong bị ám ảnh. Có lẽ, ít lâu nay, cuộc đời bác buồn tẻ quá chăng nên bác mới chờ đợi nóng nẩy đến thế. Một chút sao xuyến tinh thần cho nó ồn ào lên ,căng thẳng ra, biến đổi đi.

Bên cạnh cái ước nguyện lạ lùng ấy, còn cái hi vọng gặp Hóm, bác mong gặp Hóm để sớm hôm có mẹ có con giúp nhau sống cho qua ngày đoạn tháng. Từ khi ở nhà chồng trốn ra đi, bác mới chua sót nhận thấy rằng đứa con mà chính bác mang nặng đẻ đau, bú mớm, chăm bẵm, nuôi dậy hàng mười một mười hai năm giời, phải, đứa con đứt ruột ấy bác không có quyền định liệu cuộc đời cho nó. Nó có phải của bác đâu. Nó là vật sở hữu của chồng bác, đẻ ra chỉ để nối tiếp hương hoa, mả dài của tộc họ nhà chồng bác. Luân lý dạy thế, phong tục bảo thế, pháp luật bắt thế. Và tất cả ai ai trong xa hội cũng đều nghĩ thế, công nhận thế. Vì lẽ đó, bác phải một mình cất bước lên đi, không thể đem theo đứa con thơ mà bác biết đang sống dưới sức áp chế độc ác của người dì ghẻ. Nhưng dù sao, trong thâm tâm bác cũng vẫn nổi loạn lên với những cái luân lý, phong tục, pháp luật, dư luận bất công kia. Bác chỉ muốn gặp Hóm để bắt cóc Hóm đi cho nó thoát khỏi những lanh vuốt ghê ghớm của một gia đình suy đốn. Cho nên hôm gặp Hóm ở Bàng. Trông bác vừa ngạc nhiện, vừa cảm động, vừa mừng dỡ. Ngạc nhiên vì sự trốn đi sự trốn đi của Hóm, cảm động vì được thỏa lòng nguyện ước bấy lâu, mừng dỡ vì thấy Hóm vẫn còn lành mạnh. Bác chủ tính đem Hóm về ở với mình ngoài bãi Phúc xá, một mẹ một con rau cháo có nhau cho êm dịu ít cái đời lầm than của kẻ nghèo hèn. Người soát vé đã tàn nhẫn phân lìa hai mẹ con đau khổ ấy. Rồi liền đó, Hóm bị đi Sầm Sơn, Hóm bị bắt, bị giải Săng – tan và đến bây giờ bác được gặp con lần thứ hai. Mà kẻ giải con bác lại là Tương. Trời hỡi trời sao trời nỡ bắt người đàn bà khốn cùng ấy phải đóng vai chính trong một tấn trò bi thương đến thế?

Bác Sinh gái nằm năn ra vỉa hè kêu gào thảm thiết: “Ới con ơi là con ơi! Ới anh Tương ơi là anh Tương! Sao cái thân tôi khổ thế này, anh ơi là anh ơi!”. Rồi bỗng nghê bác vùng dậy, sắc diện đổi hẳn, mắt long lên, mạch máu ở thái dương đập mạnh, chân tay run lên, người nóng bừng, bác giơ hai tay lên đầu, dật tóc đứt ra từng nắm. Bác chạy lại đường Richaud, ngơ ngác tìm quanh, miệng vẫn gào: “Con ơi là con ơi! Anh ơi là anh ơi!”. Trẻ con hàng phố xúm chunh quanh bác kêu lên : “A a con mẹ điên chúng mày ơi!”. Bác chạy, lũ trẻ con cũng chạy theo, người qua đường nhìn nhau chép miệng lắc đầu. Bác chạy đến đầu nhà thương thì viên đội xếp tây hồi nãy đi tuần đã vòng lại, thấy viên này bác săm săm xông ra giữa đường, va vào xe đạp cảu y, túm lấy áo y kêu: “Đưa giả con tao đây! Anh Tương của tao đâu?”. Viên đội xếp Tây bị ngã xuống đường, giận sôi sùng sục đứng phắt dậy tát bác,

[KIỂM DUYỆT BỎ]

bác vẫn không bỏ, miệng vẫn hét lên: “Giả con tao đây, giả con tao đây.” Xa xa trẻ con vỗ tay gieo: “Chúng mày ơi! Lại mà xem con mẹ điên nó đánh cả đội xếp tây”. Viên cảnh sát ta phải đỡ dùi khui đuổi lũ trẻ mới ồ chạy.

[KIỂM DUYỆT BỎ]

Rồi bác cười. Ôi! tiếng cười! sao mà nó ghe sợ thế! Bác cười, cười sằng sặc. Viên đội xếp tây toan ra lệnh cho người tùy thuộc trói bác điệu về bóp thì một vị đốc tư pháp ở nhà thương đi ra tới đấy, vội rẽ người vào. Ông ta nhìn bác Sinh gái một phút rồi nói tiếng pháp với viên đội xếp tây: “Nó điên. Ông ra lệnh cho người cảnh sát kia, kéo nó vào nhà điên ngay. Đừng đánh nó, nó điên”. Tức thì viên cảnh sát ta xông lại, trói bác Sinh gái. Một người phu xe vực bác lên xe. Bác rẫy rụa, kêu hét: “Sao mày lại trói tao? Chúng mày đem tao đi đâu? Giả con tao đây!”.

Giữa lúc ấy, Tương đã ở sở mật thám quay về, y vừa đến. Thoáng thấy Tương, bác Sinh gái la hét: “Anh Tương ơi! Anh cứu tôi với! con đâu, anh Tương ơi!”. Nhưng Tương đã nhìn thấy viên đội xếp tây liền hốt hoảng giơ tay chào rồi đạp xe đi thẳng. Bác Sinh gái lại càng kêu to: “Anh Tương ơi! Anh Tương ơi! Anh bỏ em thế này ư? Anh giết em. Anh giết con anh, anh Tương ơi là anh Tương ơi! Trời ơi là trời ơi!”. Mọi người chẳng ai hiểu gì hết. Tương phóng xe đạp đã hơi xa, mới dừng chân hỏi người đi đường: “Gì đằng ấy thế ông?”.

– Người ta bắt con mẹ ấy vào nhà điên đấy thầy ạ.

Một người đi sau cũng nói:

– Quái! Sao nó lại cứ kêu: “Giả con tao đây”. Rồi lại gọi: “Anh Tương ơi! Anh Tương ơi!”, thế nghĩa là làm sao?

Không dám nghe nữa, Tương cắm cổ phóng xe đạp đi trốn, nước mắt bác trào ra như suối, chuệnh choạng,

(Thiếu trang 24)

Bồi phải nhanh nhẹn thế nào mới lợi dụng được cái giây phút hiếm có ấy để thi hành thủ đoạn. Mà nào chỉ có thế. Lấy được một vật ở ngay trong người người ta có phải dễ dàng đâu! Phải tài tình thế nào mới chạm đến người ta mà người ta không thấy chạm, động đến túi tiền người ta không thấy động, cất nhẹ của người ta một vật rát thân yêu –còn gì thân bằng tiền? mà người ta vẫn thấy như không nhẹ đi một thứ gì?

Thật là cả một công việc, cả một nghệ thuật rất tinh vi, rất tài tình! Ta có thể đứng ở mặt trận những người lương thiện mà kết án, mà tiễn trừ cái nghệ thuật ấy vì nó phạm đến sự an vui của xã hội. Nhưng ta cũng nên có đủ công binh mà nhận rằng ăn cắp không phải là một việc nhẹ nhàng, một việc ăn bám, một việc của quân lười biếng như nhiều người thường nói. Tất cả những quân kẻ cắp lúc đầu chỉ là vì nghèo đói mà phải đi ăn cắp. Bởi  vì hoàn cảnh bắt buộc, chúng phải lấy sự ăn cắp làm một nghề  trong đó, sức tự vệ – cái bản năng chính thức nhất của con người bịu huy động đến từng giây, từng phút. Dần dần,  nhờ thói quen, nhờ luyện tập, nhờ kinh nghiệm lưư truyền  nghề ấy tiến đến cái tinh vi của một kỹ thuật . Đến trình độ này thì nó phải được coi như một trong trăm nghìn cách phát hiện đẹp đẽ của trí khôn con người đã tiến bộ rất cao. Sự ăn cắp, vì thế ăn cắp chỉ là một sản vật của các xã hội văn minh (!) và xã hội càng văn minh thì nó lại càng tinh vi, phức tạp, đó là một sự thực mà ta không có quyền chối cãi.

Sở dĩ tất cả chúng ta phải tiễn-trừ những quân ăn cắp là bởi tất cả chúng ta đều có thể vlà nạn nhân của ăn cắp ấy. Người mất cắp hôn nay là ông nhưng có thể ngày mai là tôi. Tuy vậy ta cũng cần tĩnh trí mà nhận rằng những quân ăn cắp không tự lao ra cái tội của chúng. Cái tội đấy là con đẻ của nghèo đói. Tất cả chúng ta đều cùng có ít nhiều trách nhiệm vào đấy. Vì lẽ đó, ta cũng nên đối xử với những quân ăn cắp công binh hơn, nhàn đạo hơn, hợp lý hơn, mặc dầu ta vẫn phải ngăn cấm và trừng phạt chúng.

*

*     *

Chiều hôm ấy, cũng như mọi buổi chiều, Hóm thấy đói lòng, nó nghĩ đến cách kiếm ăn. Nó liền dời bỏ cái gầm xe bò đặt ở trước cửa một hiện khách buôn rượu,  bia, phố hàng bát cũ. Nó vươn vai đứng dậy, ngáp một cái thật dài và thật ầm ĩ cho đỡ ngái ngủ. Rồi nó lê bước ra máy nước Si-ta-đen, vục mặt vào một thùng sắt tây, tu một ngụm đầy nuốt ừng ực. Xong nó lang thang đi ra phố Hàng Bồ.

Một năm ở nhà tù đã thay đổi cả mặt mũi lẫn tâm hồn nó đi nhiều lắm. Mắt nó boắm xuống, mất hẳn cái vẻ chân thật thuở xưa. Mặt nó choắt đi trông rất láu cá. Người nó cao lên, gầy và khô khẳn. Ở nó, cái bản chất thiên bẩm đã nhường quyền cai trị cho một tính khí xã hội mẩc bông thuần chất nghĩa là độc ác, ích kỷ, liều lĩnh, tê liệt tình cảm. Ít lâu nay nó chẳng còn thương nhớ đến ai hết. Thằng Tếu, bác đội xếp Tương, mẹ nó, cha nó, dì nó chỉ còn là những hình ảnh lu mờ thỉnh thoảng mới hiện ra ở ký ức nó để rồi nhoà ngay không in lại một vết hằn nào. Bây giờ nó chỉ biết có nó, chỉ nghĩ đến nó, đến sự sống hàng ngày cảu nó. Nó chỉ tìm các phương kế để ăn cắp cho thật rễ, để tránh khỏi cái rùi cui của cảnh sát, để không bị các bạn đồng nghệ bát nạt và cũng để ăn chặn của những bạn yếu hơn nó, ngu hơn nó. Cuộc đời ăn cắp đã bắt nó theo cái luân lý của thằng ăn cắp. Lúc này nó mới nhận thấy nó là kẻ thù của xã hội. Nó bắt đầu đề phòng, chiến đấu và cố thắng. Trong cuộc đời như của nó, thua tức là bị đòn đánh, tù tội bị giết chết không ai thương xót.

Nó lanh thang hết phố Hàng Bồ, ra Hàng Ngang, Hàng Đường…..mắt lấm lem nhìn trộm các người qua lại. Đến cuối Hàng Đường, nó dừng bước. Bên trong một cửa hàng vải lụa, nó thoáng thấy một thiếu phụ quê mùa đang quận quận giấy bạc tra vào hà bao. Có lẽ đó là tiền bán tơ lụa của chị ta. Hóm nhìn kỹ vào mặt chị, miệng hở một nụ cười đắc thắng. Cái vẻ người thờ thẫn ngờ nghệch kim, cái cặp mắt lườm gỏi kia, cái mồm vô duyên kia cái cách rụt rè tra tiền vào hà bao kia..tất cả đều cho phép Hóm dự đoán là công việc sắp làm sẽ không gặp sự cản trở gì ở phía nận nhân. Con người như thể sinh ra là để mất cắp. Hóm cứ lởn vởn trước cửa hiệu tơ lụa, mắt không rời bỏ chị nhà quê cực kịch. Chị này chào chủ nhà hàng, rồi nhấc tay nải đeo lên vai, ra về. Hóm lẽo đẽo theo sau. Nó đang nghiên cứu nên rạch mũi dao vào thớ vải nào của cái hà bao thì quận giấy bạc sẽ rơi ra một cách gọn gàng. Nó đang nghĩ phải va chạm cách nào vào người chị ta để làm lạc cái cẩn thận của chị ta đi-người nhà quê nào mới lấy tiền ở đâu đó bước ra phố cũng cẩn thận chú ý vào chỗ để tiền, vì họ đã nghe nói kẻ cắp Hà Nộ ghê gớm lắm nó cứ theo gót chị nhà quê mãi mà chưa thừa được dịp nào may để thi hành ý muốn, nó không dám theo sát chị, sợ nhỡ ra chị này lại thấy nó, đậm nghi rồi phòng bị thì sinh khó khăn cho nó. Nó cứ phải đi cách xa độ dăm bữa, dả vờ hấp tấp như một thằng nhỏ đang mải đi mua một thức gì về cho chủ.

Chị hàng tơ và Hóm đã gần tới Bờ Hồ, Hóm biết chị sắp ra xe về Hà Đông, nên không làm việc mau mau thì nhỡ bét. Nó vội vàng tiến lên vài bước định nhận cái chỗ đầu Hàng Đào quặt ra Hàng Gai có nhiều người đứng chờ xe điện xẽ hạm mạnh vào chị hàng tơ cắt soẹt mảnh hà bao kềnh kệnh, thầy lầy ra ở sườn chị. Chẳng may cho nó, giữa lúc ấy, một người đàn ông ở Hàng Gai vừa tạ đến va ngay vào nó, chia cách nó và chị hàng tơ.

Người đó cau có hỏi chị:

– BA thằng cu Hội làm gì mà lâu thế? Tao nóng ruột quá ra tàu điện nhanh lên. Không có nso chạy mất bây giờ, lại chờ khổ.

– Vừa nói người ấy vừa đẩy vợ chạy ù ra chỗ xe điện đỗ. Hóm đứng trơ mắt chẫu mắt nhìn theo, thở dài. Thật  là công cốc. Miếng ăn gần kề miệng còn có kẻ giật lại , là thế. Đành phận, nó nhẫn nại đi tìm một cái mồi khác.Vừa đi nó vừa chửi thầm: Tổ chấy nó ra biết thế cứ thịt luôn nó ở nó ở đầu Hàng Báo thì có lẽ sơi được rồi! Bụng nó đã đến một trình độ đói khá cao. Có gánh hàng khoai đi trước, nó liền thò tay nhón hai củ, lùi về phía sau, cầm nhồm nhoằm. Những kẻ qua đường nhìn nó, lãnh đạm. Có người lườm lườm con mắt, tỏ ý ghê tởm quà  ăn cắp.Nó mặc kệ, cứ thung  dung ăn hết củ khoai lang. Đã hơi no dạ, nó mới thủng thẳng đi tìm một món to đủ cung cho sự chi tiêu hàng bẩy tám ngày, có khi lại hàng nửa tháng.

Nó vẫn đi Hàng Gai, Hàng Bông, ga Hàng Cỏ…nó cứ lanh thang vớ vẩn, chực kiếm ăn. Đèn điện thành phố đã bật các vỉa hè bắt đầu đông đúc hơn, tấp nập hơn.

Hóm có cảm tưởng tối nay, hè phố nhộn hịp khác hẳn ngày thường, nó hỏi một người đi đường:

– Ông ơi tối nay có hội gì mà đông thế?

– Chợ phiên.

– À! Chợ phiên! Ở đâu hở ông?

– Bãi Nghĩa Dũng.

Hóm mừng rỡ. Các cuộc vui, bất kỳ là cuộc gì, miễn có đong người tụ tập, đều là cái mừng rỡ của lũ ma cả đông, chúng được cơ hội làm tiền nhiều và rễ rãi. Khi nô đùa thì ai còn săn sóc đến cái túi tiền?

Hóm liền đi lộn trở lại, theo  gót các tốp trai thanh gái lịch đang đú đởn trên các hè phố. Chợt xe điện ở Kim Liên chạy lên, kêu leng keng. Hai toa xe chặt ních người Hóm bỗng nghĩ ra à xe đi lên nhà thuốc lá đây. Đi nhờ lên Nghĩa Dũng cái. Nó liền phăng phăng chạy theo, mông tê xe điện. Ngồi ngay ở chỗ đít loa, đến bến nứa nó nhảy xuống đi bộ đến Nghĩa Dũng. Xa xa chỗ có chựo phiên ánh đèn thắp sáng rực cả một góc trời. Đường cái, chặt lên những xe cộ và người.

Hóm lần vào giữa đám đông, cổng chợ phiên làm như kiểu cổng dấu sảo nhưng sơ sài hơn, mấy cái cột to, cột nhỏ của cửa ra vào đều có điện viền sáng chưng, bên trong tiếng ồn ào không dứt. Trước cửa mươi đứa trẻ cầm công phét ty gói vào các bao giấy đóng nhỏ buộc túm lại một đầu, đi đi lại lại mời khách mua soắn suýt. Cạnh chỗ bán vó, một viên đội xếp tây đứng cạnh gác. Mấy cậu học sinh hướng đạo nhanh nhẹn và lịch sự giữ chức vụ soát vé vào cửa.

Những sóng người phần đông là nam nữ thanh niên, ồ vào chợ nhiều như nước….không được cái bất hạnh theo gót họ. Nó phải đi vòng quanh rào chợ phiên tìm một lỗ hổng chui vào. Đối với nó, công việc ấy dễ như dở bàn tay. Nháy mắt nó đã ở trong chợ phiên lơ láo không biết nên đi vào ngả nào trước. Đang đứng ngơ ngác, nó chợt thấy Quý và các bạn ở gian trò “Săn ái tình” bước ra. Nó vẫn còn nhớ cái khuôn mặt gây gẫy, cái cặp mắt …., cái cổ ngẩng của cậu. Nhớ đến sự ăn cắp đồng lõa ngày xưa, nó liền chạy lại đi bên cạnh khẽ gọi:

– Cậu Quý, cậu còn nhớ con không?

Quý đang mê man ngó theo một đoàn thiếu nữ vừa đi ngang trước mặt. Thấy có tiếng gọi cậu ngoảnh lại, cao mắt nhìn Hôm, hỏi gắt:

– Mày là ai? Sao mày lại gọi tao?

– Thưa cậu, Hóm đây mà. Cậu cho con xin một hào đi ăn cơm. Con đói lắm.

Quý “à” một tiếng, nhưng vội qoắc mắt đuổi:

– Bước! Ai biết mày. Sao lại định ăn cắp hở?

Mấy cậu bạn Quý nghe thấy hai tiếng ăn cắp, quay lại sừng sỏ:

– Đâu nó đâu? Nó ăn cắp gì? Nó đâu hở?

Hậu đã đá một mũi giầy tây vào giữa mông Hôm, miệng quát tháo:

– Bắt nó đem ra đội xếp, ăn cắp hở?

– Lạy cậu con có ăn cắp đâu.

Hôm vừa lạy vừa cắp mông chạy biến ra chỗ khác, lầu bầu: “Mẹ kiếp! lấy cắp của bố mẹ, lấy tiền đi diện chứ chó gì mà làm phách!” Nhưng sự tấp nập chung quanh làm nó quên ngày Quý và cái đá lúc nãy. Nó chạy đến gian họp sòng bạc, nó len vào đám người đánh bạc đứng xem. Nó để ý đến sự may rủi của cuộc đỏ đen thì ít mà để ý đến người đánh thì nhiều. Thoáng một cái nó đã rút được một cái ví. Nó giắt ngay vào bụng, lấy cặp quần soắn chặt lấy, rồi không tham lam, nó tìm cái lỗ hổng ban nãy chui ra. Nó vừa ló được cái đầu ra ngoài rào thì một người tuần đinh ở đâu lù lù đến. Hắn vụt mạnh một roi rồi thét: “Bắt thằng này, lậu vé”. Bị một roi ngang gáy đau quá, Hôm chệch choạng suýt ngã, nhưng lại sợ người tuần đòi khám, nó vội đâm bổ đầu chạy, bụng nó bỗng thót lại. Cái ví tụt xuống ống quần, rơi ra cỏ. Người tuần nhặt ví, nhìn theo Hôm chạy trong bóng tối, nói một mình: “À! ra nó ăn cắp”. Rồi hắn điềm nhiên đút ví vào túi, lấy kim băng gài kín miệng túi lại, hí hởm gặp được một cái bỗng giời oi.

Hôm chạy thật xa mới dám dừng lại. Nó tiếc ngẩn tiếc ngơ cái ví. Nó đổ chừng trong đó ít ra cũng có một hai chục. Ví đã vào đánh bạc ai lại mang đi kém số tiền ấy? Nó chửi chống không: “Thật số ăn mày, Bố cả làng nó tự nhiên phát tài!”. Nó lại nghĩ thầm để tự an ủi: “Nhưng thôi cũng may, mất thế còn hơn là nó tóm được. Lại đòn bỏ cha, rồi lại tù!”. Thanừg Hôm làm nghề ăn cắp mà sợ đòn sợ tù như một người lương thiện. Nó sợ đòn vì có thể nó từ tấm bé đã bị thương nhiều rồi nên bây giờ, một quả đấm, một chiếc roi vụt làm nó ê ẩm xương thịt không chịu được. Nó sợ tù vì mất tự do. Nó quen chân nhảy đã lâu, bị dam hãm thì lấy làm bực dọc lắm. Nó là đứa con của hè phố dài rộng, của đêm – trưởng mênh mông và của bầu trời không bờ bến.

Bởi có hai cái sợ rất mâu thuẫn với cuộc đời ăn cắp như thế, nên thình thoảng mỗi khi tránh thoát được một trận đòn hay một sự tù tội thì nó lại chán chường cái nghề độc thân của nó. Những lúc ấy nó lại ao ước, mơ hồ một cuộc sống trong vòng pháp luật và luân lý của mọi người. Tối nay mấy lần đen rấp, lại một lần bị tóm hụt, nó lại thấy cái vị chua cay của sự chán chường kia dâng lên đầu lưỡi. Và cái ao ước mơ hồ kia cũng lại mọc ra trong tâm trí của nó với một sự quyến rũ lạ lùng. Nó buồn rầu nhận thấy rằng, trong cuộc chiến đấu từng giờ từng phút với xã hội, bao giờ nó cũng bị rồn vào mặt trận thất bại. Nó đã cố thắng mà không tài nào thắng được. Hai lần ở nhà tù, nó gặp không biết bao nhiêu là tay gian bợm anh hùng khôn ngoan gấp nghìn lần nó. Thì ra, anh hùng thế, khôn ngoan thế cũng không tránh thoát tội tù. Huống hồ nó, một đứa trẻ mười bày mười tám tuổi, thì làm sao mà rồi chẳng bị xã hội nghiền nát ngày mai ngày mốt. Nó nghĩ đến sự đầu hàng. Nó nghĩ đến hàng trăm nghìn đứa trẻ trạc tuổi nó đang loay hoay sống một đời tuy đọa đầy nhưng lương thiện, hợp pháp. Nó tự hỏi: “Sao chúng nó chịu được mà mình không chịu được?”. Nó cho nó là thiếu can đảm, thiếu nhẫn nại, thiếu khôn ngoan hơn lũ trẻ kia. Nó thấy nó bẽn lẽn hơn thằng Tý bán kẹo, hèn hơn thằng Minh, thằng Vom học việc ở hiệu may Đông Xuyên. Nó ngồi dưới một cột đèn, suy nghĩ bần thần cả người. Cái bản chất lương thiện, di truyền của cha mẹ đã chồm dạy chống với cái tính khí ma – cà – rồng của Hôm. Và bản chất ấy đã thắng.

Hôm đứng lên, không vào chợ phiên mà cũng không nghĩ đến việc ăn cắp nữa. Nó đi thất thểu về phố. Đến đầu làng Than, nó chợt nhớ đến hiệu may Đông Xuyên, vội rẽ ra hàng Bún. Nhưng một người ở hiệu may vừa bước ra với vợ và hai đứa con gái đã thoáng nhận được nó. Người ấy là bác cái Tương. Bác cùng vợ con đến rủ ông Đông Xuyên đi chợ phiên nhưng ông nó thoái thác là bận việc quá không chịu đi. Thấy Hôm lần về hàng Bún, Tương luống cuống cả người. Nếu không có vợ con thì bác đã chạy theo Hôm. Từ sau hôm ấy bi kịch kia xảy ra, bác hối hận và buồn bã không biết nhường nào. Bác tự ghép cho mình cái trách nhiệm về cuộc đời Hôm và mẹ Hôm. Bác vẫn ngày đêm cầu nguyện cho hai mẹ con đau khổ kia đỡ được một đôi phần đau khổ.

Tương không thể để Hôm đi như thế mà không gọi lại. Nhưng bác lại sợ vợ hỏi chuyện dài dòng. Thành thử tự dưng đang đi bác đứng sững ở đầu hàng Than.

– Kìa, đi chứ cậu?

Nghe tiếng giục giã, bác như người tỉnh mộng, hốt hoảng bảo:

– Mợ chờ tôi ở nhà bác Đông Xuyên một lát nhé, tôi phải đi có việc cần bây giờ.

– Ô hay, cậu được nghỉ phép hai ngày cơ mà, có việc gì cần đến thế?

– Không! Tôi có hứa với hai người bạn là tối nay gặp mặt ở nhà ông Đội Thọ để bàn việc đi tết cái – tooc duy – đê. Tôi quên khuấy đi mất. Tôi phải lại ngay đấy bây giờ, bảo họ cứ tùy ý định thế nào mình theo thế. Mợ chờ tôi độ nửa giờ thôi, tôi quay lại ngay. Thế nào cũng phải có mặt ở đấy bây giờ.

Tưởng thật, vợ Tương tiu nghỉu phàn nàn:

– Có việc thế mà còn giục người ta đi chợ phiên.

– Tôi quên khuấy đi mất mới khổ chứ. Thôi mợ banừg lòng, chờ một tý. Vợ Tương giắt con quay lại hiệu may. Tương gọi rật một cái xe, vợ thuê:

– Lại hàng Hôm mấy xu?

– Xin ông năm xu.

– Ừ! Đỗ xuống.

Lão phu xe toan chạy qua hàng Than thì bác khẽ truyền lệnh cho đi về hàng Bún. Đến hàng Bún bác bảo xe đỗ xuống, cho hai xu: “Thôi tôi xuống đây”. Lão phu xe hi hững cầm tiền, lấy làm lạ cho người khách hàng kỳ dị.

Tương nhảy xuống hễ chạy đến bệ nhà thương khách, nắm lấy vai Hôm. Thằng bé này tưởng ai bắt mình, bắt tay bác ra ù té chạy. Đó là cái cử động trực nhiên của một đứa ăn cắp ở vào trường hợp ấy. Bác chạy theo gọi:

– Hôm! Hôm!

Hôm mới đứng lại nhìn lắp bắp:

– Chú! Chú Tương.

– Sao cháu lại chạy.

– Cháu tưởng ai bắt cháu.

– Bấy lâu nay, ra cháu vẫn sống bằng nghề ăn cắp à?

Hôm thẹn thùng trả lời nho nhỏ:

– Vâng.

Hai người, một cha một con cùng yên lặng nghe tiếng vâng sường sượng ấy vang rội vào lương tâm mình. Lúc lâu Tương mới ngậm ngùi hỏi:

– Từ ngày ở hỏa lò ra cháu có gặp mẹ cháu đâu không?

– Không, có lẽ mẹ cháu bị bắt đem lên Vôi rồi. Cháu nghe có người bảo thế.

– Tội nghiệp quá! Sao cháu không chịu làm ăn lương thiện cứ sống cái đờ gian phi này mãi thế?

Không biết trong giọng nói của Tương có cái gì mà nghe hỏi, Hôm cảm động, rưng rưng nước mắt. Bao giờ đứng trước mặt Tương, nó cũng thấy lòng rung động và muốn chiều ý Tương ngay bất kỳ là cái gì. Tương đã tiếp:

– Sao cháu không thương cái thân cháu, cứ đầy đọa nó cho bị đòn đánh tù tội mãi thế? ở đời, phải sống cho lương thiện thì mới được cháu ạ. Cháu có thương mẹ cháu không?

Nước mắt trào ra mi mắt Hôm, chẩy xuống má. Nó nghẹn ngào đáp.

– Cháu có muốn sống thế này mãi đâu. Cháu cũng muốn có công việc làm ăn, rồi cháu tìm mẹ cháu về ở với cháu. Nhưng có công việc gì mà làm được? Cháu cũng biết cháu bỏ hiệu Đông Xuyên là làm phiền cho chú lắm, nhưng có phải tại cháu đâu.

Thấy con mình vẫn giữ được cốt cách lương thiện, Tương mừng lắm, Bác hỏi Hôm:

– Thế bây giờ chú tìm cho cháu một công việc khác, cháu có chịu làm không?

– Chú có thể cho cháu về ở với chú được không?

Câu hỏi của Hôm bất ngờ làm Tương lúng túng. Bác hỏi lại:

– Cháu thích ở với chú ư?

– Vâng, cháu thích lắm.

Cả tâm hồn người cha bí mật ấy rung lên. Tiếng gọi của máu mủ quả có một mãnh lực phi thường. Tương yên lặng, thổn thức thầm. Bác buồn bã bảo Hôm:

– Không thể đem cháu về nhà được cháu ạ. Thôi để chú kiếm cho một việc làm. Cháu có muốn làm thợ nhà máy không?

– Cái đấy cháu muốn đã lâu mà không thể nào tìm được.

– Chú có quen một người thợ nguội làm ở Hải Phòng để chú đưa cháu xuống nhờ bác ta lấy cháu làm chân phụ. Thể nào cũng được. Chú đã hỏi thử bác ấy ba bốn lần rồi. Bác ấy trước ở ngũ với chú, chơi thân lắm, gọi là bác Hiếu. Nhưng không biết cháu có chịu được cái vất cả của đời thợ phụ không?

– Cháu hứa với chú, vất vả đến đâu cháu cũng chịu được. Chú tính còn cái gì vất vả được bằng cái nghề ăn cắp?

Ừ! Thế thì tốt lắm, sáng sớm mai hồi năm giờ, cháu chờ chú ở ga Hàng Cỏ nhé. Đây cháu cầm lấy tiền lấy vé cứ vào cửa trước. Chú ra sau. Nhớ chưa?

Hôm cầm lấy tiền trả lời:

– Vâng, cháu nhớ rồi.

– Đây cho cháu năm hào mà ăn quà này.

– Xin chú.

– Thôi chú phải về đây, nhớ đấy nhé.

– Vâng ạ.

Tương đã lên xe rồi mà Hóm vẫn còn tần ngần đứng ngó theo. Nó thấy làm lạ sao ở trên đời lại có người chú tốt với cháu đến thế. Thực quả nó cũng chẳng hiểu nó và Tương họ hàng ra sao. Nó chỉ biết nó yêu Tương, nghe lời Tương như chưa hề nghe lời ai từ trước tới giờ.

Rồi, tự nhiên, sự liên tưởng bắt nó nhớ đến mẹ nó, nhớ …..Hóm nó bị giải đi Săng – tan. Và nó cứ băn khoăn nhẩm mãi trong mồm câu van lon của mẹ nó hôm ấy, mà nó chỉ nhớ thôi, không hiểu được “Anh Tương ơi! Con anh đấy mà.”

Con anh! Anh Tương! Thế là nghĩa ra làm sao? Rút cuộc nó giải quyết môn toán ly kỳ ấy bằng bốn bát phở ba. Rồi nó lăn kềnh ra hè, ngủ để hôm sau dạy sớm ra ga.

Trương Tửu

Sources:

BÀI LIÊN QUAN