Tiểu thuyết “Thằng Hóm” – phần XIV

Tiểu thuyết “Thằng Hóm” – phần XIV

Trên một căn gác, phố Cửa Đông, Tương nằm võng đưa kẽo kẹt, vơ vẩn nhìn lên trần nhà. Buổi trưa tĩnh mịch làm uể oải tâm hồn bác. Mắt lim dim, đầu trống rỗng, bác yên lặng hưởng cái mắt nhân tạo, ngắn ngủi của sự nằm võng. Thỉnh thoảng bác lại thả chân phải xuống, đạp vào thành giường một cái cho chiếc võng đưa cao vút. Bác thấy sống lại cái cảm giác chóng mặt hồi nhỏ lúc đánh đu ở sân đình.

Ở gác trong, chợt vẳng ra tiếng hát ru con buồn tẻ của bác đội Huỳnh gái thuê chung với Tương:

“Trăm năm vì nỗi hẹn hò,

Cây đa bến cũ con đò khác đưa”…

Câu hát ngân nga mãi trong không gian. Rội vào lòng Tương một xúc động lạ lùng. Bác trách thầm người ru con kia đã vô tình hát lên những lời sắc bén như dao cắt đứt từng mảnh hồn bác, từng thớ tim bác, từng mẩu đời bác. Bác bồi hồi nhớ đến mối tình xưa mà lòng càng tê tái, sót sa như có một bàn tay vô hình bằng muối đang vò, đang bóp. Bác thương Thìn, thương Hóm, thương mình. Bác hờn oán ông tơ bà nguyệt sao khéo đa đoan, buộc nhan vào rồi lại nhẫn tâm chia rẽ nhan ra. Bác khe khẽ ngâm:

“Thà rằng chẳng biết cho xong,

Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!

Trách người ít, trách ta nhiều,

Vì ta chặt néo cho diều đứt dây.

Sầu thương càng gạt càng đầy,

Xa xôi ai thấu nỗi này cho chăng?”…

Rứt lời ngâm, bác ngồi dậy, xuống giường quơ tay lên cái bàn lấy cái điếu thuốc lào, để điếu vào sát lòng, bác thong thả rít thuốc, châm lửa, rít một hơi tướng đến rụt nõ. Bác thở khói ra từ từ, mắt lơ mơ như người buồn ngủ. Rồi bác lại ra võng nằm, rồi nghêu ngao:

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

Ai ơi, ai ở chốn nào, hỡi ai?”

– Gớm nhớ ai mà hát gầm lên thế?

Bác Tương gái vừa đi đàn về lên tiếng trách quở chồng. Tương cười xòa, lẳng lơ:

– Nhớ mợ chứ còn nhớ ai nữa.

– Chão! Còn ít tuổi lắm đấy, các con đâu cả?

– Chúng nó chơi ở dưới nhà ấy chứ đâu.

Bác Tương gái cởi áo, ngồi quạt phành phạch.

– Chết thật, bố ở nhà với hai con mà con đâu bố không biết, chỉ nằm hát nghêu ngao thương với nhớ. Ít lâu nay cứ động hát là chỉ thấy những thương với nhớ. Hay là lại dở chứng ra đấy:

– Phải rồi. Dở chứng đấy. Dở chứng đến cát – tót day – dô, sang năm lên chức đội đây mà.

– Chỉ được cái thế là không ai bằng. À này, cậu giữ cái văn tự ruộng ở nhà quê để đâu, có cần thận không đấy?

– Sao mợ lại hỏi thế?

– Hỏi cho biết, ngộ nhỡ lúc phải dùng đến.

– À thế nào mựo lại chỗ đằng chị Ký ra sao?

– Xem chừng ra có thể buôn chung với chị ấy được. Buôn gỗ bây giờ có lẽ ăn thua. Nhưng ít ra mỗi người cũng phải bỏ ra năm trăm, mình làm gì có đủ. Tôi nghĩ hay là bán quách bốn mẫu ruộng đi lấy tiền mà buôn may ra giời cho khá thì lại mua ruộng khác, cần gì.

– Úi chào! Có chắc chắn không, chẳng lại thả mồi bắt bóng thì lại khốn.

– Cũng phải xem chắc chắn thì mới liệu chứ. Thôi cái việc chữa nhà thờ tổ ở quê cậu định tháng sau khởi công, tôi tưởng hàng nán lại sang năm có được không?

– Tôi chỉ sợ để thế làng nước người ta phì phiếu cho.

– Nó cũng chưa đến nỗi tồi tệ lắm mà.

– Ừ, mợ liệu xem. Cần đến tiền buôn thì nán lại cũng được…

Cái Long, cái Ly ở dưới cầu thang chạy bổ lên, sả vào lòng mẹ xin tiền. Bác Tương gái lấy quạt phẩy cho hai con, hỏi:

– Chúng mày đi chơi nắng phải không”

Long, tám tuổi, trả lời trước chị Ly nó:

– Thưa mợ không, chúng con đánh giải ranh với cái Vận ở bên cạnh nhà.

Bác Tương gái xoa đầu nó, rồi cho mỗi đứa một xu.

– Ăn cái gì lành lành ấy nhé. Lại sắp ăn bậy vào rồi tao bảo cho.

Hai đứa trẻ đã lại thủng thỉnh rủ nhau xuống cầu thang. Bác Tương gái bảo chồng:

– Cai Ly năm nay lên mười rồi. Cậu có định hết hè xin cho nó vào trường Hàng Cót không, chứ học tư mãi thế tốn lắm.

– Để liệu xem.

Bác Tương gái đứng lên, rót nước uống và dóng hỏi:

– Chiều nay chủ nhật cậu có uống rượu không nào để tôi đi chợ mua cái ăn…. Không thì xuống cửa mua nó đi rong cũng được.

– Ở đây ! Mợ xem có cái gì làm đánh chén cái.

Bác Tương gái lườm yêu chồng:

– Chỉ nói đến đánh chén là nhanh thôi.

Tương mỉm cười, lại tụt võng xuống giường ngồi, kéo điếu thuốc lào hút. Bác vừa lấy hai đầu ngón tay vè vè điếu thuốc cho tròn vừa khề khà ngâm, hình như để trả lời vợ:

Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy,

Độ năm ba chén đã say nhè!

Bác chưa ngâm hết câu thơ thì bỗng ở dưới đường có tiếng kêu…

– Ăn cắp ! Ai bắt cho tôi thằng ăn cắp.

Bác đứng phắt lên, nhòm qua cửa sổ ra ngoài. Ở phía Si-ta-đen, một thằng ma-cả-bỏng trạc mười sáu mười bẩy đang cắm cổ chạy. Sau lưng nó, một người đàn bà nhà quê hấp tấp đuổi theo và kêu như trên. Thói quen của nghề nghiệp đã dục dã bác Toan chạy xuống bắt thằng ăn cắp, mặc dầu hôm nay, bác không mặc bộ y phục cảnh sát. Nhưng bác chưa xỏ xong chan vào đôi guốc thì một hình ảnh quen quen ở đâu bỗng hiện ra trước mắt bác làm bác lại ngồi phịch xuống giường. Bác vừa thấy hình ảnh Hóm hai tay bị xích ngồi trên xe đang van lợn “Con oan! Con oan ! Con không ăn cắp”. Bác buông tiếng thở dài. Ít lâu ngày bác thấy hình như bác khó lòng mà làm cho trọn nghĩa vụ một viên cảnh sát được. Mỗi lần trực bắt một tên ăn cắp thì bác lại tự hỏi: “Biết đâu nó lại chăng là một thằng Hóm khác?”. Bác tin rằng những đứa ăn cắp ấy, cũng như Hóm, đều là nạn nhân của một gia đình suy đốn, của một hoàn cảnh xã hội.

Chúng vô tội. Bác không đang tâm bắt chúng, đánh chúng, giải chúng về bóp cho pháp luật trừng trị chúng. Tuy vẫn phải làm phận sự nhưng bác Tương không còn tin tưởng ở việc mình làm như trước nữa.

[KIỂM DUYỆT BỎ]

Bác ngồi thừ mặt nghĩ – ngợi. Mãi đến lúc ông đội Huỳnh gác trong lộp cộp lên thang, bác mới hết bâng khuâng. Ông đội vứt vội cái áo vàng xuống giường rồi chạy ngay ra, đưa cho Tương một tờ nhật bác, lắc đầu quầy quậy:

– Ghê quá! Ông xem. Có cái nạn lao động hôm qua ghê sợ quá.

Nể bạn, Tương phải cầm lấy báo uể oải mở xem. Nhưng vừa trông vào trang nhất, bác đã bủn nhủn cả người. Cuối trang, bên tay mặt, dưới mục “Tin sau cùng” một đầu đề chữ to tướng “Một tai nạn ghê gớm ở cái đà của sở Lục – lộ Hai Phong: Bốn người đàn bà chết tươi”. Dưới có một dòng chữ nhỏ hơn: “Hóm, một cậu bé phụ việc mười bảy tuổi thấy mẹ là Nguyễn Thị Tương bị nạn chết liền bác thoi sắt giết viên cai kíp: cậu đã bị bắt”. Dưới nữa, một câu chữ in thường: “Mai bản báo sẽ tường thuật rõ vụ tai nạn”. Cách mấy dòng chữ ấy, in đóng khung hình ảnh Hóm bị xích tay ở đà. Dưới tấm ảnh, thấy chữ: “Đây là cậu bé phụ việc đã giết viên cai kíp để trả thù cho mẹ cậu bị chết”.

Tất cả chỉ có thế. Đọc xong, Tương không thể nén được mối xúc cảm quá mạnh dâng lên tâm hồn. Bác gục mặt xuống bàn, òa khó. Ông đội Huỳnh ngạc nhiên hỏi:

– Gì thế ông?

Bác không trả lời, cứ nức nở khóc như một đứa trẻ con. Vợ bác vừa về nghe tiếng khóc liền chạy lên, chẳng hiểu gì hết, hỏi luýnh quýnh:

– Sao thế cậu? Sao thế hả ông Đội?

Ông Đội phân trần:

– Tôi cũng không hiểu. Bác ấy vừa xem tin nạn lao động ở Hai-phong òa khóc.

Bác Tương gái cuống quýt, lo ngại:

– Sao lại thế được? Cậu ! Cậu ! Cậu ơi!

Tương lử lử ngẩng đầu, nhìn vợ và hai con. Mắt bác hoảng lên, vợ bác, bác trông ra Thìn… Con bác, bác trông ra Hóm. Bác đờ người, nhìn giây lâu hai cái hình ảo tưởng ấy, rồi rú lên:

– Em ơi!… Con ơi!…

Rứt tiếng rú, bác ngã vật xuống giường, ngất đi. Vợ bác hoảng hốt giật tóc mai bác, gọi thất thanh:

– Anh Tương ! Anh Tương ! Em đây mà.

Bác mấp máy môi hình như chực nói, mở khẽ mi mắt, nhưng lại mím miệng lại ngay, nhắm mắt lại ngay. Vợ bác kêu khóc.

– Anh Tương ! Anh Tương ơi!

Hai đứa con cũng khóc theo mẹ. Ông đội Huỳnh mặc áo chạy đi mời ông lang hộ. Vợ Tương, giậm chân xuống sàn, rền rĩ:

– Giời ơi ! làm thế nào bây giờ?

Rồi thiếu phụ lại khóc. Rồi hai đứa con lại khóc. Tiếng khóc vang động, thảm thiết làm náo động cả cải tinh mịch của trưa hè…

Trương Tửu

Sources:

BÀI LIÊN QUAN