Tìm hiểu nguồn gốc ‘Tiến sĩ’ trong lịch sử cổ đại Trung Hoa

Tìm hiểu nguồn gốc ‘Tiến sĩ’ trong lịch sử cổ đại Trung Hoa

Hệ thống học vị trong thế giới ngày nay xếp theo thứ tự từ thấp đến cao gồm: Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Bài này cung cấp thêm những kiến thức liên quan đến danh xưng này trong lịch sử các triều đại Trung Hoa xưa.

Xuất xứ cách gọi “tiến sĩ”

Cách gọi “Tiến sĩ” được thấy sớm nhất trong sách «Chiến quốc sách – Triệu sách tam», sách ghi: “Trịnh Đồng Bắc gặp Triệu vương, Triệu vương rằng: Khanh là tiến sĩ phương Nam.” Ở đây chữ “tiến sĩ” chỉ có nghĩa nói về người hiểu nhiều biết rộng. Nhưng sau này từ “Tiến sĩ” đã được dùng để đặt cho chức quan. Trong sách «Ngũ kinh dị nghĩa», Từ Thận (徐慎) ghi: “Thời Chiến Quốc, nước Tề có chức quan Tiến sĩ” (战国时,齐置博士之官). Trong «Sử ký – Tuân Lại liệt truyện» ghi: “Công Nghĩa Tu, Tiến sĩ nước Lỗ.” Trong «Hán thư – Bách quan công khanh biểu thượng» (sách về chức quan – ND) ghi: “Tiến sĩ, quan nhà Tần, thông hiểu cổ kim.” Như vậy là Tiến sĩ ở đây chỉ về một chức quan trong triều đình.

Tiến sĩ Đổng Trọng Thư

Tiến sĩ Đổng Trọng Thư thời Tây Hán. (Ảnh: wikipedia)

Thời nhà Tần và đầu nhà Hán, trách nhiệm của Tiến sĩ là quản thư sách, vì là người hiểu nhiều biết rộng nên giữ vai trò làm cố vấn. Những vị Tiến sĩ nổi tiếng nhất thường được nhắc tới là Phục Sinh (伏生) triều nhà Tần, Cổ Nghị (贾谊) và Đổng Trọng Thư thời Tây Hán. Tiến sĩ Phục Sinh triều nhà Tần là người có học vấn cao thâm, tinh thông «Thượng thư» (sách ghi chép các tư liệu từ thời Thượng cổ – ND), đến thời Hán Văn Đế dù hơn 90 tuổi vẫn đọc thuộc hai mươi tám thiên của «Thượng thư»; Cổ Nghị là nhà văn, nhà tư tưởng, nhà chính trị kiệt xuất thời Tây Hán, năm 18 tuổi đã thuộc «Thi», «Thư», năm 28 tuổi thạo Bách Gia Chư Tử, được Văn Đế phong làm Tiến sĩ; Đại Nho triều Hán là Đổng Trọng Thư từ nhỏ đã cần cù ham đọc sách, vì học vấn quá uyên bác nên được Cảnh Đế phong làm Tiến sĩ.

Tiến sĩ Cổ Nghị thời Tây Hán.

Tiến sĩ Cổ Nghị thời Tây Hán. (Ảnh: Internet)

Quá trình phát triển

Thời Tần Thủy Hoàng có 70 Tiến sĩ. Thời Hán Vũ Đế áp dụng đề xuất của Công Tôn Hoằng (公孙弘) phong Tiến sĩ Ngũ kinh chuyên làm nhiệm vụ truyền dạy kinh học, dần dần cách gọi “tiến sĩ” được thay đổi để dành cho người làm nghề dạy học, từ đó số lượng Tiến sĩ ngày càng nhiều. Thời Ngụy – Tấn, Tiến sĩ là chức quan phụ trách một lĩnh vực chuyên biệt, có Tiến sĩ về lễ nghi phụ trách việc lễ nghi của cung đình, Tiến sĩ về âm luật quản hoạt động âm nhạc và ca múa; Tiến sĩ về y thuật, là người giỏi dược lý và chữa bệnh, tương tự là các Tiến sĩ về thiên văn, lịch pháp, chiêm bốc… Số lượng Tiến sĩ thời nhà Tùy – Đường càng phát triển nhiều hơn, có Tiến sĩ Y học, Luật học, Toán học, Châu học, Huyện học… chuyên đi truyền dạy kiến thức.

Theo sự phát triển, Tiến sĩ triều Tống có số lượng hùng hậu hơn và chuyên môn phong phú hơn, có thêm các chức quan tiến sĩ như Võ học, Tông học… Về cách thức tuyển chọn, nếu trước đây chọn trực tiếp từ trong cộng đồng thông qua thi cử «Hiếu kinh», «Luận ngữ» thì thời này được sửa đổi thành do quan Tể tướng trực tiếp bổ nhiệm hoặc cơ quan phụ trách nhân sự kiểm tra đánh giá, sau đó bổ nhiệm. Tiến sĩ triều Tống có phân tầng rõ ràng, trách nhiệm thu hẹp hơn, rất có địa vị trong xã hội. Nhưng cho dù thay đổi thế nào thì cách gọi “tiến sĩ” vẫn luôn có điểm chung nhất quán từ cổ chí kim, đó là chỉ: người được học hành đoàng hoàng, hiểu biết chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định.

Thành danh xưng trong công việc

Cách gọi “tiến sĩ” ban đầu để chỉ người hiểu nhiều biết rộng, sau phát triển thành chức vị trong quan trường, sau lại được người ta đưa vào trong hoạt động nghề nghiệp, ví dụ như các cách gọi “Tiến sĩ Trà”, “Tiến sĩ rượu”…

Cách gọi “Tiến sĩ trà” sớm nhất xuất hiện đầu tiên vào thời nhà Đường, để phong cho người tinh thông nghệ thuật pha trà. Trần Vũ Nhân (陆羽因) có cuốn «Trà kinh» nổi tiếng, được vua Đường Đức Tông phong là “Tiến sĩ trà.” Đến triều Tống, vị trí “Tiến sĩ trà” rất được tôn trọng. Đặc biệt hài hước là người ta căn cứ theo kỹ thuật cao thấp của người làm thuê trong quán trà để gọi “Tiến sĩ trà” hay “Cử nhân trà,” không biết có phải cách phân chia ngôi vị cao thấp “Tiến sĩ” và “Cử nhân” có nguồn gốc từ đây không?

Tiểu nhị phục vụ quán

Tiểu nhị phục vụ quán. Ảnh:baidu.com

“Tiến sĩ rượu” là người phục vụ giỏi trong tửu điếm, họ cần có những kỹ năng cơ bản như: một là hiểu biết thông thạo các loại món ăn, giá tiền cũng như cách làm món ăn trong tửu điếm, từ đó truyền đạt ý tưởng của khách cho đầu bếp; khi tính tiền phải biết cách tính toán cho rõ ràng, không phạm sai lầm. Hai là khi quán đông khách có thể phục vụ nhanh chóng, không để khách đợi lâu.

Khi gọi người làm một nghề nghiệp kiếm sống nhất định là “Tiến sĩ” nghĩa là nói đến trình độ điêu luyện về tay nghề của người đó, phản ánh sự phát triển trong phân công lao động ngày càng tinh tế của nền kinh tế xã hội.

Theo Secretchina

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN