Tản văn: Tình thầy là mãi mãi

Tản văn: Tình thầy là mãi mãi

Dù một ngày kia, không biết cuộc sống này sẽ đưa tôi về bến bờ nào và tôi cũng không biết được mảnh đất nào sẽ là nơi tôi ở lại, nhưng tình thầy trong tôi là mãi mãi, thầy mãi sáng trong tôi… Xin dành tất cả những điều hạnh phúc nhất tri ân tới người thầy yêu quý của tôi

thầy giáo tôi

Cầm tờ quyết định đi thực tập, tôi sung sướng hét lên. Cả lớp ai cũng giật mình quay nhìn về phía tôi với con mắt tò mò không hiểu. Tôi ngượng ngùng cười gượng đi vào chỗ ngồi của mình, lật qua lật lại trang sách trên bàn.

Cách đây không lâu, tôi đăng ký thực tập ở trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình. Còn quê tôi ở huyện Quỳnh Phụ – Thái Bình, nơi có mái trường cấp III Quỳnh Côi thân yêu. Mái trường ấy đã dệt lên trong tôi biết bao mơ ước, kỷ niệm về tình bạn, tình thầy trò thắm thiết. Lúc đăng kí trường thực tập, tôi thầm ước giá như được về mái trường tôi đã học thì hạnh phúc biết bao. Nhưng trong danh sách không có tên trường THPT Quỳnh Côi .

Nhưng hôm nay, đọc tờ quyết định về việc thay đổi một số trường thực tập, tôi bất ngờ nhìn thấy dòng chữ THPT Quỳnh Côi. Con tim tôi ngập tràn sung sướng và hạnh phúc. Nó như đập nhanh hơn, mạnh hơn và dồn dập khiến tôi hét lên thành tiếng làm cho cả lớp ngỡ ngàng không hiểu.

Trở về ký túc với niềm hạnh phúc trào dâng, tôi cười nói suốt bữa cơm trưa. Tôi ôm ấp niềm vui vào cả trong giấc ngủ. Tôi hình dung ra biết bao cảnh tượng đẹp. Những kỷ niệm ngày xưa lại ùa về. Đó là mái trường thân yêu của tôi. Nơi đó có một người thầy mà có lẽ suốt cả cuộc đời này tôi không bao giờ quên. Người đã thắp lên cho tôi ngọn lửa sáng để tôi có được như ngày hôm nay.

Đến khi tôi hỏi được lán xe của lớp mình, vội vàng cất xe, chạy lên tìm được lớp thì giờ học đã bắt đầu. Cả lớp đang chăm chú nghe thầy giáo giảng bài. Đứng ở cửa lớp, tôi thở không ra hơi, những giọt mồ hôi trên trán thi nhau chảy xuống. Mặt tôi đỏ bừng lên khi đi học muộn ngay trong buổi đầu tiên vào lớp mới. Tôi lấy hết sức bình tĩnh xin phép thầy giáo: Cách đây khoảng 6 năm, bước vào lớp 11, tôi chuyển về học ở trường THPT Quỳnh Côi. Kỷ niệm về buổi học đầu tiên và người thầy đầu tiên tôi học dưới mái trường này vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Đó là một ngày trời rất đẹp. Nhưng khi tiếng trống báo giờ vào lớp vang lên thì tôi vẫn còn luống cuống không biết cất xe ở gian nào.

– Thưa thầy, em xin lỗi, em đi học muộn, thầy cho em vào lớp ạ.

Cả lớp nhốn nháo nhìn về phía tôi, khuôn mặt tôi lại càng ửng đỏ, người tôi run run. Tôi xấu hổ cúi mặt xuống. Thầy nhìn tôi không hiểu, tưởng tôi vào nhầm lớp, nhưng sau khi nghe tôi giải thích, thầy gật đầu cho tôi vào lớp rồi tiếp tục giảng bài. Tôi rón rén bước vào ngồi ngay bàn đầu, một lúc sau mới dám ghé tai hỏi nhỏ bạn bên cạnh:

– Thầy dạy toán lớp mình tên gì vậy?

– Thầy tên Hà.

Nghe bạn trả lời, tôi giật mình, sững sờ nhìn thầy. Khi tôi học cấp II, cô  chủ nhiệm của tôi nói chồng cô tên Hà dạy cấp III Quỳnh Côi. Nếu sau này ai học trường đó, rất có thể sẽ được học thầy. Và tôi thật không ngờ, người thầy đầu tiên dưới mái trường Quỳnh Côi tôi học lại là chồng cô chủ nhiệm cấp II của tôi. Tôi cảm thấy rất vui như gặp lại người quen vậy.

Nhưng thật đáng buồn, tôi lại học đuối những môn tự nhiên, trong đó có môn toán của thầy. Có lẽ thầy rất phiền lòng về tôi. Hôm nào có tiết thầy cũng gọi tôi lên kiểm tra vở hoặc làm bài tập trên bảng, nhưng hầu như lần nào tôi cũng làm sai.

Những lúc đó tôi chỉ biết lủi thủi về chỗ không dám nhìn thầy. Còn thầy chỉ cười và khẽ lắc đầu, chữa lại bài của tôi, giảng chậm lần lượt từng bước để tôi hiểu. Đối với lớp tôi thì đó là những bài không khó thậm chí chỉ cần tính nhẩm cũng xong, không cần chữa. Nhưng thầy vẫn chữa một cách tỷ mỉ và cẩn thận, ánh mắt thầy trìu mến thỉnh thoảng lại nhìn về phía tôi xem tôi có hiểu bài không. Những lúc đó tôi cảm thấy biết ơn thầy biết bao bởi thầy đã không bỏ rơi tôi, thầy đã hiểu và thông cảm cho tôi vì tôi học thiên về các môn xã hội.

Thầy đã dạy chúng tôi năm lớp 11, rồi cả lớp 12. Tôi nhớ buổi cuối cùng của năm lớp 12, tiết cuối cùng cũng là tiết của thầy. Trong tiết học đó, thầy đã dặn tôi: “Vài hôm nữa thi, em cố gắng làm bài cho tốt”.

Lòng tôi ngỡ ngàng, vui sướng khi biết thầy luôn quan tâm tới tôi. Cuối giờ học thầy xuống lớp ngồi cùng chúng tôi, chậm rãi kể cho chúng tôi những năm tháng thầy cũng học dưới mái trường này với những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi học trò vô tư hồn nhiên.

Mỗi lời nói của thầy, chúng tôi không chỉ cảm nhận được niềm vui ngày đó của thầy mà còn cảm nhận được những tình cảm, lời nhắn nhủ của thầy dành cho chúng tôi. Ánh mắt thầy đượm buồn. Cả lớp vẫn chăm chú nhìn thầy. Không khí lớp lúc này như chùng xuống. Mắt tôi cũng đã rướm nước, cổ tôi như nghẹn ứ lại, lòng tôi nuối tiếc điều gì đó sắp ra đi.

Bỗng tiếng trống tan trường vang lên. Giá như mọi hôm chúng tôi đã nhanh chóng cất dọn sách vở đứng lên chào thầy ra về. Nhưng hôm nay, chúng tôi đều giật mình và thầm trách sao trống lại tan sớm quá vậy… Buổi học cuối cùng ấy đã để lại cho mỗi người trong lớp tôi nỗi buồn, sự nuối tiếc.

Với tôi, nó lại càng trở nên sâu sắc bởi thầy là người đầu tiên tôi học dưới mái trường Quỳnh Côi. Thầy cũng là người dạy tôi buổi học cuối cùng thời học sinh. Dù không học tốt môn của thầy. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn muốn ngày ngày được nhìn thầy đứng trên bục giảng. Tôi đã học được nhiều điều ở thầy, không phải chỉ kiến thức.

Năm ấy tôi trượt đại học. Tôi đã khóc rất nhiều và buồn khôn xiết. Tôi đã định buông xuôi, định từ bỏ con đường học hành. Nhưng tôi cũng muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn của bố mẹ tôi. Cả một đời bố mẹ làm lụng chăm chỉ mà vẫn vất vả, khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Có người từng nói học tập là con đường thành công ngắn nhất. Nhưng tôi phải làm gì và bắt đầu từ đâu đây?

 Một lần, đi ngang qua thị trấn, tôi trông thấy thầy đang ngồi uống nước. Thoạt đầu, tôi ngại ngùng đạp xe thật nhanh. Nhưng rồi lòng tôi chùng xuống, tôi muốn được gặp thầy, muốn nghe giọng nói của thầy. Tôi quyết định quay xe lại nơi thầy đang ngồi.

– Em chào thầy. Dạo này thầy khỏe không ạ?

 Thầy nhìn tôi ngỡ ngàng:

– Ơ! Cái Hương à, mày đi đâu vậy? Giờ học ở đâu?

Tôi ngượng ngùng, cúi đầu:

– Em trượt rồi thầy ạ, em định vài hôm nữa sẽ lên Thái Bình ôn tiếp thầy ạ.

Nghe vậy, khuôn mặt thầy thoáng buồn, rồi thầy lại mỉm cười trìu mến hỏi:

– Thế năm vừa rồi mày thi trường nào và năm nay định thi trường nào?

Tôi ngước nhìn thầy, cười gượng gạo:

– Em thi sư phạm và năm nay em vẫn thi trường đó ạ.

– Thế mày định thi khoa gì?

– Em thi khoa Giáo Dục Chính Trị.

Thầy mỉm cười nhìn tôi nói:

– Ừ! Thế thì cố gắng thi đỗ, sau này về trường mình mà dạy, biết đâu lúc đó ta là đồng nghiệp của nhau.

Hai chữ “đồng nghiệp” thầy nói vọng đi vọng lại trong đầu tôi. Thực sự trong mơ tôi cũng chưa từng nghĩ và dám nghĩ tới điều đó. Nhưng giờ đây, lời thầy như vạch ra mục tiêu trước mắt cho tôi, tiếp thêm cho tôi động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn. Học hành quả là con đường vất vả, để đạt tới thành công phải thật nỗ lực và quyết tâm.

Nhiều khi bất lực trước cuộc sống tôi đã khóc, trách móc, thậm chí còn đày đọa bản thân. Nhưng nghĩ tới câu nói của thầy, tôi như sống lại và nhắc nhở mình phải luôn cố gắng để đạt được mục tiêu đặt ra. Cuối cùng hạnh phúc đã chớm nở với tôi. khi ước mơ trở thành sinh viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thành hiện thực.

Đã qua cái rồi cái tuổi hồn nhiên ngây thơ, trong sáng của lứa tuổi học trò. Nhưng trong tôi hình ảnh, ánh mắt, giọng nói quen thuộc của thầy ngày nào khi thầy đứng trên bục giảng bài. Cả những lời động viên của thầy dường như mới chỉ là ngày hôm qua hay vừa mới đây thôi. Tôi vẫn ôm ấp và mong mỏi một ngày nào đó sẽ trở lại trường, được gặp thầy. Được nói chuyện, được làm “đồng nghiệp” của thầy. Dù một ngày kia, không biết cuộc sống này sẽ đưa tôi về bến bờ nào. Tôi cũng không biết được mảnh đất nào sẽ là nơi tôi ở lại. Nhưng tình thầy trong tôi là mãi mãi, thầy mãi sáng trong tôi.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi sẽ cố gắng trở thành một cô giáo tốt và giỏi để giúp các thế hệ sau. Ngồi trong đêm khuya, ngước nhìn lên bầu trời đầy sao, làn gió mùa thu mát lạnh làm bay tóc, lòng tôi thấy nhẹ nhàng, chợt nhớ đến câu hát: “Dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi. Nhưng làm sao em đếm hết công ơn người thầy” của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy trong bài hát “Người thầy”. Tôi càng nhớ thầy nhiều hơn, yêu quý thầy nhiều hơn. Xin dành tất cả những điều hạnh phúc nhất tri ân tới người thầy yêu quý của tôi.

Nhân Hương

11/2012

Xem thêm: Tản văn: Trái tim của chị

Sources:

BÀI LIÊN QUAN