Triết lý dùng người của ông trùm dầu mỏ nước Mỹ John D.Rockefeller: Không bao giờ chỉ nhìn vào sai lầm người khác

Triết lý dùng người của ông trùm dầu mỏ nước Mỹ John D.Rockefeller: Không bao giờ chỉ nhìn vào sai lầm người khác

John D.Rockefeller là người sáng lập ra Tập đoàn dầu mỏ Standard Oil. Ông được mệnh danh là Vua dầu mỏ và là tỷ phú huyền thoại của Mỹ và thế giới. Ông đã tạo dựng sự nghiệp từ tay trắng, và tên tuổi ông đến nay vẫn là một trong những biểu tượng tiêu biểu của nền kinh tế Mỹ thời kỳ công nghiệp hóa. Ông được coi là một trong những doanh nhân thành công nhất mọi thời đại, với triết lý dùng người và phong cách lãnh đạo đến nay vẫn còn nguyên giá trị học hỏi.

>> Tâm đại nhẫn và hiền lương giúp con người thành công

ông vua giầu mỏ John D. Rockefeller

Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Tính cách được định hình từ cha mẹ

Rockefeller lớn lên trong một gia đình chỉ vừa đủ sống nên ông được mẹ dạy cho một lối sống cần kiệm và siêng năng. Trong khi đó, cha ông là một nhà buôn gỗ và muối đã dạy Rockefeller các kỹ năng buôn bán từ rất sớm. 

Với sự mài giũa của cha mẹ, tính cách của John D. Rockefeller đã được định hình là một người chuyên tâm, kiên trì, tiết kiệm, ngăn nắp và kỹ tính, chú ý đến từng tiểu tiết. Thói quen này đã theo đến suốt cuộc đời ông, dù sau này trở thành người giàu có nhất nước Mỹ, ông không bao giờ lãng phí trong các khoản chi tiêu, quần áo thường mặc cho đến lúc sờn hoặc rách thì mới được vứt bỏ. Ông viết hàng trăm ngàn lá thư cho các nhân viên, nhưng lá nào cũng thường nắn nót từng chữ một. Những chỉ đạo trong công việc của ông cũng đều vô cùng chi tiết, tỉ mỉ.

Khi Rockefeller còn nhỏ, mẹ của ông đã dạy rằng: “Làm chủ chính mình mới giúp ta giành chiến thắng”, nên ông đã học cách làm chủ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Ông vốn dĩ là người rất nóng tính nhưng đã tự học cách kiểm soát và duy trì thái độ bình thản đến đáng kinh ngạc cho tới cuối đời. Gặp những chuyện phức tạp, người khác càng lo lắng, thì ông càng bình thản.

“Tin cậy”, tiêu chí đầu tiên trong triết lý dùng người của Rockefeller

Trong thời đại công nghệ thông tin chưa phát triển, thậm chí điện thoại bàn khi đó còn chưa phổ biến, việc điều hành tập đoàn đa quốc gia, khổng lồ như Standard Oil là điều không hề dễ dàng. Để làm được điều đó thì Rockefeller phải có những nhân viên tài năng và cực kỳ đáng tin cậy. Rockefeller thường kể câu chuyện rằng Napoleon Bonaparte đã chẳng thể thành công đến như vậy nếu thiếu đi các vị nguyên soái của mình tài năng và trung thành với mình. 

“Tin cậy” là tiêu chí đầu tiên trong cách dùng người của Rockefeller. Ông từng nói: “Hãy tìm một người có thể tin tưởng được và đào tạo họ, rồi sau đó ngồi xuống thảo luận xem họ phù hợp với vị trí nào”. Và thực sự, ông đã đào tạo ra những nhân viên vô cùng đáng tin cậy. Chernow, nhà viết tiểu sử nổi tiếng người Mỹ khi tìm hiểu về Rockefeller và Standard Oil đã viết rằng: Các điều tra viên của chính phủ hay cánh nhà báo tò mò tọc mạch đều không thể “xuyên thủng hàng phòng thủ cùng chí hướng” này. Nghĩa là họ không thể mua chuộc được các nhân viên của Rockefeller.

Biết tạo động lực cho nhân viên

Trong quan hệ với nhân viên, bất kể nhân viên cấp thấp đến mấy, ông cũng không bao giờ bực tức, ngay cả khi họ kêu ca than phiền. Một nhân viên tại nhà máy lọc dầu kể lại: “Ngài Rockefeller luôn gật đầu chào và nói chuyện tử tế với mọi người, không bao giờ quên ai. Công ty đã trải qua khoảng thời gian khó khăn trong những năm đầu hoạt động, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ngài Rockefeller không thân thiện cả. Không có gì có thế kích động được ngài ấy”.

Ông không bao giờ lên giọng, nói lời xúc phạm, hay cư xử bất lịch sự với nhân viên. Nhiền nhân viên nhận xét ông là người công bằng, không nhỏ nhen hay tỏ vẻ độc tài.

Rockefeller rất biết tạo động lực cho nhân viên. Ông thường để cho nhân viên tự chủ trong công việc. Mặc dù hiếm khi khen ngợi nhân viên, song Rockefeller sẽ trao quyền và sự tự do rất lớn cho những người mà ông xét là đáng tin cậy. Chính điều này đã khiến cho các nhân viên của Standard Oil “có khuynh hướng kính trọng và luôn muốn làm hài lòng Rockefeller”.

Không bao giờ chỉ nhìn vào sai lầm của người khác

Có câu chuyện kể rằng, Edward T. Bedford, một nhà điều hành sản xuất làm việc lâu năm cho Standard Oil đã đưa ra một quyết định sai lầm khiến công ty bị tổn thất hơn hai triệu đô la. Lúc đó John D.Rockefeller đang làm lãnh đạo công ty này. Vào cái ngày tin dữ đó lan truyền, tất cả những nhà điều hành khác đều vắt óc tìm cách để tránh gặp Rockefeller, kẻo cơn giận sẽ trút lên đầu họ.

Tuy nhiên, Edward T. Bedford đã không trốn tránh. Bedford đã có kế hoạch gặp Rockefeller vào ngay ngày hôm đó. Ông rất đúng giờ, và ông cũng đã chuẩn bị tinh thần để nghe những lời chỉ trích của Rockefeller.

Khi Bedford bước vào văn phòng, ông chủ tịch đầy quyền uy của công ty đang cúi xuống bàn, bận viết cái gì đó bằng cây viết chì. Bedford đứng im lặng không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rockefeller nhìn lên. Ông bình tĩnh nói: “Anh đấy à, Bedford. Tôi chắc là anh đã nghe về vụ thất thoát của công ty?”.

Bedford trả lời rằng anh đã biết mọi chuyện.

Rockefeller nói: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này, và trước khi kêu anh lên đây, tôi đã ghi ra một vài điều”.

Bedford nhìn thấy trên tờ giấy có dòng chữ: “Những điểm cần trân trọng ở Bedford…”. Rồi tiếp theo là danh sách những đức tính và điểm mạnh của anh, kể cả một đoạn tóm ngắn gọn về chuyện Bedford đã giúp công ty đưa ra quyết định đúng đắn trong ba trường hợp khác nhau và mang về cho công ty một số tiền gấp mấy lần số tiền thất thoát mới đây do quyết định sai lầm của anh gây ra.

Số tiền 2 triệu đô la mà Bedford gây thất thoát khi đó là một con số rất lớn, vào thời điểm tập đoàn Standard Oil phát triển, số người có gia sản vài triệu USD ở Mỹ chỉ có 4 đến 5 người, tổng GDP quốc gia của Mỹ mới là 24 tỷ đô la (vào năm 1902). Con số thất thoát đó nếu quy ra tỷ giá hiện nay có thể lên tới hàng tỷ đô la. Rockefeller có thể giữ được sự bình tĩnh, với những phán xét khách quan, đầy tỉnh táo như vậy là điều không phải ai cũng làm được. Và rõ ràng điều này đã tác động sâu sắc đến Bedford. 

Bedford từng nói rằng: “Tôi không bao giờ quên bài học đó. Những năm sau, bất cứ khi nào tôi muốn đổ sự tức giận lên ai, tôi cũng tự bắt mình ngồi xuống và viết ra những ưu điểm của người đó càng nhiều càng tốt. Lúc nào cũng vậy, đến khi tôi làm xong chuyện ấy, tôi đều nhìn sự việc dưới một góc độ chân thật hơn và kiểm soát được cơn giận của mình. Không cần phải nói, điều đó đã giúp tôi biết bao lần không phạm phải sai lầm đắt giá mà ai cũng thường mắc phải – đó là mất bình tĩnh. Tôi thành thật khuyên điều này với bất cứ ai làm việc chung với người khác”.

Cách hành xử với sự cố gây thất thoát tiền cũng cho thấy Rockefeller là người sáng suốt. Dù trách phạt hay đuổi việc Bedford, số tiền mất kia cũng không thể lấy lại được, trong khi đó, để đào tạo ra một nhân viên đáng tin cậy, có năng lực như Bedford là rất khó. Với cách hành xử của Rockefeller sẽ khiến nhân viên kính trọng mình hơn, về sau làm việc chăm chỉ, cẩn trọng hơn và hẳn là sẽ tìm cách để vãn hồi tổn thất do mình gây ra.

Trong thời đại ngày nay, dù được máy móc hỗ trợ rất nhiều nhưng con người vẫn là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo sự thành công của một công ty. Bài học về phong cách lãnh đạo và cách dùng người của Rockefeller vẫn là tấm gương sáng để ta học hỏi.

 Nam Minh

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN