Truyện cổ Trung Hoa: Con voi báo ơn người

Truyện cổ Trung Hoa: Con voi báo ơn người

Vào thời nhà Tống, tại huyện Dương Sơn thuộc quận Sử Hưng (thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay), có một người thợ săn trong một lần đi săn, sau khi săn được mấy con thỏ và gà rừng, đang lúc chuẩn bị về nhà thì bất ngờ trông thấy một con voi rừng to lao đến, người thợ săn định chạy trốn nhưng không kịp.

Con voi báo ơn

Con voi kia đến và dùng cái vòi cuốn người thợ săn lại, người thợ săn chỉ còn biết nhắm mắt bỏ mặc số phận.

Nhưng con voi kia chỉ nhẹ nhàng mang người thợ săn vào trong núi sâu, khi thầm cảm giác con voi này không có ý hại mình, người thợ săn mở mắt quan sát xung quanh. Không bao lâu, người thợ săn phát hiện có một con voi to đang nằm trước mặt anh ta, trên chân con voi này bị một vết thương rất nặng, máu chảy lênh láng. Lúc này con voi đang cuốn người thợ săn mới nhẹ nhàng buông anh ta xuống.

Người thợ săn thấy cảnh con voi to bị thương thì lòng lại sinh thương cảm, anh ta lấy hết dũng khí tiến lại gần và dùng tay nhổ cái cọc đâm vào chân con voi ra, tìm cách chữa trị vết thương cho nó.

Mọi việc xong xuôi, con voi bị thương lúc này dường như bớt đau, nó ngồi dậy rồi dùng cái vòi cuốn nhẹ lấy người thợ săn lắc qua lắc lại, tỏ ý thích thú, biết ơn.

Sau một lúc, con voi nằm phục xuống đất, cái mũi hướng về người thợ săn lắc lắc. Người thợ săn có vẻ rất hiểu ý voi, anh ta liền ngồi lên lưng voi. Thế rồi con voi đứng lên đưa người thợ săn đi một quãng đường dài, cuối cùng đến một khu đất ẩm thấp. Con voi dùng cái mũi đào từ trong vũng lầy lên mấy cái ngà voi, rồi cuộn vào cái vòi, sau đó lại đưa người thợ săn trở về chỗ cũ, đồng thời thả xuống mấy cái ngà voi.

Người thợ săn hiểu con voi muốn dùng mấy cái ngà này để trả ơn cho mình, anh ta nghĩ con voi này chắc hiểu tiếng người, liền nói với nó: “Nhà tôi có vài khuôn đất cằn cỗi, khi trồng hoa màu cũng hay bị voi phá hoại. Nếu bạn nhớ ơn tôi thì đừng đến phá hoa màu của tôi nữa”. Con voi vừa nghe thì lùi lại mấy bước rồi gật gật đầu. Từ đó về sau hoa màu của người thợ săn không còn bị voi phá hoại nữa.

Bình: Trong văn hóa truyền thống, người ta quan niệm vạn vật đều có linh, các sinh mệnh là bình đẳng và ngang nhau. Chính vì vậy, cần sống sao cho hài hòa với tự nhiên. Như người thợ săn kia vậy, ông vẫn phải đi săn để có cái ăn cho gia đình, nhưng sẵn sàng cứu một con vật bị thương. Và coi voi cũng hiểu đạo lý, đã trả ơn ông xứng đáng.

Theo http://epochtimes.com

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN