Triết lý “Hạnh phúc” của một gã khờ

Triết lý “Hạnh phúc” của một gã khờ

Trong con mắt mọi người, anh ta là gã khờ. Nhưng trong con mắt của “tôi”, anh ta được vui vẻ, vì anh ta không phải che dấu bản thân mình, anh ta lại càng không phải nhìn thấy những đìều dối trá, nhỏ mọn, hèn hạ. Anh ta là người hạnh phúc…

Bao nhiêu năm rồi, còn mãi ra đi…

Đám sinh viên Kiến trúc đang tụ tập ở mấy quán cóc chợt cười ré lên. Cả một bọn nhốn nháo, chỉ trỏ.

– Vào đây! Ê, đại ka, vào đây!

Tôi nhìn theo hướng chỉ. Tròn mắt.

Một người đàn ông đang đi đến, rất chậm rãi và khoan thai trên một chiếc xe đạp. Anh ta chừng gần 40 tuổi, nước da đen cháy, cặp kính dầy cộp, đôi mắt lồi và chiếc cổ họng vĩ đại. Trang phục cũng kì dị. Tóc vàng hoe màu Ôxy già, chiếc áo sặc sỡ kiểu Hawaii, quần soọc trắng, dép tổ ong, một sợi dây chuyền bạc to bằng cái dây thừng trên cổ, 10 ngón tay thì đến 6 ngón đeo nhẫn. Chiếc xe đạp Mini Trung Quốc quá nhỏ bé so với anh ta. Anh ta đang đi đến.

Ảnh minh họa: Báo Mới

Bàn tay trái, đặt lên Ghiđông, bàn tay phải vuốt nhẹ nhàng lên tóc rồi từ từ đưa ra đằng trước. Một giọng ồ ồ cất lên lạc điệu.

– Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi …

Đám đông nhao ra, níu kéo, mời gọi. Anh ta dừng xe, chống một chân, xoay nửa vòng, bình thản nhìn đám đồng, gạt chân chống, dắt xe lên hè. Bà bán nước hình như đã quá quen với cảnh này, rót một cốc trà đá đặt ra mép bàn. Anh ta với tay, bà bán nước đưa cho anh ta điếu thuốc và chiếc bật lửa. Lửa cháy, điếu thuốc cháy. Chậm rãi và bình tĩnh.

Anh ta ngồi xổm trên chiếc ghế nhựa thấp, nhìn ra đường, như phớt lờ đám sinh viên đang hò reo. Cái nhìn xa xôi, không mục đích, lại chậm rãi nhấp cốc trà đá, rồi lại vuốt tóc.

Một cậu sinh viên cười hơn hớn, huých mạnh vào sườn:

– Đại ca! Rock đê.

Tức thì có phản ứng.

Anh ta gục gặc cái đầu, vỗ tay lên đùi, hát bằng chất giọng khác hẳn, không còn nghêu ngao nữa (Nghe phảng phất như điệu Bole’ro)

– Pằm, pằm pằm, pằm pằm pằm …

Rồi lại bất ngờ vuốt tóc và lặng im.

Bà bán nước lên tiếng:

– Chúng mày vào lớp đi.

Đám sinh viên vừa đi vừa cười nói râm ran. Tôi ngồi lại. Bà bán nước chừng thấy tôi là người lạ, quay sang nói như thanh minh:

– Nó điên nhưng không càn quấy đâu. Nó hiền lắm.

Chừng độ một lát, anh ta đứng dậy. Bà bán nước lập tức, xòe tay, lên tiếng:

– Nào, tiền đâu.

Anh ta nhìn, và thò tay vào trong túi quần móc ra một tờ 5000 đồng nhàu nát, đưa cho bà bán nước, bà bán nước như vô tình nhìn ra chỗ khác thì anh ta đã dắt xe ra đến đường. Tôi nhìn bà bán nước, bà bán nước lấy ra một nghìn. Bà bán nước gọi ơi ới. Anh ta vẫn đi. Bà bán nước quay lại nhìn tôi cười giả lả:

– Lần sau không lấy tiền của nó.

Tôi nhìn theo, anh ta đã bắt đầu điều khiển xe đi tiếp (chứ không phải quay lại), lại vuốt tóc, và:

– Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi …

***

Lúc này còn tôi ở lại, chưa hết ngỡ ngàng. Bà bán nước dường như hiểu ý, nói ngay:

– Nó ở gần nhà cô, cô biết nó từ bé. Cô cũng chỉ hơn nó mấy tuổi. Hồi bé nó chỉ hơi hâm hâm thôi. suốt ngày bị trẻ con trêu. Nhà nó giàu lắm, nhưng bố nó dữ đòn. Cứ thấy bọn trẻ con trêu, lừa nó làm điều gì dại dột là lại lôi nó ra đánh. Đánh ghê lắm. Ai can cũng chẳng nổi. Cứ trói vào chân giường mà đánh. Mẹ nó thì cứ lăn ra khóc. Người thì đồn là ông ấy thù vì ông ấy không phải là bố nó. Người thì đồn là ông ấy tức vì nó bị điên mà đánh cho hả giận. Thế mà nó biết hết đấy nhé. Cứ thấy bố nó vớ lấy cái gì, nét mặt hầm hầm là nó chạy. Khổ nhất là cái lần nó chạy ra đường, bị xe quyệt phải, chữa chạy mãi nó lại càng thêm điên.

Có lần nó bỏ nhà đi, thế nào mà người nhà tìm được. Về lại phải đòn. À! Phải rồi, nó thích hát, hồi bé gọi nó là thằng Cường chổi vì nó cứ cầm cái chổi rơm, nhảy Va Xi Lô và hát, bố nó đánh nó mãi mà nó vẫn thế. Rồi cũng chẳng ai nhớ là nó không cầm chổi từ lúc nào…

May cho nó là nó lớn lớn một tí thì bố nó chết. Nó không phải đòn nữa, và hình như cũng bớt điên. Mẹ nó thương nó, sắm cho nó đủ thứ. Hồi đầu còn bị trẻ con nó lừa lấy hết, rồi nó cũng khôn ra. Ai bảo là nó điên, không biết gì, khôn phết đấy chứ …

Bà bán nước cười. Cái nụ cười hỉ hả, sung sướng của một người cho mình cái quyền tỉnh táo. Cái điệu cưòi thú vị, đắc ý như Christôphơ Côlômbô tìm ra châu Mĩ. Cái điệu cười đắc ý vì câu chuyện rất khớp với cái nhìn của tôi lúc bà ấy trả tiền thừa. Tự dưng, cái câu chuyện của bà bán nước làm tôi tin có một nửa.

Tôi nhìn ra đường, bâng khuâng. Trong mắt tôi, như vẫn thấy một người đàn ông, vẫn đang rong ruổi trên con đường thiên lý của mình. Anh ta sung sướng. Anh ta yêu đời. Mà cũng phải thôi, anh ta như một cánh chim tự do, anh ta không còn bị đánh đập, anh ta yêu cái nghệ thuật riêng của mình và hình như anh ta đã thành công đến đỉnh cao của con đường nghệ thuật. Có nhạc sĩ nào, ca sĩ nào đã tìm thấy được sự thành công của mình như vậy hay chưa. Còn nữa, anh ta vui vẻ, vì anh ta không phải che dấu bản thân mình, anh ta lại càng không phải nhìn thấy những đìều dối trá, nhỏ mọn, hèn hạ.

Anh ta là một nghệ sĩ. Anh ta biết anh ta có tài năng. Anh ta có công chúng vây quanh hâm mộ. Anh ta hạnh phúc. Anh ta tự do…

Bài liên quan:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN