Truyện ngắn “Ngoài hiên” – Bi kịch của gia đình có chồng vũ phu

Truyện ngắn “Ngoài hiên” – Bi kịch của gia đình có chồng vũ phu

Truyện ngắn: “Ngoài hiên” kể về một gia đình có người chồng nát rượu, người vợ xinh đẹp, đảm đang và hiền dịu, cùng đứa con gái tên Hiên sống trong sự ám ảnh tính vũ phu của bố…

lo lắng bất an, ngoài hiên

Hiên nghe tim mình đau nhói. Cô đang đứng ở sảnh khách sạn. Tựa lưng vào chiếc cột đá có những hoa văn chìm sâu bên trong mà nghe từng lằn buốt giá liên tiếp dội thẳng vào tim. Đôi tay run run bám lấy bề mặt trơn nhẵn của chiếc cột như người đang hấp hối cố níu lấy từng mảnh nhỏ của hơi thở tàn gầy cuối cùng. Liệu có níu được không? Mà cũng chính lúc này, Hiên đang tự hỏi: Liệu có nên níu giữ cái không thuộc về mình? Liệu rằng đó có phải là cái thuộc về Hiên hay không? Mồ hôi rịn ra trên trán Hiên, chảy tràn xuống má, va vào nền đá hoa lạnh. Mồ hôi rịn ra ở hay bàn tay. Tay cô run run trượt khỏi bề mặt trơn nhẵn của chiếc cột khiến cho toàn bộ cơ thể gục xuống. Bụng Hiên gấp lại. Ngay lập tức Hiên đưa bàn tay đặt vào nếp gấp. Có tiếng trái tim cô đang vặn xoắn, rên la. Hiên nhớ mẹ. Hình như hôm đó cũng là một ngày đầu đông, từng trận gió gọi lạnh về vi vút gió.

***

Mẹ Hiên đẹp, đảm, và thừa thánh thiện. Nhưng đó lại là ba điều đã dìm cuộc đời của bà ngày một lún sâu hơn xuống vũng bùn lầy bất hạnh. Vì bà đẹp, cho nên ngày nối ngày bà chìm đắm trong những lời đay nghiến miệt thị của chồng. Bố Hiên là bộ đội, từng tham gia chiến dịch Biên giới năm bảy chín. Hết chiến tranh, ông trở về. Chiến tranh không giết được ông nhưng cũng không cho ông trở thành một công dân đích thực. Bởi lẽ quyền và nghĩa vụ của mọi công dân là được lao động. Việc chính của ông là uống rượu, rượu, và rượu. Làm bạn với hơi men không phải là một công việc đích thực gắn với khái niệm “lao động” được thừa nhận ở Hiến pháp. Cũng giống như một viên đạn nằm trong đầu, một viên nằm ở cánh tay trái nhưng vì không còn bất cứ giấy tờ gì chứng minh nên ông cũng không được Nhà nước công nhận là thương binh. Không chế độ. Không tiền. Không làm được việc. Ông đích thị không phải là một công dân. Nhưng ông có quyền. Quyền là chồng của một người đàn bà đẹp. Vì thế, ông tự thấy mình có quyền mắng nhiếc, miệt thị “cái con đồ đĩ suốt ngày bỏ chồng đi theo giai”, “cái loại đàng điếm thấy giai là mắt sáng lên”, “cái con ngan già, già rồi mà đời chưa trót”… Từ ngày bắt đầu lớn, bắt đầu hiểu được những gì bố nói, Hiên cảm thấy vô cùng nhục nhã. Ra đường lúc nào Hiên cũng cúi mặt, sợ gặp một đứa bạn hoặc một người nào đó buông một câu ác ý: “bố mày hôm nay có hát không?”, “bố mày đang hát cho mẹ mày ở nhà nghe kia kìa, sao mày không về cổ vũ”… Mắt Hiên lúc nào cũng sưng mọng, đỏ hoe. Nhưng mẹ thì tuyệt nhiên im lặng, không khóc. Cũng không cười chỉ lặng lẽ.

Tội thứ hai của bà là đảm. Đôi lúc Hiên tự hỏi không biết vì mẹ đảm đang quá nên số phận mới an bài cho bà một người chồng không thể và cũng không muốn làm gì hay tại vì bà gặp một người chồng quanh năm không làm gì nên bà buộc phải gồng mình lên quán xuyến? Mà vì sao thì cũng đâu có quan trọng, bởi lẽ rốt cuộc thì mẹ Hiên vẫn một tay gánh vác, chèo lái con thuyền nhỏ chênh vênh vượt qua giông bão. Hai chị em Hiên lớn lên chẳng phải thiếu thốn thứ gì. Khi Hiên còn bé tí thì bà làm hàng xáo. Ngày đi lấy gạo, bán hàng. Nhập nhoạng tối thì chạy dọc con mương đặt vó, cất mớ tép, mớ cua. Đêm về lại cắm đầu vào dần, sàng. Chị em Hiên lần lượt đi học, bà chuyển sang buôn gạch. Công việc có đỡ tất bật hơn nhưng cũng nặng nhọc hơn. Mẹ Hiên không phải lần mò đêm hôm kiếm bữa tôm, bữa tép nữa. Nhưng thay vào đó là những khoảng đêm trắng xóa lặng lẽ đếm tiếng gà gáy sang canh. Hồi ấy, chẳng mấy khi bà ngủ. Cho đến khi hai chị em dắt díu nhau vào cấp 3 thì bà chuyển hẳn sang buôn đạm, lân, thức ăn gia súc cho đến tận bây giờ. Trong khi bà đang tất bật chạy chợ hay cất vó, hay xay giã dần sàng, trong khi bà đang tất tả ngược xuôi lo vốn liếng làm ăn, tìm mối hàng, tìm mối chợ, trong khi bà chong đèn thức đêm lo toan lo tính, thì chồng bà – bố Hiên chỉ ngồi ở hiên cửa, uống rượu. Và không bao giờ quên những lời đay nghiến.

Có lần Hiên hỏi mẹ: Tại sao mẹ lấy bố? Tại sao khi bố trở về không lành lặn, mẹ vẫn quyết định gắn cuộc đời mình với bố để rồi phải cắn răng mà chịu đựng những tháng ngày đau khổ chẳng khác gì địa ngục này? Bà cười, một nụ cười đượm buồn còn ánh mắt thì chìm hẳn vào cõi xa xăm. Rồi mẹ Hiên nói rằng: bởi vì bố và mẹ đã hẹn ước với nhau từ trước khi bố đi bộ đội là dù có bất cứ chuyện gì cũng sẽ bên nhau mãi mãi; nên nếu bố còn sống, thì mẹ còn là vợ bố, không bao giờ hối hận. Hiên lắc đầu cười vang, hỏi một câu chua chát: kể cả sau cái ngày đầu đông mà mẹ gục xuống ở gốc cau đầu hồi nhà ấy, mẹ cũng không hối hận ư? Mẹ Hiên quay sang nhìn Hiên, ánh nhìn đầy nhức nhối. Hiên cảm thấy trong ánh mắt có cả giận hờn, cả trách móc, cả đớn đau. Nhưng không phải dành cho bố. Mà dành cho Hiên.

***

Hiên chưa bao giờ hỏi mẹ là tại sao hôm đó mẹ không vào nhà. Hiên cũng chưa bao giờ hỏi mẹ là mẹ đau đến thế nào. Hiên cũng chưa bao giờ hỏi mẹ là mẹ có biết người đàn bà đang thở hồng hộc sau cánh cửa ấy là ai không. Nhưng Hiên cảm thấy nỗi đau của mẹ. Một nỗi đau dai dẳng. Có điều bà đau vì bị phản bội thì ít, mà đau vì trách mình nhiều. Bởi lẽ có lần Hiên nằm gối đầu lên đùi bà đọc sách, cô nhắm mắt lại để hít hà hương bồ kết lá chanh quyện chặt mùi hương nhu ngan ngát, Hiên nghe thấy mẹ thủ thỉ rất nhẹ:

– Con đừng trách mà tội cho bố. Tại bố con khổ quá nên mới như thế. Giá như mẹ có thể làm được nhiều hơn để xoa dịu vết thương của bố. Nhưng mẹ bất tài, mẹ chỉ làm được có thế này thôi…

Lúc ấy Hiên nằm im, giả vờ ngủ, mặc cho đôi bàn tay chai sần của mẹ vẫn nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc. Hiên biết chính vì điều này mà mẹ khổ hơn hết. Mẹ Hiên thánh thiện quá! Giá như mẹ có thể trách bố, giá như mẹ có thể hận bố thì cuộc đời của bà có thể đã bớt khổ hơn. Nhưng…

***

Đến đây thì Hiên cũng không chắc nữa. Liệu hận bố có giúp mẹ có bớt khổ hơn? Như cô lúc này, tủi hổ, bẽ bàng, đau đớn, và hận. Hiên hận người đàn ông đã đem đến cho cô cảm giác tủi hổ, bẽ bàng, đau đớn này. Nhưng… cô nào có bớt đau. Ngược lại, nỗi đau vẫn cứa và tim cô rất sắc, rất ngọt. Giờ đây, khi tận mắt chứng kiến cảnh chồng cô âu yếm khoác tay một người phụ nữ tình tứ đi vào bên trong cánh cửa khách sạn sang trọng kia, cô tự hỏi mình hàng ngàn, hàng vạn lần câu hỏi “tại sao?”. Nhưng cũng giống như những tiếng chửi rủa đay nghiến của bố mãi vướng lại ở bậu cửa, cũng giống như mẹ vẫn mãi chôn chân ngoài gốc cau mà lắng nghe tiếng thở phì phò trong căn nhà bà xây bằng mồ hôi nước mắt, câu hỏi “tại sao” ấy va vào không gian, mắc vào gió, lại dội ngược lại tâm trí Hiên. Hiên không làm sao thoát ra được. Tại sao anh lại làm thế với cô? Tại sao cái người đàn ông vừa mới đêm qua còn quàng tay ôm cô thật chặt, sớm nay còn nhẹ nhàng đặt lên trán cô một nụ hôn nồng ấm lại có thể ôm ấp một người đàn bà khác? Có phải là bởi vì anh không phải là người đàn ông dành cho cô? Cô nên giữ hay nên buông? Cô phải làm thế nào? Con phải làm thế nào hả mẹ? Mẹ phải làm thế nào hả con?

***

Không báo trước, Hiên lặng lẽ bắt chuyến xe cuối chiều về nhà. Đêm tối như con nhện khổng lồ đã giăng những sợi tơ mỏng mảnh ôm choán lấy không gian. Cô bảo tài xế ta-xi dừng ở con đê đầu làng. Từng cơn gió chạy đến xô dáng cô liêu xiêu. Kéo sát chiếc áo khoác vào người, Hiên đi bộ về nhà. Làng quê yên ả quá! Nhưng tiếng dế ở bờ đồng va vào gió lại tạo thành một âm thanh thật khắc khoải. Âm thanh ấy bám chặt vào tấm mạng nhện đêm lơ lửng không tan.

Nhà Hiên kia rồi! Mái nhà nhỏ nép mình sau rặng tre già nua đang níu chặt vào nhau cho khỏi ngã. Cây cau ở đầu hồi cần mẫn đu đưa trong cô độc. Hiên thấy bố đang ngồi ở bậu cửa, chai rượu vẫn bám chặt lấy tay. Mẹ Hiên đang lúi húi quét dọn ở khoảng sân tối sẫm. Rồi một tiếng “choang” vang lên cứa vào đêm. Hiên giật mình. Chai rượu vỡ vụn ngay cạnh chân mẹ. Hiên thấy bà vẫn cúi đầu quét. Không ngẩng mặt lên. Cũng không nói gì. Bà im lặng. Và quét. Từng nhát chổi đều đều, đều đều cứa xuống nền sân lạnh. Hiên không hiểu sao mắt cô cay xè. Cô đang đứng ngoài cổng. Ngược chiều gió. Gió đông lạnh. Lạnh như ngày cô nhìn thấy mẹ gục xuống ở gốc cau năm nào.

Trương thị thu Hường

Xem thêm:

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN