Truyện ngắn: Người quản mộng

Truyện ngắn: Người quản mộng

Người quản mộng

Tôi bị mù. Tôi quyết định là mình không thể vẽ. Thậm chí tôi còn không thể phân biệt được màu nọ với màu kia và trộn màu theo ý muốn của mình. Đối với tôi, màu sắc chỉ là một tưởng tượng trong thế giới của những giấc mơ xa xăm. Song luôn có một cái gì đó âm ỉ thiêu đốt trong tôi, có một tiếng nói đòi được thoát ra khỏi vùng bóng tối âm u. Tôi có thể cảm thấy rõ ràng cơn quẫy đạp nhiều khi cuồng nộ của nó bên dưới thịt da tôi. Tôi nghĩ, mình có thể viết. Viết về những điều tôi muốn viết và viết về chính những nguyên cớ thẳm sâu thôi thúc tôi đến ý tưởng điên rồ và táo bạo này. Ấy là bằng những nỗ lực của ngôn từ để hình dung lại, tái tạo lại những ảnh ảo, những tưởng tượng về ánh sáng và những giấc mơ. Tham vọng đạt đến một thứ ngôn từ chân xác, như những nét vẽ vừa giản đơn vừa trừu tượng trong tranh của Paul Klee mà dù chưa một lần được chiêm ngưỡng nhưng ám ảnh tôi đến độ tôi tưởng mình đã tận mắt chiêm ngưỡng từng đường từng nét, từng sự biến đổi tế vi và kì diệu của các mảng màu qua những miêu tả lại của một người bạn vong niên (và nếu những gì tôi sắp viết ở đây chỉ là lắp lại những lời lẽ của chính con người ấy_ còn nguyên vẹn hay đã mất mát, chính xác hay đã được tô vẽ từ kí ức của tôi_ thì cũng không có gì là lạ); một thứ ngôn ngữ trong sáng, hồn nhiên như những nét vẽ nguệch ngoạc trong những bức tranh nguyên thủy cổ xưa, đơn sơ mộc mạc như những nét chì, mà lại trầm mặc như sơn mài hay ý vị triết lí như những bức thủy mạc của Trung Hoa, chẳng hạn thế. Đó là cái ý niệm bùng lên mãnh liệt trong tôi. Cũng có lúc tôi tự cười cợt mình. Nếu có ra đời một tác phẩm như thế, chắc hẳn cũng không là gì khác hơn ngoài những mảnh vá víu của quá khứ và hiện tại, hỗn độn giữa nền văn hóa nọ và nền văn hóa kia, giằng co giữa những ám thị ngấm ngầm với lòng ngưỡng mộ lộ liễu, lập lờ giữa cái không phải là tôi và cái từa tựa như tôi, và nhầm lẫn giữa những điều không thuộc về tôi và những thứ có vẻ là của tôi… Tựu chung là một khái niệm đánh lừa ảo giác hơn là một tái tạo mới mẻ và gây choáng váng như tôi mong muốn. Đó là sự chồng xếp của những đường nét, của những gam màu, sự pha trộn của những hình khối. Đó là sự chắp nối từng mảnh thời gian, sự phá vỡ giới hạn không gian. Đó có thể là một nỗ lực lí giải cái tồn tại, cũng có thể chỉ là sự chồng xếp của những thứ cảm xúc phức hợp, cũng có thể chẳng là gì ngoài cái ngơ ngác và cảm giác hư vô trước cuộc đời.

            Trên tất cả những điều ấy, có một con người đã khuấy động, làm cho hoang mang tận đáy cái sự hèn nhát trong tôi, đánh động đến những nghi hoặc tồn tại của tôi, đánh thức tiếng nói bên trong tôi kia, ráo riết đòi tôi quên phắt đi những trá hình, những mạo danh, những tự phỉnh tự lừa kia, phớt lờ những cái nhìn từ bên ngoài để tìm một con đường khả dĩ nhất đi đến nơi tâm hồn cái con người mà bấy lâu nay tôi khát khao chạm đến mà chưa thể.

            Hồi ấy, tôi là một cô gái mười lăm. Một cô gái mù. Suốt bốn mùa, tôi náu mình trong nhà, thậm chí chỉ trong phòng riêng, như một con gián gặm nhấm bóng tối. Bóng tối thực sự. Tôi được đưa đón đến trường. Chiều nào cũng như chiều nào, tôi đi qua một ngôi nhà cổ trên khu phố cũ mà cho đến lúc ấy tôi không biết đến sự tồn tại. Tôi chưa từng một lần muốn biết tên con phố, cũng chưa từng tò mò về những ngôi nhà vô danh tính, dẫu cho nó mang một danh từ chung “nhà cổ”. Cho đến một chiều.

            Lần đầu tiên tôi biết đến sự tồn tại của ngôi nhà ấy là vào một chiều cuối tuần. Chiều thứ bảy. Một chiều cuối thu. Một buổi chiều mưa. Từ một khung cửa sổ trên cao, tôi nghe thấy vọng ra tiếng piano từng giọt từng giọt vón lại rồi vỡ tung theo những giọt mưa. Tiếng đàn, đó là một sự đưa đẩy. Sự đưa đẩy của một cái gì đó mơ hồ bên trong tôi. Dầu thế, cho đến lúc ấy, tôi không hề biết rằng bên trong ấy có một ông họa sĩ già được bao bọc xung quanh bởi không biết cơ man nào những lời đồn thổi, những huyền thoại.

            Phải đến tận mùa hè năm sau, tôi mới tự thân tìm đến. Chỉ vì những giọt dương cầm chiều thu của năm trước ấy còn giọt giọt mãi trong tôi, rơi từ mùa này sang mùa khác. Nó mách bảo tôi về một mối dây liên kết thầm lặng, vô hình với một điều mà cho đến lúc ấy tôi không rõ là gì nhưng mạnh mẽ đến độ không thể cưỡng lại. Tôi như một con ốc sên bất chấp những hiểm nguy thò đầu ra khỏi cái vỏ đá tối thui bởi sức quyến rũ của những giọt sương trong suốt giăng mắc trên một mạng nhện được dệt tinh tế trên mặt thảm rêu trong khu vườn ban mai. Đó là ngày tôi quyết định đến gõ cửa nhà người họa sĩ già vào một buổi trưa nắng oi ả và dữ dội. Căn nhà tịch mịch ấy, như cảm nhận mách bảo tôi, tối om một màu xam xám dù là giữa mùa hè và lành lạnh cái hơi ẩm của những gì cũ kĩ. Tôi nghe rõ tiếng rụng cánh của vài cánh sen trắng. Hoa sen trắng là mường tượng của tôi và tôi cũng đinh ninh là thế. Tiếng va vào nhau của lá sen. Tiếng chúng chạm vào nền đá hoa cũ kĩ. Ngay cả lúc đó và đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy bất lực ghê gớm để có thể diễn tả cái âm thanh ấy. Có lẽ, nó giống như tiếng rơi của những nỗi buồn đang vón lại, va vào nhau rất nhẹ và hồ như chạm vào đáy thời gian.

Từ đó, tôi đến nhà ông cụ thường xuyên hơn. Một tháng một bận. Một tháng hai bận. Rồi thành ra mỗi tuần một lần. Và cuối cùng, rất bất thường theo nhịp độ không đều của xúc cảm tôi. Trong những lần ấy, tôi thường kể cho ông nghe về các giấc mơ kì cục của mình. Tôi kể về giấc mơ những con gấu hay giấc mơ những cuộc đuổi bắt, những chuyến đi xuyên rừng lặp đi lặp lại hàng đêm. Đêm qua cháu mơ thấy những con gấu. Rất nhiều gấu đuổi theo sau cháu. Để thoát khỏi chúng, cháu phải để thẳng tay trên người và nhảy tưng tưng như những con kangaru từ nóc nhà này sang nóc nhà khác. Cuối cùng thì phải hét thật to liên tục liên tục không được dừng lại bằng miệng để không phải thở bằng mũi vì cháu sợ con gấu sẽ đánh hơi thấy mùi của cháu và rồi nhai cháu ngấu nghiến. Khi những con gấu biến mất, thì những khu rừng, những ngôi nhà hoang đến. Đến rồi đi. Có đôi lúc giấc mơ của tôi chỉ là một khoảng sắc màu diệu ảo không hình thù. Nhiều mảng màu chồng chéo lên nhau, vô số đường nét xuyên vào nhau, chạy dọc chạy ngang và mất hút vào một khoảng không gian trắng xóa. Có khi chỉ là một đám hỗn tạp của màu sắc và hình khối và đường nét. Nếu cho rằng đó là sự thành hình của một ý niệm đặc biệt nào đó cũng được, dù hơi buồn cười và mang một vẻ gì đó thật thơ ngây.

            Ông cụ thì nói ít. Không phải ít nói. Ông chỉ không nói nhiều. Nhưng đôi khi cũng khá dài dòng và mông lung. Như sương giăng mắc trên mạng nhện nơi thảm rêu. Đa phần trong những điều ấy, tôi khó mà hiểu nổi. Còn lại vài điều, có lẽ tôi đã diễn giải theo cách của mình hơn là hiểu đúng bản thân cái điều chúng muốn nói. Tôi tự nhủ với mình, chắc là với quãng thời gian dài quanh quẩn trong một không gian như thế này, với bóng tối này, trong sự giằng co giữa cái chật chội của khoảng không tồn tại thực và cái thế giới mở ra trong tâm tưởng đã khiến cho ông lão trở nên có phần lẩn thẩn và suy tư quá nhiều về những vấn đề không mấy thực tế. Có trời mới biết rằng trong đầu ông cụ ấy chứa những gì. Tôi chỉ biết duy nhất một điều, những điều ông cụ thi thoảng nói với tôi chỉ là những phần nhỏ, rất nhỏ, chỉ là những mảnh vụn của cái khối suy tư dầy đặc kia. Thế nên, dù đã cố chắp vá, tôi vẫn không tài nào hiểu thấu, cho đến tận bây giờ.

            Có điều, tôi lại thấy đồng cảm lạ lùng với ông cụ về thứ chứng bệnh gàn dở: ngồi trong bóng tối mà nghĩ lung tung về đủ thứ chuyện. Những chuyện không đầu không cuối. Những chuyện chẳng đi đến đâu. Và những chuyện hầu như chưa bao giờ có một câu trả lời chung cục nào mà chính tôi tự thấy hài lòng. Một cái rằm ở đâu đó trong da thịt. Chẳng đau đớn quằn quại như bị cưa chân. Chẳng thắt ruột thắt gan. Nó gây ra cảm giác vướng bận mà thôi. Có lúc nhói lên một cái. Buốt!

            Làm sao để đừng nghĩ gì cả ông nhỉ? Đừng vướng bận điều gì… kiểu như là trong đầu óc hoàn toàn trống không, đừng chứa bất kì một ý nghĩ nào, dù là mảy may, cả xấu lẫn tốt, cả vụn vặt lẫn lớn lao… làm sao để chỉ như một bình thủy tinh trong suốt chứa một khối nước tinh khiết?

            Nước tinh khiết? Nó chứa đầy cặn mà mắt cháu không nhìn thấy đấy thôi.

Thì vẫn phải có cách nào đó để làm cho nó trở nên trong suốt như vậy chứ ạ?

Cái rùng mình của một sinh thể khác trong tôi tố cáo ngay tức thì sự không mấy tin tưởng của chính tôi vào lời mình vừa thốt ra. Tôi co rúm người sợ hãi khi nghĩ lại những giấc mơ từng đến với mình. Thậm chí khi ngủ đầu óc tôi cũng chẳng được trong suốt nữa là. Mà thực sự thì đó mới là lúc mọi thứ làm loạn. Chúng mở hội. Vũ hội đêm. Vũ hội mơ. Những lúc như thế, ông cụ lại bồi thêm một câu khiến cho tôi càng hoang mang và chỉ thấy rối rắm thêm.

Chỉ có những kẻ thỏa hiệp thì đầu óc mới thành ra trống rỗng thôi!

Nhưng trống rỗng và trong suốt thì khác nhau chứ ạ!?

Ừ, tất nhiên là khác nhau chứ!

Thế thì…

Trống rỗng? Trong suốt? Thật là những khái niệm quá trừu tượng đối với tôi. Tôi chỉ mường tượng ra được sự trong suốt của nước chứa trong bình thủy tinh mà thôi. Ông cụ lúc nào cũng thế, có lúc cố tình làm tôi loạn óc. Và có lẽ ông cụ thừa biết tôi không thể nào đưa ra lí lẽ  hoặc giả có thì cũng không cách nào diễn đạt cho thông suốt và mau mắn hơn trước cái lối đối đáp khô khốc và cộc lốc của ông cụ. Nói đến đây tôi mới thấy phì cười vì tôi nhận ra mình có một cái đầu toàn những mớ rối rắm đến độ không thể nào diễn tả một cái gì cho rõ ràng mà lại đang nằm mơ về sự trong suốt. Quả là ông cụ có lí.

            Trong lúc tôi và ông cụ đắm mình vào những cuộc đối đáp chẳng đi đến đâu như thế, tôi mơ hồ cảm thấy tai mình đang nóng lên bởi hơi thở từ những bức tranh treo trên tường. Vô số những bức khác xếp trong các xó xỉnh tối om của ngôi nhà cất tiếng rì rầm, thở than, cười cợt. Nhiều lần tôi hỏi ông cụ về điều kì lạ đó. Có lần ông chỉ im lặng. Tôi hình dung ra khuôn mặt trầm tư như đóng băng của ông, đôi mắt nhìn vô định vào một xó nào đó mà kì thực chẳng nhìn gì cả. Có khi ông thở dài đánh thượt. Cái tiếng thở dài của người sống mà nghe cứ não nuột như tiếng thở than của cái chết và xưa cũ như kí ức hàng triệu năm của loài người. Tôi vô thức cũng thở dài theo. “Thôi cái kiểu thở dài như bà cụ ấy đi”. Mẹ nghiêm trang bảo tôi như thế mỗi lần bắt gặp. Tại sao chỉ bà cụ mới được thở dài? Tôi lặng thinh và lắng tai nghe mẹ lặng lẽ nén thở dài. Giờ đây, khi nghĩ lại, cái tiếng thở dài ấy của ông cụ, tôi thấy nó từa tựa như một niềm khắc khoải của quá khứ đang cựa mình và của tương lai cô độc không dạng hình. Nó đã ăn sâu vào kí ức tôi suốt từ đó về sau.

Người ta bảo ai nhìn tranh ông vẽ những giấc mơ của họ thì chính người đó sẽ bị hút vào đó vĩnh viễn. Vĩnh viễn. Không bao giờ thoát ra được. Vậy nên… chẳng có ai dám bén mảng gần nhà ông…

            Vậy à!?

“Vậy à” là sao ạ?

Uhm!

            Một thoáng im lặng.

Thế thì cháu hãy cẩn thận đấy!

Tại sao ạ?

Không sao, không sao cả! Hãy cẩn thận!

Diễn giải đầy đủ lời cảnh báo của ông cụ, tôi cho là thế này: “Này cô bé, cẩn thận khi chơi bời với ta đấy nếu không muốn cũng sẽ bị hút vào những bức tranh vẽ mộng. Và rồi mất tăm mất tích. Chẳng ai còn nhìn thấy cô. Mẹ cô không còn nghe tiếng cô thở dài. Bà nội cô không còn rên rỉ mỗi lần cô tuyệt thực nhốt mình trong phòng và đập tanh bành mọi thứ”. Tôi giật mình nhớ rằng đã kể hết những giấc mơ của tôi cho ông cụ nghe. Kể tỉ mỉ là đằng khác. Nhưng liền sau đó tôi thở phào. Có muốn đi chăng nữa, tôi cũng chịu không nhìn được tranh của ông.

Thế ông có vẽ những giấc mơ của mình không?

Giấc mơ của ông à?… Không!

Tại sao?

Tại sao à? Cháu thích hỏi tại sao quá nhỉ!

Vâng, vì cháu muốn biết…

Giấc mơ của ông à? Ông không bao giờ vẽ những giấc mơ của mình!

Tại sao?

Tại vì ông không có những giấc mơ!

Sao được chứ!? Ai mà chẳng mơ. Cháu không tin!

Uhm, là thế này! Có thể ông cũng mơ, nhưng những giấc mơ của ông chỉ là sự lưu giữ lại những giấc mơ của người khác. Của cháu chẳng hạn. Ông lưu giữ lại nó trong một cái bảo tàng… à, không, nghe có vẻ nghiêm trọng đây… một cái kho thì nghe có vẻ tạp nham quá, cứ như kho thóc, kho hàng phải không… tạm gọi là trong một “vùng chân không”. Rồi… ông tái tạo lại nó trong những bức vẽ. Vẽ mộng ấy mà! Như cháu thấy… à, không phải rồi, như cháu nghe người ta, họ đồn thổi… Nhưng mà, điều ấy đúng đấy!

Tôi cảm giác khi nói câu ấy ông cụ đang xoa cái cằm lởm chởm râu và cười tinh quái trước sự ngơ ngác của tôi.

Vùng chân không? Tái tạo lại? Thế sau khi ông tái tạo lại thì những giấc mơ có ở lại trong vùng chân không của ông không, hay chúng đi đâu? Lẽ nào chúng đi vào những bức vẽ mộng?

Uhm, phải! Phải thế chứ! Chúng cũng tự tái sinh đời sống của mình trong những bức vẽ. Chúng biến mất khỏi vùng chân không…

Biến mất?

Cũng không hẳn… Chúng tan rã khỏi vùng chân không trong khi đồng thời thực hiện quá trình tự tái tạo trong những bức vẽ mộng.

Như cháu tan biến khỏi nơi này và đột nhiên thấy mình đang lơ lửng trong vũ trụ khi một mụ phù thủy hô “biến” ấy à?

Không đơn giản như vậy đâu! Hừm, ông cũng đâu phải phù thủy…

Chắc ông lại đang xoa râu cằm, nhưng có lẽ không cười tinh quái.

Chúng… Mà thôi, cháu thật là một cô bé lắm chuyện! Đáng lẽ cháu không nên biết điều này. Ông cũng không nên kể thì hơn. Thế là phạm Luật!

Luật nào ạ? Luật do ai đặt ra hở ông? Phạm luật có bị xử phạt không?

Ông không biết! Ông cũng chỉ là người thực thi Luật… Không đơn giản như vậy! Quên chúng đi!

Mọi sự diễn ra đều đặn như thế. Tôi đến thăm ông cụ. Bất thường. Kể những giấc mơ. Tưởng tượng những giấc mơ. Hư cấu mộng. Nghe những câu chuyện hiếm hoi và khó hiểu của ông cụ. Nghe tiếng thời gian vón lại trong không gian. Nghe từng mảnh không gian vụn vỡ trong thời gian. Thở dài.

Một ngày kia, khi đang lặng lẽ nghe một đĩa độc tấu dương cầm trong phòng vào một buổi chiều trước cơn bão, tôi nghe bà nội nói chuyện với mẹ rằng căn nhà cổ nhất trên phố bị cháy rồi. Cái căn nhà rờn rợn, bên trong có ông cụ bí hiểm ấy. Không báo trước, không có tín hiệu gì cho thấy sẽ có một vụ cháy như thế xảy ra ở nơi ấy.

            “Còn ông cụ trong đó thì sao?”

            “Ai mà biết được! Chắc cũng chết cháy luôn rồi”

            Giọng bà nội tôi ráo hoảnh.

            “Khổ thân ông cụ!”

            Mẹ than một câu, có lẽ cho có lệ.

            “Không biết lũ con cái đi đâu mà bỏ mặc bố như thế!”

            Mẹ tôi im lặng.

Bà nội than một câu bâng quơ rồi bỏ đó ra ngoài nghe điện thoại. Điện thoại của bà vừa đổ chuông.

            Lạ thay, lúc nghe tin đó, tôi thật bình thản. Tôi nghe như nghe một cái tin xa lạ về một ngôi nhà nào đó xa xôi ở tít mãi tận bên kia quả địa cầu. Chẳng có một rúng động nào ghê gớm. Chẳng có một giọt nước mắt nào chảy ra, cứ như thể tôi đã đoán chắc được kết cục ấy. Uhm, cái chỗ ấy, ngôi nhà của ông cụ ấy, toàn là gỗ, lại còn toàn những đồ cũ kĩ, toàn những bức tranh bằng giấy và khung gỗ. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng đủ cháy rừng rực một trời rồi. Tôi cứ đinh ninh, rằng chính cái ông cụ ấy đã châm lửa, chứ chẳng phải một sự cố nào.

            Thế còn những giấc mơ? Đã tan rã khỏi vùng chân không của ông cụ, giờ lại bị thiêu rụi cùng những bức tranh. Chúng đi đâu? Chúng có chung số phận với ông cụ và cả những bức tranh? Rồi cũng hóa thành một đống bụi than đen xì. Và một cơn gió thổi tới. Thế là chúng bay hết. Tiêu tán. Hoặc chúng sẽ ướt nhèm khi cơn bão ập đến. Trôi nổi trong những đường cống bé tí, luôn ứ tắc mỗi lần dù chỉ mưa nhỏ. Tối nay, sẽ có một cơn áp thấp tràn qua, nghe nói mưa lớn đủ lụt ngập cả thành phố. Hay là chúng đã kịp thoát ra bên ngoài khi ông cụ đọc một câu thần chú giải thoát nào đó mà tôi chưa từng nghe đến, cái câu thần chú mà ông đã giấu tôi trong bấy nhiêu thời gian. Hay là… tôi giật mình quay đầu hết bên này tới bên kia, dù chẳng nhìn thấy gì, như thể có rất nhiều người đang bao quanh mình: Chúng đã theo tôi về đây. Giờ chúng đang tràn ngập phòng tôi. Phà những hơi thở nóng ấm xưa cũ vào gáy tôi, tai tôi. Ông cụ đã cố tình làm như thế. Những vàng son. Những phôi pha. Ngọn lửa ở đâu đang bùng lên trong đầu tôi, sinh động, nóng rừng rực và thậm chí phát sáng trong cái khoảng không gian tối om của tôi.

Đó là lúc tôi quyết định cái hình hài sự tồn tại của tôi.

HN- 1. 2012

Tuệ Anh

Bạn đang đọc truyện ngắn: “Người Quản Mộng” của tác giả Tuệ Anh, tại mục “Truyện ngắn“của trang Du Ký. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay trong trang của chúng tôi, quý độc giả vui lòng sử dụng menu điều hướng và thanh search để tìm kiếm được dễ dàng hơn. Mọi góp ý xin vui lòng liên hệ Fanpage của chúng tôi facebook.com/dukynet/. Xin chân thành cảm ơn!

Sources:

BÀI LIÊN QUAN