Truyện ngắn tình yêu: 41 năm 9 tháng 17 ngày….

Truyện ngắn tình yêu: 41 năm 9 tháng 17 ngày….

41 năm 9 tháng 17 ngày….

Đó là khoảng thời gian của một tình yêu tuyệt đẹp mà tôi đã được nghe.

Trước hết phải nói với bạn đọc rằng tôi là một fan trung thành của nữ tiểu thuyết gia Trung Quốc Hân Nhiên. Trong thời đại muôn nhà viết tiểu thuyết và đặc biệt là sự đua nở của tiểu thuyết hiện đại Trung Hoa, Hân Nhiên không phải là một cái tên xuất sắc nhất nhưng lại rất ám ảnh . Và tôi là người bị ám ảnh.

Tôi chờ tàu với một tâm trạng rất thoải mái. Rất lâu rồi tôi mới có khoảng thời gian thư thái như thế này. Công việc khiến tôi phải di chuyển liên tục. Tôi quen với việc một ngày đi tới 2 tỉnh làm việc, sau đó quay lại trụ sở viết báo cáo, rồi ngày hôm sau lại tiếp tục đến một tỉnh khác khảo sát. Tôi thậm chí không có tủ đựng áo quần. Tôi có 3 chiếc vali với kích thước to nhỏ khác nhau, áo quần luôn để sẵn để lúc cần chỉ việc kéo khóa và lên đường. Nên việc sếp ưu ái cho tôi nghỉ ở nhà 3 ngày quả thực là một điều vô cùng quí giá. Tôi quyết định dành 3 ngày để nghỉ ngơi hoàn toàn.

Tôi quan sát xung quanh. Ga tàu là nơi có thể thấy được hầu hết những cảnh đời trong cuộc sống. Công việc khắc nghiệt tạo cho tôi một cảm quan nhạy bén trong việc đánh giá những người xung quanh. Sau một hồi quan sát, tôi có thể biết được những mối quan hệ thân sơ giữa người đi, kẻ ở, một phần về tính cách của họ. Điều đó khiến tôi cảm thấy khá xấu hổ, như thể đang xâm phạm đời tư của người khác, nhưng ngược lại, nó còn tạo cảm giác khá thích thú, nó kích thích sự suy đoán, như một bài nghiệp vụ nho nhỏ.

Một cặp đôi đang lưu luyến bên nhau, người con trai khẽ vuốt tóc cô gái, thầm thì sát đôi tai cô, má cô đỏ ửng lên. Hẳn họ đang ở giữa của thời kì ở giữa. Sát bên đó là hai người khá lạnh lùng, người A cắm cúi vào chiếc điện thoại của mình, có vẻ là dân kĩ thuật khù khờ, người B thì quan sát xung quanh, thi thoảng lại mỉm cười. Tôi biết anh ta tập trung nhìn điều gì và vì sao anh ta cười. Và nếu phải lựa chọn giữa A và B, tôi sẽ loại bỏ cả 2, nhưng tất nhiên đó là nếu. Kế bên đó nữa là gia đình 3 người. Cậu con trai hào hứng với chiếc máy bay nhỏ màu xanh, ông bố vui đùa cùng con còn bà mẹ lại căng thẳng đếm túi đồ quanh họ. Quả là một bà mẹ hay lo nhưng thiếu kinh nghiệm xếp đồ … Tôi cứ tiếp tục quan sát và suy đoán. Bỗng tôi dừng lại ở một người phụ nữ luống tuổi. Bà ấy vào khoảng 60, rất có nét. Hẳn lúc trẻ bà ấy phải là hoa khôi. Điều khiến tôi ấn tượng nhất không phải là sắc vóc mà là đôi mắt buồn của bà. Một đôi mắt đầy ám ảnh. Dù xung quanh có rất nhiều người đưa tiễn, bà ấy vẫn hướng mắt về một nơi nào đó, tay cầm chặt điện thoại. Tôi dù cố tránh không nhìn bà ấy lâu nhưng dù chuyển hướng bao nhiêu lần vẫn thi thoảng trở về với đôi mắt ấy. Tôi tự hỏi người phụ nữ ấy đang đợi chờ ai?

Tiếng loa rè rè thông báo tàu sắp vào ga. Tôi dừng trò chơi của mình lại. Bước qua cửa kiểm vé, suy nghĩ hướng về những nơi mà tôi sẽ đến khi về nhà.

Khoang tàu khá thoáng. Tôi dễ dàng tìm thấy số ghế của mình. Tôi đẩy nhẹ chiếc vali nhỏ gọn trên giàn để hành lí. Tiếng còi tàu hú lên một hồi, toa tàu khẽ rùng mình và chuyển động chậm. Một số người vẫn di chuyển ở lối đi, phần lớn bị mắc kẹt do mang hành lí quá nhiều. Nếu tôi là những anh X, Y, Z ở khoang tàu này, tôi đã đứng lên giúp họ một tay, nhưng tôi lại là cô gái Q không có khả năng xách quá 5 cân. Tôi thấy buồn cho chính mình. Tôi chỉ có thể bế giúp cháu bé cho một chị trong khi chị ấy xếp gọn đồ đạc. Và ngay lúc đó tôi nhận ra xách một túi đồ 10 cân có khi còn dễ hơn. Nó liên tục ngọ nguậy, luôn có nguy cơ tuốt ra khỏi tay, sẳn sang khóc rống lên bất cứ khi nào. Tôi cố gắng mỉm cười nhưng nụ cười hẳn là kì quái lắm nên trông nó có vẻ như thích thú tí nào cả. Một giọng nói nhẹ nhàng vang lên:

– Cháu lên dùng một tay đỡ lấy gáy của cháu bé, như thế ổn hơn.

Tôi vội vã làm theo và quả thật là dễ hơn thật. Tôi quay lưng lại, trong một khoảng khắc tôi đã kìm giữ một tiếng kêu ngạc nhiên, đó là người phụ nữ có đôi mắt buồn.

Tôi trao trả đứa bé và trở về chỗ ngồi của mình. Người phụ nữ xếp gọn hành lí và nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh tôi. Tôi không biết thượng đế đang bỡn cợt hay muốn tôi phải chấm dứt trò chơi vừa rồi nữa mà lại sắp xếp đầy ngụ ý như thế. Người phụ nữ không biết ý nghĩ rối bời đang lan chảy trong tôi. Tay bà ấy vẫn nắm chặt chiếc điện thoại HTC khá đắt tiền. Dường như việc nắm giữ nó vẫn không đủ để bà tin là nó còn tồn tại, nên bà cứ nhìn chằm chằm màn hình. Bà cứ giữ nguyên tư thế ấy cho đến khi chiếc điện thoại rùng mình, đèn màn hình bật sáng, bà vội vã nghe máy.

Tôi quay mặt ra cửa sổ. Tôi không thể tiếp tục phạm tội nữa. Nhưng giọng nói nho nhỏ, run rẩy ở bên cạnh vẫn lọt vào tai, khiến phần não bộ ưa phân tích và phán đoán của tôi lại muốn làm việc. Bà ấy đang khóc? Bà ấy đang nói lời tạm biệt với một người cực kì thân thiết. Tôi khẽ lắc đầu. Stop, stop, đủ rồi. Mình đang trên đường về nhà cơ mà.

Cuộc điện thoại chấm dứt. Đứa trẻ ở dãy ghế bên cạnh cũng thôi không hò hét, nó bắt đầu thiêm thiếp ngủ trên cánh tay của mẹ. Tôi không nhìn ra cửa sổ nữa, những cảnh lặp lại khiến tôi cảm thấy hơi chán. Tôi ngồi thẳng, chờ đợi một người bán báo đi ngang qua. Lúc đó tôi chợt thấy người phụ nữ bên cạnh khẽ tháo điện thoại của mình, rút sim. Bà lắp lại chiếc điện thoại một cách thành thạo, cho nó vào túi. Cái sim vẫn để ở ngoài. Bà nhìn nó một lúc rồi mím môi dùng hai ngón tay bẻ gập lại, một giọt nước mắt rơi xuống. Tôi sững trong 3 giây. Đến giây thứ 4, tôi đưa tay vỗ lên vai của bà. Bà gật gật đầu rồi đưa tay đặt lên bàn tay của tôi.

– Cám ơn cháu gái.

– Bác sẽ dễ chịu hơn khi hít thật sâu.

– Ừ.

– Cháu không có kinh nghiệm trong việc bế trẻ con nhưng ở lĩnh vực này thì cháu rất tự tin.
Tôi thấy người phụ nữ cười.

– Cháu có nét gì đó rất giống bác lúc còn trẻ.
Người phụ nữ xoay người qua nhìn tôi. Tôi lại là người bị quan sát, quả là một sự sắp đặt khá hay ho. Người phụ nữ khe khẽ gật đầu.

– Đúng rồi, là thần thái này. Khi bác 20 tuổi, bác cũng có vẻ mặt này.

Tôi vẫn không rõ điều người phụ nữ này muốn nói đến, nhưng tôi cảm thấy ở bà ấy có điều gì khá thú vị.

– Cháu bao nhiêu tuổi.

– Cháu 24.

– Tuổi trẻ …

– …

– Cháu ngạc nhiên khi bác hủy cái sim lúc nãy phải không?

Tôi gật đầu dù có một tiếng nói yếu ớt trong tôi vọng lên, “đừng thừa nhận là mày đang tò mò”.
– Như vậy thì hơn. Bác và người ấy không nên trò chuyện với nhau nữa. Lần trở về này là phần kết của câu chuyện hơn 40 năm.

– Đó là một câu chuyện tình?

– Phải. Lúc đó bác là một cô gái trẻ tràn sức sống như cháu bây giờ và bây giờ bác đã già thế này đây, thời gian sao mà nhanh thế.

Tôi thật sự đáng trách nhưng tôi không dừng lại được nữa, tôi thật sự muốn biết câu chuyện này.

– Tại sao 2 người không thể ở cạnh nhau?
Người phụ nữ nhìn tôi, cười hiền hậu.

– Đó là câu hỏi phải mất một đời người mới có thể trả lời được.

– Cháu nghĩ là bác cần người tâm sự.

– Quả thật là cháu rất giống ta lúc trẻ. Cũng là một sự sắp xếp của số phận, có thể cháu sẽ nhận ra được điều gì đó qua câu chuyện này.

Bác và ông ấy gặp nhau trong một buổi sinh hoạt giao lưu do đoàn thanh niên tổ chức. Hồi đó, những buổi giao lưu như một ngày hội, thường được chuẩn bị cả tháng trời. Tối hôm đó, bác khá nổi bật với chiếc áo bà ba màu hồng phấn. Bác có thể nhận thấy rất nhiều ánh mắt đổ dồn vào mình nhưng vẫn cố tỏ ra thản nhiên. Khi ông ấy bước lên sân khấu, dạo những nốt nhạc đầu tiên của bản Dòng sông xanh, bác như bị hút hồn. Khuôn mặt rắn rỏi, đôi mắt sáng và những ngón tay thuôn dài lướt trên những dây đàn đã in sâu vào tâm trí của bác. Phải cố lắm bác mới có thể đứng vững được và nghe hết bản đàn. Tiếng vỗ tay rộn lên. Bác vội vã rút chân khỏi chỗ đứng của mình, bước vội về một khoảnh trống nhỏ. Bác cần một không gian để thở, như bù lại những khoảnh khắc nín thở vừa rồi. Buổi giao lưu tiếp tục với rất nhiều những tiết mục khác nhưng bác cảm thấy mọi thứ đều nhạt. Đảo mắt nhìn quanh, không thấy ông ấy đâu cả. Bác như vừa đánh mất một điều gì thật lớn.

Trở về nhà khá muộn, bác và 2 cô bạn nữa phải bước thật mau vì sợ bị la mắng. Qua một đoạn đường vắng, có 3 gã thanh niên ùa ra trêu ghẹo và cố ép 3 chị em vào lề đường. Cả ba hoảng hốt la lên nhưng đoạn đường này vắng tanh, nhà gần nhất cũng cách đó đến 500m. Một tên chạy đên bịt miệng bác còn tay kia thì kéo mạnh hai tay bác ra phía sau, cố kéo đi. Bác vùng vẫy nhưng gần như vô hiệu. Bỗng có một chiếc xe đạp lao vút tơi, tiếng đổ xe rồi tiếng người đánh nhau, tiếng rên. Tất cả là một mớ hỗn độn mà bác không sao phân biệt được. Bác và 2 người còn lại chỉ biết nhân lúc đó chạy thật nhanh về phía trước, thoát khỏi tất cả. Chạy được một lúc bác thấy có tiếng người gọi với, tiếng thở dốc, một chiếc xe đạp đang đuổi theo. Bác nhắm mắt chạy thật nhanh cho đến khi vấp ngã và nắm sóng xoài. Lúc ấy bác chỉ muốn khóc thật to lên mà thôi. Đôi bàn tay ai đó đỡ bác dậy, hỏi han:

– Có sao không? Tôi có làm gì mà cô chạy ghê thế.

Bác vẫn chưa hoàn hồn, khẽ thu mình lại, hất văng tay người đó ra mà tự đứng lên.

– Ơ kìa, thật là. Có làm sao không?

Phải mất một lúc bác mới biết rằng chính người ấy đã cứu mình và một lúc sau cũng nhận ra là người đánh đàn lúc nãy.

Hai người quen nhau từ đó, bắt đầu thân thiết và yêu nhau từ lúc nào không hay. Hồi đó việc trai gái yêu nhau không được tự do như bây giờ. Hai người chỉ tình đi ý lại, rồi thỉnh thoảng lén gặp nhau vậy thôi. Nên bố mẹ của hai gia đình cũng không được biết. Đến một ngày, ông ấy nói chuyện với bố mẹ muốn cưới bác thì ông bà ấy mới biết và cực lực phản đối. Lí do không phải vì bác thế này thế kia mà vì bác là con một. Con gái một thì thường được cưng chiều, không biết lo liệu gia đình, không xốc vác, con gái một thì chỉ có thể sinh một đứa con. Không biết họ lấy đâu ra thứ lập luận ấy nhưng họ khăng khăng không chấp thuận.

– Sao bác không gặp họ để tự chứng minh?
Người phụ nữ nhìn tôi cười xòa:

– Cách đây 40 năm, làm như thế bị xem là mất giá.

Tôi thở dài.

Bố mẹ bác biết tin liền nổi giận đùng đùng. Hai người vừa xót con vừa cảm thấy bị mất mặt nên ra sức cấm đoán. Bác đã khóc rất nhiều. Phần vì tự ái, phần vì sợ bố mẹ nên bác quyết định dứt hẳn, dù lòng rất đau đớn. Ông ấy đã tìm đủ mọi cách để xoay chuyển nhưng bác cự tuyệt. 1 năm sau, bác lấy chồng. Không phải bác không chung tình. Bác vẫn còn yêu ông ấy nhưng con gái có thì, bố mẹ bác thì liên tục giục giã. Chồng của bác là một người rất tốt, có việc làm ổn định. 1 năm sau bác có đứa con đầu lòng. Ông ấy nghe đâu vẫn chưa lấy vợ, dù bố mẹ ra sức làm mối. 2 năm sau bố mẹ bác mất trong một vụ tai nạn, bác theo chồng vào miền nam sinh sống. Từ đó cũng không biết tin tức của ông ấy.

– Bác có thường xuyên trở về quê cũ không?

– Một đôi lần. Bác trở về thắp hương cho bố mẹ. Nhưng không gặp ông ấy. Nghe mọi người bảo phải đến 35 tuổi ông ấy mới lấy vợ và chuyển lên sống ở thị xã.

– Thế lần này?

– Phải, lần này thì bác và ông ấy gặp lại nhau. Sau hơn 40 năm. Điều kì lạ là ông ấy vẫn còn yêu bác, như thuở 20.

– Nghe thật khó tin.

– Ừ, khó tin, nhưng mà đúng. Bác và ông ấy đều có gia đình, con cái đều lớn cả rồi. Tình cũ cũng xếp vào một ngăn nhỏ và cất kín trong đó. Nó là kí ức chứ không còn là kỉ niệm nữa. Tức là bác đã dần quên nó rồi. Nhưng ông ấy thì không. Bác trở về lần này là do chồng và các con động viên mãi. Hội lớp, nếu không đi một chuyến có thể sẽ không có dịp gặp đông đủ bạn bè. Nên dù khá mệt nhưng bác vẫn cố đi. Bạn bè gặp lại sau bao nhiêu năm, nhiều chuyện khôn xiết. Và trong vô vàn những chuyện khác nhau, có chuyện về ông ấy. Bây giờ bác mới biết. Bác đi rồi, ông ấy không thiết tha gì đến những người con gái khác, chỉ miệt mài làm việc và làm việc. Bố mẹ giục mãi nhưng ông ấy vẫn im lặng. Khi những ông bố bà mẹ bắt đầu hối hận thì mọi chuyện cũng đã quá muộn màng. Mãi cho đến khi bố ông ấy ốm nặng, ông mới đồng ý cưới một cô gái mà bố mẹ đã nhắm từ lâu. Ông ấy vẫn nhớ đến bác, tên của con gái đầu lòng của ông ấy là Nga, tên của bác. Người vợ biết tất cả, nhưng vẫn lặng lẽ chấp thuận. Bác đã trào nước mắt khi nghe kể đến đó. Những người lần lượt kể về ông ấy, rất nhiều những chuyện xúc động. Họ không muốn làm bác phân tâm nên đã im lặng suốt chừng ấy năm. Nhưng bây giờ họ không thể im lặng hơn được nữa. Bởi từ khi bác trở về, ông ấy đã âm thầm theo từng bước chân, quan sát từ xa. Ngay cả khi bác cùng bạn bè liên hoan thì ông ấy cũng chọn cho mình một góc nhỏ ở quán đối diện để quan sát, rồi lẳng lặng trở về.

Bác trằn trọc mất 2 đêm rồi quyết định gọi điện thoại cho ông ấy. Đó là một quyết định khó khăn ở tuổi 61. Hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ nữa. Một tiếng nói vang lên trong tâm trí, điều khiển những ngón tay nhấn phím. Khi phím gọi bật lên cũng là lúc mà bác có đôi phần hối hận. Nhưng gần như ngay lập tức, có tiếng trả lời từ bên kia.

– Nga phải không. Đúng Nga không?

– Vâng.

– Nga … anh biết là em sẽ gọi mà. Anh biết mà.
Bác cảm nhận được sự xúc động đến run rẩy trong từng lời nói.

– Anh … khỏe không ?

– Anh … anh … rất nhớ em.

– Bao nhiêu năm rồi còn gì.

– Không, cứ như mới hôm qua thôi. Em vẫn rất xinh đẹp.

– Em …

– Em vẫn rất xinh đẹp.

Ông ấy lặp lại câu ấy thêm một lần nữa. Im lặng một lúc, ông ấy nói rằng muốn gặp bác, tha thiết. Trong một khoảnh khắc, hình ảnh người chồng tận tụy của bác hiện lên, bác từ chối. Ông ấy không lặp lại lần thứ 2, chỉ nói rằng hãy giữ số điện thoại này trong những ngày ở đây, để ông ấy có thể chắc chắn rằng bác trở về. Và bác đồng ý.

Có lẽ bác đã hơi quá đáng khi từ chối một cuộc gặp mặt. Nhưng khi nghe giọng nói run rẩy của ông ấy, bác hiểu rằng chỉ cần gặp lại nhau, ngày xưa sẽ trở về. Đã quá muộn cho một sự bắt đầu.

Những ngày sau đó, bác về quê, thăm một số người thân, đến những nơi cũ. Một buổi chiều, khi đến bờ đê tìm lại những kỉ niệm xưa, bác gặp lại ông ấy. Ông ấy đã ngồi đó từ bao giờ, dáng vẫn không đổi, chỉ có mái tóc đã đổi màu. Ông ấy ngước lên, nước mắt chảy tràn.

– Biết là em sẽ đến đây, vậy mà anh vẫn đến. Anh xin lỗi.

Hai người ngồi cạnh nhau, nhìn về bãi dâu xanh rờn. Cảm giác của ngày xưa ùa về. 40 năm mà như ngày hôm qua.

– Thi thoảng anh vẫn về đây.

– Em không biết là anh vẫn nhớ em đến vậy.

– Không, chưa bao giờ anh quên …

Ông ấy nhìn sâu vào mắt bác, đó là đôi mắt của chàng trai tuổi 25 ngày trước. Trong một khoảnh khắc, bác nghĩ rằng mình có thể bỏ tất cả chỉ để có đôi mắt ấy mãi mãi. Bác bật ra một câu hỏi đã chôn giấu trong nhiều năm:

– Tại sao ngày ấy anh không níu giữ em?

– Vì sao ư? Đó là câu hỏi mà anh dằn vặt hơn 40 năm qua. Anh không biết được một cách chính xác điều gì đã ngăn cản anh. Chỉ biết rằng ngày ấy, anh đã giam mình trong phòng suốt nhiều ngày liền, đau khổ tận cùng.

– Em … đã rất hận.

– Anh … xin lỗi. Em thế nào?

– Người đó rất tốt. Anh ấy đã không chạm vào em trong đêm dầu tiên. Anh ấy muốn chờ cho đến khi em tự nguyện. Nên em quyết định sẽ dành cả cuộc đời này để báo đáp tấm lòng ấy.

Ông ấy im lặng. Dường như tất cả những điều mà bác nói ra ấy, ông đều đã thấu hiểu cả.Trời về chiều, gió mỗi lúc một lạnh. Cảm giác lạnh và những cơn ho kéo đến khiến cho bác cảm nhận rõ hơn về sự đổi thay qua thời gian. Ông ấy run rẩy nắm lấy bàn tay của bác, sự ấm áp lan truyền trong hai cơ thể.

– Em có biết bao nhiêu lâu rồi ta không gặp nhau không?

– Hơn 40 năm rồi.

– 41 năm 9 tháng 17 ngày

Bác òa khóc. Nước mắt của thời con gái, nước mắt của tuổi già, nước mắt hạnh phúc và đau khổ, của oán hận và vị tha. Ông ấy kéo bác vào lòng, tựa vào đầu bác mà khóc. Ông ấy đã yêu bác nhiều bao nhiêu. Và bác cũng thương ông ấy biết nhường nào. Bác tự hỏi trong suốt chừng ấy tháng năm, ông ấy đã sống ra sao, làm cách nào để có thể vượt qua nỗi nhớ. Bác cũng tự hỏi tấm lòng vợ ông ấy rộng lớn đến nhường nào để có thể bao dung tất thảy. Bác hiểu rằng đó là mảnh ghép cuối, cho bức tranh còn dở dang của quá khứ. Tất cả phải khép lại tại đó, để tất cả được yên ổn. Và bác hủy cái sim đó. Nếu có kiếp sau, hi vọng sẽ tìm lại được cái sim định mệnh.

Người phụ nữ nắm chặt chiếc sim bị gập đôi trong tay, những ngón tay run rẩy. Tôi chỉ kịp nắm nhẹ lấy đôi bàn tay ấu rôi vội vã vớ lấy chiếc vali. Tàu đã đến ga tự lúc nào, đang rít lên những hồi còi thúc giục.

– Cháu tin là có kiếp sau.

Người phụ nữ khẽ mím môi gật đầu.

Tôi không kịp ghi số điện thoại hay địa chỉ, chỉ kịp ghi đôi mắt buồn. Tôi đứng thẩn thờ trên sân ga nhìn đoàn tàu tiếp tục cuộc hành trình vào nam. Còn 600km và hơn 14 tiếng để tiếp tục sống với những kỉ niệm cũ. Khi con tàu về ga cuối, mọi thứ sẽ thực sự khép lại.

Tôi không biết nếu có mặt trên chuyến tàu ấy, Hân Nhiên sẽ ghi lại câu chuyện theo cách nào. Còn tôi, tôi ghi lại theo lối chân thật nhất. Đúng như những gì người phụ nữ ấy đã kể lại cho tôi nghe. Và nếu sự tình cờ là phổ biến, tôi mong rằng có thể gặp người đàn ông ấy để có thể cảm nhận một lần nữa về tình yêu vĩnh hằng.

Tác giả: Dương Thùy Dương

Xem thêm:

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN