Câu chuyện về “Thập đại danh khúc” Trung Hoa cổ điển

Câu chuyện về “Thập đại danh khúc” Trung Hoa cổ điển

Thập đại danh khúc cổ điển nổi tiếng trong lịch sử 5000 năm văn hóa cổ truyền Trung Hoa dường như đang dần thất truyền. Phải nói rằng, ngày nay có rất ít người có thể thể hiện xuất ra được thần thái của những danh khúc cổ đại này.

Chúng ta hiện tại hầu như chỉ biết những cái tên này trong những tác phẩm văn nghệ, nhưng ít ai nhớ rằng, mỗi cái tên đều mang trong nó một giai thoại truyền kỳ, những điển tích bi tráng, gắn liền một giai đoạn lịch sử. Mỗi danh khúc đều mang theo ý chí, sự phóng khoáng, thánh thiện thanh bần của cổ nhân.

1. Cao Sơn Lưu Thủy

Cao Sơn Lưu Thủy gắn liền với điển tích về tình tri kỷ của Bá Nha và Tử Kỳ. Tương truyền hơn 2000 năm trước, Bá Nha hay đàn bản Cao Sơn Lưu Thủy nhưng chỉ có một mình Chung Tử Kỳ biết thưởng thức. Một lần Bá Nha gảy đàn, lòng nhớ tới núi cao, Tử Kỳ liền bảo: “Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn” (Đánh đàn hay thay, vời vợi tựa Thái Sơn). Đến lúc Bá Nha nghĩ đến vực sâu, Tử Kỳ nhận ngay ra, mà rằng: “Đăng đăng hồ nhược lưu thủy” (Cuồn cuộn như nước chảy).

Khi Tử Kỳ lâm bệnh chết, Bá Nha chỉ gẩy đàn thêm một lần duy nhất trước mộ người tri âm rồi đập đàn vào tảng đá, không bao giờ cầm đến cây đàn nữa.

Cao Sơn Lưu Thủy và điển tích về tình tri kỷ của Bá Nha – Tử Kỳ

2. Quảng Lăng Tán

Khúc nhạc này phổ biến ở vùng Quảng Lăng, nay là thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, vào cuối thời Đông Hán (25-220 SCN). Đây là sự kết hợp của nhiều loại nhạc cụ, nhưng chỉ có đàn tranh là tồn tại đến ngày nay. Nhắc đến Quảng Lăng Tán thì phải nhắc đến hai câu chuyện, chuyện của thích khách Nhiếp Chính thời Chiến Quốc và chuyện của Kê Khang.

Cha của Nhiếp Chính đúc kiếm cho Hàn Vương, do trễ ngày giao kiếm đã bị thảm sát. Nhiếp Chính vì trả thù cho cha mà khổ luyện đàn mười năm trong núi sâu, sau nổi tiếng khắp nơi, được Hàn Vương triệu vào đàn. Nhiếp Chính nhân cơ hội này giết chết Hàn Vương rồi hủy dung mạo và tự tử để khỏi liên lụy thân nhân. Hậu nhân vì cảm khái câu chuyện này soạn nên khúc Quảng Lăng Tán.

Tương truyền, trong một đêm nằm mộng, Kê Khang thấy có người khách lạ đến truyền lại một khúc nhạc tuyệt hay, sau này mới biết đó là Quảng Lăng Tán.

600 năm sau, đời Ngụy Tấn, Kê Khang, một nhạc gia nổi tiếng trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền”, đã phát triển khúc này thành một khúc nhạt tuyệt luân. Đương thời họ Tư Mã đang chiếm quyền Tào Ngụy, Kê Khang tài giỏi nhưng tính cương trực, quyết đứng về phía nhà Ngụy, một mực tỏ thái độ không hợp tác với họ Tư Mã. Năm 262 SCN, Kê Khang, vì bị khép tội làm loạn triều đình, đã bị bắt thọ hình. Trước khi chết, ông tấu khúc Quảng Lăng Tán một lần cuối cùng rồi thốt lên rằng: “Quảng Lăng Tán từ nay thất truyền!”.

3. Bình Sa Lạc Nhạn

Tác phẩm được biết đến sớm nhất vào năm 1634, cuối triều Minh. Giai điệu du dương, dìu dập, trong tiếng đàn có tiếng nhạn. Cầm khúc miêu tả chim nhạn đáp xuống giữa không trung, ngoái đầu ngắm cảnh.

Cầm khúc miêu tả chim nhạn đáp xuống giữa không trung, ngoái đầu ngắm cảnh.

4. Mai Hoa Tam Lộng

thập đại danh khúc

Hoa mai là biểu tượng quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Là một “người bạn của mùa đông”, hoa mai biểu thị sinh động nhất giá trị của sự nhẫn nhịn, trên suốt quãng đường đời, khó khăn rồi cũng qua đi theo thời gian.

Hương thơm của hoa mai “sinh ra từ sự khắc nghiệt của cái lạnh”, như người Trung Quốc hay nói. Bằng cách này, hoa mai gợi lên một cái nhìn sâu sắc về nhân sinh: tâm hồn được tôi luyện trong chiều sâu kinh nghiệm, đồng thời đạt được sức mạnh nội tâm và lòng dũng cảm kiên cường.

Mai Hoa Tam Lộng mượn hình ảnh hoa mai để tán tụng những người có tiết tháo cao thượng.

Nhạc khúc thuộc loại “tá vật vịnh hoài”, mượn hình ảnh hoa mai để tán tụng những người có tiết tháo cao thượng. Nửa đầu khúc nhạc giai điệu du dương, thanh u gợi lên sự cao quý và trạng thái tĩnh tại, an tường của hoa mai. Nửa đoạn sau vội vàng, gấp gáp biểu hiện sự kiên cường chống chọi với cái lạnh của hoa mai. Giai điệu tiết tấu hai đoạn đầu và cuối như là bất đồng, tương phản rõ rệt…

Mai Hoa Tam Lộng, với một phiên bản sáo Trung Quốc và một phiên bản đàn tranh, là nhạc khúc nổi tiếng nhất về hoa mai.

5. Thập Diện Mai Phục

Thập Diện Mai Phục được viết cho đàn tỳ bà và tác phẩm xuất hiện lần đầu tiên trong Pipa Scores, biểu diễn bởi Hoa Thu Bình năm 1818.

Chiến thuật ‘Thập diện mai phục’ và thắng lợi của Lưu Bang.

Nhạc khúc miêu tả trận quyết chiến cuối cùng của chiến tranh Sở – Hán vào năm 202 TCN. Quân Hán sử dụng chiến thuật “thập diện mai phục” để đánh bại quân Sở. Hạng Vũ tự tử ở Ô Giang. Lưu Bang giành được thắng lợi. Cùng năm đó, nhà Hán thành lập.

6. Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ

“Xuân giang triều thuỷ liên hải bình,

Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.

Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lý,

Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh”

Dịch nghĩa:

Thuỷ triều lên, mặt sông xuân ngang mặt bể,

Trên bể, trăng sáng cùng lên với thuỷ triều.

Lấp loáng theo sóng trôi muôn ngàn dặm,

Có nơi nào trên sông xuân là không sáng trăng?

Ánh trăng trải vàng khắp mặt sông xuân.

Đây là những câu mở đầu bài thơ ‘Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ’ của thi gia nổi tiếng thời nhà Tần là Trương Nhược Hư (khoảng 660-720 SCN). Nhạc khúc Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ được đặt theo tên của bài thơ, với hai phần diễn tả phong cảnh và cảm xúc tương tự nhau.

7. Ngư Tiều Vấn Đáp

Khúc đàn tranh này bày tỏ niềm an vui tự tại của “ngư – tiều” giữa chốn rừng xanh núi biếc (thanh sơn lưu thủy). Nhạc khúc dùng phương pháp đối thoại giữa “ngư giả” và “tiều giả”, khi giai điệu lên cao là biểu đạt câu hỏi, lúc xuống thấp thì biểu thị câu trả lời. Ngư Tiều Vấn Đáp với giai điệu phiêu dật tiêu sái, biểu hiện thần thái thong dong tự tại của “ngư tiều”…

Ngư Tiều Vấn Đáp với giai điệu phiêu dật tiêu sái, biểu hiện thần thái thong dong tự tại của “ngư tiều”, phản ánh tinh thần Đạo gia.

Tuy nhiên, những người nghe quả quyết rằng các câu hỏi không có câu trả lời. Khúc nhạc này cũng nhắc nhở rằng, tất cả thăng trầm trong cuộc sống đều có thể xem nhẹ và mọi thứ có thể được nhắc đến với một nụ cười, phản ánh tinh thần tiêu dao tự tại của Đạo gia.

8. Hồ Gia Thập Bát Phách

Hồ Gia Thập Bát Phách được sáng tác thời nhà Đường, dựa trên một bài thơ cùng tên vào thời Hán. Cầm khúc phản ánh nỗi niềm của Thái Văn Cơ, tâm tình đau khổ, day dứt bởi nỗi nhớ quê da diết nhưng lại không nỡ chia lìa cốt nhục tình thâm. Điệu nhạc uyển chuyển, bi thương, như đứt từng đoạn ruột.

Thái Văn Cơ là một nữ sĩ tài hoa trong lĩnh vực thơ ca và âm nhạc thời nhà Hán. Bà là con gái của Thái Ung – một học giả nổi tiếng. Chồng của bà qua đời ngay sau lễ cưới năm 192 SCN. Khoảng năm 194, quân Hung Nô xâm chiếm lãnh thổ nhà Hán và Văn Cơ bị bắt làm tù binh.

Văn Cơ trở lại Hán địa. Bức tranh mô tả Văn Cơ và Tả Hiền Vương đang cưỡi ngựa, mỗi người ôm một người con.

Trong thời gian lưu lạc, bà trở thành vợ lẽ của Tả Hiền Vương Hung Nô và hạ sinh 2 người con. Mười hai năm sau, Tào Tháo mang vàng ngọc và lấy danh nghĩa cha Văn Cơ để chuộc bà về. Tuy nhiên, hai con của bà bị giữ lại Hung Nô.

9. Hán Cung Thu Nguyệt

Hán Cung Thu Nguyệt mô tả khung cảnh cấm cung trong triều đình Trung Hoa cổ đại, nơi các cung nữ than trách về số phận của họ. Nhạc khúc lấy bối cảnh một đêm mùa thu lạnh dưới ánh trăng, âm nhạc thắm đượm nỗi buồn và cô độc.

Hán Cung Thu Nguyệt lấy bối cảnh một đêm mùa thu lạnh dưới ánh trăng, âm nhạc thắm đượm nỗi buồn và cô độc.

10. Dương Xuân Bạch Tuyết

Ra đời tại nước Sở trong thời Chiến Quốc, tác phẩm được coi là thách thức tính điêu luyện của các nhạc gia. Tiêu đề của bài hát sau này đã trở thành một thành ngữ Trung Hoa khi đề cập đến sự tinh tế trong thi ca.

Tiêu đề Dương Xuân Bạch Tuyết sau này đã trở thành một thành ngữ Trung Hoa khi đề cập đến sự tinh tế trong thi ca.

Dương Xuân Bạch Tuyết dùng tiếng đàn miêu tả cảnh mùa xuân, tuyết đang tan ra. Ở thời điểm giao mùa vẫn còn cái se lạnh của mùa đông hòa lẫn cái ấm áp của mùa xuân. Tiếng đàn trầm bổng khoan hòa, làm người nghe cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng sảng khoái, mơ màng như thấy có tia nắng ấm áp lan tỏa trên thân mình, xa xa những lớp tuyết đang từ từ tan ra trên nhành mai…

Video: Cao Sơn Lưu Thủy:

An Nhiên/Tinh Hoa

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN