Truyện ngắn 2 – Kẻ bị cắt tóc hay anh giữ ngựa táo bạo và quỷ quyệt

Truyện ngắn 2 – Kẻ bị cắt tóc hay anh giữ ngựa táo bạo và quỷ quyệt

Truyện ngắn của Philostrate làm cho quý bà lắng nghe lúc thì cười lúc thì đỏ mặt. Khi nó kết thúc, nữ hoàng ra lệnh cho bà Pampinée kể chuyện của mình. Quý bà yêu kiều này, với vẻ mặt tươi cười, bắt đầu bằng những lời này:

Có nhiều người đàn ông ít minh mẫn muốn tỏ ra là thấu hiểu, đã thực hiện ý nghĩ chủ quan đó ở những cái có hại cho họ. Họ không biết dấu giếm cái gì cả, và tưởng rằng danh dự của họ liên quan đến trả thù những xúc phạm nhẹ nhất người ta gây cho mình. Cái gì sẽ xẩy ra? Họ thường chỉ làm cho sự hổ thẹn và sự mất danh dự của họ tăng lên. Đó là một sự thực mà tôi dự định chứng tỏ qua một ví dụ trái ngược, bằng cách kể cho các vị nghe mưu kế của một con người không chịu thua Maget một tí gì về mặt mưu trí, bởi vì anh ta tinh nhạy hơn một ông vua vốn bản thân rất thông minh.

Theo gương các tiền bối, Agiluf, vua của người Lombardie đã xây dựng thành phố Pavie thành thủ đô của vương quốc và là nơi cư trú của mình. Ông đã kết hôn với Teudelingue, vợ góa của vua Vétari tiền nhiệm, một người đàn bà sáng suốt, khôn ngoan, nhã nhặn, đẹp hiếm thấy, nhưng bất hạnh về người yêu. Sau khi người chồng thứ hai của bà, nhờ điều hành tốt và khôn ngoan trong việc cai trị, đã ổn định được các công việc của xứ Lombardie và làm cho vương quốc hoàn toàn thanh bình và phồn vinh, một anh giữ ngựa của ông đã hết sức yêu quý ông. Anh là một người có vẻ mặt dễ mến, vóc dáng cân đối và gần giống như vua. Xuất thân của anh từ nghèo hèn nhưng rất phù hợp với công việc anh làm trong các chuồng ngựa của hoàng hậu. Sự thấp kém của thân phận không ngăn cản anh có được lương tri và suy luận. Anh cảm thấy khoảng cách quá xa từ ngai vua đến chuồng ngựa, và sự nguy hiểm anh phải trải qua nếu người ta phát hiện ra dục vọng của anh. Vì thế anh đề phòng không nói ra điều đó với ai cả; anh ít dám nhìn hoàng hậu vì sợ lộ tình cảm của mình. Dù ít hy vọng có lúc nào đó thỏa mãn được những ham muốn của mình, anh vẫn không thôi tự khen mình đã đặt tình yêu đúng chỗ. Anh dành cho hoàng hậu mọi săn sóc cỏn con thuộc nghề nghiệp của anh; anh làm chăm chú hơn các bạn, tất cả những gì anh cho là bà ấy thích. Vì thế anh vui mừng thấy khi bà muốn đi ngựa là bà ưa cưỡi con ngựa anh chăn. Anh hết sức hãnh diện về lại chiếu cố này, và buông tay giữ bàn đạp thật muộn để hưởng cái thú sờ được bàn chân hay đụng vào váy của hoàng hậu, cái đó gây cho anh một niềm vui lớn. Tuy nhiên, vì thấy ít có thực tế thỏa lòng mong muốn của mình, anh đã làm tất cả những gì có thể đạt được. Nhưng thường thì khi một người yêu càng có ít lý do để hy vọng, tình yêu của anh ta càng sục sôi và cháy bỏng: đó chính là cái mà anh chàng giữ ngựa khốn khổ đang cảm thấy. Đối với anh, sự dằn vặt đau đớn nhất là phải giữ những ngọn lửa tình trong tận đáy lòng. Không thể nào dập tắt chúng đi được, anh đã quyết định tự vẫn để chấm dứt cái sầu muộn của mình; nhưng làm như thế thì người ta nghĩ rằng tình yêu của anh đối với hoàng hậu đã đưa anh đến tình trạng thảm khốc. Trước khi thực hiện kế hoạch đen tối đó, anh nghĩ cần phải tìm mọi cách có thể để đáp ứng ý muốn của mình từng phần hoặc tất cả. Nhưng phải làm như thế nào? Chuyện đâu có dễ. Tỏ tình với hoàng hậu ư? Đó là một sự ngông cuồng chỉ dẫn anh đến hết đời mà không đem lại cho anh một chút an ủi nào cả. Viết thư cho bà cũng chẳng phải là khôn ngoan. Tình yêu làm nẩy sinh sáng kiến: nó gợi cho anh một mưu kế để ngủ với hoàng hậu dù có nguy cơ bị bắt quả tang và bị mất cả cuộc đời mà anh định hy sinh. Biết rằng nhà vua không phải tối nào cũng ngủ với hoàng hậu, anh lập kế hoạch táo bạo đến thay thế ông một lần. Để dễ thành công hơn, trước tiên anh muốn tự mình nhìn thấy vua ăn mặc như thế nào, và đi đến với hoàng hậu theo cách nào. Do đó anh đã nhiều lần ban đêm đứng nấp trong một phòng lớn ngăn cách tòa nhà của vua và hoàng hậu. Anh trông thấy nhà vua từ nhà mình đi ra, mặc một áo choàng rộng, tay cầm ngọn nến, tay kia cầm một chiếc gậy nhỏ, đi thẳng đến phòng ngủ của hoàng hậu: anh trông thấy sau đó ông dùng gậy gõ một hoặc hai tiếng ở cửa; cửa được mở ra ngay. Anh nhận thấy một thị tì của hoàng hậu đỡ lấy cây nến trên tay ông. Anh chờ cho đến lúc vua đi ra để biết rõ giờ ông trở lại phòng mình.

Khi đã biết rõ vai trò ban đêm của vua, anh chỉ nghĩ đến lượt mình đóng vai đó, Anh tìm cách kiếm được một áo choàng gần giống với áo của vua; chuẩn bị một ngọn nến và một cây gậy nhỏ; và sau khi cẩn thận tắm rửa sạch sẽ, sức nước hoa cho mất mùi ngựa, để cho hoàng hậu hỏi nhận ra việc đánh lừa, anh đã nấp cả buổi tối trong một phòng lớn. Khi biết mọi người đang ngủ anh nghĩ đã đến lúc thỏa mãn ước muốn của mình hoặc gặp phải một cái chết chắc chắn mà anh muốn gánh chịu một cách vẻ vang. Anh lấy lửa bằng một cái dũa mang theo, đốt nến, khoác áo vào, và đến đập hai phát nhẹ ở phòng của hoàng hậu. Một thị tì mở cửa, đỡ cây nến, mắt còn ngái ngủ, và anh thì đi vào phòng hoàng hậu, lúc đó bà đã ngủ rồi. Anh cứ tự nhiên lên nằm cạnh bà, vòng tay ôm bà, không nói một câu nào, nhưng không phải không làm cho bà sướng. Hoàng hậu không nghi ngờ gì cả, tưởng chồng đang có tâm trạng gì; vì trong những lúc buồn phiền ông thường không nói gì và khó chịu với những gì người ta nói với ông. Nhờ có sự im lặng đó, anh giữ ngựa chơi cho quý bà này nhiều lần, còn bà này thì ngạc nhiên vì tâm trạng buồn bực của vua lại hóa ra tốt cho bà đến thế. Cái đó xong, mặc dù anh khó mà giật ra khỏi cái giường tốt này, nhưng sợ nếu ở lại lâu, biết đâu thú vui lại biến thành đau khổ, người tình táo bạo đó đứng dậy, mặc lại áo choàng, cầm nến nhanh chóng và im lặng về nằm trên giường của mình. May quá! – anh tự nhủ – không ai trông thấy, cũng không bị thị tì nhận ra, ngay cả hoàng hậu nữa! Sướng thế! Bà ta đẹp thế! Làn da mịn thế! Cái giường này so với giường đó sao cứng thế, khó chịu thế!

Anh vừa ở chỗ hoàng hậu đi ra thì nhà vua thức dậy trong đêm, không thể nào ngủ lại, và muốn lợi dụng sự mất ngủ, đến tìm hoàng hậu, bà này hết sức ngạc nhiên về chuyến thăm mới này. Ông vừa nằm vào giường và chào hỏi tử tế: Điều mới lạ! Thưa bệ hạ! – bà nói với ông, đầy ngạc nhiên – ngài mới ra khỏi đây chỉ một lúc. Ngài đã làm cái đó hơn thường lệ và ngài lại còn trở lại làm nữa sao! Ngài hãy giữ gìn sức khỏe một tí; sức khỏe của ngài đối với thiếp còn quý hơn cả thú vui mà ngài có thể cho thiếp.

Những lời ấy là một tiếng sét với nhà vua. Ông hiểu ra ngay là vợ ông đã bị đánh lừa, và một đứa táo bạo đã thế chỗ ông bên cạnh bà ấy. Nhưng bà ấy không hề biết, cả đến cô hầu phòng tuy có tỏ ra ngạc nhiên khi ra mở cửa lần thứ hai, cũng không biết, ông nghĩ phải vờ như đã đến rồi mới là khôn ngoan. Một người bất cẩn thì có lẽ đã nói cho bà biết là bà đã bị lừa rồi: Ông nghĩ rằng sẽ là khôn hơn nếu cứ để cho bà ấy tin, khỏi làm cho bà ấy buồn và tiếc về một chuyện giao cấu đã không làm cho bà ấy chán. Agiluf bối rối trong lòng nhưng đành phải hỏi lại vợ một cách khôn khéo: Thế bà cho rằng tôi không có khả năng thăm bà hai lần trong một đêm à? Không, không phải thế, – bà trả lời – nhưng thiếp chú trọng nhiều đến sức khỏe của bệ hạ nên mới xin bệ hạ giữ gìn. Thôi được! – ông đáp – tôi sẽ theo lời khuyên của bà, và lần này tôi đi về, không đòi hỏi gì cả. Tức giận vì sự sỉ nhục mà người ta vừa chỉa vào ông, ông đứng lên, mặc lại áo choàng và ra khỏi phòng với ý định đi tìm tội phạm. Không nghi cho ai trong cung điện cả, ông suy đoán rằng ông chỉ cần duyệt lại những kẻ gắn liền với công việc hầu hạ ông. Không thể nào – ông tự nhủ – kẻ vừa làm một chuyện táo bạo như thế lại không còn xúc động; tim nó phải đập thình thình vì nhớ đến mối nguy hiểm vừa trải qua. Ông liền cầm đèn đi đến tòa nhà lớn của lâu đài và thăm tất cả các phòng và ông thấy tất cả mọi người đều ngủ yên. Ông đã sắp trở về thì nhớ ra chưa vào phòng bọn giữ ngựa: ông đến đấy. Anh chàng táo bạo đã dám hỗn láo chia sẻ giường nằm của ông, vừa trông thấy ông vào đã tin rằng mình đi toi rồi. Sự sợ hãi làm tim anh, vốn đang hồi hộp, tăng nhịp đập lên gấp đôi. Anh không còn nghi ngờ gì nữa, nếu nhà vua nhận ra thì anh sẽ bị giết ngay tức khắc cho bõ giận. Tuy nhiên, thấy nhà vua không mang vũ khí, anh đã quyết định chờ kết cục số phận của anh và giả vờ ngủ. Nhà vua đã bắt đầu cuộc thăm của mình từ một đầu, thấy những người nằm ở đầu rất yên tĩnh và không có xúc động gì cả. Ông đến giường của thủ phạm và thấy tim hắn hết sức rồi loạn: Nó đây rồi, thằng gian ác này; – ông tự nhủ – nhưng vì ông muốn báo thù không ầm ĩ như ông đã nghĩ, ông đành phải dùng kéo cắt một bên tóc của hắn, mà người ta thường để rất dài trong thời đó, để có thể nhận dạng ngay sáng mai. Làm xong việc đó, ông trở về phòng mình.

Chàng giữ ngựa tin rằng mình không thể thoát khỏi một cách đơn giản như thế, đã dễ dàng hiểu ra rằng không phải là không có ý đồ mà nhà vua đã đánh dấu anh như vậy. Vì có đầu óc vừa quỷ quyệt lại táo bạo, anh đứng dậy ngay đó, đến lấy một cái kéo cắt bờm ngựa trong chuồng ngựa, rồi đến lượt anh đi vòng giường của tất cả các bạn, anh đã nhẹ nhàng cắt tóc của họ đùng một bên như vua đã cắt tóc anh, rồi trở về giường mình không làm ai thức dậy cả.

Agiluf dậy thật sớm, trước khi người ta mở cửa cung điện đã ra lệnh cho tất cả đầy tớ đến trình diện trước mặt ông ngay. Chúa mới biết ông ngạc nhiên thế nào khi trông thấy tất cả bọn giữ ngựa đều bị cắt tóc cùng một bên như nhau. Mình chưa bao giờ chờ đợi một mưu mẹo nhưu thế về phía thủ phạm – ông tự nhủ – thằng ranh mặc dù thân phận thấp hèn vẫn tỏ ra không kém trí khôn: thằng gian giảo này rất quỷ quyệt và mình không giấu là mình đã bị lừa. Thấy không thể nào phát hiện nó mà không làm ầm ĩ, vả lại muốn tránh một sự trả thù làm tổn thương danh dự của mình ông đành mắng nó và làm cho nó hiểu mà người khá không hiểu được rằng ông đã biết mưu mô mà nó dùng để ngủ với hoàng hậu. Ông nói: Đứa đã cắt tóc chúng bay phải giữ bí mật và đừng có mà tiếp tục, nếu như muốn khỏi mất mạng trong các cuộc khổ hình. Sau mấy câu đó, ông ra lệnh cho tất cả mọi người rút lui.

Một người khác không phải ông ta có lẽ đã đưa tất cả bọn giữ ngựa vào cùm và tra tấn để tìm ra thủ phạm, nhưng ông chỉ làm việc đó để phát hiện ra cái mà mọi người, nhất là một ông vua được lợi vì giữ bí mật. Có lẽ ông sẽ trả thù được; nhưng chắc chắn sẽ làm nhục vợ ông và mất danh dự của ông hơn.

Tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì những lời của vua và tìm cách làm sáng tỏ nghĩa. Chỉ có anh chàng giữ ngựa quỷ quyệt là hiểu được điều bí ẩn. Anh đã khôn ngoan không giảng giải cho bất cứ người nào một khi Agiluf còn sống, và anh ta lợi dụng thông báo mà anh ta đã nhận được bằng cách không liều với hiểm nguy mà anh ta đã trải qua.

Giovanni Boccaccio

Bạn đang đọc: “Truyện ngắn 2 – Kẻ bị cắt tóc hay anh giữ ngựa táo bạo và quỷ quyệt” thuộc bộ truyện “Mười Ngày” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Ý Giovanni Boccaccio. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay trong trang của chúng tôi, quý độc giả vui lòng sử dụng menu điều hướng và thanh search để tìm kiếm được dễ dàng hơn. Chúc các bạn có những giờ phút đọc truyện vui vẻ!

Sources:

BÀI LIÊN QUAN