Tản văn A Châu: Mùi ngọc lan đất khách

Tản văn A Châu: Mùi ngọc lan đất khách

A Châu là du học sinh hiện đang bảo vệ luận văn tiến sĩ bên Trung Quốc. Anh viết ít, nhưng các bài tản văn của anh đậm chất trải đời và có chút gì đó cay đắng. Chúng ta cùng đọc 4 bài tản văn của anh.

hoa ngọc lan

MÙI NGỌC LAN ĐẤT KHÁCH

Mở điện thoại ra, tôi thấy tin nhắn từ wechat: “Bác có nhà thì qua phòng em chơi”. Tin nhắn từ cậu em sang cùng năm trước. Tôi trả lời “ok” rồi qua phòng nó. Tôi gõ cửa. Nó nói vọng ra:

– Cửa không khóa đâu, anh vào đi.

Mở cửa phòng, tôi hoảng hốt với mùi thuốc lá, và thằng em ngồi dưới đất với 2 lon Tsingtao bị bóp méo, bên cạnh nó là cả thùng bia gần như còn nguyên cùng mấy đầu lọc dụi be bét theo đúng phong cách của một thằng chưa bao giờ hút thuốc.

Tôi biết có chuyện chẳng hay đến với thằng bé rồi đây vì trước giờ nó không bao giờ hút thuốc và cũng rất hãi món rượu bia, tửu lượng của nó khá kém.

Tôi không nói lời nào tiến đến ngồi cạnh nó, tự bật một lon bia. Và chưa kịp hỏi thì nó đã tự khai:

– Em bị người yêu bỏ rồi anh ạ.

Đang uống lon bia mà tôi suýt sặc, nhưng vẫn bình tĩnh hỏi nó:

– Cụ thể làm sao? Kể anh nghe.

Được lời như cởi tấm lòng, và đúng với bản chất của những thằng thất tình, chỉ cần ai hỏi là bắt đầu tuôn ra cả tràng:

– Bốn năm đại học em chẳng yêu ai, ra trường đi làm được 1 năm thì yêu em ấy (nó vẫn gọi người như thế khi kể chuyện với bạn bè). Ban đầu cũng yêu nhau lắm. Thế rồi em quyết định xin học bổng đi du học, mong rằng sau mấy năm tha hương tích góp được tí ti vừa ngoại ngữ, vừa bằng cấp, thậm chí cả tí tiền, để sau này khi về em ấy vừa kịp ra trường, hai đứa tính chuyện lấy nhau là vừa.

Lúc em mới đi, em ấy cũng lưu luyến lắm tối nào cũng gọi zalo. Rồi em bảo bên này dùng wechat tiện hơn, em ấy cũng cài wechat. Bọn em như thế được gần một năm thì vừa rồi về nghỉ hè, em ấy lạnh nhạt với em. Em vẫn cố níu mặc dù biết sẽ khó giữ. Em vừa sang được mấy hôm thì em ấy nhắn tin chia tay anh ạ.

Nó nói mà nước mắt chảy ra nhìn tội thật. Rồi nó tiếp:

– Chiều nay em hỏi bạn của em ấy thì mới biết, em ấy chưa quên được người yêu cũ. Chúng nó (cu cậu bắt đầu thay đổi cách gọi) vẫn liên lạc với nhau và nghe như đã quay lại với nhau.

Cu cậu sinh năm 1993, sang đây học thạc sĩ quản trị, ngoan, hiền, hay nói hay cười, không bia rượu, không thuốc lá, mỗi tội thích chơi game với xem hoạt hình. Nghe nó nói tôi không biết phải nói gì, thôi thì tôi cũng động viên:

– Thôi em ạ, không yêu được đứa này thì yêu đứa khác. Em còn trẻ mà.

Nó gắt lên:

– Nhưng mà em yêu nó.

Tôi hơi chùn, thằng này có bao giờ dám gắt tôi đâu chứ. Không biết làm thế nào tôi đành dịu giọng:

– Thôi uống đi chú. Say hết đêm nay đi.

Nó bắt đầu tu ừng ực từng lon bia. Đúng là khi thất tình, con người ta trở nên phi thường một cách khó hiểu. Từ một thằng con trai sợ bia rượu mà bỗng dưng tửu lượng lên cao khủng khiếp, nó uống như trâu. Nó vừa uống vừa khóc như gào lên.

Tôi ngại quá phải đóng chặt cửa lại sợ hàng xóm phàn nàn. Nó vừa uống vừa chạm lon với tôi. Uống xong lại khóc. Khóc xong uống tiếp. Vừa uống vừa khóc. Được thêm chừng mươi lon thì nó lăn đùng ra ngủ. Nó vẫn thế, vô tư đến mức ngờ nghệch, chỉ cần có tí men trong người là lăn ra ngủ, mặc kệ trời trẳng ra sao. Tôi vật lộn mãi mới lôi được nó lên giường.

Cho nó ngủ xong xuôi xong, thấy trong phòng bí quá tôi mở cửa sổ ra. Mùi ngọc lan thơm quá. Tôi thấy dễ chịu hơn nhiều. Thằng bé ngủ say nhưng hình như vẫn khóc mê, thỉnh thoảng lại giật mình kêu lên một tiếng, đạp chăn ra.

Khi kéo lại chăn cho nó, tôi thấy rõ vệt nước mắt chưa khô hẳn trên hai má của nó, mấy giọt nước li ti vẫn bám trên lông mi nó. Khổ thân thằng bé, tôi biết nó yêu cô bé kia lắm. Nó từng kể với tôi sẽ làm tất cả vì cô bé, sẽ bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm của cô bé miễn là được cô bé ấy yêu.

Chắc hẳn là mối tình đầu nên cu cậu mới say và si mê như vậy. Biết làm sao được, tuổi trẻ mà, phải vấp ngã thì mới trưởng thành được chứ em trai. Vấp váp trong ái tình chỉ là một trong số muôn vàn trở ngại, rồi em sẽ đứng vững thôi.

Hãy say và mơ về cô bé ấy nốt đêm nay thôi nhé. Ngày mai chúng ta lại bắt đầu cuộc sống vốn dĩ như chúng ta đã tồn tại cho đến bây giờ. Rồi em sẽ hiểu, thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ, và tất nhiên không ngoại trừ tình yêu.

Đêm càng lúc càng tĩnh, tiếng nhạc của mấy bạn châu Phi dưới sân cũng đã tắt. Cu cậu cũng đã ngủ say. Chỉ còn tôi và mùi ngọc lan ngào ngạt, thoảng thoảng pha thêm mùi thơm của mấy cây hoa mộc dưới cổng vào ký túc xá.

Vũ Xương bắt đầu se lạnh. Đứng bên cửa sổ nhìn về phía xa, chỉ thấy những tòa cao ốc vẫn sáng đèn, tôi chợt nghĩ về thằng Châu. Không biết giờ này ở nhà nó thế nào, có còn bất mãn nữa hay thôi, nó đã yêu ai chưa hay vẫn còn tiêu cực chuyện ái tình. Dụi điếu thuốc, tôi khe khẽ ra về. Ngủ đi em trai, em còn trẻ mà. Ngủ đi Châu. Đêm rồi.

QUÁN ĐÊM

Quán nằm trong một con hẻm phía sau trường học. Chủ quán là một bà lão ước chừng gần tám mươi nhưng vẫn rất minh mẫn. Bà lưng còng, tóc chưa bạc hết và cũng chưa một lần người ta thấy bà búi tóc gọn. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà chủ quán có một giọng nói vang và đôi mắt sắc. Nói chung bà chủ quán ở đây thoạt nhìn có thể khiến người ta phải giật mình phát sợ, dễ khiến cho người ta liên tưởng đến nhân vật Mẫu dạ xoa Tôn Nhị Nương ở quán rượu đồi Thập Tự trong tiểu thuyết của Thi Nại Am. Và chúng tôi gọi là bã lão “quỷ dị”.

Bà lão sống một mình, người ta chưa từng thấy bà có người thân hay con cháu. Và cũng chẳng ai dám hỏi, vì sợ động đến lòng tự ái. Nghe nói bà là người dưới xuôi lên đây mưu sinh. Hồi trẻ bà đã từng có người để yêu thương nhưng cuộc sống xoay vần, ngay chính vào cái lúc mà bà hy vọng nhất vào hạnh phúc thì hạnh phúc lại rời xa bà. Người đàn ông bà yêu thương đã vượt biên không trở lại. Còn lại bà với góc quán nhỏ, nơi nuôi sống bà qua ngày và cũng là sợi dây kết nối bà với thế giới loài người.

Quán bán đồ ăn, đồ ăn đêm và chỉ được mở từ tám giờ tối hôm trước đến năm giờ sáng hôm sau. Ban ngày, người ta thấy ở vị trí đó mấy cánh liếp khép hờ, hai bếp lò nguội và tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bà chủ quán. Bà lão cũng như cái quán, đều sống về đêm, làm bạn với đêm. Khách của quán ăn này thuộc rất nhiều những thành phần của xã hội chỉ trừ giới thượng lưu vốn đã quen với những nơi sang trọng có phục vụ tốt. Khách quen của bà lão là những cô gái làng chơi, anh xe ôm, mấy cậu sinh viên chơi game muộn, thậm chí là người ăn xin vật vờ không có chỗ ở…. Nếu xét thang điểm phục vụ thì có lẽ bà chủ quán ở đây sẽ được chấm điểm top thấp. Khách đến sẽ được bà hỏi mấy câu “ăn gì?”, “mấy người” và tặng kèm một ánh mắt sắc. Nếu không phải là khách quen thì hầu hết ai cũng lạnh sống lưng. Tuy vậy đồ ăn của bà lại khá ngon và dễ hợp khẩu vị. Một bát cháo đêm của bà có thể làm ấm lòng một kiếp mưu sinh.

Người ta hiếm thấy bà lão cười, họ nhìn thấy bóng đêm sâu thẳm trong đôi mắt bà. Dân vùng này thấy bà là thấy đêm, thấy những lo toan cuộc sống, thấy vật vờ những kiếp mưu sinh, thấy mông lung những cảnh đời tẻ nhạt, và thấy một sức mạnh phi thường từ một bà lão đã ở buổi xế chiều của kiếp kí gửi trần gian. Bà ít khi chuyện trò với khách, thậm chí cả khách quen. Bà chỉ cần nói đủ, nếu ai hỏi nhiều thì ngay lập tức bà sẽ “tặng” cho người khách đó một ánh mắc sắc lẹm. Đó là lý do bao nhiêu năm, góc quán nhỏ này tồn tại được giữa một chốn nhiễu nhương. Chưa một tay anh chị giang hồ hoặc một cậu nhóc choai choai nào dám động đến bà. Đối với  họ bà vừa đáng sợ lại vừa đáng nể. Nhưng có lẽ sợ nhiều hơn nể.

Cuộc sống của bà và quán đêm cứ thế trôi đi từ ngày này qua ngày khác. Mặt trời tắt nắng, họ dần thấy quán ăn mở cửa và bà lão dần xuất hiện. Khi bình mình sắp lên, bà lão hạ từng cánh liếp và chìm dần vào ngôi nhà xập xệ. Có lẽ người gặp bà xuất hiện vào ban ngày nhiều nhất là cô giao thực phẩm vốn đã được bà đặt sẵn từ chợ. Có lẽ cho đến tận nhiều ngày sau đi nữa, bà lão chủ quán ăn đêm vẫn sẽ là một ẩn số trong đêm cho những kẻ tò mò.

VỊ TRÀ

Uống xong chén nước chè, anh lấy điện thoại ra xem ảnh con gái anh. Anh nói, mắt vẫn không rời khỏi màn hình cảm ứng:

– Hôm nay con bé nhà anh đi khai giảng đấy. Không biết ông nội hay bà nội đưa nó đi. Nhanh thật, mới hôm nào còn bé tí thế mà bây giờ đã vào lớp 1.

Nếu tinh ý thì người ta sẽ hỏi anh, sao mẹ cháu không đưa đi mà để ông bà đưa đi? Còn tôi, vì biết rõ hoàn cảnh gia đình anh nên tôi sẽ không hỏi câu ấy nữa. Cuộc hôn nhân của anh với chị là một cuộc hôn nhân trớ trêu, hôn nhân không tình yêu. Anh gặp và quen chị khi chị vừa chia tay người yêu cũ vì bị gia đình ngăn cấm. Anh thương chị, cảm mến chị và muốn che chở cho chị. Anh hỏi cưới chị, sau một thời gian chị tặc lưỡi nhận lời.

Anh vui mừng, cả tuổi trẻ của anh chẳng được yêu thương nay đến với hôn nhân anh cũng chỉ mong trọn nghĩa vợ chồng. Cuộc sống khó khăn hơn khi con bé ra đời, với đồng lương dạy học ít ỏi anh không thể lo cho gia đình sung túc. Anh bỏ nghề xuất ngoại với ước mong khi trở về sẽ có một số vốn kha khá để làm ăn. Ngày anh đi, con bé mới vừa đầy hai tuổi. Anh nghĩ, cuộc sống khó khăn mà lại không có tình yêu từ hai phía nữa thì chi bằng kiếm thật nhiều tiền để chị vợ đổi ý. Anh vẫn nghĩ khi cuộc sống đầy đủ rồi biết đâu chị sẽ yêu anh. Anh lên đường mà balo nặng trĩu.

Năm sau, anh nhận hung tin. Chị đã viết đơn li dị. Toà xử anh vắng mặt và đồng ý cho chị li hôn và anh nhận quyền nuôi con bé. Ngày đó anh chết lặng, vẫn biết chị lấy anh mà không có tình yêu. Nhưng anh vẫn không thể tin rằng chị đã li hôn.

Nhưng đó là sự thật, và anh phải chấp nhận điều đó. Tuy rằng thực sự rất buồn, nhưng với chị có thể đó là sự giải thoát, nhìn thấy chị buồn anh cũng không được vui vẻ, vì thế anh đành dằn lòng mình và hi vọng chị có thể tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình.

Với anh cuộc sống bây giờ chỉ còn con bé, tình yêu anh dành cho chị lớn bao nhiêu, bây giờ anh dồn hết cho con. Năm sau hết hạn hợp đồng anh sẽ về với nó.

Tôi đang miên man thì anh lên tiếng:

– Con bé ngoan lắm chú ạ, Tết vừa rồi về nó cứ quấn bố suốt ngày. Mấy hôm nay tối nào cũng đòi gọi “phây tham” (facetime) cho bố.

Câu nói của anh hiện lên trên khuôn mặt rạng rỡ.

Tôi hỏi “anh có định tìm cho con bé một người mẹ khác không?”. Anh trả lời “không”, “anh muốn tập trung để nuôi con bé khôn lớn lên người”. Nhưng tôi biết anh còn yêu chị rất nhiều và vẫn hi vọng một ngày nào đó chị sẽ suy nghĩ lại và trở về. Anh thì luôn giang rộng đôi tay để chào đón chị.

Tôi không biết phải nói gì, cũng chỉ hi vọng một ngày nào đó gia đình anh có thể đoàn tụ. Mặc dù đó là hi vọng mơ hồ và mong manh.

Thế gian này có trăm nghìn nỗi khổ và nỗi khổ tình ái là một trong số đó. Yêu say đắm một người con gái chưa hề yêu mình có lẽ là một điều thậm đáng thương. Trong khói thuốc lá bay bay, tôi thấy mắt anh hình như đang ướt. Có lẽ vị trà còn đặm trên môi.

CHỊ MY

Gọi là quán nước cho sang vậy thôi chứ gánh hàng của chị bán nước chỉ có mấy cái ghế con, vài cái cốc nhựa, đôi phích nước và một cái thùng xốp đựng đá. Nói chung, càng gọn nhẹ càng tốt, để làm sao chạy an ninh đô thị cho nhanh nhất.

Chủ quán nước là một người phụ nữ tầm ngoài 30, gầy đen nhưng rắn giỏi. Chẳng ai biết rõ tên chị là gì. Mà có lẽ một cái tên chính xác cũng không quá quan trọng đối với một người suốt ngày bám vỉa hè thành phố để mưu sinh, ai muốn gọi chị là gì cũng được. Và chúng tôi gọi chị là chị My.

Chị My ít nói, nghe nhiều và biết nhiều. Không ai rõ hoàn cảnh gia đình chị ra sao chỉ biết rằng chị nói giọng Hà Tây và có một đứa con gái chừng 7 tuổi. Mỗi chiều sau khi tan học, con bé thường ra quán mẹ ríu rít ngồi bên và phụ mẹ bán nước.

Hôm ấy trời thu đẹp, chúng tôi tan học sớm nên mấy thằng kéo nhau ra quán chị. Như thường lệ, chị rót cho chúng tôi mấy cốc trà đặc nhưng có đá, sở thích của bọn tôi nó lạ vậy đấy. Mấy thằng bạn tôi thì huyên thuyên chém gió, còn chị My, tôi thấy chị nhìn chăm chăm vào không gian trước mặt.

Tôi biết chị chẳng nhìn gì cả, chị đang nghĩ. Tôi hỏi chị xem chị làm sao. Chị lắc đầu không nói, ánh mắt dữ dội. Cuộc sống bươn trải nơi vỉa hè, bám đường kiếm cơm, chạy an ninh đô thị, tránh du côn. Điều đó đủ để làm cho con người trở nên lạnh lùng và dữ dội.

Mấy thằng kia về hết, còn lại tôi. Chị chép miệng nói “đời buồn thật chú ạ”. Rồi chị kể về cuộc sống của chị. Nhà nghèo, bị ép duyên, sau chồng bỏ lấy vợ khác và cờ bạc nợ nần. Chị phải bỏ xứ mang theo đứa con mới biết bò lên thành phố kiếm sống.

Hơn 6 năm mà chị chưa một lần về quê. Lên thành phố, chị chịu đủ tủi cực, có những lúc phải bán thân để có tiền cho con ăn. Trải qua nhiều vùi dập, chị vẫn sống và có được quán nước để sống qua ngày.

Chị My thỉnh thoảng vắng khách thường ngâm câu hát “quê nhà tôi ơi, xứ Đoài mây trắng” của Trần Tiến bằng giọng Hà Tây hơi nặng. Chiều nay chị nghỉ sớm, chị dọn hàng và dắt con bé về.

Hai người phụ nữ, một bàn tay to nắm một bàn tay nhỏ. Họ nương tựa vào nhau để sống. Giữa họ có một sợi dây nối thiêng liêng là tình mẫu tử. Họ chẳng cần đàn ông. Bóng họ méo mó đổ trên ánh đèn phố thị.

Gió thu thổi vạt áo con bé, nó cũng ngêu ngao “quê nhà tôi ơi, xứ Đoài mây trắng”.

Tôi lặng lẽ đi về ký túc xá, chợt nhớ ra mình quên nói câu gì đó với chị hàng nước. Tôi lẩm bẩm câu nói thường ngày vẫn trêu chị “chị My ơi, chè hôm nay chát quá”. Có điều hôm nay tôi chưa kịp nói.

A Châu

Xem thêm: Mùa hè quê ngoại – khoảng trời bình yên tưới tắm cho tâm hồn tôi lớn lên

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN