4 vị vua nước Đại Việt lên ngôi từ thuở ấu thơ nhưng lập nhiều công trạng

4 vị vua nước Đại Việt lên ngôi từ thuở ấu thơ nhưng lập nhiều công trạng

Tuy nhiều vị vua “trẻ con” nước Đại Việt xưa được dựng lên từ tính toán của người lớn và không bao giờ nắm quyền lực thật sự trong tay. Nhưng xuất phát từ lòng thương dân, bản chất thông minh vốn có, họ đã dẫn dắt đất nước thời bấy giờ có nhiều sự biến đổi và những bước phát triển thịnh vượng.

1. Lý Nhân Tông (lên ngôi lúc 7 tuổi)

Lý nhân tông

Ảnh: Dkn.tv

Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, con trưởng của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Lê Thị. Ông sinh ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ (tức 22 tháng 2 năm 1066) tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội.

Năm 1072, vua cha Lý Thánh Tông mất, Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi. Vì vua còn nhỏ tuổi, Thái sư Lý Đạo Thành tiến hành quyết định chọn người làm nhiếp chính là mẹ Thái phi ỷ Lan, lúc này được phong là Linh Nhân hoàng thái hậu. Tuy nhiên, Lý Nhân Tông sớm tỏ ra là một con người thông minh, nhanh chóng quán xuyến được công việc triều đình.

Không những thế ông còn được người hiền tài phò tá: Lý Đạo Thành theo dõi việc văn, Lý Thường Kiệt theo dõi việc võ. Vì thế, đất nước Đại Việt trở nên hùng mạnh. Đặc biệt là việc học hành, năm Ất Mão (1075) vua mở khoa thi tam trường còn gọi là Minh kinh bác học để chọn người có tài văn học vào làm quan. Đây là khoa thi đầu tiên ở nước ta chọn được 10 người – thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Năm Bính Thìn (1076) vua cho lập Quốc Tử Giám trường đại học đầu tiên của nước ta.

Tuy mới có 10 tuổi, nhưng vua đã trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống lập được nhiều chiến công.

Theo thời gian, Lý Nhân Tông đã bước sang tuổi trưởng thành. Ông bộc lộ thêm nhiều khả năng của bản thân và luôn theo dõi tình hình cuộc sống của nhân dân như thế nào.

Chùa Một Cột trước đó gọi là chùa Diên Hựu – được nâng cấp thành một cảnh trí phong quang. Vua cho dựng ở đây hai ngọn tháp chỏm trắng, đào hồ Liên Hoa đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Vua đã cho đúc chuông lớn ở đây. Chuông đúc quá to đúc xong đánh lại không kêu, nhưng đem vứt xuống ruộng thì nhiều rùa kéo nhau vào làm ổ, do đó mà có tên là chuông ruộng rùa (Chuông Qui Điền). Cùng với tinh thần sùng mộ đạo Phật này, bà mẹ cua vua là ỷ Lan (Thái hậu Linh Nhân) cũng cho xây nhiều chùa ở khắp trong nước Lý Nhân Tông rất quan tâm đến nông nghiệp.

Vua cho đắp đê để chống lũ lụt. Nổi tiếng là đê Cơ Xá hiện nay còn bãi Cơ Xá ở phía bắc Hà Nội, là chứng tích. Nǎm 1117, có lệnh cấm giết trộm trâu. Việc này, từ trước thái hậu ỷ Lan đã có chủ trương. Nay nhà nước mới định lệ rất khắt khe: “Kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm Khao giáp (làm kẻ hầu trong việc quân), vợ xử 80 trượng, đồ làm phu phục dịch ở nhà chǎn tằm. Trộm trâu, giết trâu đều phải bồi thường. Nếu láng giềng biết mà không tố cáo, cũng bị phạt đồ 80 trượng”.

Lý Nhân Tông rất thích tổ chức những ngày hội, vừa để biểu dương công đức phật, theo khuynh hướng tôn giáo lúc bấy giờ của dân chúng. Và điều này cũng phù hợp với mỹ cam của ông suốt tuổi thanh niên cho đến lúc về già.

Dưới triều đại của ông, các hội đua thuyền liên tiếp được tổ chức. Hội Nhân vương được tổ chức đến hai lần: 1077-1126. Hội Thiên Phật tổ chức và mời ca sứ Chiêm Thành đến xem. Đặc biệt có hội đèn Quảng Chiểu mở đến hai lần: 1120 và 1126, là những ngày hội hoa đǎng đích thực. Trong những dịp hội hè như thế, Lý Nhân Tông cũng tỏ ra là một người am hiểu và rất thích nghệ thuật. Ông thông hiểu âm luật, chú ý đến ca nhạc, thường trực tiếp góp ý với các đoàn nhạc công.

Những ngày hội khác, nhân dịp khánh thành các chùa hay các bảo tháp, đều được Lý Nhân Tông cho phép tổ chức, nhiều khi ở xa kinh đô vẫn rất tưng bừng và nhà vua đích thân đến dự. Vua về tận núi Chương Sơn ở huyện Ý Yên (Nam Định) khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiên. Vua về Đội Sơn (ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh. Cùng một lúc với những hình thức hội hè rầm rộ này cả nước hồi bấy giờ đã dấy lên một khuynh hướng đi tìm các vật quý hiếm để dâng lên nhà vua. Không rõ thực tế các địa phương như thế nào, song sử sách ghi chép khá rõ là lúc này nhà vua được dân chúng và quan lại dâng tiến rất nhiều vật lạ. Có những hươu đen, hươu trắng, cây cau một gốc 9 thân, voi trắng, chim sẻ trắng, cá chiên vàng, con rùa mắt đến 6 con ngươi, ngựa hồng có cựa…

Về già Vua Nhân Tông vẫn không có con trai để nối dõi, dù trong cung nhà vua có đến hàng nghìn cung tần mỹ nữ và Hoàng hậu, Hoàng phi. Đến tháng 10, năm 1117, Thái hậu từ trần nhưng Nhân Tông vẫn không có hy vọng về huyết mạch duy trì, bèn viết chiếu ban ra trong hoàng tộc, nói rằng: “Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các công hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm Thái tử”. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, Nhân Tông rất yêu và bèn lập làm Hoàng thái tử.

Ngày Đinh Mão (tức 15 tháng 1 năm 1128), nhà vua mất ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 56 năm, thọ 63 tuổi. Ông được tôn miếu hiệu là Nhân Tông, thụy hiệu là Hiếu Thiên Thể Đạo Thánh Văn Thần Vũ Sùng Nhân Ý Nghĩa Hiếu Từ Thuần Thành Minh Hiếu Hoàng Đế.

Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc tuyên đọc chiếu chỉ và giúp vua nhỏ tuổi trị nước, cùng với các đại thần Dương Anh Nhĩ, Mâu Du Đô. Thái tử Lý Dương Hoán lên nối ngôi, tức là Lý Thần Tông.

2. Trần Minh Tông (lên ngôi lúc 14 tuổi)

trần minh tông

Ảnh: nguoinoitieng.tv

Trần Minh Tông tên húy là Trần Mạnh, người con trai duy nhất sống đến khi trưởng thành của Trần Anh Tông. Mẹ ông là Chiêu Từ hoàng hậu Trần thị, con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, bấy giờ là phi tần của Anh Tông đang rất được sủng ái. Ông sinh ngày 21 tháng 8, năm 1300, một ngày sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất (20 tháng 8 âm lịch năm 1300). Bảo Nghĩa vương vốn là một người có huyết thống của Lê Đại Hành nhà Tiền Lê, nên ông mang trong mình một phần dòng máu của triều đại này.

Bấy giờ các Hoàng tử sinh ra đều khó nuôi, nên khi Hoàng tử Mạnh chào đời Anh Tông đã nhờ Thụy Bảo công chúa, cô ruột của Anh Tông, nuôi hộ. Công chúa cho rằng mình đang bị ách vận cho nên đã đưa Hoàng tử Mạnh nhờ anh ruột là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật nuôi. Chiêu Văn Vương coi hoàng tử Mạnh không khác gì con mình. Ông nghĩ con trưởng mình là Thánh An, con gái là Thánh Nô nên mới đặt tên cho Hoàng tử Mạnh là Thánh Sinh. Hoàng tử được nuôi như vậy đến tận lúc lên ngôi.

Năm 1305, mùa xuân, tháng giêng, Anh Tông sách phong Hoàng tử Trần Mạnh làm Hoàng thái tử. Vua Trần còn viết bài Dược thạch châm ban cho Thái tử để dạy dỗ. Bấy giờ, ông là vị Hoàng thái tử kế vị đầu tiên của họ Trần mà không phải là vợ chính của vua cha sinh ra, trong khi các vị Hoàng đế họ Trần đến đời Anh Tông đều là con trai của chính thất Hoàng hậu sinh ra.

Ngày 18 tháng 3, năm 1314, Trần Anh Tông truyền ngôi, khi ấy ông mới 14 tuổi, tự xưng là Ninh Hoàng. Thượng hoàng Anh Tông vẫn giúp đỡ ông trông coi chính sự. Triều đại nhà Trần dưới thời Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời trước đã tạo nên. Suy tôn vua cha là Quang Nghiêu Duệ Vũ thái thượng hoàng đế, và tôn Thuận Thánh hoàng hậu làm Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu. Sứ thần nhà Nguyên có lời khen Minh Tông có hình dáng nhẹ nhàng như thần tiên.

Mùa hạ năm 1315, nhà vua ra lệnh cấm người trong họ không được kiện cáo nhau. Lúc đó Đỗ Khắc Chung giữ chức Hành khiển, bị Ngự sử hặc tội vì trong nước có đại hạn (là do tể tướng không biết điều hòa âm dương), Khắc Chung đáp việc đó là tại Long vương mà ra. Ít lâu sau, nước sông Hồng dâng, nhà vua đích thân đi xem sửa chữa đê.

Năm 1318, Tuyên Từ thái hoàng thái hậu (vợ thứ Nhân Tông, dì ruột Anh Tông) chết, Minh Tông theo lời trăn trối khi xưa của Thượng hoàng, đem hợp táng di thể bà vào Đức lăng. Các quan can rằng không nên đụng đến di thể tiên vương, nhưng Minh Tông không đồng tình, nhất định làm theo lời dặn.

Mùa xuân năm 1320, thượng hoàng qua đời. Đến mùa đông, Điện soái thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất, vua nghỉ triều 5 ngày để tưởng niệm. Mùa xuân năm 1321, Minh Tông tôn mẹ cả Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu làm hoàng thái hậu, mẹ đẻ Huy Tư hoàng phi làm hoàng thái phi. Trước đây, rước quan tài Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường đi đường thủy về để ở cung Thánh Từ. Theo thể lệ thì thuyền của Bảo Từ được một đoàn tám chiếc kéo dây, thuyền của Huy Tư được một đoàn hai chiếc kéo dây, lính cấm quân có ý tâng công, đem dây kéo buộc thêm vào thuyền Huy Tư. Tướng quân là Trần Hựu nói không cho kéo. Nhà vua khen Trần Hựu là người trung thực.

Tháng 8 âm lịch mùa thu năm 1323, nhân dịp thi Thái học sinh, nhà vua đến nhà Thái học. Bấy giờ có người trong quân Thiên Thuộc tên là Mặc ứng thí, được trúng cách. Nhà vua hạ chiếu trả về quân tịch và cho sung vào làm chức lại điển trong quân Thiên Đinh (vua Tự Đức nhà Nguyễn đánh giá đây là hành động thiên lệch). Mùa hạ năm sau, phong thúc phụ (đồng thời là nhạc phụ) là Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn làm Quốc phụ thượng tể, trên ngạch tể tướng.

Năm 1326, Minh Tông bổ dụng Trần Khắc Chung làm Thiếu Bảo, gia hàm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự. Cũng trong năm đó, Nguyễn Trung Ngạn sơ suất biên vào trong sổ thuyên tuyển, nhưng nhà vua thương tình nên chỉ giáng chức làm An phủ sứ Thanh Hóa. Cùng năm, vua sai Huệ Túc vương đánh Chiêm Thành nhưng không thu được thắng lợi.

Ngày 7 tháng 2, năm 1329, Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng làm Thái tử. Đến ngày 15 tháng 2 thì ông nhường ngôi cho thái tử Vượng, lên làm Thái thượng hoàng. Thái tử Vượng trở thành Trần Hiến Tông, tự xưng làm Triết Hoàng. Tôn hiệu của Thượng hoàng là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế, Hiến Tông còn nhỏ tuổi, Thái thượng hoàng vẫn nắm quyền triều chính.

Trần Minh Tông tuy nối ngôi còn trẻ, nhưng vốn thông minh, tài trí, sự hưng thịnh đời Anh Hoàng tiếp tục được mở mang, làm rạng rỡ công nghiệp của Trần Thái Tông, là bậc quân chủ tài giỏi. Ông ở ngôi 15 năm (1314 – 1329) và làm Thái thượng hoàng 28 năm.

3. Lê Thái Tông (lên ngôi lúc 11 tuổi)

Lê thái tông

Ảnh: Nguoinoitieng.tv

Lê Thái Tông tên thật là Lê Nguyên Long, con thứ hai của Lê Thái Tổ, mẹ là Cung Từ Cao hoàng hậu Phạm thị, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (tức Thọ Xuân ngày nay), thuộc Thanh Hóa. Ông chào đời ngày 20 tháng 11 âm lịch năm 1423, sinh ra tại Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam. Lúc ông được sinh ra, Lê Lợi vẫn đang lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn để chống lại quân đội nhà Minh. Khi Thái Tông lên 3 tuổi, Phạm hoàng hậu qua đời, và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vẫn chưa kết thúc. Lúc đó Quận Ai vương Lê Tư Tề, con trường của Lê Lợi, hiện đã trưởng thành và tham gia vào việc quân với Lê Lợi.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, ban lệnh triều nghi. Khi ấy Lê Nguyên Long lên 5 tuổi, được phong làm Lương quận công. Trong triều xảy ra mâu thuẫn giữa hai phe đại thần ủng hộ Lê Tư Tề và Lê Nguyên Long. Sau cùng, phe Đại tư đồ Lê Sát ủng hộ Lê Nguyên Long thắng thế, Quận Ai vương Tư Tề bị kết luận là mắc chứng điên cuồng và bị hạ chức từ Quốc vương xuống Quận vương. Năm 1429, Lê Nguyên Long được chính thức lập làm Hoàng thái tử. Năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà, Lê Nguyên Long lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Thiệu Bình.

Lê Thái Tông lên ngôi lúc mới 11 tuổi, có Đại tư đồ Lê Sát làm phụ chính. Bấy giờ, mâu thuẫn trong triều nổ ra giữa những khai quốc công thần, đứng đầu là Đại tư đồ Lê Sát cùng Lê Ngân và bên kia là các quan xuất thân khoa bảng. Dù còn ít tuổi nhưng Thái Tông hoàng đế là người thông minh, quyết đoán, đủ bản lĩnh đối phó với những vấn đề phức tạp của triều đình. Năm 1434, Lê Thái Tông đã ra chiếu cho bá quan văn võ, nội dung như sau:

“Đạo làm tôi cốt yếu ở hai điều. Trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân. Yêu vua phải hết lòng trung, yêu dân phải hết lòng thành, thế thôi. Tất cả các quan được trẫm tin dùng, nếu có ai không hết lòng trung thành, bỏ bê phận sự, thì nhà nước đã có luật pháp. Mới rồi, tìm người hiền để giúp việc trị nước, đã có lệnh cho mọi ngưởi tiến cử người mình biết. Nay đã lâu rồi mà chưa có ai theo lệnh tiến cử một người nào để đáp lại lòng trẫm là cớ làm sao”.

Hơn một tuần sau đó, Lê Thái Tông ra chiếu cho quan lại lập ngay danh sách người của địa phương tới dự thi, ai thi đỗ thì được miễn lao dịch, vào học Quốc Tử Giám, v.v… Ngày 4 tháng 2 năm 1434, khoa thi đầu tiên được tổ chức.

Năm 1434 vua Lê Thái Tông đã ra chiếu cho bá quan văn võ chiêu mộ hiền tài. Năm 1438 ông cho mở khoa thi vào Quốc tử giám và chỉnh đốn việc thi cử các đạo. Năm 1442, ông mở khoa thi Tiến sĩ, tạo ra tục lệ khắc tên những người thi đỗ vào bia đá ở Văn Miếu.

Ngoài chính sách giáo dục, ông còn đề xuất nhiều biện pháp kinh tế như quy định lại những cách thức tiêu dùng tiền và lụa vải ở trong nước.

Vào thời vua Lê Thái Tông đất nước thịnh vượng, no ấm được ca ngợi và đã đi vào ca dao của dân tộc. Những nước lân bang, như Xiêm La, Ai Lao và Chiêm Thành đều có sứ thần đi lại và thường có tiến cống.

Lê Thái Tông mất rất sớm, khi mới 20 tuổi, khi ở Lệ Chi Viên cùng Nguyễn Thị Lộ. Cái chết của ông là nguyên nhân vụ thảm án Án Lệ Chi Viên nổi tiếng, khiến Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi bị kết tội giết vua và tru di tam tộc.

4. Lê Nhân Tông (lên ngôi lúc 1 tuổi)

Lê nhân tông

Ảnh: Dkn.tv

Nhân Tông hoàng đế có tên thật là Lê Bang Cơ, sinh vào ngày 9 tháng 5 (ngày Giáp Tuất) năm Tân Dậu (1441), là con trai thứ ba của Lê Thái Tông. Mẹ là Tuyên Từ Văn hoàng hậu Nguyễn thị, người làng Bố Vệ huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.

Trước khi Nhân Tông ra đời, Lê Thái Tông mới gần 20 tuổi đã có hai người con trai: Dương Chiêu nghi sinh ra Lệ Đức hầu Nghi Dân, Bùi Quý nhân sinh ra Cung vương Lê Khắc Xương. Không lâu sau, vào năm 1442, Ngô Tiệp dư sinh ra Lê Tư Thành, là con trai út trong tổng số 4 người con trai của Lê Thái Tông.

Ngày 16 tháng 11 năm Tân Dậu (1441), Bang Cơ được lập làm Hoàng thái tử, thay cho anh là Nghi Dân lên 2 tuổi bị truất, vì Dương Chiêu nghi đã bị phế. Nguyễn hoàng hậu khi ấy là Thần phi, rất được Thái Tông sủng ái, nên Bang Cơ còn nhỏ cũng được yêu mến. Lê Thái Tông có ban chiếu.

“Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý. Vậy sai Nhập nội đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm Hoàng thái tử”.

Thái Tông hoàng đế giáng Nghi Dân làm Lạng Sơn vương và phong anh thứ của Bang Cơ là Khắc Xương làm Tân Bình vương.

Năm 1442, tại Lệ Chi Viên, Thái Tông hoàng đế đột ngột qua đời khi mới 20 tuổi, gia đình Nguyễn Trãi bị án tru di tam tộc vì cho rằng đã âm mưu ám sát Hoàng đế.

>Nguyễn Trãi: bậc hào kiệt với kế sách mưu phạt tâm công

Ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), Hoàng thái tử được các đại thần Trịnh Khả, Lê Thụ, Nguyễn Xí lập lên ngôi, đổi niên hiệu là Thái Hòa, sử gọi là Lê Nhân Tông.

Lúc đó ông mới lên 1 tuổi, Nguyễn Thần phi được tôn làm Hoàng thái hậu, buông rèm nghe chính sự. Hoàng thái hậu dùng phép sẵn có từ đời trước, được các đại thần đắc lực của tiên triều phò tá nên trong khoảng hơn 10 năm giúp vị hoàng đế còn nhỏ, cả nước bình yên.

Vào ngày 16 tháng 3 năm 1443, Triều đình đưa chữ Cơ – tên của Hoàng đế – và chữ Anh – tên của Thái hậu Nhiếp chính – làm chữ húy. Miếu húy bao gồm bảy chữ.

Vào tháng 6 năm Thái Hòa thứ nhất (1443), vị Hoàng đế trẻ tuổi lấy ngày sinh của ông làm Hiến Thiên Thánh Tiết. Chúa Chiêm Thành là Bí Cai hai lần mang quân vây Hóa Châu. Tuy triều đình đã mấy lần phát binh, quân Chiêm vẫn chưa bỏ thói gây hấn. Năm 1446, Thái hậu sai Trịnh Khả, Lê Thụ, Lê Khắc Phục đi đánh, Bí Cai ra hàng, các tướng lập cháu Bí Cai là Ma Ha Quý Lai làm chúa Chiêm. Với chiến thắng này, quân Đại Việt tóm gọn được các cung phi của Bí Cai mà đem về kinh thành Đông Kinh.

Vào năm Mậu Thìn 1448, quốc gia Bồn Man chịu nội thuộc vào Đại Việt. Thái hậu sáp nhập Bồn Man, trở thành châu Quy Hợp của Nhà nước Đại Việt. Ngoài ra, cũng trong những năm tháng Thái hậu chấp chính, Triều đình ban lệnh cho đào sông Bình Lỗ ở Thái Nguyên, mang lại thuận lợi cho việc giao thông vận tải.

Vào năm Kỷ Tị 1449, niên hiệu Thái Hòa thứ 7, Quý Lai bị Quý Do cướp ngôi. Quý Do sai sứ sang triều cống Đại Việt, nhưng Thái hậu từ chối không tiếp nhận lễ vật và phán: “Tôi giết vua, em giết anh là tội đại ác xưa nay, trẫm không nhận đồ dâng”. Sau khi buộc sứ phải mang trả lại lễ vật về Chiêm, Thái hậu truyền lệnh cho Đồng tri hữu tri sự Nguyễn Hữu Quang, Điện trung thị ngự sử Trình Ngự đem thư sang Chiêm Thành, với nội dung như sau: “Sự thực của các ngươi như thế nào thì phải sang trình bày cho rõ”.

Tháng 11 năm Quý Dậu (1453), Hoàng đế lên 12 tuổi, có thể tự coi chính sự, Thái hậu trả lại quyền chính cho Hoàng đế rồi lui về ở cung riêng. Khi tự mình ra coi chính sự, Hoàng đế xuống lệnh đại xá, và đổi niên hiệu là Diên Ninh. Năm 1454 trở thành năm Diên Ninh thứ nhất.

Vào tháng 1 năm 1454, Nhân Tông ra lệnh cho đúc đồng tiền Diên Ninh. Dưới thời Lê Nhân Tông, năm Quý Hợi (1455) lần đầu tiên triều đình sai Phan Phu Tiên soạn Đại Việt sử ký tục biên, viết tiếp quyển thời Trần từ Trần Thái Tông cho đến khi người Minh về nước.

Nhân Tông tỏ ra là người độ lượng với các công thần khai quốc có tội bị xử tử trước đây, từ thời Thái Tổ Cao hoàng đế, Lê Thái Tông đến khi Nguyễn Thái hậu chấp chính. Ngay khi ra cầm chính sự, ông ra nhiều chiếu chỉ biểu dương công lao của họ, hoặc trả lại của cải, ruộng đất cho con cháu họ. Ông khôi phục lại quan tước và ban cho con cháu Trịnh Khả (bị xử tử năm 1451) 100 mẫu ruộng; cấp 100 mẫu ruộng cho con cháu Lê Sát và Lê Ngân (bị xử tử năm 1437); trả lại điền sản trước đây cho con cháu Phạm Văn Xảo (bị xử tử năm 1430) và Trần Nguyên Hãn (bị xử tử năm 1429). Ông biểu dương công lao sự nghiệp của Nguyễn Trãi (bị xử tử năm 1442): Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng. Tuy nhiên, ông vẫn chưa minh oan cho Nguyễn Trãi, điều mà Lê Thánh Tông đã làm sau này.

Ngoài ra, Nhân Tông cũng xuống lệnh cho cứu giúp những kẻ không vợ, góa chồng, mồ côi, cô đơn và biểu dương những người chồng nghĩa khí, người vợ trinh tiết.

Như một vị Hoàng đế hiền minh, Nhân Tông sau khi lên thân chính vào năm 1452 đã truy tặng cho các công thần khai quốc của triều Hậu Lê, một việc mà hoàng đế Lê Thánh Tông sau này sẽ tiếp tục thực hiện, ban ruộng đất cho hậu duệ của họ và tăng lương cho quan lại, vương hầu. Ông cũng đối đãi tử tế với người anh khác mẹ là Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân, thế nhưng chính Lạng Sơn Vương đã sát hại ông vào năm 1459.

Cùng chết với ông có trung thần Đào Biểu. Ông không có thói đam mê tửu sắc, và biết tôn trọng những người có công đối với Vương triều. Cái chết đến sớm của ông (khi ông mới 19 tuổi) đã khiến cho quan lại “nuốt hận ngậm đau”, và nhân dân “như mất cha mất mẹ”.

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN