Câu chuyện nhân quả: Bỏ rơi con tàn tật, sống cô quạnh cả đời…

Câu chuyện nhân quả: Bỏ rơi con tàn tật, sống cô quạnh cả đời…

Cùng một đứa trẻ ấy, một người sinh ra nhưng bỏ rơi con vì thấy nó tật nguyền, kết cục sống cô quạnh một đời. Một người không sinh được con, nhưng vì không ngại khó không ngại khổ nuôi con nuôi nên người. Giờ ông bà có thêm con dâu hiền thảo, có cháu nội khỏe mạnh ngoan ngoãn, lại có một cuộc sống đầy đủ an nhàn. Ông trời luôn rất công bằng, và thật không sai khi người xưa có câu “gieo nhân nào thì gặt quả đấy.”

Mẹ con

Ảnh: CafeBiz.

Mặt trời sáng mọc tối lặn, cuộc sống dường như cũng chầm chậm trôi qua và mọi thứ dường không có gì thay đổi. Nhưng bà Trâu Ngẫu Hoa không thể nào quên được một buổi sáng hơn 30 năm về trước, đột nhiên bà thấy dân làng tụ tập rất đông, họ đang bàn tán xôn xao chuyện gì đó, bà lại gần xem và được biết thì ra có một đứa bé bị bỏ rơi ở cổng làng.

Đứa bé khóc thét không dừng, giọng bé gần như khàn đi. Nhìn bé chắc cũng mới được vài tháng tuổi. Ai nhìn thấy cũng thấy xót xa, ai bế bé trên tay cũng dỗ dành cưng nựng, nhưng không ai có thể dỗ nín được bé.

Vài năm trước bà Hoa lập gia đình, nhưng không thể có con. Bà đã chữa cả đông lẫn tây y nhưng không có chuyển biến gì, thậm chí tác dụng phụ của thuốc còn khiến bà nhanh chóng tăng cân. Bà đón lấy đứa bé, vuốt ve khuôn mặt tội nghiệp của nó, rồi mọi người thấy đứa bé đang khóc to đột nhiên nín dần như được an ủi, nó như tìm được chỗ dựa dẫm. Bà như mủi lòng thương, khi biết đứa trẻ là con trai mọi người lại càng ngạc nhiên hơn, tuy không nói ra nhưng trong đầu ai đó cũng nghĩ thầm rằng chắc ông Trời ban tặng cho bà đứa trẻ này.

Bà Hoa ôm đứa trẻ về nhà, gia đình nghe tin thì vui mừng lắm, nhưng sau đó biết nó là con trai thì lại tỏ ra lo lắng, sợ sau này cha mẹ bé sẽ quay lại đòi con. Nhưng dù người nhà có ngăn cản thế nào bà vẫn nhất quyết giữ đứa trẻ lại nuôi. Lúc thay quần áo cho bé bà phát hiện ra một bí mật đau lòng, thì ra chân phải bé bị dị tật không có cơ bắp, thậm chí xương còn không phát triển, có lẽ đây chính là lý do mà cha mẹ ruột bỏ rơi em.

Gia đình thấy vậy liền ép bà đem bé trả về nơi nhặt được, nhưng bà không muốn làm vậy. Bà nói rồi sau này chân của bé sẽ khỏi thôi, hoặc có thể đưa bé đến bệnh viên khám xem sao.

Vài ngày sau bà Hoa đưa con nuôi đi viện khám, bác sĩ khám xong lắc đầu mà rằng: “Xương cốt cháu bé phát triển không bình thường. Có rất nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này ví dụ như thiếu canxi hoặc tiếp xúc quá nhiều với bức xạ, đột biến gen… Nhưng dù là vì lý do gì thì loại teo cơ, teo xương bẩm sinh như thế này đều không có cách nào điều trị. Sau mày lớn lên bé sẽ trở thành khuyết tật cho đến cuối đời.

Bà Hoa âu sầu thất vọng ôm con về nhà, gia đình bà một lần nữa khuyên hãy bỏ đứa bé. Nhưng chỉ sau vài ngày ngắn ngủi, tình cảm của bà dành cho đứa trẻ đã trở nên sâu đậm. Cứ nhìn thấy bà là bé lại lại cười lên không dừng. Bà thật không nhẫn tâm, nên đành giữ bé lại và tự mình nếm trải cảm giác lần đầu làm mẹ. Bà hết lời thuyết phục chồng và gia đình hãy đồng ý để bà được chăm sóc nuôi nấng bé.

Thấy bà đã quyết trí như vậy gia đình chỉ còn biết miễn cưỡng đồng ý. Cuộc sống của vợ chồng bà cũng đang rất khó khăn, bao nhiêu năm chữa bệnh vô sinh vợ chồng bà đã tiêu tốn không ít tiền. Nay trong nhà đột nhiên xuất hiện thêm một đứa bé, mọi thứ sẽ kéo theo bao nhiêu khó khăn. Bà Hoa đặt tên con là Giang Tiểu Khang, vì hi vọng con trai lớn lên sẽ khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác.

Thời gian cứ thế trôi qua, bé Khang ngày càng lớn nhanh. Nhưng bé không biết đi, bà Hoa đã nhiều lần ôm con đến bệnh viện kiểm tra nhưng lần nào cũng đều cùng một kết quả teo cơ và xương không phát triển.

Nỗi vất vả của bà khi nuôi con không phải người bình thường nào cũng có thể chịu đựng được. Trải qua phong ba bão táp, bà không nguôi hy vọng vẫn nuôi con khôn lớn. May mắn thay, tâm lý và trạng thái của em rất tốt, em có thể tập tễnh bước những bước chậm chạp. Ngày nhỏ khi tập đi, thấy con ngã lên ngã xuống bầm dập, bà xót xa chỉ biết ôm con âm thầm khóc.

Tiểu Khang từ nhỏ đã học cách cầm nạng, nhưng bà Hoa vẫn đưa đón con hàng ngày. Khang biết mình là đứa con tàn tật bị cha mẹ đẻ bỏ rơi, nên trong lòng giận hai người đó lắm. Những lúc như vậy bà Hoa thường an ủi bé rằng mình là mẹ ruột của Khang, bà sẽ yêu thương bảo vệ em suốt đời. Bà hy vọng em không nên để chuyện gì buồn trong lòng, rồi khuyên em nên kiên cường và tự lập.

Cũng chính bởi vì Tiểu Khang là một cậu bé khuyết tật nên bà Hoa mới không quản gian khổ nhất định cho em đến trường. Cậu bé rất hiểu chuyện và thương mẹ nên học hành rất chăm chỉ. Cậu học giỏi nên được lên thẳng cấp hai, cấp ba rồi vào đại học, thành tích học tập lúc nào cũng vô cùng xuất sắc.

Thời gian trôi qua, thăng trầm của cuộc sống bà đều nếm trải quá đủ rồi, thoáng cái đã hơn 20 năm, và bà đã ngoài 50 tuổi. Sau khi tốt nghiệp đại học Tiểu Khang không học tiếp nữa. Cậu muốn bứt phá hoàn cảnh để cha mẹ nuôi đỡ vất vả, thế rồi sau một năm đi làm cậu cùng một người bạn học mở một xưởng làm mạch điện tại Thẩm Quyến. Từ nhỏ đến lớn không biết đã trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, cuối cùng sự nghiệp của cậu cũng trở nên tốt hơn. Số tiền kiếm được cũng không phải ít, vậy là qua những ngày tháng vất vả cậu đã học được rất nhiều kiến thức về bản mạch.

Sau khi tích lũy được một chút vốn hai người đã thuê một công xưởng to hơn, họ thuê thêm hàng chục chuyên viên giàu kinh nghiệm, tận tâm thiết kế bản mạch. Nhờ đó cậu nhanh chóng phát tài, chỉ trong 6 năm, công ty của cậu đã ngày càng phát triển và uy tín.

Lúc này Tiểu Khang cũng tìm được nửa kia của cuộc đời, họ kết hôn và cô sinh cho Khang một đứa con bụ bẫm khỏe mạnh. Cả cuộc đời cậu biết ơn gia đình và cha mẹ nuôi, họ đã không ngại gian truân nuôi cậu thành người, dù khó khăn hay vất vả cũng không hề bỏ rơi cậu. Nay cha mẹ nuôi đều đã ngoài 60, tóc đã bạc, mắt cũng không còn tinh nữa, cũng đến lúc được nghỉ ngơi để cậu báo hiếu, cậu luôn đối đãi với họ như cha mẹ đẻ, nguyện chăm sóc họ đến hết cuộc đời.

Tuy nhiên, không ai ngờ rằng, vào một lần Tiểu Khang đưa vợ con về thăm cha mẹ nuôi, một buổi trưa khi cả gia đình đang vui vẻ cùng nhau xem ti vi thì có hai vị khách không mời mà đến, họ ngoài 50 tuổi, tự xưng là cha mẹ đẻ của Tiểu Khang.

Hai vợ chồng họ không ngừng rơi nước mắt, họ nói một là đến cảm ơn gia đình bà Hoa, hai là đến mong Tiểu Khang tha thứ, thứ nữa là họ muốn đến nhìn mặt con trai con dâu và cháu trai.

Thấy bộ dạng ăn năn hối lỗi của hai người trung niên, vợ chồng bà Hoa khách khí mời họ ngồi. Bao nhiêu ấm ức trong lòng cộng thêm bao nhiêu hy sinh của cha mẹ nuôi, Tiểu Khang bỗng khóc lên thành tiếng, nước mắt cậu nín nhịn suốt mấy chục năm giờ không còn phải nhịn thêm nữa: “Cảm ơn hai người đã sinh ra con, nhưng hai người hãy đi đi, hơn 30 năm qua hai người không đến cũng không sao mà. Con giờ chỉ có cha là Giang Thụ Tùng và mẹ Trâu Ngẫu Hoa…”

Hai vợ chồng lạ mặt gạt nước mắt lẳng lặng quay đi, họ hiểu nỗi lòng của con trai mình, nhưng biết nói gì khi mọi chuyện đã quá muộn màng. Ngược lại, vợ chồng bà Hoa tuy không sinh được con, nhưng vì không ngại khó không ngại khổ nuôi con nuôi nên người. Giờ ông bà có thêm con dâu hiền thảo, có cháu nội khỏe mạnh ngoan ngoãn, lại có một cuộc sống đầy đủ an nhàn. Ông trời luôn rất công bằng, và thật không sai khi người xưa có câu “gieo nhân nào thì gặt quả đấy.”

Thiếu Kỳ/DKN

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN