Truyện ngắn: Đám ma

Truyện ngắn: Đám ma

Đó là đám ma ít nước mắt nhất mà Nhân từng được chứng kiến. Người nằm trong quan tài là bà Nhân.

Nhân thích đám ma. Ban đầu là vì một người bạn của Nhân thích đám ma. Mà lúc ấy, Nhân lại chơi khá thân với người bạn đó. Thế là Nhân cũng thích đám ma. Chính cái điểm này làm cho Nhân hiểu tại sao người ta lại dùng từ “bạn bè”. Mỗi lần Nhân nghe thấy từ này, Nhân lại liên tưởng ngay đến một bè chuối hay một tảng bèo đang trôi trên sông. Toàn những thứ vứt đi! Sau này, Nhân thích đám ma vì tiếng kèn não nề chẳng hề ăn khớp với tâm trạng của đám người đi đưa. Và cả con cháu. Chỉ có tiếng kèn như đứt từng khúc ruột. Trái khoáy. Phải, Nhân nghĩ mọi đám ma trên đời này đều trái khoáy. Còn Nhân là một đứa lập dị. Thế thì Nhân phải thích những đám ma như thế hẳn đi rồi!

Đám ma càng ngày càng ít nước mắt. Có lẽ sẽ đến một lúc người ta không khóc nữa. Nhân đã từng tự hỏi tại sao người phương Tây khi đi đưa đám chỉ mặc đồ đen và không khóc? Chí ít thì cũng không vật vã như ở quê Nhân. Người ta không bò lăn ra nhà, không ngã lăn ra đường mà kêu, mà gào. Có chăng thì chỉ vài giọt nước mắt lấy lệ chưa kịp lăn khỏi gò má đã thấm sạch vào khăn mùi soa. Chắc tại vì người phương Tây thực tế hơn người quê Nhân? Thực tế thường đi kèm với tiết kiệm. Mà suy cho cùng tiết kiệm nước mắt cũng là một cách tiết kiệm tài nguyên quốc gia mà! Chỉ cần mỗi người tiết kiệm một lít nước mắt là cả thế giới đã có thêm bao nhiêu người được dùng nước sạch rồi ấy chứ. Thế thì tội gì phải khóc. Với lại khóc và đau chẳng mấy khi liên quan đến nhau! Trừ khi bọn trẻ con bị đánh. Đấy là một vài đứa láu cá còn giả vờ khóc rõ to để khỏi bị ăn đòn nát mông. Trẻ con còn thế, huống chi người lớn? Người lớn càng có lí do để mà khóc khi không hề đau. Người lớn khóc để che giấu những thứ không muốn cho người khác thấy.

Nhân vẫn lặng lẽ bước đi theo quán tính. Bà thím đi bên cạnh đang ơ hờ não nề. Liệu thím ấy có khóc không? Nhân không biết. Nhân nhớ tới môn học văn hoá ở trường đại học. Có lần thầy giáo Nhân nói về nét tinh tế trong trang phục đưa ma của người Việt. Thầy bảo:

– Theo các em, đâu là nét tinh tế trong trang phục tang của người Việt?

Cả lớp nhao nhao:

– Trang phục tang thì làm gì có tinh tế hả thầy?

– Có phải là biểu diễn thời trang đâu thầy?

Thầy nhìn đám học trò ngây thơ bằng đôi mắt hiện rõ vẻ háo hức. Rồi nói:

– Các em cho rằng trang phục tang của người Việt không tinh tế sao? Nào, chúng ta bắt đầu tìm hiểu nhé!

Thầy bắt đầu bằng việc cho cả lớp xem những bức hình về trang phục tang. Thầy dừng lại ở chiếc mũ mấn.

– Đây được gọi là mũ mấn. – Thầy nói tiếp – Cũng giống như các trang phục tang khác, mũ mấn cũng được làm bằng vải xô. Mũ có chiều ngang khoảng 30cm, dài hơn 1m nhưng được gập đôi lại. Và người ta có thể đội mũ mấn như thế này!

Thầy vừa nói, vừa lôi ra hai bức ảnh có hình một người phụ nữ đang mặc đồ tang, đầu đội mũ mấn – đội theo hai cách khác nhau. Trông thầy lúc đó rất hào hứng.

Sau khi thầy giải thích, một sinh viên phía cuối lớp nói vọng lên:

– Vậy hoá ra nét tinh tế là ở chỗ nó giúp che giấu cảm xúc thật của con người ạ?

Trong lớp có tiếng “Ồ” lên.

– Chính xác! Thầy giáo nhấn mạnh trước ánh mắt ngỡ ngàng của sinh viên – Như các em biết, mũ mấn dùng để cho con gái và con dâu. Các cụ xưa có câu…

Thím là con dâu của bà. Nhân tự nhủ không biết lúc này chiếc mũ mấn có đang phát huy giá trị “tinh tế” của nó như thầy giáo đã nói?

Mẹ Nhân cũng là con dâu. Bây giờ mẹ Nhân không khóc. Mẹ Nhân cũng không đội mũ mấn theo kiểu che kín mặt như các thím, các bác. Hai tà mũ ở sau lưng để lộ gương mặt mẹ. Không biết mẹ Nhân giờ này đang nghĩ gì nhỉ? Liệu mẹ Nhân có đau lòng? Khuôn mặt mẹ làm Nhân liên tưởng đến bức hình Mona Lisa của Da Vinci. Chỉ có điều trên gương mặt của Mona Lisa là một nụ cười bí hiểm – có người nói đấy là nụ cười của Da Vinci – nhưng gương mặt mẹ Nhân chỉ có một lớp mây che phủ. Lặng lẽ. Dường như mẹ đang hồi tưởng lại quãng đời đầy cực nhục của mình. Liệu hôm nay có phải là ngày giải thoát? Không. Gương mặt kia không thể là sự giải thoát. Nhiều khi Nhân không hiểu nổi mẹ. Lúc này cũng thế.

Mỗi khi đối mặt với khó khăn, đau khổ, Nhân luôn tự nhủ rằng Nhân vẫn chưa khổ bằng mẹ. Vì thế, Nhân lại có thêm sức mạnh để đứng lên. Nhưng những đau khổ của mẹ là do đâu nếu không phải vì cái người đang nằm trong quan tài kia? Nhân đã rất hận bà. Nếu như không vì bà, mẹ Nhân đã được cưới hỏi đàng hoàng. Nếu như không vì bà, Nhân đã không có cảm giác xấu hổ khi bố Nhân uống rượu đòi tự tử. Ừ, có lẽ Nhân hận bà vì cái cảm giác xấu hổ của Nhân với đám bạn. Đến bây giờ mỗi khi nghĩ đến cảnh đó, Nhân vẫn cảm thấy gai gai. Có đôi lần nghĩ về bà, Nhân dường như chắc chắn rằng đó chính là lý do thực sự Nhân ghét bà. Chứ không chỉ đơn giản là cái tên Nhân phải mang theo suốt cả cuộc đời. Ái Nhân. Cái tên nghe thật kì cục. Lố bịch. Đáng ghét.

Nhân ghét bà. Vì thế Nhân thường nhùng nhoằng mỗi khi mẹ sai Nhân mang đồ ăn cho bà. Nhân cũng chẳng hiểu vì lí do gì mà chỉ có mình nhà Nhân mang đồ ăn cho ông bà nữa. Nhà các bác còn gần nhà bà hơn nhà Nhân. Chắc tại bà chỉ hợp với đồ ăn mẹ Nhân nấu. Các bác thì lại bảo nhà Nhân nấu đồ ăn thì mặn, cơm thì khô. Chẳng hiểu có gì mà ông bà cứ thích ăn. Thành ra ngày nào Nhân cũng chạy hai cua: trưa – tối để đưa đồ ăn vào. Từ ngày ông bà yếu không tự nấu cơm đến nay cũng đã thấm thoắt chục năm. Chục năm là cả một quãng thời gian dài đủ làm nên cả một thói quen. Đến khi Nhân đi học xa nhà, mỗi lần về chơi Nhân vẫn không quên thói quen ấy. Cứ chuẩn bị đến bữa là Nhân lại hỏi mẹ:

– Hôm nay đem gì vào trong nhà hả mẹ?

Lúc ấy bố lại gắt:

– Mang vào làm gì! Họ hàng gì mà mang!

Cả Nhân và mẹ đều lặng im không nói. Bố chỉ nói thế thôi, nhưng bố chẳng bao giờ cấm mẹ con Nhân mang đồ vào “trong nhà”. Ngay cả việc mẹ sửa lại mái nhà, làm cái sân, đổ cái ngõ hay đặt đóng đôi giường mới, mua đôi chiếu, chiếc nồi cơm, đôi dép… bố cũng chỉ cằn nhằn có một lúc rồi quên ngay. Nhân nhớ hôm mẹ tìm người đến lợp lại mái nhà cho khỏi giột, Nhân nghe trộm được bố mẹ nói chuyện với nhau:

– Sao bà cứ thích mua khổ vào thân thế hả? Bây giờ chưa đủ sướng à?

– Ơ hay, ông cứ nói lạ. Để thế cho thiên hạ người ta cười vào mặt cho à?

– Liên quan gì mà cười! Chúng nó cười mồm nó chứ cười mồm mình hử? Mà sao cứ phải lắm chuyện thế!

– Người ta bảo: Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy…

– Đổ đâu thì mặc cha nó. Suốt ngày bày chuyện ra mà làm. Đến lúc nằm vật ra đấy, đứa nào chăm hả?

Nhân chỉ nghe được đến thế. Nhưng đến chiều đi học về Nhân đã thấy bố đang ở “trong nhà” chỉ đạo đám thợ lợp mái. Lúc ấy Nhân thầm phục mẹ giỏi thuyết phục.
Bà Nhân ốm nằm liệt giường được hơn năm rồi. Lúc đầu con cái cũng quấn quýt chăm sóc. Nhưng chỉ được ba bảy hai mốt ngày là mọi người rục rịch chuồn hết cả. Thế là lại mẹ Nhân phải xắn tay vào. Mà không mẹ thì ai nữa chứ? Thấy bảo bà hay chửi, nhưng cứ thấy mẹ vào là bà lại nằm im. Bà chẳng chửi mẹ khi nào. Hôm Nhân tranh thủ về qua nhà được một hôm, gặp cô Út, cô kể: hôm bà đang chửi mọi người ở trong nhà thì mẹ vào. Đến đầu ngõ mẹ hắng giọng:

– Lại có chuyện gì mà om sòm hết lên thế!

Nghe thấy tiếng mẹ, bà nằm im. Cô Út bảo:

– Bây giờ chỉ có mẹ mày bảo được bà. Mà ở đời làm gì có chuyện lạ đời thế chứ. Con dâu mà cứ mắng bố mẹ chồng xơi xơi.

Lúc ấy Nhân nghĩ: Có phải mẹ đang chửi để tống hết những uất ức của năm tháng thanh xuân?

Từ lúc bà mất, Nhân chỉ thấy mẹ khóc có một lần. Đó là lúc mẹ thay mặt anh em họ hàng nói lời cảm ơn đến bà con xóm láng, bạn hữu gần xa. Mẹ nói:

– Hôm nay, được sự cho phép của bố tôi và các anh tôi…

Rồi mẹ oà lên khóc.

Đúng chỉ có một lúc đó thôi. Còn lại mẹ Nhân cứ tất tả lo nào là nước uống, nào là bát đĩa xoong nồi, nào là mua cái nọ, sắm cái kia…Thỉnh thoảng Nhân gặp ánh mắt mẹ buồn buồn nhìn vào phía trong nhà. Chỉ một thoáng thôi rồi mẹ lại tất bật.

Tiếng trống tự dưng im bặt. Có tiếng phèng vang lên. Đã đến chỗ tạm nghỉ. Nhân len ra khỏi dòng người, đến chỗ xe nước chè, lấy hai cốc nước đặc quánh mang lại cho mẹ và bố. Lúc đi sang chỗ bố, mẹ kéo Nhân lại, dặn:

– Chốc nữa nhớ để ý bố nhé. Bố đang ốm. Nhỡ đâu…

Nhân gật đầu rồi lặng lẽ đi. Có chuyện gì xảy ra với bố được cơ chứ. Có chăng là với mẹ.
Nhưng đúng là bố Nhân đáng lo thật. Chưa bao giờ Nhân thấy bố như thế. Từ lúc bà mất đến lúc Nhân về đến nhà cũng phải 3 tiếng. Thế mà về đến nhà, Nhân thấy bố vẫn ngồi im ở salon, lặng im, không nói. Mẹ ra hiệu cho Nhân im.

Đến tối, mọi người thay nhau đi nghỉ. Chỉ có mình bố là cứ ngồi góc nhà nhìn quan tài bà. Không ai dám nói bố đi nghỉ. Cả mẹ cũng không dám. Lúc ấy trông bố như một pho tượng. Vô hồn.

Nhân đưa bố chén trà xanh. Bố lắc. Nhân ngồi xuống, cau mặt, nhìn thẳng vào mắt bố. Bố cầm chén trà, uống một hơi. Trước khi Nhân đứng lên còn nghe thấy bố dặn:

– Nhớ để ý mẹ mày…

Tiếng phèng lại vang lên. Đoàn người vội vàng đứng dậy. Có tiếng khóc đồng loạt ùa lên. “ới mẹ ơi”, “bà ơi”. Nhưng mẹ Nhân không khóc. Bố Nhân không khóc. Nhân cũng không khóc. Nhân chỉ thấy nặng lòng.

Rốt cuộc thì tiếng khóc cũng chỉ ùa lên được có thế. Rồi đoàn người lại lặng lẽ đi. Thỉnh thoảng có tiếng nấc lên. Hình như là tiếng cô Út.

Đoàn người đã đưa bà ra đến nghĩa trang. Lúc đưa áo quan cùng bà xuống huyệt, đám con cháu đồng thanh khóc nấc. Cô Út bò ra, tay cào cào đất. Nhân thấy bố đứng như trời trồng. Chiếc khăn ngang cắn chặt ở miệng. Ngay ở khoé mắt bố, những giọt nước mắt hiếm hoi đặc quánh. Mẹ Nhân đứng cạnh bố, nước mắt cũng lăn dài trên má.

Chợt Nhân thấy trái tim mình như bị ai bóp chặt. Nghẹt thở. Từ sâu trong trái tim nó, những giọt nước mắt nóng hổi trào ra. Nhân quỳ xuống nức nở:

– Bà ơi!…

Tác giả: Trương Thu Hường

Xem thêm:

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN