Những điều thực tế đang xảy ra của nền giáo dục Trung Quốc

Những điều thực tế đang xảy ra của nền giáo dục Trung Quốc

Sinh sống ở một đất nước với 1,5 tỷ dân quả không phải là một điều dễ dàng. Vì có tới 1,5 tỷ người giống như bạn, cùng đang sinh sống ở một quốc gia không có các chế độ bảo hiểm xã hội. Phải làm thế nào đây? Con đường sinh tồn duy nhất là nỗ lực cạnh tranh tìm cơ hội cho mình. Trong bối cảnh như vậy, trẻ em Trung Quốc được đào tạo, trang bị sẵn sàng trước mọi thử thách ngay từ những năm đầu đời học sinh.

Dưới đây là nhận xét của một giáo viên người nước ngoài từng dạy tiếng Anh tại bốn trường khác nhau ở Trung Quốc. Từ kinh nghiệm của mình, vị này đưa ra so sánh giữa giáo dục của Trung Quốc và Châu Âu.

Giáo dục Trung Quốc

Học sinh mặc đồng phục thể thao khi đang học tiết học về Ngày Trái Đất.

Rất nhiều trường học ở Trung Quốc không có hệ thống sưởi trung tâm. Cả giáo viên lẫn học sinh phải mặc áo khoác dày vào lớp học trong mùa đông.

Hệ thống sưởi trung tâm chỉ được sử dụng ở phía Bắc Trung Quốc. Các tòa nhà ở miền Trung và Nam nước này được thiết kế xây dựng cho thời tiết ấm áp, nghĩa là vào mùa đông nếu nhiệt độ xuống thấp dưới 0 độ C, thì phương tiện giữ ấm duy nhất là điều hòa. Đồng phục của các trường đa phần là quần áo thể thao với quần rộng và áo khoác. Thiết kế hầu hết giống nhau chỉ khác màu sắc, và phù hiệu trường trên áo. Các trường đều có cổng sắt to, đóng im ỉm toàn bộ thời gian,trừ giờ đến trường và tan trường.

Các trường ở Trung Quốc ngày nào cũng có tiết thể dục (và không chỉ một lần một ngày). Trong tiết thể dục, các em học sinh phải xếp hàng ngay ngắn.

Một buổi sáng điển hình ở các trường bắt đầu bằng tiết thể dục. Sau đó, học sinh xếp hàng ngay ngắn, nghe điểm tin, và hát quốc ca. Các học sinh sẽ làm bài luyện tập mắt sau tiết thứ ba- học sinh sẽ ấn vào một điểm đặc biệt trên người theo tiếng nhạc thư giãn, và theo giọng ghi âm của huấn luyện viên. Ngoài bài thể dục buổi sáng, còn có thể dục buổi chiều lúc 2 giờ. Nhạc lại bật lên, học sinh đứng tràn ra khỏi lớp học (nếu trong lớp không có đủ chỗ), bắt đầu giờ tay ra hai bên, và lên xuống.

Học sinh Trung Quốc tập thể dục

Học sinh Trung Quốc tập thể dục trên sân trường tại Tế Nam.

Nghỉ giữa giờ lâu nhất là giờ ăn trưa, kéo dài khoảng một tiếng.

Lúc này, bọn trẻ ăn trưa tại căng-tin trường (nếu trường không có nhà ăn, thì bọn trẻ tự mang cơm hộp), chạy đuổi, nô đùa, đúng với bản chất trẻ con vô tư, nghịch ngợm. Giáo viên các trường đều được ăn trưa miễn phí- một ưu điểm nổi bật. Bữa trưa khá truyền thống gồm có cơm, rau, thịt, và canh. Các trường tư thục đắt đỏ thì cung cấp thêm sữa chua và hoa quả. Bọn trẻ ăn trưa rất vui vẻ.

Một số trường tiểu học có giờ ngủ trưa khoảng vài phút sau khi ăn.

Một số học sinh tiểu học bị ngủ giật giữa giờ, và rất thương khi phải đánh thức các em.

Bữa ăn trưa tiêu chuẩn của các trường Trung Quốc

Bữa ăn trưa tiêu chuẩn của các trường Trung Quốc: trứng cà chua, đậu phụ, súp lơ xào hạt tiêu và cơm.

Thầy giáo rất được tôn trọng.

Ở Trung Quốc, có tục lệ gọi họ kèm theo danh xưng “thầy giáo”. Vì dụ, thầy giáo họ Ngô thì gọi là thầy giáo Ngô. Ở một số trường, học sinh cúi người chào thầy khi gặp.

Rất nhiều trường cho phép dùng bạo lực như một hình thức phạt học sinh

Giáo viên có quyền tát hoặc phạt học sinh. Trường càng ở các vùng xa, thì càng hay xảy ra chuyện giáo viên đánh học sinh. Một học sinh Trung Quốc kể lại, khi học tiếng Anh, quên từ nào thì sẽ bị thầy lấy thước kẻ đánh vào người.

Chơi trống trong giờ nghỉ giải lao ở thị trấn Ansai

Chơi trống trong giờ nghỉ giải lao ở thị trấn Ansai

Trong mỗi lớp đều có treo bảng điểm để làm động lực cho học sinh.

Điểm xếp hạng từ A tới F. A là điểm cao nhất, tương đương điểm 9 hoặc 10. F là điểm thấp, tương đương điểm 5. Khuyến học là một phần quan trọng trong giáo dục ở Trung Quốc. Ví dụ, một học sinh trả lời đúng bài sẽ nhận được một ngôi sao, hoặc được thêm điểm, trong khi nói chuyện lúc thầy giáo giảng bài sẽ bị mất sao và mất điểm.

Bảng xếp hạng được cập nhật hàng ngày, treo ngay giữa lớp, ai cũng trông thấy- đây là một cạnh tranh cởi mở.

Học sinh Trung Quốc học hơn 10 tiếng mỗi ngày.

Giờ học bắt đầu lúc 8 giờ sáng và kết thúc lúc 3-4 giờ chiều. Sau đó bọn trẻ về nhà, tiếp tục làm bài tập đến 9-10 h tối. Ở các thành phố lớn, bọn trẻ còn phải học thêm với gia sư, tham gia các lớp ngoại khóa về âm nhạc, nghệ thuật và thể thao vào cuối tuần. Cuộc cạnh tranh khốc liệt khiến phụ huynh phải gây áp lực học tập cho con từ rất sớm- nếu không đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp (giáo dục phổ cập ở trung quốc mất 12-13 năm) thì sẽ không được nhận vào đại học.

Trẻ em lớp một ở trường Khổng Tử tại Nam Kinh

Trẻ em lớp một ở trường Khổng Tử tại Nam Kinh tham gia vào buổi thi viết chữ thư pháp ngay khi vào lớp.

Có hai hệ thống trường công lập và tư thục ở Trung Quốc.

Chi phí theo học một trường tư thục lên tới 1.000 đôla Mỹ một tháng, nhưng chất lượng giáo dục rất tốt. Học ngoại ngữ là một môn học quan trọng ở các trường tư. Mỗi ngày có từ hai đến ba tiết tiếng Anh. Tới lớp 5 hoặc 6, thì học sinh các trường này đã có thể nói tiếng Anh rất tốt. Tuy nhiên ở Thượng Hải còn có một chương trình đặc biệt do nhà nước tài trợ cho phép giáo viên nước ngoài dạy học ở các trường công.

Hệ thống giáo dục dựa trên việc học thuộc lòng nguyên văn

Trẻ em phải học thuộc lòng rất nhiều thứ, giáo viên chỉ kiểm tra xem câu chữ đã đúng chưa mà không quan tâm xem các em có thật sự hiểu vấn đề. Tuy nhiên, ngày càng mọc lên nhiều trường dạy theo phương pháp Montessori hoặc Waldorf. Các trường này nhắm vào mục tiêu phát triển các khả năng nghệ thuật ở trẻ. Tuy nhiên, đây là các trường tư thục rất đắt đỏ, không mấy người cho con vào học được.

Trẻ em ở các gia đình nghèo

không muốn học, hoặc bị coi là hư hỏng (bố mẹ chúng nghĩ vậy) thì không được vào các trường tiểu học thông thường mà bị gửi tới các trường võ. Các em sẽ sống nội trú trong trường, tập luyện rất vất vả từ sáng đến tối. Nếu may mắn, các em sẽ được học chữ, đủ để biết đọc và viết, vì học tiếng Trung Quốc rất khó. Xử phạt bằng bạo lực rất phổ biến ở các trường này.

Các lớp ở trường dạy võ

Các lớp ở trường dạy võ

Giáo viên thường dùng kiếm đánh học sinh, tát hoặc đá chúng. Mặc dù vậy, khi học xong, cha mẹ sẽ thấy con mình đã trở thành một cô bé hoặc cậu bé ngoan ngoãn, có khả năng dạy võ, và có cơ hội gây dựng sự nghiệp. Đa phần các võ sư nổi tiếng đều đã có thời gian học tập tại các trường võ này. Ngoài ra người Trung Quốc cũng có truyền thống gửi các bé ốm yếu đến các trường này trong vòng một đến hai năm vì mục đích rèn luyện thân thể, thông qua việc học võ hoặc học Thái cực quyền.

Học sinh Trung Quốc cho dù học ở trường võ hay trường thường đều phải tuân thủ ba quy tắc ngay từ những năm đầu đời: kỹ năng làm việc khó, tính kỷ luật, và phải biết tôn trọng người lớn tuổi, hoặc người có địa vị cao hơn mình. Chúng được dạy ngay từ bé là với mỗi việc mình làm, phải làm hết sức mình, làm tốt nhất. Đó có thể là lý do tại sao người Trung Quốc lại đạt được nhiều thành tựu trong khoa học, văn hóa, và nghệ thuật. Còn với học sinh Châu Âu, sự cạnh tranh này là không có. Học sinh Châu Âu được học tập và trưởng thành trong một môi trương dễ dàng hơn, thường không có thói quen học tới 10 tiếng một ngày như học sinh Trung Quốc.

Nói chung, mỗi hệ thống giáo dục đều có những ưu điểm nhất định, cũng như nhược điểm không thể phủ nhận. Sự phát triển sẽ hiệu quả khi ta biết loại bỏ những điểm chưa tốt, không còn phù hợp với thời cuộc, và tiếp thu những điểm mạnh của các hệ thống khác, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà nhiều ngành nghề khác cũng vậy.

Theo Brightside

Sources:

BÀI LIÊN QUAN