Bú sữa mẹ giúp trẻ dễ tiêu hóa đồ ăn dặm

Bú sữa mẹ giúp trẻ dễ tiêu hóa đồ ăn dặm

Vì sao bú sữa mẹ giúp trẻ dễ tiêu hóa đồ ăn dặm? Một nghiên cứu sâu hơn về vi khuẩn đường ruột cho thấy các em bé được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ cảm thấy thoải mái hơn khi chuyển sang đồ ăn dặm – các bé ít xuất hiện các cơn đau bụng hơn.

Vấn đề thường gặp khi cho con bú


Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những em bé chỉ bú sữa mẹ có hệ vi sinh đường ruột rất khác so với các em bé được nuôi bằng cả sữa công thức và sữa mẹ (Ảnh: mekheochamcon.com)

Bà Andrea Azcarate-Peril, trợ lý giáo sư tại khoa sinh học và sinh lý học tế bào thuộc Đại học North Carolina tại Chapel Hill cho biết “Chúng tôi phát hiện rằng những em bé được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ có các nhóm vi khuẩn dễ thích nghi hơn khi bắt đầu làm quen với các loại đồ ăn dặm”.

“Việc chuyển sang các loại đồ ăn dặm sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều đối với các microbiome (hệ gen của các vi sinh vật sống trong cơ thể con người) của trẻ không được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Chúng tôi thấy các microbiome của những em bé này có thể là nguyên nhân gây ra các cơn đau dạ dày và đau bụng”.

Phát hiện này giúp chúng ta nhận thức rõ hơn nữa về microbiome, cho thấy ngoài các chức năng khác, các microbiome đường ruột còn đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn và chống lại các tác nhân gây bệnh.

Bà Amanda Thompson, phó giáo sư khoa nhân chủng học và là tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology cho hay: “Nghiên cứu này còn góp phần ủng hộ hơn nữa đối với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức khác về việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời “.

“Qua các dữ liệu chúng ta có thể thấy rằng việc thêm sữa công thức vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh thực sự sẽ làm thay đổi các vi khuẩn đường ruột, thậm chí nếu bạn vẫn đồng thời nuôi con bằng cả sữa mẹ. Bú sữa mẹ hoàn toàn dường như giúp trẻ làm quen với các loại thức ăn dặm một cách rất dễ dàng”.

Những chiếc tã bẩn

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã thu thập các mẫu phân và thông tin về sức khỏe và chế độ ăn của chín em bé từ 2 tuần đến 14 tháng tuổi. Áp dụng các kỹ thuật sắp xếp chuỗi gen đối với các mẫu phân, các nhà khoa học đã truy ra nguồn gốc của các loại vi khuẩn cùng các chức năng của chúng trong các microbiome đường ruột của trẻ sơ sinh.

Các phân tích cho thấy trong vài tháng đầu đời, có sự khác biệt rõ rệt giữa các microbiome của trẻ sơ sinh được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ so với những trẻ được nuôi bằng cả sữa công thức và sữa mẹ. Phát hiện này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu đã được công bố trước đây.

ăn dặm

Ảnh: ngoisao24h.net

Bà Thompson và Bà Azcarate-Peril, giám đốc Trung tâm Microbiome Core Facility thuộc Trường UNC (University of North Carolina) bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy những khác biệt to lớn về mặt di truyền trong các mẫu phân được lấy sau khi em bé bắt đầu ăn dặm.

Sự thay đổi lớn trong các loại vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ở trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ có khoảng 20 enzyme vi khuẩn khác biệt khi so sánh với những em bé cũng bú mẹ hoàn toàn nhưng đã được cho ăn dặm. Điều này chỉ ra rằng một số loại vi khuẩn mới đã xuất hiện để hỗ trợ tiêu hóa các loại thức ăn mới.

Đối với trẻ được nuôi bằng cả sữa công thức và sữa mẹ, sau đó cho ăn dặm, các mẫu nghiên cứu đã tìm ra khoảng 230 enzyme, cho thấy một sự thay đổi phức tạp hơn nhiều trong thành phần vi sinh.

Các microbiome của trẻ sơ sinh hoàn toàn bú sữa mẹ có xu hướng ít đa dạng và chịu chi phối bởi lợi khuẩn Bifidobacterium (BB12), một loại vi khuẩn có lợi cho tiêu hóa. Trẻ được nuôi bằng hỗn hợp sữa mẹ và sữa công thức có tỷ lệ lợi khuẩn BB12 thấp hơn.

Nghiên cứu này đã khẳng định rằng cấu tạo của các microbiome trước mắt có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn, nhưng về lâu dài có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Mặc dù nghiên cứu về microbiome vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, nhưng các vi khuẩn đường ruột được cho là có vai trò nhất định trong việc gây nên bệnh béo phì, dị ứng, và các vấn đề tiêu hóa chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích.

Bà Thompson nói “Nghiên cứu này là một bước tiến bộ trong nhận thức của chúng ta về phương thức phát triển của các microbiome đường ruột trong giai đoạn đầu đời, rõ ràng đó là một giai đoạn thực sự quan trọng đối với sức khỏe hiện tại và tương lai của một con người”.

Các nhà nghiên cứu cũng so sánh các microbiome của những em bé được gửi ở nhà trẻ với những em bé được chăm sóc tại nhà. Nhìn chung, việc chăm sóc ở nhà trẻ giúp bé có cơ hội tiếp xúc với các nhóm vi khuẩn đa dạng hơn, nhưng thói quen ăn uống vẫn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến cách phản ứng của microbiome đối với các loại đồ ăn dặm.

Nguồn từ Đại học North Carolina tại Chapel Hill qua Futurity.org

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN