Sự thật đằng sau Công nghệ Tế bào gốc

Sự thật đằng sau Công nghệ Tế bào gốc

Ngày nay, cụm từ “nghiên cứu và điều trị bằng tế bào gốc” đã không còn xa lạ với chúng ta, nó gợi lên cho mỗi người những liên tưởng và phản ứng rất khác nhau. Ở những bệnh nhân mắc bệnh nan y với tâm lý dễ bị tổn thương, là một cảm giác đầy hy vọng. Ở các nhà khoa học, là sự hào hứng về những triển vọng tương lai. Trong trường hợp của các chuyên gia pháp lý và các nhà đạo đức, là sự cần thiết để đảm bảo cho sự an toàn của bệnh nhân và sự cần thiết để duy trì tinh thần công lý phân phối. Còn đối với các doanh nhân, đây chính là một cơ hội làm ăn béo bở.

>> Tế bào gốc có thể điều trị những bệnh lý nào?

Tế bào gốc

Tế bào gốc từ phôi (iStock)

Tế bào gốc là các khối xây dựng của cơ thể người. Chúng có khả năng biệt hóa thành hơn 200 loại tế bào tạo nên cơ thể. Từ một noãn được thụ tinh trở thành một con người hoàn chỉnh với hàng tỷ tế bào, mục đích của các tế bào gốc trong quá trình phát triển bên trong tử cung là để đảm bảo cấu trúc và các chức năng bình thường của cơ thể.

Sau khi cơ thể người được sinh ra và rời khỏi thai mẹcác tế bào gốc có khả năng thay thế các tế bào đã bị hư hỏng do hao mòn hoặc bệnh tật.

Động lực thúc đẩy

Nghiên cứu tế bào gốc đã trở thành đề tài mũi nhọn của ngành khoa học hiện đại, với những đột phá thường xuyên được công bố trong lĩnh vực này. Đến năm 2012, người ta ước tính rằng đã có gần 100.000 nhà nghiên cứu tế bào gốc đang hoạt động trên toàn cầu. Tài trợ với quy mô lớn được đổ vào việc nghiên cứu, tiếp tục mang lại hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân.

Liệu pháp tế bào gốc đã biến các kết quả nghiên cứu thành các phương pháp chữa trị tiềm năng đối với nhiều loại bệnh. Thống kê cho thấy, trong hơn 50 năm quaphương pháp cấy tủy sống, hay còn gọi là ghép tế bào gốc tạo máu, đã được sử dụng để điều trị cho các bệnh ung thư máu chẳng hạn như bệnh bạch cầu, và các bệnh rối loạn máu như bệnh hồng cầu hình liềm và thiếu máu di truyền.

Khi một bệnh nhân ung thư trải qua các đợt hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể, thì quá trình điều trị này đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào gốc của chính bệnh nhân. Cấy ghép tủy xương được sử dụng để thay thế các tế bào gốc này. Hình thức điều trị này đã được áp dụng và đón nhận rộng rãi trên thế giới.

Gần đây, da được nuôi cấy từ tế bào gốc đã được sử dụng để điều trị bỏng sâu, và các tế bào gốc lấy từ chất béo (mô mỡ) đã được sử dụng làm chất độn mô.

Sự thật về tế bào gốc và những triển vọng tương lai

Không thể phủ nhận rằng điều trị tế bào gốc đã cứu được nhiều mạng sống. Tuy nhiên, một số yếu tố trong phương pháp này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.

Khi điều trị bằng tế bào gốc trở thành một từ khóa thông dụng, thì các trang web cung cấp các phương pháp điều trị thiếu minh bạch cũng theo đó tăng lên, thu hút những bệnh nhân mắc bệnh nan y với tâm lý dễ bị tổn thương. Hiếm khi thấy được phương thức kiểm soát, thông thường họ chỉ đưa ra các phương pháp điều trị mà thôi.

Ngoài việc cấy ghép tủy xương và sử dụng tế bào gốc để điều trị các vết bỏng, thì gần như tất cả các phác đồ điều trị khác của phương pháp này mặc dù đang được quảng cáo rất rầm rộ nhưng vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Trên thế giới, có hàng trăm các thử nghiệm lâm sàng hợp pháp được tiến hành để đánh giá hiệu quả của tế bào gốc trong nhiều trường hợp khác nhau, bao gồm cả bệnh tim, chấn thương tủy sống, mù lòa và bệnh Parkinson.

Tuy nhiên, trong những trường hợp nói trên, con đường để đi đến sự hợp nhất những đặc tính chữa bệnh của tế bào gốc và việc sử dụng chính thức phương pháp này dựa trên một lộ trình nhất định, thường rất lâu dài và nhiều trở ngại.

Các thử nghiệm lâm sàng cần phải được thực hiện trước khi việc điều trị được ứng dụng trong y khoa thực hành. Chúng phải được đăng ký với các cơ quan hữu quan tại nước sở tại nơi diễn ra các thử nghiệm này. Các thử nghiệm lâm sàng cần phải được thông qua sự kiểm duyệt của một ủy ban đạo đức có đăng ký hoặc một hội đồng xét duyệt nội bộ.

Và mặc dù hiếm khi được đề cập một cách rõ ràng trong luật pháp hay các hướng dẫn, nhưng những bệnh nhân được điều trị thử nghiệm không phải trả tiền cho các phương pháp điều trị này.

Phạm luật trên nhiều mặt

Đối với hầu hết các phương pháp điều trị tế bào gốc không qua thử nghiệm lâm sàng, bệnh nhân phải đối mặt với sự điều trị bất chấp đạo đức nghề nghiệp và các nguyên tắc pháp lý cơ bản của ngành y. Một số phương pháp có thể thấy ngay sự thiếu an toàn trong đó, chẳng hạn như phương pháp cấy tế bào gốc lấy từ động vật vào cơ thể người.

Thế nhưng, các bác sĩ cung cấp những phương pháp điều trị chưa qua thử nghiệm này lập luận rằng:

• Bệnh nhân đang tuyệt vọng, và đây là một phương sách cuối cùng sau khi đã thử tất cả mọi thứ.

• Nếu một bệnh nhân sử dụng chính tế bào của họ thì nguyên tắc này không được áp dụng.

• Bệnh nhân có quyền quyết định cách họ sử dụng các tế bào của họ.

Các quốc gia không có hệ thống pháp luật đầy đủ sẽ không thể hạn chế được việc thực hành phi đạo đức và khai thác tài chính của bệnh nhân thông qua phương pháp điều trị tế bào gốc chưa được chứng minh. Ở những nước này, các bác sĩ vô nguyên tắc cung cấp các liệu pháp này đã nhận ra những lỗ hổng trong pháp luật và sử dụng chúng cùng với các chiến thuật hợp pháp và giải thích quanh co để biện minh cho các hoạt động của mình.

Quy định về điều trị tế bào gốc

Để đảm bảo an toàn cho phương pháp điều trị tế bào gốc và hạn chế việc lợi dụng các bệnh nhân dễ bị tổn thương tâm lý, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp, bao gồm việc thiết lập một cơ chế pháp lý đầy đủ và tuyên truyền giáo dục cho công chúng.

Tiêu chuẩn đạo đức đối với quảng cáo cũng cần phải được ban hành để hạn chế việc gieo rắc các thông tin sai lệch. Và bệnh nhân sẽ cảm thấy mình có quyền tự do tiếp cận các bác sĩ y khoa để được tư vấn về cách thức tiến hành.

Nếu không có một môi trường pháp lý đầy đủ và sự bắt buộc thực thi pháp luật hiện hành, thì ngành công nghiệp y tế sẽ có nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề pháp lý từ các bệnh nhân không hài lòng hoặc bị tổn hại từ quá trình điều trị. Điều này có thể sẽ cản trở những tiến bộ trong lĩnh vực này, tuy nhiên nó cũng sẽ giúp bổ sung thêm những bộ luật cần thiết vẫn còn rất thiếu ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Song, việc này cũng có thể dẫn đến một phản xạ tự nhiên, từ đó sinh ra một cơ chế pháp lý quá cứng nhắc làm hạn chế việc nghiên cứu các dự án đã được công nhận về tính khoa học và đạo đức, cũng như việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu đó để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hữu ích.

Michael Sean Pepper là giám đốc của Viện Tế bào và y học phân tử thuộc Đại học Pretoria. Và Nicolas Novitzky là giáo sư của khoa huyết học thuộc Đại học Cape Town. Bài viết này đã được đăng trên The Conversation.com.

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN