Nhân quả báo ứng: Hãm hại người khác chính là tự hại bản thân mình

Nhân quả báo ứng: Hãm hại người khác chính là tự hại bản thân mình

Cổ nhân có câu “gieo nhân nào gặp quả đó”, kẻ nào hành ác, hãm hại người khác, thì cuối cùng cái ác đó chính là sẽ quay lại đối với mình. Câu chuyện dưới đây là lời cảnh tỉnh cho những ai luôn đố kỵ và tìm cách hãm hại người khác.

cổ nhân

Ảnh minh họa: CafeF.vn

Tại Trường Thủy Đường, phủ Gia Hưng, tỉnh Triết Giang, có một phú ông, họ Kim tên Chung, gia tài triệu nén, người đời đều gọi là viên ngoại. Tính tình bủn xỉn.

Bình thường Kim Chung luôn có năm điều hận. Đó là năm điều nào? Thứ nhất hận trời, thứ nhì hận đất, thứ ba hận gia đình, thứ tư hận cha mẹ, thứ năm hận hoàng đế. 

Ông hận trời, hận trời một năm không phải là 6 tháng, tại sao còn có thêm gió thu đông lạnh, khiến người ta sợ lạnh phải mua thêm quần áo để mặc. Ông hận đất, ghét đất khiến cây cối sinh trưởng không đúng ý ông, nếu đúng ý ông, thân thẳng tròn đều, được vậy thì cây có thể làm cột nhà luôn, nhánh cây làm khung nhà, dễ dàng làm kèo, không cần phải có thợ gia công nữa. Ông hận những người thân của mình, hận bản thân không biết viết văn, một ngày không ăn cơm thì bị đói. Ông hận cha mẹ, để lại nhiều bạn bè thân thích, khi họ đến nhiều làm tốn tiền trà nước. Ông hận hoàng đế đã phân chia cho tổ tiên ông đất đai lại còn thu thuế của ông.

Không chỉ có ngũ hận, mà Kim Chung còn có bốn điều oán. Oán bốn sự việc rất bình thường. Là bốn sự oán nào đây? Thứ nhất là oán núi đồng của Đặng gia, thứ hai là oán huyệt vàng của Quách Gia, ba là oán chậu châu báu của Thạch Sùng, bốn là oán ngón tay chỉ đá thành vàng của tổ sư Lã Thuần Dương. 

Bởi vì bốn điều oán và năm điều hận này mà tâm trạng luôn cảm thấy không đầy đủ. Luôn muốn tích tài vật, ngày đêm không yên. Đúng là “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Chính vì thế nên người dân vùng đó đã đặt cho ông ta một cái tên, gọi là Kim Lãnh Thủy, hay còn gọi là Kim Bác Bì. 

Những người ông ta đặc biệt không thích là các tăng nhân. Trên thế gian chỉ có tăng nhân là sướng, không có những thứ của tục gia, không phải đi bố thí. Cho nên Kim Lãnh Thủy vừa nhìn thấy tăng nhân là không thích, trong lời nói của ông ta đầy những ý tứ chỉ trích. Ở gần nơi ở của ông ta, có một Phúc Thiện Am. Kim viên ngoại lúc này đã 50 tuổi, trước giờ không bỏ một đồng tiền nào để thắp hương cho Am. Vợ của ông, có cùng ngày tháng năm sinh với viên ngoại, chỉ không cùng giờ, bà thường ăn chay và yêu những điều tốt đẹp. 

Kim viên ngoại thích vợ ăn chay, nhưng ghét vợ làm việc thiện. Vì đã bốn mươi tuổi mà chưa có con cái. Đơn thị đã giấu chồng, lấy chiếc kẹp tóc 20 lạng vàng, đem bố thí cho lão tăng nhân ở Phúc Thiện Am, xin ông ta tụng kinh cầu Phật giúp sinh hạ con trai. Phật môn hữu ứng, quả nhiên sinh được hai người con, hơn nữa còn rất khôi ngô tuấn tú. Bởi vì do cầu xin tại Phúc Thiện Am mà được, nên đặt tên đứa lớn là Phúc Nhi, đứa nhỏ là Thiện Nhi. Đơn thị sau khi có được hai người con, thường xuyên giấu chồng, đem củi đem cơm tới quyên góp cho Phúc Thiện Am, cúng dường cho vị tăng già. Kim viên ngoại tình cờ nghe được phong thanh, liền mắng trời chửi đất, phu thê không thèm nhìn mặt nhau, cãi nhau đến khi ông ta mệt mới thôi. Mà không chỉ có một lần. Chỉ vì Hồn gia (người vợ) cũng là một người rất ngang bướng, sau khi cãi nhau, vẫn theo ý mình mà làm.

Năm đó, phu thê họ tổ chức lễ mừng thọ 50, Phúc nhi năm đó 9 tuổi, Thiện Nhi được 8 tuổi, đều đã đi học, thập toàn thập mỹ. Vào sáng hôm sinh nhật của mình, Kim viên ngoại sợ người thân tới mừng thọ, ông dự tính sẽ đi trốn. Đơn thị góp chút bạc, tặng Am giúp làm một bàn thờ chay. Một là để mừng thọ cho cặp vợ chồng già, hai là để mừng con trai trưởng thành, hoàn thành tâm nguyện. Trước đây bà cũng đã nói qua việc này với chồng, nhưng ông chồng không chịu nên đành lấy của cải tư trang trong phòng riêng để làm. Đêm đó, bà cùng hòa thượng đặt các Phật Đèn, cầu hương hỏa đạo nhân đến Kim gia, hỏi Kim phu nhân cần mấy đấu gạo lức. Đơn thị mở cửa trộm lấy ba đấu gạo, đưa cho đạo nhân. Ngay sau đó Kim viên ngoại quay về, Đơn thị vẫn đang ở cửa kho để khóa cửa. Bị chồng bắt gặp, lại còn nhìn thấy vài hạt gạo rơi dưới đất, biết là vợ lấy đồ ở nhà đi làm việc tư. Ông tức quá định hét lên nhưng lại nghĩ: “Hôm nay là ngày vui, đồ của anh chị đều bị bà ta đem cho rồi, cũng không đòi lại được, đành nuốt nước bọt chịu đựng vậy”, ông bèn cố gắng nhẫn nhịn. Nhưng cả đêm không ngủ, Kim Chung nghĩ đi nghĩ lại: “Làm thế nào để tên hòa thượng kia không đến nhà ta gây loạn nữa. Lão đúng là một con ma phá hoại gia đình ta, chỉ trừ khi con lừa trọc đó chết, chứ ta quyết không tha”. Ông ta hận là chưa nghĩ ra kế sách nào cả. 

Đến giờ Thiên Minh, lão hòa thượng dẫn theo một đồ đệ tới trả lễ. Thực ra vị hòa thượng này cũng rất sợ Kim Lãnh Thủy, nên chỉ đứng ở ngoài cửa nhìn vào. Kim lão gia từ sáng sớm đã nhìn thấy, nhau mày khó chịu, bỗng chợt nghĩ ra một kế. Ông lấy mấy đồng xu, đi ra trung tâm thị trấn từ cửa bên, rồi tới hiệu thuốc mua một ít thạch tín. Sau đó đi qua cửa hàng của Vương Tam Lang mua ít điểm tâm, đến nơi thì thấy Vương Tam Lang đang chưng một khay bột mỳ, nhào một bát đường trắng để làm nhân bánh. Kim Lãnh Thủy lấy trong ống tay áo ra 8 xu đặt trước quầy và nói: “Tam Lang cầm tiền đi, làm cho ta bốn cái bánh to một chút, cho nhân ít thôi, nhớ để một chỗ trống, để ta tự tay cho thêm nhân vào”. Vương Tam Lang không nói gì, trong tâm thầm nghĩ: “Một người có tiếng như Kim Lãnh Thủy, Kim Bác Bì, từ khi mình mở cửa hàng điểm tâm, mấy năm nay chưa nhìn thấy người nhà ông bỏ một xu nào để ăn. Hôm nay ngày đẹp trời, lại đến cho mình đến 8 xu. Ông ta là khách sộp, mình cho ông ta thêm một chút nhân, để lần sau ông ta tới làm khách ruột ở quán của mình”. Vương Tam Lang lấy bột mỳ trắng như tuyết ở trong khay ra làm vỏ, rồi nói với Kim Lãnh Thủy “viên ngoại xin ngài đợi một lát”. 

Kim Lãnh Thủy rắc thạch tín vào trong bánh, sau đó cho thêm nhân vào, làm thành chiếc bánh hoàn chỉnh, cuối cùng đánh ký hiệu vào bánh. Ông làm liền bốn cái như thế, đợi chủ tiệm luộc chín sau đó cho vào ống tay áo, rời khỏi cửa tiệm của Vương Tam Lang, đi bộ tới cửa nhà mình. Lúc đó hai thầy trò hòa thượng đang ngồi trong sảnh uống trà, Kim lão gia nhìn thấy rất vừa ý, đi vào nhà trong nói với Hồn Gia: “Hai vị sư phụ từ sáng sớm đã đến, sợ rằng bụng đã đói rồi. Vừa có mấy người hàng xóm mời tôi ăn điểm tâm, tôi thấy bánh rất ngon bèn mua lấy 4 cái, sao không mang ra mời 2 vị sư phụ nhỉ?”. Đơn thị mừng thầm khi thấy chồng mình nhân tâm hướng thiện, lấy một cái đĩa hồng châu, bày 4 cái bánh ra đĩa, gọi nha đầu bê ra ngoài. Vị hòa thượng nhìn thấy viên ngoại đã về nhà, không dám ở lại lâu, không có tâm trạng nào ăn bánh. Thấy nha đầu mang ra rồi, hiểu được ý tốt của Kim phu nhân, cũng không đành từ chối bèn lấy 4 cái bánh cho vào ống tay áo, nói cảm ơn, rồi đi ra khỏi cửa quay trở về am. Kim lão gia mừng thầm trong bụng, lần này chắc lão hòa thượng không thể sống tiếp.

Lại nói về hai đứa trẻ nhà Kim gia, học ở trên xã, khi được tan học thường đến am để chơi đùa. Đêm hôm đó, chúng lại đến am. Lão hòa thượng nghĩ: “Hai đứa nhỏ nhà Kim gia thường đến đây mà chẳng có gì mời chúng. Hôm nay Kim phu nhân biếu tặng mình bốn cái bánh vẫn chưa động đến, vẫn còn để trong tủ, sao không mang ra cho chúng, mời chúng ăn bánh uống trà nhỉ?”. Ông bèn bảo đệ tử lấy bốn chiếc bánh trong tủ ra, đến nhà bếp nướng lên cho vàng, nóng lên rồi mang thêm hai cốc trà đặt ở trong phòng, sau đó mời hai vị tiểu quan nhân ăn bánh uống trà. Hai đứa trẻ đang chơi nghịch, đang lúc bung đói, nhìn thấy bánh nóng hôi hổi, mỗi đứa hai cái, ăn hết sạch. Khi chưa ăn thì vẫn bình thường, vừa mới ăn vào: cảm tưởng như thể có một ngọn lửa thiêu đốt trong tâm can, bụng đau như bị hàng vạn ngọn giáo đâm vào.

Hai đứa trẻ cùng kêu đau bụng một lúc. Người đầy tờ đi theo hai đứa trẻ hốt hoảng nói cần đưa chúng về nhà. Hai đứa trẻ đau đến mức không làm gì được nữa, chân cũng không đi nổi nữa. Lão hòa thượng cũng rất lo lắng, nhưng chẳng biết nguyên cớ do đâu, chỉ biết gọi hai đệ tử lại, mỗi người bế một đứa, nhờ người đầy tớ dẫn đường, đưa hai đứa trẻ về nhà Kim viên ngoại, sau đó hai vị tăng nhân tự quay trở về. 

Hai vợ chồng Kim gia ngạc nhiên, hoảng hốt gọi người đầy tớ ra hỏi rõ sự tình. Người đầy tớ nói: “Hai đứa trẻ đã đến Phúc Thiện Am, ăn bốn cái bánh, sau đó bụng bắt đầu đau. Lão sư phụ nói: Mấy chiếc bánh này là do gia đình nhà ta gửi tặng ông, ông không nỡ ăn. Cho nên lấy ra tặng lại cho hai vị tiểu quan nhân”.

Kim viên ngoại lúc này đã biết rõ sự việc, đành đem sự tình ông hạ độc thạch tín nói cho Hồn Gia Đơn thị biết. Đơn thị tâm tình càng hoảng loạn, bèn lấy nước lạnh cho hai đứa nhỏ uống. Làm thế nào để chúng tỉnh lại bây giờ? Ngay sau đó hai đứa trẻ thất khướu chảy máu, thật đau thương làm sao, chốc lát đã trở thành thây ma chết yểu.

Đơn thị muôn vàn khó khăn, cầu mong mãi mới được hai đứa con, giờ người chồng bất nhân lại tự đầu độc chết con mình. Giờ có đánh mắng cũng vô ích. Bà đau đớn không chịu nổi, cay đắng không nói hết, liền đi vào trong phòng, lấy dây thắt eo lưng treo cổ tự sát.

Kim viên ngoại khóc thương hai đứa con xong, đành nuốt lệ đi vào phòng định bàn bạc với vợ. Nhìn thấy cảnh tượng vợ treo cổ tự tử, sợ hãi gần chết, liền đổ bệnh nằm liệt giường, không tới 7 ngày sau cũng qua đời.

Những người trong dòng họ Kim thị, bình thường rất hận Kim Lãnh Thủy, ghét sự bủn xỉn của Kim Bác Bì, nhân dịp này, từ lớn đến nhỏ đều rủ nhau tới, lấy hết sạch đồ đạc trong nhà của ông ta. 

Gia tài triệu bạc nén của Kim Lãnh Thủy viên ngoại từ đó mà mất hết. Danh tiếng của Kim viên ngoại giờ trở thành ác danh “tự ăn quả đắng do mình trồng”. Đây chính là báo ứng của việc không hướng thiện mà hành ác vậy!

Theo  Dajiyuan Staff, Câu chuyện theo 《Cảnh Thế Thông Ngôn》

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN