Tiểu thuyết Thằng Hóm – Phần V

Tiểu thuyết Thằng Hóm – Phần V

Theo lệ thường do ông chủ đã thiết định, sau bữa cơm chiều, các thợ làm công và các cậu bé học việc trong thợ may Đông Xuyên được phép đi chơi tiêu khiến độ chừng nửa tiếng đồng hồ. Bà chủ, một tay nội chợ căn cư, đã khéo tùy thời tiết từng tháng mà thu xếp cách nào cho tất cả những bữa cơm chiều đều ăn vừa xong thì trời vừa bắt đầu tranh tối tranh sáng. Lúc này, thắp đèn cũng dở mà không thắp đèn thì lờ mờ quá không khâu vá được. Chính cái thời khắc lôi thôi ấy, ông bà Đông Xuyên đã rộng lượng bố thí cho thợ dùng vào sự đi chơi tiêu khiển, kẻo mang tiếng với phường bạn là nghiệt ngã với người làm công thái quá.

Ba người thợ và hai cậu học nghề đã lục tục rủ nhau đi chơi cả. Ở nhà trong, chỉ có một mình Hóm. Nó cứ loay hoay mãi dưới bếp, cất cái này, dọn cái nọ, thỉnh thoảng lại liếc trộm lên nhà trên xem ông chủ bà chủ có còn đấy hay đã đi chơi vắng. Nó biết, thường nhật cứ thợ đi được mấy phút là bà chủ sang bên cạnh trò truyện với mợ ký Lân còn ông chủ thì lăn kềnh ra phản chập chờn ngủ “cho đỡ mỏi”. Thấy bà chủ đã lê guốc ra khỏi cửa, nó vờ vờ lên nhà lau cái điếu và lấy thêm đó vào cái hộp dúi để đầu giường. Biết chắc chắn rằng ông chủ đã thiếp ngủ, nó vội vàng chạy xuống bếp, lấy ở gầm trạn ra một cái góc, bọc bằng khăn mặt đỏ, giấu giấu vào trong áo, len lén lên nhà, rồi rảo cẳng ra khỏi cửa. Nó cắm đầu cắm cổ chạy một mạch đến vườn hoa Hàng Đậu, mò lại một só tối ở cuối vườn, ráp con đường cửa Bắc, ngơ ngác nhìn quanh. Thấy một bóng người mảnh khảnh ở phố Quan Thánh vừa rẽ quặt về mé vườn. Hóm chạy phắt ngay tới, nắm lấy vai, hỏi rất nhanh, miệng còn thở hổn hển:

-Sao mày đến chậm thế, Tếu?

Tếu giật nảy mình suýt ngã. Nhưng khi nhìn rõ Hóm thì nó nhe răng cười khì:

-Gớm! Mày làm tao hết cả hồn vía. Tao lại tưởng nó đến chộp tao.

-Ai chộp?

-Đội xếp!

-Sao thế?

-Có khỉ gì đâu. Tao chơi ở cửa đền Yên Thành thấy hàng mận đi qua trông ngon quá, tao xin một quả nhưng con mẹ ấy nó không cho. Tức quá tao mới cướp phăng ngay mấy quả, chạy. Con mẹ bán hàng nó kêu ầm cả lên. Tao ngoảnh lại thì thấy ở đằng xa có đội xếp phóng xe đạp lại. Tao chạy tuốt ra đầu phố này rẽ luôn ra đây… Nên lúc mày nắm vai tao, tao sợ quá. Đây mận đây, mày có ăn không?

Hóm lắc đầu lia lịa, nó như trách mắng:

-Thôi để mày ăn. Tao đã bảo mày đừng có táy máy thế, nhỡ ra nó bắt được thì ốm đòn. No gì mấy quả mận cơ chứ!

-Nhưng tao trông thấy thèm ghê lắm.

-Thôi, bỏ chuyện ấy đi. Lại đằng ghế này.

Đến ghế ngồi, Hóm mới lôi trong áo ra cái gói khăn bọc đỏ, đưa cho Tếu:

-Đây mày ăn đi. Một bát cơm với lại nẻ cháy đấy. Từ rày cứ mỗi buổi tối chờ tao ở đây, tao đem ra cho mà ăn.

-Mày làm thế chủ nó không biết à?

-Biết thế nào được! Tao khôn lắm chứ. Lúc dọn mâm xuống bếp là tao khoắng luôn một bát với cơm cục, cơm cháy gói lại giấu đi. Đến giờ được đi chơi là tao giấy vào trong áo đem thẳng ra đây.

-Thế ở đấy thừa cơm nhiều lắm đấy nhỉ?

-Ừ, ăn đi, xem có đủ no không để mai tao liệu.

Hóm đã nói dối. Thực ra thì bà chủ thợ may lúc lấy gạo cho Hóm thổi cơm thì đã tính từng đầu một, thừa làm sao được. Nó thương Tếu quá nên đã sẵn lòng mỗi buổi chiều nhịn một bát cơm để đem giấu ra cho Tếu ăn. Nó đã làm ở hiệu Đông Xuyên được hơn một tháng. Mãi đến tối hôm qua, đi mua chỉ, nó mới gặp Tếu ở phố hàng Đậu. Thấy Tếu còm nhòm vì thiếu cơm ăn, nó thương xót và hẹn Tếu tối nay chờ nó ở đây. Nó không đành tâm ăn no một mình để Tếu phải đói meo nơi đầu cậu só chợ. Ngồi nhìn Tếu ăn, nó thấy lòng hể hả, sung sướng. Nó lại chợt nhớ đến những ngày lưu lạc còn sống chung với Tếu các cảnh đói rét lầm than trên hè phố bất trắc. Nghĩ mình bây giờ gặp được chốn yên thân mà Tếu còn đang kéo dài cuộc đời đầy đọa không biết đến ngày nào, nó lại rầu rầu trong dạ, chỉ muốn tìm cách giúp Tết cũng được như mình. Nó đang tư lự thì Tếu hỏi nó:

-À mày, hôm qua mày vội về tao chưa kịp hỏi. Mày làm ở đấy có sướng không?

-Kể thì cũng không khổ lắm. Chỉ khổ nhất là mấy ngày đầu mày ạ. Mày bảo cái thứ như tao đang chân nhảy thế mà phải làm bếp cả ngày rồi lại dọn dẹp quét tước, rồi lại rửa bát, rồi lại giặt quần áo, cứ vần vật từ mờ mờ sáng đến tối mới được nghỉ một tý xong rồi lại thùi khuy, thùa khó ghê lắm cơ – rồi lại lên cửa lùa rồi lại trăm thứ bà rần… thì mày có khổng không?

-Thế không ai làm đỡ mày à? Tao tưởng có đầy tớ chứ?

-Sùy ! Đầy tớ ! Học công là đầy tớ chứ người ta lại mượn đầy tớ để hầu ông nữa nhá? Lúc chưa có tao học công thì có thằng Minh nó học công trước phải làm tất cả. Lúc có tao đến là nó giao cả công việc cho tao, nó được ngồi học nghề, chỉ phải hầu lặt vặt ở trên nhà thôi. Còn một mình tao phải cáng hết…

-Thế mày cũng làm cơm được à?

Hóm phì cười, nước bọt bắn cả vào mặt Tếu:

-Làm cơm ! Lại nói đến làm cơn thì tao buồn cười chết đi được. Có, trước cơ, hồi tao còn ở với thầy tao…

-À, thế mày có thầy à?

-Có chứ. Nhưng thôi tao cấm mày hỏi về chuyện ấy. Hồi tao còn ở với thầy tao, tao cũng đã phải thổi cơm. Thế rồi đến hai ba năm nay thì có thổi nấu gì đâu ! Nên hôm đầu tao thổi cơn, suýt bữa thì khê hết, không có bà chủ thì vứa mẹ nó cả nồi cơm đi. Tao phải học mãi, hai ba hôm sau mới thổi được. Còn đồ ăn thì có chó gì! Bữa sáng rau muống ! Bữa chiều lại rau muống! Hôm nay rau muống ! mai lại rau muốn ! Kia lại rau muống ! Thì mày bảo làm gì mà chẳng làm được.

-Từ hôm đến mày đã bị đòn lần nào chưa?

-Rồi, con mẹ chủ nó ác lắm cơ. Đứng làm cơm với nó sợ ghê lắm. Hơi một tý là nó củng liền. Cứ đũa cả nó củng vào đầu thì mày bảo có khiếp không? Một lần tao ăn cơm, còn thừa tí nước mắm tao húp hết, nó mới trông thấy nó đánh tao mất ba bốn cái tát khá đau, Mẹ nó ra ! Mày bảo chỉ có nước mắm không, thì phải húp chứ. Ăn mằn mặn ngon lắm cơ!.

-Nghe mày nói cũng đủ thèm. À! Còn cái ông gì bảo là chú mày ấy cũng ở đấy chứ?

-Không, ông ấy ở chỗ khác. Cứ tối thứ bẩy là ông ấy lên cho tao đi ăn cao lâu.

-Úi giời ôi! Sướng quá nhỉ!

-Sướng thật, thế mà tao thấy đếch vui bằng hôm tao với mày bốc cơm nguội ăn ở đằng hàng Da.

Tếu trợn mắt nhìn Hóm, không hiểu Nó lấy làm ngạc nhiên sao Hóm lại nói thế.

Theo ý nó thì được đi ăn cao lâu là sướng đến cực điểm rồi không còn gì sướng hơn nữa.

– Thế ăn cao lâu lại không ngon à?

– Ngon chứ lỵ! Nhưng tao vẫn thấy thế nào ấy, không thấy thú.

– Lạ nhỉ.

Tếu đã ăn hết chỗ cơm cháy bọc trong khăn mặt đỏ. Hóm hỏi:

– No không?

– Đủ.

– Mai mày lại chờ tao ở đây nhé.

– Cũng bây giờ nhỉ?

– Ừ. Thôi tao phải về đây. Hình như quá giờ rồi…

Vừa nói. Hóm vừa nhanh chân, rẽ ra khỏi vườn hoa. Một tiếng gọi làm nó quay lại. Minh đã tiến đến nơi, nhìn nó hỏi:

– Mày vừa ở trong vườn hoa ra đấy à?

– Ừ. Mày ở đâu về thế?

– Mày nói chuyện với ai hay đứng chơi ở trong đấy?

– Đứng chơi.

– Sao tao vừa đi qua cái ghế ở trong vườn hoa tao thấy có một đứa nào nó nằm đấy hát nghêu ngao về mày.

– Láo! Hát thế nào?

– Thực mà lỵ! Nó hát Hóm, Hóm….

Hóm bật cười:

– Mày chỉ khéo bịa chuyện!

– Chửi cha đứa nào bịa.

– Thôi đi về đi. Quá giờ rồi đấy. Hai đứa về đến cửa đã thấy có tiếng chửi bới om sòm ở trong nhà. Thọ thuyền đã tề tựu ngồi may hoặc đan khăn ta. Minh len lén vào trước, bị ngay bà chủ đánh ngay cho một cái tát lên thân.

– Cha mẹ tiên nhân mày đi đâu bây giờ mới về? Có phải mày cất mấy thước lĩnh tía ở đầu giường kia không?

Minh ôm đầu lắp bắp:

– Thưa… thưa bà không ạ.

– Thế thì đi đằng nào? Còn thằng dời đánh kia chưa về à? Hở?

– Dạ, nó đứng ở cửa đấy ạ.

– Lôi cổ nó vào đay cho bà.

Hóm chạy ngay vào, mặt mày tái sanh tái tử.

– Hóm!

– Dạ.

– Mày cất mấy thước lĩnh ở kia phải không?

– Dạ …không ạ

– Không thế đi đằng nào?

Dạ…con không biết ạ.

– Thế đứa nào ban nãy đi chơi sau rốt? Hở?

– Dạ..dạ..thưa bà con ạ.

– À! Thế thì gớm thật!

Rồi bà ta hạ giọng hỏi:

– Hóm có phải mày lấy mấy thước lĩnh của tao không bảo thật tao tha cho.

– Thưa bà thật quả con không lấy ạ.

– Thế sao lúc tối chúng nó đi hết rồi mà mày còn luẩn quẩn ở nhà? Hả?

Hóm gãi đầu gãi tai chưa biết trả lời thế nào thì bà chủ đã lại hỏi:

– Thế mày đi đâu?

– Dạ con đi chơi ạ..

– Chơi ở đâu?

– Ở vườn hoa hàng Đậu ạ.

– Mày ra đấy làm gì?

– Thưa..thưa con ra chơi ạ.

– Hừ vô lý quá. Minh mày có thấy nó chơi với ai ở vườn hoa không?

– Dạ có ạ con có thấy gặp nó ở vườn hoa nói chuỵen với một đứa nào ấy ạ.

– Trông hình dáng đứa ấy thế nào?

– Dạ trông như một thằng ma cả bông ấy ạ.

– Thật thế không?

– Dạ thật ạ.

Bà chủ nhìn vào mắt Hóm chừng chừn. Hóm sám mặt đứng yên, nhìn xuống đất.

– Thế nào thằng Hóm kia cãi đi cãi nữa đi.

– Thưa bà thật quả con không ăn cắp. Con có đứng nói chuyện với một thằng bạn trong vườn hoa Hnàg Đậu một lúc rồi con về nagy đây.

Hóm vừa dứt lưòi thì bà chủ đã dáng thẳng xuống đầu nó  chiếc thước gỗ.

– Này cãi này! Hóm! Mày có lấy không thì phải nói thật không bà đem mày vào săng tan người ta đánh cho mày tan xương mày ra. Có lấy không?

Hóm bưng lấy đầu, khóc mếu: hóm hom hom hòm hóm hom hom

– Thưa bà thật quả con oan, con không lấy ạ.

Từ nãy ông chủ cứ điềm nhiên loay hoay trên phản cất nốt cái áo the vừa nhận được. Lúc thấy Hóm bị đòn đã can thiệp

– Thôi bà. Làm thế mang tiếng với bác cai. Nó đã gian thế thì để thứ bẩybác ấy đến, trả nó lại cho bác ấy, đánh nó làm gì.

– Nhưng nó lại cứ cãi là nó không lấy chứ .

Hóm lại giã đầu, gãi tai mếu máo

– Thưa ông bà thực quả con không lấy…

Bà chủ đã hét lên:

– Mày không ăn cắp mà lại chờ cho mọi người đi hết rồi mới đi, mà lại chơi với ma cả bông! Hử!Quản này xảo quyệt thật! Mồm cứ lem lém lem lém. Thôi mấy hôm nữa đuổi cổ mẹ mày ra. Chứ nuôi onh tay áo thế này thì hỏng.

Hóm đứng nghe chửi mà sựu uất ức đè lên tận cổ. Cái ý nghĩ thoạt tiên của nó lúc  bị nghi oan là đánh cho thằng Minh một trận rồi xin ra, không học nghề nữa, lại đi đôi với thằng Tếu sống lưng thang đầu dường só chợ. Nhưng nó còn giận một mỗi là phải mang tiếng ăn cắp chính cái lúc trong làng nó bắt đầu có một khuynh hướng tòng lương rất manh.

Bà chủ vẫn chửi:

–  Quân ăn cắp thì ra đứa nào cũng lem lém cái mồm. cha mẹ tiên nhân nhà mày, mày có biết năm thước lĩnh bao nhiêu tiền không? Mày mà lấy của bà đưa nhau đem bán thì phòng được là bao nhiêu?

Hóm vẫn cãi :

– Thưa bà oan con quá. Thật quả con không lấy.

Ông chủ quát mắng:

– Thôi vào nhà trong đi còn già mồm mãi.

Hóm lủi thủi vào bếp, ngồi một só, khóc thầm. Nếu nó biết trước cơ sự này thì chẳng thà nó đừng đến đay học may cho xong. Tại sao nó không cư sống với thằng Tếu có phải vui vẻ biết bao nhiêu không? Thế này cũng chỉ mấy hôm nữa nó cũng bị đuổi khỏi cửa mất thôi. Nó nghiến hai hàm răng kèn kẹt. Cuộc đời ma cả bông lại cám dỗ nó, kêu gọi nó. Nó lại thấy hiện ra hai conmắt cầu khẩn của Tếu nhìn nó hôm chú nó đem nó về cái đời lương thiện này.

Từ nhà trên bà chủ thợ may vẫn chua ngớt lời. Bà vẫn trì nghiến chồng xao lại nhận cái thằng bỏ mẹ ấy cho học việc để bây giờ nó làm dở dang người ta ra thế này! Rồi bà khách hàng bà ấy đến hỏi quần lĩnh được chưa thì có sượng mặt không? Bà nói lải nhải mãi, thỉnh thoảng lại chửi vọng xuống bếp, những là đồ ăn cắp, con nhà mất dạy, ngữ ấy rồi cũng đến chết rũ sương trong nhà pha chứ làm được nên cơm cháo gì…

Hóm ngồi nghe những câu chửi rủa nhiếc móc ấy, giận căm gan tím ruột, nó lẩm bẩm: Phải! dễ chúng mày thì không ăn cắp! Giữa luc nó lẩm bẩm như vậy thì ở trên nhà có tiếng kéo rơi soảng xuống sân gạch. Rồi có tiếng ông chủ mắng “ Cái thằng ranh con làm với ăn thế đấy! Mấy lần mày đánh rơi kéo xuống cái khe ấy rồi hử! không đứng lên kéo dịch cái phản ra mà lấy còn ngồi đấy ư?  Ông lại cho mấy cái quật bây giờ” rồi Hóm nghe thấy tiếng lục đục chừng thằng Vọm kéo dịch phản ra còn thằng Minh đang chui xuống gầm nhặt kéo. Hóm nghĩ rằng cho mày đáng kiếp con ạ. Mày còn khổ với ông! Bỗng một tiếng reo trên nàh vọng xuống làm Hóm nảy người lên nhưu một cái lò so “ Thưa ông lĩnh rơi xuống đây ạ.” Hóm đã chạy lên, đứng ở sân nhòm vào, thấy Minh kéo lên một tấm lĩnh mỏng đưa cho ông chủ. Mọi người đều nhìn bà chủ, bà này chữa thẹn:

– Ừ! Có thế chứ

Ông chủ bỏ nhỏ:

– Thế mà cứ nghi oan cho thằng Hóm. Một mất mười ngờ là thế.

Hóm sướng phổng cả mũi, bước ra một cách đường  hoàng:

– Thưa ông bà, đấy thật quả là oan con.

Ông chủ bả nó:

– Ừ! Tao có nghi cho mày đâu.

Bà chủ mắng vuốt đuôi.

– Cũng phải làm thế thì nó mới sợ không dám táy máy gì hàng nhận của người ta, mỗi chốc lại cứ đi mua đền thì bán cơ nghiệp đi! Thôi! thằng Hóm lên lơn khuyết đi.

Một người thợ đã dứng tuổi tính khí trung thực đang ngồi máy liền ngừng chân đạp, lườm thằng Minh mắng khẽ:

– Chỉ tại thằng ôn con này làm nó phải đánh oan. Mày cũng có bạn mày, nó cũng có bạn nó. Thế mà leo lẻo cái mồm bảo nó đứng nói chuyện với thằng ma cà bông làm bà chủ nghi ngay cho nó. Tù rầy biết điều thì chừa cái thói khoảng độc ấy đi, không lại có phen gẫy hết răng.

Hóm khoan khoái cả người. Nó Nó nhìn người thựo bênh nó bằng đôi mắt cảm tạ đầy quyến luyến. Còn Minh thì cúi gằm mặt xuống khâu chỉ chết cho đỡ xấu hổ. Hiệu may lại hồi phục được cái không khí lặng lẽ, êm đềm, cần mẫu của những buổi tối vô sự. Chốc chốc, chỉ nghe thấy tiếng ông chủ Đông xuyên rít một mồi thuốc lào lọc sọc.

***

Cũng như mọi tối, đúng mười giờ, Hóm lên cửa lúa, xếp dọn giường phản tươm tất xong xuống bếp ngủ. nó vẫn nằm một mình dưới này , không thích nằm chung với Minh và Vọm. đợi nhà trên cài then cửa rồi, nó mới lấy cây đèn hoa kỳ ra. Đánh diêm châm nằm khểnh đánh vần nhầm “ hè ..a…ba, bè.. á….ớ……..bớ. đọc thuộc được vần bê a ba, nó m, ới lôi ở dưới chiếu lên quyển A, B, C… bọc đến vần dưới mà nó vừa hỏi bác thợ Tân hồi trưa.

Nó học ba chữ một cho dễ nhớ. Theo lời bác cai Tương, nó đã mua bảng sén quyển A, B, C. mỗi tối học tập chăm chỉ. Nó như nhớ như in vào ruột căn dặn của bác cai “ Không biết quốc ngữ tức là mù cháu phải cố độ vài tháng là đọc được. Chỉ có vài tháng mà không cố được thì nên cắn lưỡi mà chết đi còn sống làm gì cho nhục. Ở đời này không gì nhục bằng không biết quốc ngữ”. Vì không muốn nhục, nó đã học cần cù nửa tháng nay và nhờ sự chỉ dẫn của bác thợ Tân nó đã bắt đầu đánh vần bằng. Thấy nó học, thằng Minh thường chế riễu nó. Đã hai ba lần suýt nữa nó ném cả cái bát đang rửa vào mặt Minh vì sự chế riễu ấy. Sau phải có lệnh ông chú cấm Minh không được nhạo bám nó nhà dưới, mứi yên ổn nếu không, ngày nào cũng có sự hục hặc giữa Minh và Hóm.

Nó học mãi “ Sê..a..ca, sê..á…cả….thuộc rồi nó lại ngồi xuống đất, lấy than viết những chữ ấy. Bác thợ Tân đã bảo nó thế, học xong lại phải viết ra thì mới nhớ mặt chữ. Nó vẽ ngoằn nghòe đầy cả đất, vẽ xóa, xóa lại vẽ lúc tô được ba chữ “ca, cá, cả” trong sách nó mới thôi. Nó gấp sách lại, cất đi, lên giường nằm bắt chân chữ ngũ, tự lấy làm đắc chí lắm. Rồi, mệt quá, noa ngủ thiếp lúc nào không biết. Gần nửa đêm, Minh xuống đằng sau đi tiểu, qua phản thằng Hóm nằm. Vốn tính hay thù và độc ác, Minh thừa thế len lén lại gần phản đặt cây đèn vào sát cánh tay Hóm. Nó nghĩ bụng rằng nếu Hóm cựa mình thì tất chạm phải đánh rơi vỡ sẽ bị bà chủ đánh. Xong, nó lên nhà trên, nằm chờ kết quả.

Kết quả đã xảy ra quá sức tưởng tượng của Minh. Cựa mình, Hóm đã chạm phải cây đèn; cổ đèn rời ra, bầu dầu tây lật xuống chiếu, lửa bắt ngay vào. Khuất gió, mồi lửa cháy lém sang đống củi nửa nổ tan chất liền giường. Hóm vẫn ngáy khò khò không biết, mãi đến lúc nó thấy bỏng cánh tay phải, mới hoảng hốt chồm dậy. Lửa đang cháy lem kém trong đống củi. Cuống quýt, nó giật tung cả đống củi ra. Lửa lại càng lan to. Sợ quá, nó vội vàng lên đập cửa nhà trên ầm ầm, gọi ông chủ thất thanh. Nhà trên lục đục mở cửa. Đồng thời một tiếng rú hét lên: “Chết rồi ! Cháy ! Cháy”. Cả nhà chồm dạy, chạy bổ xuống cấp cứu. Người lấy chiếu phủ lên đống củi, kẻ lấy nước ở chum rội, ồn ào, tấp nập. Hàng xóm nghe tiếng kêu cũng đã chạy sang cứu cháy. Giữa cái ồn ào ghê sợ ấy, vẳng lên tiếng chửi của bà chủ thợ may:

-À! Cha con đẻ ra mẹ nhà nó! Nó thù tôi nó đốt nhà tôi đây mà. Phải lôi nó lên bóp mới được… chết chửa kia! Lửa nó leo lên mái bếp kìa…

Ngọn lửa mới lém cũng chưa được đậm lắm, nên sau mươi lăm phút cứu chữa, cái hỏa hoạn tưởng như khó tránh ấy đã bị rập tắt. Bà chủ mới thu Hóm để trị tội, thì nó đã biến đi đâu mất. Nó đã trốn đi từ lúc hàng xóm ồ ạt chạy sang cứu cháy vì nó biết nếu ở lại thì sẽ bị hành phạt một cách xứng với cái tội tầy đình của nó.

Tiếng truyện trò huyên náo cả nhà ông Đông Xuyên. Kẻ cám ơn, người từ chối, ầm ĩ. Lúc mọi người đã đâu về đấy, ông chủ thợ may mới gầm gừ:

-Hừ! Thằng ranh con thế mà gớm thật ! Mặt sứa gan lim! Tôi mà tóm được thì nó bỏ mẹ nó hôm nay với tôi.

Vợ cũng tiếp lời chồng:

-Ai biết đâu nó lại gan cóc tía thế. Tiên nhân cha nhà nó!

Chính lúc ấy là lúc Hóm đang ôm cánh tay bị bỏng đi thất thểu ở hè phố vắng tanh, thẳng đường xuống nhà thương làm phúc. Người của hè phố, nó đã lại trở về hè phố.

Trương Tửu

Sources:

BÀI LIÊN QUAN