Đừng quên Sự tích bánh Chưng và bánh Giầy

Đừng quên Sự tích bánh Chưng và bánh Giầy

Bánh chưng là món ăn không thể vắng mặt trong ngày Tết của người Việt Nam. Đối với người Việt Nam hải ngoại, dù ở góc Trời nào trên thế giới, họ cũng cố gắng đón mừng Tết Nguyên Đán với hương vị của món bánh chưng thấm đầy lòng thương nhớ quê cha đất tổ.

bánh chưng, bánh giầy

Bánh chưng, bánh giầy – món ăn không thể vắng mặt trong ngày Tết của người Việt Nam. 

Những người Việt lớn tuổi, khoảng 50 trở lên, ít ai không biết đến sự tích của bánh chưng và bánh giầy, nhưng lớp trẻ lớn lên sau này và nhất là các trẻ em gốc Việt sinh trưởng ở ngoại quốc, phần lớn là không biết và cũng chẳng để ý đến sự tích cùng ý nghĩa của 2 món ăn đặc thù Việt Nam này. Nhân dịp Tết Canh Dần năm 2010 sắp đến, chúng tôi muốn kể lại sự tích bánh chưng và bánh giầy trích từ quyển “Phong tục Việt Nam” của nhà văn kiêm nhà giáo Toan Ánh, để chúng ta có dịp ôn lại chuyện xưa tích cũ, hầu có thể chỉ bảo con cháu biết được ý nghĩa thiêng liêng trong món ăn thuần tuý Việt Nam này. Chuyện kể như sau:

“Vua Hùng Vương thứ VIII đông con, muốn lập một người làm Thái-tử để sau truyền ngôi cho. Các con nhà Vua đều hoạt bát thông minh như nhau, nhà Vua không biết kén chọn ai.

Một hôm, cách Tết Nguyên Đán hơn một tháng, ngài hội các con lại và bảo rằng:

-Từ nay đến Tết Nguyên Đán, trong các con, ai tìm được món ăn nào ngon nhất dâng cho cha mẹ sẽ được lập làm Thái-tử.

Lệnh Vua cha ban ra, các vị Hoàng-tử chia nhau đi các nơi để tìm kiếm sơn-hào hải-vị về dâng. Trong số các Hoàng-tử, có Hoàng-tử thứ tư không đi đâu, ở nhà hầu Vua cha. Hoàng-tử thấy các anh em mình đều đã đi cả, nếu mình lại đi nốt, biết lấy ai hầu hạ cha mẹ già. Hoàng-tử nghĩ chẳng thà không được làm Thái-tử, chứ bỏ cha mẹ không người thần-hôn định-tỉnh, lòng Hoàng-tử không đành. Không rời cha mẹ, nhưng Hoàng-tử cũng không dám trái lời Vua cha, Hoàng-tử vẫn nghĩ tìm của ngon vật lạ để dâng hiến Vua cha và Hoàng Hậu khi kỳ hạn tới.

Lòng hiếu của Hoàng-tử đã động tới thần-linh.

Một hôm, lúc đó đã gần đến kỳ hạn của Vua cha, trong giấc mơ, Hoàng-tử thấy một thần-nhân tới mách:

-Của ngon vật lạ trong Trời Đất không gì bằng gạo của Trời Đất sinh ra. Con hãy lấy gạo nếp thổi xôi rồi đem giã cho mềm mà nặn thành một thứ bánh tròn gọi là bánh giầy, hình tròn tượng trưng cho Trời, và con cũng lấy gạo nếp gói thành một thứ bánh vuông, trong đó có nhân đậu và thịt, luộc chín thật kỹ, gọi là bánh chưng, hình vuông tượng trưng cho Đất. Hai thứ bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho Trời Đất, con dùng làm đồ lễ dâng Vua cha để nhân dịp Nguyên-Đán, Vua cha làm lễ dâng Trời Đất, chắc chắn Vua cha sẽ hài lòng.

Kỳ hạn tới, các Hoàng-tử khác thi nhau dâng lên Vua cha đủ thứ sơn-hào hải-vị, món nào cũng ngon và cũng quý, riêng có Hoàng-tử thứ tư dâng lên Vua cha hai thứ bánh chưng và bánh giầy.

Nhà Vua dùng thử, lạ miệng thấy ngon, bảo Hoàng Hậu ăn, Hoàng Hậu cũng lấy làm ngon. Hoàng-tử trình bày rõ cả tên hai thứ bánh tượng trưng cho Trời Đất, nói lên lòng thành kính của con người đối với Đất Trời.

Vua cha rất hài lòng bảo Hoàng Hậu:

-Các sơn-hào hải-vị của các Hoàng-tử khác, tuy ngon nhưng duy chỉ một mình ta được hưởng, còn hai thứ bánh chưng và bánh giầy, làm bằng gạo của Trời Đất sinh ra, ta chỉ việc phổ biến cách làm là toàn dân đều được thưởng thức cái ngon có ý nghĩa của bánh.

Hoàng Hậu cũng đồng ý với nhà Vua, công nhận bánh chưng bánh giầy ngon hơn các sơn-hào hải-vị khác.

Thế là Hoàng-tử thứ tư được lập làm Thái-tử.

Tết năm đó, nhà Vua dùng ngay bánh chưng bánh giầy làm đồ lễ cúng Trời Đất, và cũng truyền dạy cho nhân dân cách làm bánh để dùng trong việc cúng lễ.

Bánh chưng bánh giầy xuất hiện ở nước ta từ ngày đó, và Tết đến hàng năm trong dân gian đều gói bánh chưng, làm bánh giầy cúng tổ tiên, thần thánh và Trời, Phật. Khi cúng Phật người ta cúng bánh chay, nghĩa là bánh nhân đường, hoặc nhân chỉ có đậu mà không có thịt.

Bánh Giầy

Bánh giầy và bánh chưng cùng một sự tích, như đã nói tới bánh chưng thì không thể không nói tới bánh giầy.

Trong sự tích, bánh giầy làm bằng xôi. Xôi đồ cho khéo, dùng chày giã cho các hạt xôi nát ra thành một thứ bột quánh dính vào nhau rồi bắt ra thành từng chiếc bánh tròn và dẹt, đặt trên lá mít hoặc lá chuối. Người ta xén lá mít hoặc lá chuối sát với chiếc bánh.

Trong lúc giã xôi làm bánh người ta bọc đầu chày bằng một mảnh chiếu cói, thỉnh thoảng có phết mỡ hoặc dầu để xôi khỏi dính vào. Người ta không thể bỏ xôi vào cối mà giã như giã bột, giã cua. Xôi được rải trên một chiếc chiếu sạch, thường dùng riêng cho việc này. Những nhà làm bánh giầy, có chiếc chày cao, khi giã xôi, người ta đứng mà giã.

Bánh giầy làm bằng xôi không, gọi là bánh giầy chay. Người ta có thể đặt vào giữa bánh giày chay một ít nhân đường hoặc đậu.

Bánh giầy chay ăn với giò chả rất ngon. Bánh giầy nhân đường hoặc nhân đậu ăn lại có vị ngon khác.

Ngoài Bắc Việt có làng Quan-Gánh, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội 13 cây số về phía Nam làm bánh giầy ngon có tiếng, và người làng này thường mang bánh giầy lên bán cho dân Hà Nội, được dân Hà Nội rất ưa chuộng.

Ngày xưa Tết đến người ta nấu bánh chưng nhưng cũng có cả bánh giầy. Dần dần người ta bỏ bớt bánh giầy vì giã bánh giầy lịch-kịch, người ta chỉ giữ lại bánh chưng cho ngày Tết mà thôi. Trong những dịp cưới xin biếu xén, ma chay hoặc tế lễ, bánh chưng bánh giầy mới thường đi đôi thành cặp với nhau.

Người dân quê Việt Nam rất quý gạo, nhất là gạo nếp không dùng phí phạm. Họ thường bảo nhau gạo là hạt ngọc của Trời ban cho, ai phung phí sẽ phải tội.”

Quả thật vậy! Khi còn nhỏ tôi thường được bà ngoại nhắc nhở rằng gạo là hạt ngọc của Trời ban cho con người, không được phép phí phạm, nếu không sẽ phải tội, đầy xuống địa ngục, không được ăn cơm, như trường hợp của bà Thanh Đề, mẹ của ngài Mục Kiền Liên. Khi bà ta bị đọa địa ngục, cầm bát cơm con trai dâng lên cho ăn, nhưng bát cơm biến thành lửa cháy, bà không ăn được vì đã mang tội phí phạm cùng với các tội khác.

Câu chuyện ‘Sự tích bánh chưng và bánh giầy’ đã cho thấy lòng hiếu thảo, (một trong những đức tính thiện của con người) của Hoàng tử thứ tư, đã làm chư Thần cảm động mà chỉ dạy cho Hoàng tử cách sử dụng hạt gạo quý giá như ngọc này để làm thành món ăn dâng lên vua cha. Lòng thương yêu, chăm sóc dân chúng của Vua Hùng vương đã làm cho món ăn quý giá này được đời đời lưu truyền. Thế mới thấy, những gì làm thuận theo ý Trời, theo bản tánh thiện lương Trời ban cho con người, thì trường tồn mãi mãi dù hoàn cảnh có biến đổi thế nào. Chỉ có những gì tà ác, dựa trên phần ác độc, ích kỷ của con người, và không hoà hợp với ý Trời thì sẽ bị tiêu diệt sau một thời gian. Lịch sử đã chứng minh điều này. Mong rằng người Việt nam chúng ta, ở quốc nội hay hải ngoại, dù ở bất cứ phương trời nào, dẫu mang quốc tịch nào đi nữa, đều cố gắng dùng bản tánh Thiện để đối xử với nhau thì dân tộc Việt, đất Việt Nam sẽ bền vững lâu dài. Cộng sản chính là những yếu tố tà ác nằm ở trong lòng của mỗi người. Tà ác không bao giờ có thể xóa sạch bản tánh Thiện trong lòng của con người.

Chú thích:

‘Thần hôn định tỉnh’ hay ‘thần hôn’: do 4 chữ ‘Hôn định thần tĩnh’ (hôn: buổi tối; định: yên ổn; thần: buổi mai; tĩnh: thăm hỏi) Buổi tối hầu thăm cha mẹ cho tới lúc nghỉ yên, buổi sáng đến hỏi thăm cha mẹ xem giấc ngủ hồi hôm có thường không. Nghĩa thông thường là săn sóc cha mẹ. (Theo“Tự điển Hán Việt từ nguyên” của soạn giả Bửu Kế)

Trích “Phong Tục Việt Nam” trang 29, 30, 31 và 32 của Tác giả Toan Ánh, Nhà xuất bản Đại Nam, Tái bản: DAINAMCO, P.O. Box 4279, Glendale, CA 91202, USA

Sources:

BÀI LIÊN QUAN