Có một góc tâm hồn vẫn gửi lại trong lòng Hà Nội

Có một góc tâm hồn vẫn gửi lại trong lòng Hà Nội

Vậy là đã bốn năm kể từ ngày tôi chính thức rời xa Hà Nội, rời xa hẳn để về quê lập nghiệp. Cuộc sống bộn bề, công việc, gia đình, những lo toan mới… đã xóa dần những kí ức về Hà Nội trong tâm trí tôi. Có những tháng ngày ở Hà Nội, đôi khi, tôi phải lục lọi mãi trong trí nhớ mới tìm ra được. Nhưng có một hình ảnh lúc nào cũng hiện ra ngay từ những dòng suy nghĩ đầu tiên trong tôi, bất cứ khi nào tôi hướng về Hà Nội. Đó là những căn phòng trọ của tôi nơi xóm vắng.

“Xóm vắng” là cái tên các thành viên trong xóm trọ tôi đặt cho chính xóm trọ của mình. “Xóm vắng” vì xóm rất vắng vẻ. Mà cũng vắng thật. Xóm có bốn phòng, phòng ít nhất chỉ có một người trọ, phòng nhiều cũng không quá ba người. Đôi lúc có người chuyển đi, chuyển đến. Thường thì xóm có tám, chín thành viên. Chủ yếu là sinh viên, vẫn đang học, mới ra trường hoặc vừa học vừa làm. Chỉ những lúc tối muộn, các thành viên mới có mặt đông đủ trong xóm. Nhưng lúc ấy các phòng cũng không quá ồn ào vì mọi người còn tập trung ôn bài. Những tiếng cười, tiếng rủ rỉ chỉ nho nhỏ, đủ để người trong phòng nghe. Còn ban ngày, mỗi người một trường, một việc, đi học, rồi đi làm thêm, xóm vắng tanh vắng ngắt.

Dãy phòng trọ của chúng tôi nằm đối diện với nhà cô chủ, cách một khoảng sân hẹp. Cả ngày, cô chủ đi làm, hai con cô đi học. Cũng có lúc con cô chủ ở nhà nhưng hai đứa đều trầm tính, chẳng mấy khi giao lưu với tụi tôi, cửa thường đóng im ỉm. Xóm đã vắng càng thêm vắng.

Tôi đã từng ở qua cả bốn gian phòng trong xóm vắng. Chẳng có phòng nào đẹp đẽ, ấm áp, đáng mơ ước để ở. Tất cả đều tạm bợ, cũ kĩ, ọp ẹp, chắp vá. Phòng cuối cùng giáp với sân giếng và nhà vệ sinh, khoảng sân trước cũng hẹp nhất, rất ẩm ướt. Phòng lại có lỗ ánh sáng thông sang nhà vệ sinh, dù đã được bịt kín bằng xốp, bọn chuột vẫn có thể chui qua chui lại rinh rích. Về sau, tôi phải nhờ em nam duy nhất trong xóm đi xin vữa một nhà đang xây gần xóm tôi về vít chặt lỗ ánh sáng đó vào, nạn chuột bọ mới yên ổn hơn chút.

Phòng đầu tiên ngay lối cổng vào xóm trọ, tuy có cao ráo, thoáng đãng hơn cả thì lại không được vuông vức. Phòng cũng hẹp hơn nhiều so với các phòng khác. Cô chủ tôi đã cố xây thêm phòng này cho thuê trọ để đỡ phí đất trống. Hai phòng giữa cũng chỉ khá hơn phòng cuối ở chỗ thoáng và khô ráo hơn.

Các phòng đều dán giấy, cố che đậy đi những bức tường đã cũ, đầy vết đinh lở, những vệt mốc, lem nhem những vết giấy dán tường cũ. Lớp giấy mới cũng chẳng làm cho những căn phòng tinh tươm được bao lâu. Những đợt mưa to kéo dài, những tháng trời nồm, giấy dán tường bị thấm nước, bong ra, hoặc trở nên nhăn nhúm, nhòe nhoẹt khi khô lại.

Nền nhà thì bằng xi măng đã cũ, lõm, vỡ lỗ chỗ. Những chiếc giường chỉ là những tấm lạch đặt trên mấy hàng chân gỗ dài. Các cánh cửa cũng đều đã cũ, mối mọt.

Dù vậy, bọn sinh viên chúng tôi vẫn thuê phòng trong xóm vắng vì tiền trọ ở đây rẻ hơn những nơi khác. Thêm nữa, xóm vắng gần trường chúng tôi và an ninh lại khá đảm bảo.

Cũng vì xóm vắng gần trường chúng tôi nên mấy người bạn thân của chúng tôi hay ghé vào chơi, cùng nấu nướng, ăn uống, trò chuyện. Nhóm bạn hay tụ hội nhất có tôi, Diễm, Tuyết, Bích, Hà, Hải, Nhung.

Tôi, Diễm, Bích, Hà chơi chung với nhau ngay từ hồi bắt đầu học đại học vì cùng lớp. Hà nhà ở Hà Đông không phải thuê trọ, đi về trong ngày. Còn tôi, Bích, Diễm đều từ quê lên, mỗi đứa ở một xóm trọ khác nhau. Bốn đứa tôi rất thân thiết, ngồi cùng bàn trên giảng đường, cùng đi thư viện, cùng tập cầu lông, bóng chuyền khi học thể dục, cùng đạp xe đi chơi ở Thủ Lệ,…

Diễm là người đầu tiên chuyển đến trọ ở xóm vắng. Thỉnh thoảng, tôi, Hà, Bích lại vào chỗ Diễm ăn, nghỉ trưa để chiều lên lớp.

Rồi tôi về ở cùng Diễm. Cứ hôm nào học cả ngày, Hà đều về phòng chúng tôi ăn cơm. Đôi khi chúng tôi rủ thêm Bích.

Tuyết là cháu họ tôi, chuyển về ở cùng tôi và Diễm khi tôi đã học năm cuối đại học. Nhung là bạn thân của Tuyết.

Còn Hải học cùng tôi bốn năm đại học, rồi hai năm cao học, cùng trải qua những ngày tháng khó khăn sau khi ra trường với tôi.

Không phải lúc nào cũng đủ ngần ấy thành viên nhưng lúc này lúc kia, chúng tôi đã tụ họp lại với nhau trong những căn phòng trọ của tôi nơi xóm vắng. Để sẻ chia vui buồn, giúp nhau trong học tập, giải tỏa stress, than thở chuyện yêu đương, chuyện gia sư, chuyện công việc… Những buổi tụ họp đó đã khiến tôi quên đi sự tạm bợ, cũ kĩ, ọp ẹp, chắp vá, ẩm ướt, lạnh lẽo của những căn phòng trọ tôi từng ở. Những buổi tụ họp đó cũng làm cho xóm vắng bớt vắng đi, trở nên ấm áp, vui tươi hơn với những tiếng nói, tiếng cười rộn rã.

Với sinh viên, đi uống trà đá, ăn những món ăn vặt ở quán cóc bên vỉa hè, lề đường, hay những ngõ ngách nhỏ là chuyện hết sức bình thường. Nhưng chúng tôi lại hầu như chưa bao giờ làm vậy mà thường quây quần bên nhau trong xóm vắng. Sinh nhật ai đó, thi xong, tết hàn thực, tết trung thu… hoặc nhân một ngày đẹp trời, rảnh rỗi nào đó, chúng tôi lại hẹn nhau về phòng trọ của tôi nấu nướng, ăn uống.

Món chúng tôi thường làm nhất là bún nem. Bún ăn với nem rán, một chút rau xà lách, thịt băm nhỏ nấu cà chua, có thể thêm vài quả sấu. Diễm và Hà biết nấu nướng hơn cả đã hướng dẫn bọn tôi cùng làm. Nhưng rồi chúng tôi cũng thiên biến vạn hóa khiến món bún nem không còn theo kiểu của người Hà Nội mà đậm chất sinh viên của bọn tôi. Chẳng hạn bún thì đôi lúc là bún tươi, còn chủ yếu là bún khô của quê tôi đem luộc lên. Rau sống lẽ ra chỉ loáng thoáng, chúng tôi có thể làm cả rổ vì có mấy đứa rất thích ăn rau. Nem thì chúng tôi cho nhiều cà rốt, su hào, giá đỗ hơn cho đỡ ngán, dù như thế, nem sẽ không được giòn. Nhiều khi nhân nem thừa, không cuộn hết, chúng tôi đem xào chín rồi xúc ăn kèm rau sống.

Dù món bún nem không chuẩn với hương vị của người Hà Nội, chúng tôi vẫn cùng nhau ăn rất ngon lành. Thỉnh thoảng, bữa bún nem của chúng tôi sang hơn với đĩa cá chỉ vàng hoặc đĩa mực nướng, quà đi du lịch về của bố mẹ Hà gửi cho chúng tôi. Những lần như vậy, chúng tôi mua thêm bia về cùng cụng li uống. Mấy đứa chơi với nhau đều hiền lành, khá trầm tính. Bình thường không ai nghĩ chúng tôi cũng bia bọt như thế. Nhưng quả thực với chúng tôi, đó là những bữa ăn vui vẻ, thú vị, đáng nhớ.

Bún nem rồi bún đậu mắm tôm, rồi lẩu. Nơi tôi trọ gần chợ đầu mối nên thực phẩm khá rẻ, một bữa ăn tụ họp như vậy cũng không quá tốn kém. Tết Hàn thực, chúng tôi làm bánh trôi, nấu chè đậu xanh cùng dừa tươi nạo nhỏ… Những món ăn rất đơn giản nhưng chúng tôi đều thấy rất ngon và nghĩ không có quán nào nấu được hương vị tương tự.

Mọi người vẫn thường bảo: trên đại học rất khó tìm được những người bạn thân. Vì sinh viên có vẻ như đã sống thực tế hơn, bớt vô tư, hồn nhiên so với thời phổ thông. Nếu điều đó là đúng thì tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có được những người bạn thân thiết ở trên đại học. Những người bạn với những bữa ăn giản dị mà vui vẻ nơi xóm vắng đã khiến những tháng ngày trọ học xa nhà của tôi trở nên ý nghĩa hơn.

Những căn phòng trọ của tôi nơi xóm vắng còn chứng kiến bao câu chuyện đáng nhớ khác của bọn sinh viên chúng tôi.

Một buổi tối muộn, tôi, Diễm, Tuyết đang vui chuyện trong phòng trọ mà không để ý cách chúng tôi một bức tường, ở ngoài đường tối, lạnh, Bích với cái xe đạp gọi chúng tôi một cách yếu ớt: “Băng ơi, Tuyết ơi, Diễm ơi”. Hôm đó, Bích đi làm thêm về muộn, xóm trọ của Bích đã khóa cổng, chủ nhà nhất quyết không ra mở cửa, Bích đành phải đạp xe sang ngủ nhờ chỗ chúng tôi một đêm.  Bích là đứa khá lận đận. Ra trường, không tìm được việc để trụ lại Hà Nội, Bích phải về quê đi làm bảo vệ ở một công ty. Sau hai năm, tích góp được một số tiền, Bích lại lên Hà Nội học tiếp Cao học. Khi đó, Bích đã trọ cùng tôi và Tuyết.

Cũng có những buổi chiều ảm đạm, tôi, Hải, Bích, Hà, mấy “bà già ế” ngồi trong phòng tôi tán chuyện. Tán đủ điều mà “ế vẫn hoàn ế”. Lại nhớ câu đùa của đứa em tôi: “Mấy bà ế lại cứ ngồi nói chuyện với nhau thì giải quyết được vấn đề gì?”

Lại có những đêm, trước khi đi ngủ, dù đã tắt điện, tôi, Bích, Tuyết vẫn còn nghêu ngao hát karaôkê theo nhạc từ chiếc điện thoại của Tuyết những bài hát chúng tôi yêu thích: “Mãi mãi một tình yêu”, “Take me to your heart”, “Cry on my shoulder”… (dù cả ba đứa chưa hề có mảnh tình vắt vai nào).

Hay có những đêm, tôi và Tuyết sợ Bích lạnh, đều kéo chăn của mình đắp cho Bích. Trong khi Bích đang thấy nóng bức vì phải nằm giữa hai đứa tên là Băng và Tuyết…

Căn phòng trọ ở xóm vắng của chúng tôi cũng là nơi gặp gỡ, ra mắt người yêu, và sau này là chồng của Diễm, Hà, Bích.…

Bây giờ xóm vắng không còn nữa, những phòng trọ cũ của tôi đã bị phá đi. Nhưng mỗi lần nhớ về Hà Nội, khung cảnh xóm vắng và những căn phòng trọ của tôi ngày nào vẫn hiện ra rất rõ nét trong tâm trí tôi. Nơi ấy đã gắn với bao tháng ngày tuổi trẻ còn bồng bột, bao tháng ngày khó khăn, thiếu thốn, bao tháng ngày chênh vênh xen lẫn những giờ phút bình yên, những niềm vui, hạnh phúc bình dị của tôi, của những người bạn trong nhóm tôi. Nơi ấy là một góc tâm hồn của chúng tôi đã mãi mãi gửi lại trong lòng Hà Nội, là điểm trở về, điểm dừng chân thân thương, ấm áp, gần gũi, giống như một mái nhà cho những dòng suy nghĩ miên man bất cứ khi nào chúng tôi hướng về Hà Nội.

Sao Băng

Tháng 9/2018

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN