Phong thủy ứng dụng: Hình thế nhà ở và thịnh suy của gia chủ

Phong thủy ứng dụng: Hình thế nhà ở và thịnh suy của gia chủ

Phong thủy ứng dụng coi trọng hình và thế trong một quần cư và nhà ở, bởi nó liên quan đến thịnh suy của người cư trú nơi đó.

Theo phong thủy ứng dụng, việc chọn vùng đất cho một quần cư và xây dựng nhà ở, người Trung Hoa, Việt Nam xưa rất quan tâm đến hai vấn đề cơ bản là Hình và Thế. Phong thuỷ học cho rằng, về bản chất, Hình và Thế là tìm ra sự tương dung giữa những khối kiến trúc nhà ở với cảnh quan xung quanh, giữa người người sinh sống với môi trường tự nhiên. Hình và Thế có thể tạo ra sự phát triển lâu dài hay làm “mờ” đi một vương triều, một dòng họ, một gia tộc, một gia đình…

Phong cảnh trung hoa

Hình thế nhà ở có liên quan đến thịnh suy của gia chủ… Ảnh: Tầm nhìn rộng

Về khái niệm Hình và Thế được phản ánh trong các sách cổ thời Tiên Tần và được ứng dụng rộng rãi ở Trung Hoa cổ đại…Trong sách cổ Quản Tử, có giải thích các loại Hình như hình thức, hình trạng, hình tượng của khối kiến trúc, của miền đất. Thế thì có tư thế, trạng thái, xu thế, uy lực của thế của khối kiến trúc, của miền đất.., sau đó đem so sánh tìm sự dung hợp giữa Hình và Thế. Hình ở đây còn có hàm nghĩa là thể cá biệt, cục bộ, chi tiết..của một hay quần thể kiến trúc, một vùng đất. Thế còn có hàm nghĩa quần thể, tổng thể, sự hùng vĩ, cao to, rộng lớn…của nơi quần cư, của một khối kiến trúc. Từ lý luận trên mà người xưa đã đưa ra phép tắc trong quy hoạch kiến trúc xây dựng nhà ở, khu vực dân cư như làng xóm, thành phố…, các bậc đế vương thì chọn đế đô, cung điện…

Sách Trũng Phú của Trương Hành thời Đông Hán (năm 0025-0220) đã viết: “Hình dáng của nhà theo quy chế định ra nhìn mà vuông vức thì đẹp (có cả nghĩa cái cát lành cho người ở), đi lại rộng rãi thì dễ thể hiện rõ ràng thiết kế không gian. Bên ngoài khối kiến trúc phải chú trọng đến xa gần, đi đứng để đạt hiệu quả cảm thụ về thị giác”

Thời Tam Quốc (0220-0281), nhà Phong thuỷ nổi tiếng đương thời Hà Yên nói: “Đứng xa (căn nhà, khối kiến trúc) nhìn như thấy sáng đỏ lên trời, lại gần quan sát như thấy ngửa lên núi  Sùng kéo mây xuống”. Theo quan điểm này, một ngôi nhà hay một khối kiến trúc, dáng vẻ bên ngoài phải tạo ra màu sắc sao gợi cảm và phản chiếu ánh sáng tự nhiên, nóc nhà như hoà với mây trôi và bầu trời xanh.

Hình thế nhà ở Tử Cấm thành, văn hóa trung hoa

Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh là nơi có phong thủy vô cùng tốt

Thuyết Hình và Thế của phong thuỷ làm căn cứ cho các nhà xây dựng suy ngẫm sâu xa và tinh tế khi thiết kế không gian bên ngoài căn nhà hoặc khối kiến trúc, sao cho nhìn xa hoặc nhìn gần tương dung với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Người xưa cũng đem ý tưởng Hình Thế vào thiết kế xây dựng theo nguyên lý “tụ Hình đẹp mà triển Thế” hoặc “tích Hình mà triển Thế”, để tạo ra các ngôi nhà, khối kiến trúc đầy quyền uy, tráng lệ. Đương nhiên, một khối kiến trúc, ngôi nhà không thể hiện được cái quyền uy, cái “bắt mắt” hay tráng lệ và sự hài hoà với thiên nhiên thì không báo hiệu sự phồn vinh, sự phát triển và sự bình yên. Thuyết Hình và Thế được người Trung Hoa cổ xưa vận dụng khi chọn nơi quần cư, lập đô thị hay quy hoạch và kiến trúc một thành phố, như thành phố Bắc Kinh chẳng hạn.

Bắc Kinh xưa thời Tây Chu có tên Kế Châu, thời Đường (0618 – 0907) là U Châu, thời nhà Liêu là Nam Kinh, thời Kim (1115 – 1237) là Trung Đô, thời Nguyên (1279 – 1368) là Yên Kinh mà cũng là nơi định đô của nhà Nguyên, nên nơi đây đường phố quy hoạch rất nghiêm chỉnh, những cung khuyết tráng lệ, huy hoàng và đầy quyền uy. Ngày nay, nơi đây chỗ nào cũng mang dấu ấn phong thuỷ rất sâu sắc.

Sách sử thời nhà Kim đã phân tích Hình và Thế Bắc Kinh là: “…ở vào thế đất oai hùng mà quan trọng. Phía Bắc dựa vào núi hiểm, Nam giáp khu hạ, nếu ngồi thì đàng hoàng, cúi xuống nhìn thấy rộng…”. Quý tộc Mông Cổ Cổ Ba Đồ Lỗ từng khuyên Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (?-1294) nên định đô ở Bắc Kinh: “ Đất U Yên ( Bắc Kinh ngày nay) long bàn hổ cứ, hình thế hùng vĩ, Nam khống chế (vùng) Giang Hoài, Bắc nối liền Sóc Mạc, thiên tử phải ở chính trung đô để bốn phương triều cống. Đại vương muốn quán cả thiên hạ, không định đô ở U Yên không được”. Cuối cùng năm 1264, Hốt Tất Liệt dời đô về Yên  Kinh.

Thời Minh Thành Tổ Chu Đệ (1360-1424) lúc ban đầu định đô ở Nam Kinh, quần thần khi bàn về hình thế Bắc Kinh nói: “Khai Phong (Bắc Kinh) sơn hà vững chắc, nước ngọt đất đầy, dân tụ thuần phác, sản vật phong phú, là nước của thiên phủ, là đô của đế vương…Là kinh đô muôn đời của các bậc đế vương”.

Như vậy, quốc đô Bắc Kinh là nơi phong thuỷ có Hình và Thế tốt nhất trong việc trị vì cho các triều đại phong kiến Trung Hoa. Điện chính của cung khuyết lại được xây dựng trên các huyệt phong thuỷ của thành, nơi tụ hội của sinh khí và triển khai theo nguyên lý tụ Hình đẹp mà triển Thế và tích Hình triển Thế. Như Tử Cấm Thành được chọn và xây dựng theo hình thế tượng trưng cho trung tâm của vũ trụ, là điểm giao giữa Đông Tây-Nam Bắc của thành Bắc Kinh. Các cung thành được trang trí bằng màu sắc “tử vi”(tím), tượng trưng cho trung tâm của thế giới, là mằu ánh sáng sao Bắc Cực, một ngôi sao tượng trưng cho tâm điểm của vũ trụ. Các triều đại Nguyên, Minh, Thanh đóng đô ở đây tồn tại hàng trăm năm bền vững.

Thời Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch lại chọn thủ đô là Nam Kinh, thể chế này tồn tại quá ngắn (1912-1949). Đến thời CHND Trung Hoa, lại chọn Bắc Kinh làm thủ đô (từ 1949 – đến nay), chế độ vững vàng, đất nước phát triển, dù CHND Trung Hoa là chính quyền CS đầy bạo lực, thường đàn áp đẫm máu dân lành.

Hà Nội ngay từ thời Hậu Lý (1009 – 1226) đã được chọn làm quốc đô, các triều đại Trần (1226 – 1400), Hậu Lê (gồm nhà Lê Sơ (1428 – 1527) tồn tại 100 năm; nhà Lê Trung Hưng (1533 – 1599) tồn tại 37 năm và Lê Mạt (1593 – 1788) tồn tại 196 năm) cũng đóng đô ở đây, các triều đại này trị vì đất nước bền lâu, hàng trăm năm. Ngay lúc ban đầu, Lý Thái Tổ đã thấy được cái Hình và Thế tuyệt vời ở miền đất này, trong Chiếu dời đô ngài viết năm 1010 đã toát lên ý tưởng này: “Thành Đại La (Hà Nội)…ở vào cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Tây Đông, lại hiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng phẳng, đất cao mà thoáng…Thật là chốn tụ hội của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời…”

Đoạn Môn, Hoàng Thành THăng Long

Thăng Long – Hà Nội là nơi có hình thế phong thủy tốt nhất Việt Nam. Ảnh: Wikimedia Commons.

Hà nội phía trước có hệ thống sông Hồng, phía sau là núi Tản và vùng núi Bắc Bộ, hệ thống sông ngòi chằng chịt bao quanh…, nên nơi đây cũng là nơi có Thế tàng Phong tụ Khí. Thế này tạo ra vạn vật sinh sôi phát triển, cư dân sinh sống an bình, đúng như người xưa nói “Thăng Long phi chiến địa”. Qua chiêm nghiệm nhiều đời, quả nơi đây giặc đến thì lui, bão đến thì dừng và tan.

Trung tâm của Hà Nội xưa là “cái rốn”của kinh thành Thăng Long, chính là vùng đất Long Đỗ, tên hiệu của núi Nùng. Đây là nơi đắc địa về Hình Thế, các vị vua đời Lý, đời Trần, đời Hậu Lê đã xây dựng cung điện trên chính vùng đất Long Đỗ, như điện Càn Nguyên, Thiên An, Kính An (di chỉ khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long nay). Với việc xây dựng cung điện ở đây, đã phản ánh cái hùng khí thiêng từng có ở các triều đại Lý, Trần, Lê trong sự nghiệp giữ nước và phát triển đất nước Việt Nam xưa trên cái Hình Thế miền đất Thăng Long. Các triều đại này đã trị vì đất nước dài lâu, bền vững.

Hồ Quý Ly sau khi đoạt ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ (1400-1407), dời đô từ Thăng Long về định đô tại Tây Đô-Đông An Tôn ( nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Triều đại này trị vì quá ngắn, chỉ có 7 năm, kết cục cha con vua nhà Hồ bị nhà Minh bắt (1407), nước bị đô hộ.

Số phận các triều đại sau không định đô ở Thăng Long cũng tương tự. Nhà Nguyễn Tây Sơn (1788 – 1802), Nguyễn Huệ sau khi diệt Trịnh, đánh tan quân Thanh, năm 1788 lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Phú Xuân. Thời gian trị vì của nhà Tây Sơn cũng quá ngắn chỉ có 15 năm. Năm 1802, vua cuối triều này Nguyễn Quang Toản bị Nguyễn Gia Long bắt giết, nhà Tây Sơn bị diệt.

Sau khi lên ngôi, vua Nguyễn Gia Long định đô ở Phú Xuân tức kinh thành Huế bây giờ. Đây là triều đại có thời độc lập ngắn là 83 năm (1802 – 1884), sau đó là thời thuộc địa của Pháp (từ 1884 – 1945). Đây cũng là triều đại có nhiều vị đương kim Hoàng đế bị người nước ngoài bắt đưa đi đày nhất trong lịch sử Việt Nam. Có tới 3 vị vua bị Pháp bắt đưa đi đày, như vua Hàm Nghi (1871-1943), bị bắt và đưa đi đày năm 1888; vua Thành Thái (1789-1954), bị bắt và đưa đi đày năm 1907; vua Duy Tân (1900-1945), bị bắt đưa đi đày năm 1916.

trăng đẹp ở kinh thành Huế

Theo phong thủy hình thế nhà ở, Kinh Thành Huế không phải đất đế đô tốt. Ảnh: thantrinhomhue.com

Phải chăng thuyết Hình Thế của Phong thuỷ học có những điều cần để bàn về tính thực tiễn của nó về mặt nhân sinh, về mặt quản lý đất nước khi chọn một nơi quần cư, một trung tâm đất nước sao cho bình an và phát triển lâu dài.

Công Phương

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN