Xuất hiện tầng lớp nhà giàu mới nổi ở Bắc Triều Tiên

Xuất hiện tầng lớp nhà giàu mới nổi ở Bắc Triều Tiên

Những năm trở lại đây, người ta truyền tai nhau một câu chuyện về sự xuất hiện của tầng lớp “nhà giàu mới nổi” ở Triều Tiên, được gọi với cái tên Donju (Ông chủ của đồng tiền). Nó đã và đang làm thay đổi sự năng động của nền kinh tế quốc gia cũng như định hình lại các mối quan hệ giữa chính phủ Kim Nhật Thành và nhân dân Bắc Triều Tiên.

Tầng lớp Donju - nhà giàu mới nổi

Tầng lớp Donju nắm trong tay một lượng tài sản nhất định để có thể đầu tư vào các doanh nghiệp lớn hơn. (Alexkuehni/iStock)

Donju là gì?

Câu chuyện về Donju bắt đầu vào giữa những năm 1990 trong thời kỳ xảy ra nạn đói và sự sụp đổ kinh tế của Bắc Triều Tiên. Nghề thầu khoán mọc lên như nấm sau mưa. Nó giống như một cơ chế để đối phó với tình hình lúc bấy giờ thông qua những người có khả năng tiếp cận nguồn thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng quan trọng khác trong khi nhà nước không thể cung cấp những thứ này.

Hệ thống phân phối công cộng của chính phủ về cơ bản đã xuống cấp vì chính phủ không có đủ nguồn lực để thực hiện các cam kết.

Donju đã ra đời từ hoạt động của các cơ sở thầu khoán mọc lên trong thời gian này. Họ khởi nghiệp bằng việc kinh doanh hàng tiêu dùng tại các thị trường tư nhân, sau khi có đủ tích lũy họ đầu tư vào các dự án kinh doanh lớn hơn như các câu lạc bộ bi-a hay các cơ sở karaoke. Việc hạn chế các hoạt động này đã được chính phủ nới lỏng vào những năm 2000.

Áp lực thay đổi chính trị ở Bắc Triều Tiên có thể lớn lên nếu vị trí xã hội mới của Donju bị đe dọa.

Tầng lớp Donju thường được tiếp cận với nguồn ngoại tệ thông qua họ hàng hoặc qua các hoạt động khác. Cùng với các dự án kinh doanh, điều này giúp họ có được một lượng tích lũy tư nhân đáng kể.

Trong quá khứ, khi tầng lớp trung lưu mới xuất hiện này tăng lên đến một mức độ nào đó, chính phủ sẽ coi đó là mối đe dọa chính trị tiềm ẩn và dùng mọi cách để tước đoạt quyền lực kinh tế của họ. Vụ nâng giá tiền tệ khét tiếng năm 2009 là một nỗ lực như vậy của chính phủ Triều Tiên nhằm giảm giá lượng tiền tệ nắm giữ của nhóm này và chặn đứng quyền lực chính trị của họ.

Tuy nhiên, tầng lớp Donju ngày nay đã đạt đến một quy mô mà sự can thiệp của chính phủ đối với họ đã trở nên hoàn toàn vô hiệu.

Donju có ảnh hưởng thế nào trong xã hội ngày nay?

Hiện nay, các Donju nắm trong tay một lượng tài sản nhất định để có thể đầu tư vào các doanh nghiệp lớn hơn. Đồng thời tồn tại một sự liên kết về lợi ích giữa chính phủ và tầng lớp này. Một sự liên minh đã xuất hiện giữa chính phủ và các thành viên của nhóm này, qua đó Donju có thể tài trợ cho các hoạt động phát triển mà chính phủ đang gặp khó khăn về tài chính.

Qua chính sách Byungjin (chính sách phát triển kinh tế song song với phát triển vũ khí hạt nhân), chính phủ Triều Tiên đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng trong việc cạnh tranh với mô hình phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ) ở Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980.

Bất cứ nơi nào có sự tích lũy tiền bạc và của cải ở Bắc Triều Tiên, nơi đó bạn sẽ thấy sự hiện diện của các Donju, đặc biệt là quanh các đặc khu kinh tế, nơi phần lớn những hoạt động phát triển đang diễn ra.

Bắc Triều Tiên đã thiết lập đặc khu kinh tế đầu tiên của mình ở Rason trong thời kỳ đầu những năm 1990. Cảng Rason đóng trên thành phố Rajin và thành phố Sonbong, gần khu vực biên giới ba bên giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Khi đó chính phủ Bắc Triều Tiên rất thích vị trí này vì nó ở rất xa Bình Nhưỡng. Chính phủ tưởng rằng nó có thể cách ly với sự thị trường hóa và hạn chế mối đe dọa tiêm nhiễm từ chủ nghĩa tư bản đối với phần còn lại của đất nước này.

Chỉ trong vài năm qua, đặc khu kinh tế Rason đã thực sự bắt đầu hoạt động. Các hoạt động đầu tư của Trung Quốc và Nga đã diễn ra ở đây, nó đòi hỏi sự hợp tác liên doanh với các đơn vị địa phương. Đặc khu kinh tế này có liên kết với chiến lược phát triển vùng Viễn Đông của Nga, đồng thời cũng giúp chính phủ Trung Quốc thực hiện những mục tiêu phát triển ở tỉnh Cát Lâm.

Sự tương tác giữa chính phủ Bắc Triều Tiên, các nhà đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn tư nhân từ nội bộ Bắc Triều Tiên đã mở ra một khởi đầu quan trọng giúp nước này dịch chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã thống trị Bắc Triều Tiên trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Tác động chính trị của Donju không dừng lại ở đó. Áp lực thay đổi chính trị ở Bắc Triều Tiên có thể lớn lên khi quy mô của của tầng lớp này vươn tới một tầm cỡ nhất định, khi đó họ có thể trở thành một thế lực khởi xướng thay đổi nếu vị trí xã hội mới của họ bị đe dọa – từ sự can thiệp của chính phủ hoặc từ một sự kiện bất ngờ không lường trước được.

Rất có thể Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân và các vụ phóng tên lửa tầm xa khác để đưa vào vận hành năng lực vũ khí hạt nhân, đồng thời hoàn thiện chính sách Byungjin của mình.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề vũ khí hạt nhân, chúng ta có thể sẽ thiếu quan tâm một cách thích đáng đến các lực lượng xã hội hiện đang làm thay đổi Bắc Triều Tiên từ bên dưới, ngay dưới hệ thống chính trị cấp cao của nước này.

Benjamin Habib là một giảng viên của trường Khoa học xã hội thuộc Đại học La Trobe, Úc. Bài viết này từng được công bố trên TheConversation.com.

Tác giả: Benjamin Habib, Đại học La Trobe | Dịch giả: Ngọc Yến

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN