Luận bàn về kẻ sĩ

Luận bàn về kẻ sĩ

Kẻ sĩ là kẻ không chỉ có vẻ tiến lui đều hợp lễ, cử chỉ trang nhã, lời nói cung kính, nhanh nhẹn mà phải có phẩm chất của người quân tử. Những kẻ bề ngoài hào nhoáng mà tâm địa tiểu nhân thì cũng chỉ như thùng rỗng kêu to. Cùng nghe bậc thầy trong thiên hạ Điền Biền luận bàn về kẻ sĩ.

Bậc thầy thời Chiến Quốc Điền Biền luận bàn về kẻ sĩ

Ảnh minh họa: vandieuhay.net

Thời Chiến Quốc, Điền Biền nổi tiếng là bậc thầy trong thiên hạ, thường có rất nhiều người hâm mộ danh tiếng của ông ta mà đến tôn ông ta làm thầy hoặc nhận lời khuyên bảo.

Ngày nọ, nhà Điền Biền lại có một người khách đến. Vị khách này trang phục rất hợp cách, tiến lui đều hợp lễ, cử chỉ trang nhã, lời nói cung kính, nhanh nhẹn. Học trò của Điền Biền gặp được anh ta đều lộ ra vẻ kinh ngạc, trong lòng nghĩ nhất định thầy giáo sẽ vui mừng đón tiếp người khách này, và có thể thu nhận anh ta làm đồ đệ. Nhưng Điền Biền không tỏ vẻ gì, tỉ mỉ quan sát từng cử chỉ, lời nói của anh ta.

Sau một hồi khách khí, người khách mới thổ lộ ý nguyện: “Từ lâu tôi đã ngưỡng mộ tài học vấn của ngài, hôm nay đến đây mong bái ngài làm thầy, xin ngài chớ từ chối!”.

Điền Biền lắc đầu, khéo léo trả lời: “Tôi tài mọn, học thấp, sao xứng làm thầy của anh”. Mặc cho người khách cầu xin như thế nào, cuối cùng Điền Biền cũng không đồng ý, người khách đành cáo từ ra về.

Khách về, Điền Biền còn trông theo cho đến khi khuất bóng. Học trò của Điền Biền cảm thấy không hiểu, bèn hỏi thầy: “Tại sao thầy lại cự tuyệt yêu cầu của anh ta? Chúng tôi thấy cử chỉ, lời nói của anh ta đáng xếp vào bậc quốc sĩ”.

Điền Biền lắc đầu nói: “E rằng anh ta không phải là kẻ sĩ. Anh ta có cử chỉ của kẻ sĩ chưa chắc đã có cái chí của kẻ sĩ. Theo ta quan sát, vừa nãy chỗ mà người khách muốn che giấu chính là chỗ kẻ sĩ phải nói ra, chỗ mà kẻ sĩ muốn che giấu cũng chính là chỗ mà người khách kia biểu hiện ra. Điều này càng nói rõ anh ta, không phải là kẻ sĩ”.

Phân tích: 

Ánh lửa mà chỉ chiếu được một góc nhà, như vậy nửa nhà sẽ không có ánh sáng; xương cốt nhanh trưởng thành thì cái chất tơi xốp không cứng, bề ngoài nhất định dài mà không cao to. Nếu chỉ một mực chau chuốt hình thức hoa mỹ bên ngoài, sẽ không có thực chất. Khí phách, dung mạo của người quân tử giống như vẻ đẹp của ngọc, giống như sự vững chãi của cây cổ thụ trên núi cao, trong lòng họ rất bình dị, lời nói cẩn thận, không kiêu ngạo, tự mãn. Người kia dù cố biểu hiện vẻ đoan chính ra bên ngoài cũng vẫn chỉ là kẻ thiếu khí chất của kẻ sĩ mà thôi.

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN