Tản mạn: Lớp học tuổi thơ – Hữu Nguyễn

Tản mạn: Lớp học tuổi thơ – Hữu Nguyễn

Thương tặng các bạn của lớp học tuổi thơ – và bạn Chó Một…

Xóm tôi ở ven ven kênh Ngự Hà, san sát với bức tường thành chạy dài từ cửa Đông Ba. Ở nơi đó tụ cư là dân lao động nghèo khổ sống cuộc đời tăm tối và lay lắt. Nhưng đó là nỗi đau đã rắn lại, hằn lên và cứa sâu vào da thịt tâm can của người lớn. Còn chúng tôi. Một lũ trẻ nheo nhóc nào có biết thế nào là buồn. Mà cũng chẳng biết làm gì. Hiển nhiên, ở tuổi con trẻ thì ai chả tìm cho mình được niềm vui khờ dại.

Tôi nhớ rõ là hồi đó chúng tôi không có đứa nào đi học ở trường. Bởi ba mẹ chúng tôi chẳng thể nào lo nổi. Và chúng tôi cũng không muốn. Trường học với tuổi thơ là cái gì đó rất xa cách và lạ lẫm. Chúng tôi sợ không được gặp ba mẹ. Chỉ có một ngôi trường – nhà lá của cô Chương là nơi chúng tôi mài đũng quần những năm tháng niên thiếu.

Cô Chương ngày ấy đã già. Nghe ba tôi nói lại là cả xóm hồi ấy – cái hồi ba tôi còn xụt xịt nước mũi – đều theo học cô Chương. Cô Chương đậu cái bằng Đít – lôm thời Pháp thì phải, nhưng không đi làm sở tư mà về dạy học trò loanh quanh trong xóm. Dạy chúng tôi năm ấy, cô cũng ngót nghét đến sáu mươi. Tóc cô bạc lắm. Chúng tôi cứ mường tượng cô phải trăm tuổi như mấy bà cụ trong truyện cổ tích xưa xửa xừa xưa nào ấy. Ba mẹ chúng tôi mỗi lần gặp cô là cúi đầu mà chào. Còn kính cẩn hơn cả khi thưa gửi với ông bà chúng tôi ở nhà.

Cô dựng cái chòi nhỏ lưng dựa vào tường cây cầu bắc ngang kênh Ngự Hà. mà chúng tôi gọi theo ba mẹ là cống Lăng Y hay cống Lương Y cách nhà chúng tôi một cánh đồng nhỏ. Chúng tôi gọi đó là lớp học cô Chương. Trước cái chòi, cô trồng một cây khế. Ba mẹ chúng tôi vẫn nhắc lại cây khế này khi kể những câu chuyện tuổi thơ mà chúng tôi cho là vui hơn cả chúng tôi lúc ấy. Những lời kể ấy lôi cuốn chúng tôi đến với lớp học cô Chương một cách háo hức. Dẫu hôm trước có khóc thét kêu la thế nào chỉ nghe xong những câu chuyện mà ba mẹ chúng tôi kể lại là chúng tôi ngoan ngoãn theo chân bố mẹ ra lớp học cô Chương như chưa bao giờ sợ.

Lần đầu tiên đi học của lũ chúng tôi không háo hức vì chữ nghĩa mà lại ám ảnh về những cảnh tượng xa xưa của bố mẹ chúng tôi: những buổi trưa hái khế, những buổi chiều vây cá, những buổi sớm đi bẻ bắp trộm… Hành trang đi học đầu tiên của lũ trẻ dại là thế.

tuổi thơ

Ba tôi là học trò cưng nhất của cô – theo ba nói lại, mà tôi cũng nghĩ vậy. Vì mỗi lần gặp ba tôi, ánh mắt cô nhìn ba tôi trìu mến và hiền từ vô cùng tận. Và đó là điều làm tôi hếch mặt khoe với mấy đứa con gái trong xóm.

– Ba mi đi học có được cô thương như ba tau không? Ba tau nói hồi nhỏ ba mi bị cô nhốt vô rương vì cái tội trốn học! Và cả đám con trai hè nhau chọc con Thảo đến độ nó chảy cả nước mắt.

– Té ra mi học dốt vì mi trốn học với ba mi!

– Không phải? tau bận đi bán với mạ tau chơ bộ. Mi có đi bán với mạ mi mô mà mi biết? Mỗi lần con Thảo nói câu ấy là mỗi lần nó đưa tay quẹt nước mắt. Bây chừ nghĩ lại thấy sao hồi đó mình chọc bạn hơi… ác.

Hồi đó, cả xóm chưa có đồng hồ. Ba tôi có một cái đồng hồ mua ngót nghét trăm rưỡi bạc nhưng phải bán rẻ để đưa em tôi vào bệnh viện. Ngày bán cái đồng hồ tôi òa khóc như mưa. Lớp học tuổi thơ của tôi toàn là con trai mà thằng nào cũng là thiên lôi cả. Tôi là đứa hiền nhất – chỉ giỏi cái to mồm chọc mấy đứa con gái, nên cô giao nhiệm vụ: lên nhà ông Húc trên lò vôi cách lớp bên kia cánh đồng nhỏ để xem giờ. Đó là niềm vui sướng cực độ của tôi mà thằng nào cũng muốn được giành làm. Tôi nhớ rõ đến khi nào mà bóng nắng chiều thoai thoải chiếu nghiêng qua tán cây khế rung rinh tán lá xanh mươn mướt, cô lại tháo cái mục kính ra, hỏi:

– Mấy giờ rồi hè?

Chỉ chờ cô hỏi là một lũ nhao nhao:

– Cô ơi, để con đi cho nì?

– Cô, để con. Để con đi cho cô?

– Cô, con…

Cô quất cây thước cái chát xuống bàn, lại âu yếm nhìn tôi mà sai:

– cu Mật, con lên nhà ông Húc coi mấy giờ, con?

Chỉ đợi có thế, lòng dạ tôi lại nở như bắp ran ù chạy ra khỏi lớp. Chạy thì chạy thế thôi, chứ đi khuất khuất một chút là cà tửng cà tơng từng bước chim sáo thủng thẳng. Hồi nhỏ tôi khoái nghe kể chuyện với học toán chứ chính tả là tôi ghét nhất đời. Những hôm nào học tới môn toán hay kể chuyện là tôi chạy đi thật nhanh để về học tiếp. Còn môn chính tả thì còn chịu khó… đi chân sáo. Nhưng có mãnh lực khác còn hấp dẫn tôi hơn nữa: theo tụi thằng Bi thằng Tèo chạy qua đồng ra sông bắt cá hay ra đình ăn chực. Cho nên cứ mỗi lần đi xem giờ, tôi lịa chịu khó… cắn rứt để nói thêm giờ cho mau nghỉ.

– Mấy giờ con?

– Dạ, bốn giờ cô ơi.

– Mấy giờ rồi con hè?

– Dạ, chừ là ba rưỡi cô ơi.

– Ừ, học tí nữa rồi nghỉ.

Nói cho nó oách thế thôi. Đồng hồ mà chỉ hai giờ tôi về nói là hai rưỡi. Ba rưỡi thì tôi nói bốn giờ. Cứ nói quá lên thế là được về sớm. Về sớm thì chơi sớm. Mà được đi chơi sớm là phải về nhà lâu. Mà về nhà lâu là vui nhiều. Mà vui nhiều thì không có đứa trẻ nào không thích. Đi học vui nhất với trẻ thơ chỉ có câu: “ừ, học tí rồi nghỉ”.

Nhưng lợi nhất là mỗi lần đi xem giờ thế nào tụi thằng Dổm, thằng ku em, thằng Tèo cũng gạ tôi vài thứ để được đi thay tôi cho mà xem.

– Ê, tí mi đi coi giờ thì để tau thế cho này. Cho mi hai cái bánh dẻo, được chưa?

– Hai cái bánh dẻo không đủ tau chia cho em tau nữa?

– Bốn cái? Chịu chưa?- Ời…

Có hôm cả mấy đứa còn công kênh tôi cả mấy vòng quanh chòi ấy chứ. Hồi đó tôi oách nhất lớp chứ chẳng chơi.

– Ê, nghỉ chơi con Bom đi mi nã? Hắn dám mét ba tau.

– Ời, nghỉ chơi con Bom.

Đứa nào mà bị tôi nghỉ chơi thì lo mà chiều tối ấy nhé! Không là tôi cho nó đi “rìa chầu” luôn. Đứa nào mà bênh nó là tôi cấm cho đi xem đồng hồ.

Hồi đó đi học, chúng tôi nhớ cô Chương có sẵn cây roi mây. Nó chỉ nhỏ bằng ngón tay út của tụi trẻ và dài độ bốn gang người lớn. Không biết nó “hưởng thọ” bao nhiêu năm mà nó bóng lộn lớp dầu mồ hôi tay. Thằng Tèo vẫn hay mân mê nhìn cây roi mà hỏi tới hỏi lui:

– Chắc cây roi ni cô sơn bây ơi. U chu cha là bóng lộn?

Không cần nói cũng rõ cây roi mây đó đánh đau quắn đít như thế nào. Nhưng chúng tôi nỏ sợ lắm. Vì chúng tôi ít bị đánh lắm.

Cái mà chúng tôi sợ nhất là cái tủ mây của cô. Nó rộng đủ hai đứa như tôi ngồi lọt và cao ngót nghét. Nhưng nỗi sợ không phải sợ cái tủ mà sợ những lời dọa của cô:

– Đứa mô mà nhác học là một; hoang là hai; đập bậy là ba, tau nhôt vô cái tủ mây nớ là hết đời. Tụi bây biết có cái chi trong nớ không? Tau nhốt con cá sấu trong nớ, đợi đứa mô đó nhốt vô cho con cá sấu cắn.

Với trí óc non nớt, chúng tôi nỏ biết cá sấu là con gì cả. Nhưng mà cũng sợ như thể con quái vật kinh dị lắm. Ba con Thảo nghe nói cũng bị cô nhốt vô cái tủ mây đó vì tội nhác học. Nên đó là đề tài của tụi chúng tôi dài dài. Mỗi lần chúng tôi đem ra chọc ba nó là nó bỏ về mếu mếu máo máo. Thằng Dổm cũng bị cô nhốt nửa tiếng trong đó. Mà nhờ đó nó bỏ được cái tật cà lăm và cái tội không làm bài về nhà.

Có một bận, cô bảo chúng tôi kể chuyện. Cô ra đề là: “Hãy kể lại việc buôn bán của mẹ em”. Đây là tiết học hằng tuần của cô và trò, tuần nào cũng có. Chúng tôi thích nhất là tiết này vì được cười thỏa thê và chọc ghẹo nhau nếu đứa nào đem kể những câu chuyện ngộ đến phát cười. Thằng Tèo hay kể chuyện ba nó say sưa về bị mẹ nó đập, con Gạo kể chuyện mẹ nó đi bán bánh bèo gặp ma hời, con Bom thì lại kể chuyện muôn đời của nó mà chúng tôi đã thuộc nằm lòng: ma rơm, ma rết, ma rìu…

Lần kể chuyện này hết sức buồn tẻ vì chẳng có cái gì vui cả. Gần hết lớp, đứa mô cũng lên kể chuyện như một khuôn: “Mạ con sáng sớm đã dậy rồi, nấu cơm xong rồi xuống chợ. Mưa thì ế mà nắng thì bán được. Mà có khi nắng mạ con bán cũng ế. Rứa là đem về nhà ăn thế cơm”.

Đến lượt con Chó Một lên kể. Nó đứng nghẹn không thành tiếng. Suốt cả buổi nó đứng vê vê cái gấu áo không nói lấy một câu. Có nói thế nào nó cũng câm như thóc. Cô nói mãi mà nó cũng không nghe. Có lẽ vì bực mình quá, cô quất mạnh cái roi mây đánh chát xuống bàn, nạt:

– Chừ trò có nói không?

Nó vẫn không là không. Con Chó Một cách nhà chúng tôi mấy xóm nên chúng tôi ít chơi với nó – trừ con Phì em con Bom. Mà tôi vốn ghét nó sẵn. Cái nước da ngăm ngăm, cái ánh mắt như chực chạy trốn khi người ta nhìn, cái miệng thì luôn mắm lại như đang mếu. Gớm! Nhìn mà gớm.

– Trò có nói không hay đợi phải nhốt vô cái tủ con cá sấu?

– Nhốt nó vô đi cô? Nhốt đi cô? Cái lũ bọn tôi cứ nhao lên như vậy. Chắc mẩm phen này tha hồ mà vui!

– Thưa cô… con không… có… mẹ? Có lẽ nó sợ quá mới nói ra được chừng ấy câu. Mặc dù nó nói chậm rãi như thế mà bọn tôi vẫn ngơ ngơ nhìn nhau. Con ni điên rồi mi nã! Đứa mô mà không có mẹ? Cô Chương chớp chớp mắt mấy cái, hỏi dồn:

– Cái chi? Trò nói cái chi?

Lần này thì nó không nói nữa, bỗng ào lên mà khóc nức nở. Và chúng tôi cũng không hiểu lắm nhưng vẫn thấy nó tội tội làm sao ấy. Con Phì lúc này mới nói:

– Dạ thưa cô, mẹ bạn Chó Một bị chết, ba bạn đi lấy dì hầu rồi. bạn ở với ông nội. Trong mắt tôi bỗng nhớ lại cái tối trời nức nở mưa, con Chó Một lủi thủi dắt con chó con mà nó cưng như em ruột đi chơi. Cái áo của nó đã rách đằng cổ mà không ai vá. Tối đó nó đói lắm. Mẹ tôi đi làm thuê về thì đã rất tối nhưng vẫn thấy nó ngồi đầu hè nhà tôi chơi với con “chó em” của nó. Mẹ tôi mới kêu nó vào ăn cơm. Mẹ tôi bảo:

– Con Chó Một có bà con với mình. Đúng ra là phải kêu con bằng chú. Tôi đưa mắt nhìn nó, hất hàm hỏi:

– Ê, mạ mi đi mô mà không cho mi ăn cơm? Nó không nói năng chi cả. Im lặng ăn và rồi lủi thủi dẫn con “chó em” về, vừa đi vừa hát:

– Lộn cầu vồng

Nước sông nước chảy

Có cô mười bảy

Có chị mười hai…

Cô Chương không nói gì được, ôm con Chó Một vào lòng. Mắt hoe hoe đỏ. Lũ chúng tôi cũng nín thinh. Tôi nhìn bâng quơ đi chỗ khác, thấy mấy đứa con gái chảy nước mắt. Cả thằng nghịch ngợm và hay ăn cắp vặt như thằng Tèo cũng khóc, tôi không hay mắt mình cũng đang ướt dầm…

Sau buổi học đó, chúng tôi không còn gặp lại con Chó Một nữa. Chúng tôi chỉ biết nó vào Nam và sau này biết nó làm nghề may. Cách đây hai năm, chúng tôi lại thấy nó về, tay bồng thêm đứa bé nhỏ – mà cả xóm trên xóm dưới ai cũng bảo là con của nó với một đứa nào đó ở trong kia. Nhưng thằng đó không nhìn nhận hai mẹ con nó. Chưa bao giờ, tôi thấy có lỗi với nó như ngày ấy. Hôm nay, nhìn thấy cảnh nó như vậy, tôi lại thấy ngậm ngùi thương nó hơn và tự trách mình hơn.

Lớp học tuổi thơ của tôi đi theo tôi từ đó. Bên trong những kỷ niệm đẹp ấy là một sự tự trách mình khôn nguôi. Cho đến hôm nay, khi viết những dòng này từ kí ức và từ bài học đầu tiên của mình – nó quá nhỏ với cuộc đời của tôi nhưng nó mãi mãi ám ảnh tôi, tôi cảm ơn đời cảm ơn người cho tôi tuổi thơ: thằng Dổm, thằng Tèo, con Bom, con Thảo và cô Chương… – những gương mặt cho tôi niềm vui tuổi nhỏ. Nhưng cũng cảm ơn một người nữa, Chó Một ơi – người đã cho tôi bài học đầu tiên của tuổi nhỏ giữa cuộc đời lớn…

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN