Liệu pháp âm nhạc có sức mạnh to lớn hơn bạn tưởng

Liệu pháp âm nhạc có sức mạnh to lớn hơn bạn tưởng

Một người phụ nữ cao tuổi đã được nhận vào một cơ sở y tế ở miền nam California, nhưng không ai biết phải làm gì cho bà. Hiển nhiên bà rất tức giận, nhưng bà không thể giao tiếp, và không ai có thể an ủi được bà. Sau ba ngày, bà vẫn không nói gì, và sẵn sàng gây hấn với bất cứ ai đến quá gần. Đó là lúc mà nhân viên của cơ sở y tế này phải nhờ đến chuyên gia âm nhạc trị liệu Kat Fulton.

>>Âm nhạc được tạo ra để chữa bệnh

Nhà âm nhạc trị liệu Kat Fulton

Nhà âm nhạc trị liệu Kat Fulton làm việc với các khách hàng cả già lẫn trẻ. (Ảnh của Kat Fulton)

Sau khi xem xét tuổi, quê quán, và các chi tiết khác từ biểu đồ của người phụ nữ, Fulton đã nghĩ đến một bài hát để xoa dịu bệnh nhân không nói lời nào và thích gây gổ này.

Fulton là một chuyên gia âm nhạc trị liệu có văn phòng tại San Diego, đã từng đăng một loạt các video về liệu pháp âm nhạc. Cô cho biết “Đứng ngay ở cửa ra vào, tôi đã chơi một giai điệu cũ Tin Pan Alley (cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20) được gọi là Bicycle Built for Two”.

“Bà ấy đã hưởng ứng và bắt đầu hát cùng tôi. Bà biết lời tất cả những câu nhạc” Fulton nói. “Người nhân viên đi đến gần phía sau tôi và nói, ‘Hãy thay loại biểu đồ đi. Bà ấy nói được rồi! Nói được rồi!”

Trong lĩnh vực của Fulton những câu chuyện như thế này rất phổ biến. Cô cho biết lý do tại sao phương pháp trị liệu này lại có tác dụng, đó là bởi vì con người về mặt sinh học đều được gắn chặt với âm nhạc.

“Chúng ta đi bộ theo nhịp điệu, chúng ta hít thở trong nhịp điệu. Mỗi người đều có một nhịp tim. Đang ngồi ở đây ngay bây giờ bạn vẫn đang tạo ra âm nhạc cho dù bạn có thích hay không”, Kat Fulton nói.

Chuyên gia m nhạc và chăm sóc sức khỏe Kat Fulton, MM, MT-BC, chủ nhân của Sound Health Music và là người sáng lập tổ chức Music Therapy Ed. (Ảnh của Kat Fulton)

Nguồn gốc của liệu pháp âm nhạc

Trong khi nhiều nền văn hóa cổ đại coi âm nhạc là một dạng thuốc, liệu pháp âm nhạc hiện đại chỉ mới xuất hiện được khoảng 65 năm nay. Chỉ với ngần ấy năm nhưng đã có nhiều chứng cứ cho thấy đây là một phương thức vượt trội. Đáng chú ý nhất là đối với sự rối loạn chức năng thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh sa sút trí tuệ, Parkinson, đột quỵ và bệnh tự kỷ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp âm nhạc có thể dẫn đến những đột phá trong việc phục hồi mà các phương pháp điều trị khác không thể so sánh được.

Một số nhà âm nhạc trị liệu có thể lần tìm về các mô hình cụ thể được cho là xuất xứ của liệu pháp này, chẳng hạn như công trình tiên phong của nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm Paul Nordoff, và cộng sự của ông, một nhà giáo dục đặc biệt, Tiến sĩ Clive Robbins. Bắt đầu từ giữa những năm 1950, cặp đôi này đã làm việc với những trẻ em mắc chứng khuyết tật phát triển, hai ông tin rằng mọi người đều có một sự nhạy cảm bẩm sinh đối với âm nhạc và điều đó có thể được tận dụng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của từng cá nhân.

Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất trong nghiên cứu của Nordoff-Robbins có liên quan đến một khách hàng mà họ đã cùng làm việc vào thời gian đầu khi phát triển mô hình của họ: Audrey, một đứa trẻ gặp những khó khăn nghiêm trọng trong hành vi và học tập. Vào lúc bảy tuổi, định mệnh dường như đã giam giữ Audrey trong một viện tâm thần, nhưng khi Nordoff và Robbins bắt đầu giao tiếp với cô bé thông qua âm nhạc, những trở ngại trong sự phát triển của cô bé đã bắt đầu tan biến. Thông qua ca hát, đánh trống, và đệm đàn piano, Audrey đã thoát khỏi bệnh tâm thần và sau này còn học đại học – một kết quả mà các bác sĩ chẳng bao giờ dám nghĩ tới trước khi cô bé nhận được liệu pháp âm nhạc.

Sự phát triển trong công nghệ hình ảnh đã thúc đẩy cho những hiểu biết mới trong khoa học thần kinh và luôn có những hiểu biết mới sâu sắc về khả năng chữa bệnh của âm nhạc. Nghiên cứu gần đây cho thấy một số vùng của não bộ có thể thay đổi khi có sự can thiệp của âm nhạc. Ví dụ, những nạn nhân sau khi bị đột quỵ mà không thể nói được câu “Happy Birthday”, thường có thể hát được bài hát đó, qua đó cung cấp cho các nhà trị liệu một phương tiện trung gian để cuối cùng có thể khôi phục lại khả năng nói của họ.

Fulton gần đây đã tập trung điều trị cho những trẻ sinh non ở Đơn vị Chăm sóc Tích cực Trẻ Sơ sinh (NICU). Trẻ sinh non thường phải chịu nhiều đau đớn vì chúng phải trải qua rất nhiều những thủ tục y tế.

Việc điều trị đòi hỏi phải chơi nhạc sống, nhưng trước khi có thể chơi nhạc, Fulton phải xem xét đến nền tảng văn hóa của trẻ và sở thích âm nhạc của các bậc phụ huynh để đưa ra những lựa chọn thích hợp. Cô cũng thuyết phục người mẹ của đứa trẻ phải hát vì giọng của mẹ bé là tiếng nói mà bé nhận biết tốt nhất.

Giao thức này được gọi là sự kích thích đa phương thức, trong đó nhà trị liệu âm nhạc đưa ra bài hát ru, và những người khác xoa bóp và nhẹ nhàng đung đưa để cho em bé có cảm giác an tâm, vốn là điều mà các trẻ sinh non thường thiếu trong môi trường vô trùng ở bệnh viện.

“Nghiên cứu cho thấy điều này thực sự làm giảm thời gian mà các bé phải ở lại trong bệnh viện, tức là tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Nó giúp em bé trưởng thành nhanh hơn và tập làm quen với những kích thích có hại nhanh hơn”, Fulton cho biết.

Nhà trị liệu bằng âm nhạc phân tích – Tiến sĩ, MT-BC, LPC, LCAT Brian Abrams, là một thành viên của Hiệp hội Âm nhạc và Hình ảnh và là phó giáo sư về những nghiên cứu trị liệu âm nhạc tại Đại học bang Montclair. (Courtesy of Brian Abrams)

Xử lý cẩn trọng

Hầu như chúng ta đều biết loại âm nhạc nào làm cho mình thấy thoải mái, nhưng phải mất nhiều năm đào tạo mới có thể sử dụng âm nhạc làm một công cụ để điều trị cho một người khác. Các chuyên gia trị liệu bằng âm nhạc cần phải nắm rõ không chỉ các nguyên tắc cơ bản về biên soạn âm nhạc, mà họ còn phải cẩn thận điều chỉnh cách điều trị cho phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân.

Theo Tiến sĩ Brian Abrams, chuyên gia trị liệu âm nhạc, phó giáo sư âm nhạc và điều phối viên của liệu pháp âm nhạc tại Đại học bang Montclair, trong khi âm nhạc đúng là có khả năng trị lành bệnh nhưng các chuyên viên âm nhạc trị liệu lại được đào tạo cách làm việc với âm nhạc theo những phương pháp có sự cạnh tranh và có tính trách nhiệm, qua những tháng năm được huấn luyện và giám sát.

“Sẽ là không chính xác nếu nói rằng âm nhạc là vô thưởng vô phạt. Âm nhạc là một phương tiện truyền đạt đầy sức mạnh, như vậy, nó vừa có thể giúp ích nhưng cũng có thể làm hại, và do đó không phải là hoàn toàn vô hại. Hơn nữa, sẽ là không chính xác nếu coi âm nhạc là không xâm nhập. Âm nhạc thẩm thấu vào chúng ta. Nó liên quan đến những phần sâu thẳm trong chính chúng ta, cả về sinh lý, tâm lý, và tình cảm” ông nói. Do đó cần phải có sự đào tạo đầy đủ trong công việc này.

Trong khi nhiều nhà âm nhạc trị liệu làm việc với các bệnh nhân có nhu cầu đặc biệt, Abrams lại sử dụng âm nhạc như một hình thức chữa bệnh bằng tâm lý. Các bệnh nhân của ông có thể thể hiện (và thông qua điều trị có thể vượt qua được) sự sợ hãi, thương tổn về tinh thần, những bế tắc về cảm xúc, và bất kỳ chướng ngại nào khác đối với tiềm năng của họ, thông qua việc nghe nhạc, ngẫu hứng, và sáng tác .

Abrams nói rằng việc thiếu đào tạo khi sử dụng đến âm nhạc, ngay cả với những ý định tốt nhất, cũng chứa đựng nguy cơ gây hại, chẳng hạn như làm cho tinh thần bệnh nhân bị tổn thương thêm lần nữa khi cho họ nghe loại âm nhạc có liên quan đến một sự kiện đau lòng trong cuộc sống của họ. Ông nói rằng nếu người thực hành trị liệu không hiểu bối cảnh của một người và không biết phải làm thế nào để xử lý các vấn đề có thể xuất hiện trong khi điều trị thì họ dễ động chạm đến hàng loạt những nỗi đau.

“Nó giống như trị liệu vật lý – bạn cần một người được đào tạo về khoa giải phẫu. Một nhà trị liệu bằng âm nhạc phải được đào tạo để hiểu tất cả các bối cảnh sinh lý, tâm lý, tình cảm và xã hội của khách hàng”, ông nói.

Khi được áp dụng một cách thích hợp, Abrams cho biết khách hàng của mình có thể bị tác động theo những cách mà không phải là luôn luôn khả thi trong các phương pháp điều trị bằng lời nói, bởi vì những trải nghiệm từ âm nhạc thường cho phép người nghe đắm mình vào nó và nó có tác động trực tiếp hơn đến các khía cạnh về tinh thần của họ.

“Thường có giao tiếp bằng lời trong quá trình trị liệu bằng âm nhạc, nhưng ‘hành động’ quan trọng nhất lại xảy ra trong bản nhạc đó”, ông nói.

“Khách hàng có thể được giải phóng cảm xúc, đạt được những hiểu biết sâu sắc, và thay đổi nhân sinh quan, những thứ mà có lẽ họ không thể đạt được thông qua nói chuyện. Trong âm nhạc, chúng ta trải nghiệm những điều hiện hữu trong thời gian thực, đúng như chúng ta đang trải nghiệm trong cuộc sống, với những cảm xúc đã sẵn có”.

trống

Trống là một nhạc cụ quan trọng trong liệu pháp âm nhạc. Bạn không thể chơi một nốt sai khi đánh trên mặt trống. (Courtesy của Kat Fulton)

Xây dựng một mối quan hệ qua Âm nhạc

Có một loạt các hình thức trị liệu pháp bằng âm nhạc, nhưng thường nó liên quan đến việc cho các bệnh nhân tự tạo ra âm nhạc của chính họ. Trong khi một nghệ sĩ có thể mất hàng thập kỷ mới làm chủ được một loại nhạc cụ, thì các nhà trị liệu âm nhạc có rất nhiều bí quyết sao cho  ngay cả những người không qua đào tạo cũng có thể bắt đầu chơi được ngay lập tức. Thông thường quá trình điều trị bắt đầu bằng việc hát, hoặc đánh trống, nhưng Abrams cho khách hàng của mình tiếp xúc với một loạt các loại nhạc cụ để họ có thể thể hiện đầy đủ các trạng thái cảm xúc.

“Hầu như bao giờ khách hàng cũng bắt đầu rồi thì tôi mới tham gia vào một cuộc đối thoại âm nhạc với họ và khuyến khích họ thể hiện các âm thanh một cách đầy đủ hơn, thông qua nhạc cụ hoặc qua giọng nói. Tôi có thể khuyến khích họ gán lời cho những gì họ đang ca hát thông qua các cảm giác và cảm xúc thẩm mỹ về bản nhạc đó “, ông nói.

Các nhà trị liệu âm nhạc thường là các nhạc sĩ rất tài năng, nhưng một người có tay nghề cao thì không để cho sự dao động của mình gây ảnh hưởng đến mục tiêu điều trị. “Việc chữa bệnh thật sự xuất phát từ mối quan hệ trong khi trị liệu, và âm nhạc thực sự chỉ là một công cụ để giúp xây dựng một mối quan hệ sao cho người bệnh có thể tự mình nhận ra sự chuyển đổi riêng của họ”, Fulton cho biết. “Công việc của chúng tôi với tư cách một nhà trị liệu là chỉ cần đừng gây cản trở cho khách hàng của mình và để họ tự tìm ra những điều của riêng họ”.

Liệu pháp âm nhạc có thể điều trị một người cụ thể hoặc một nhóm lớn. Đối với một gia đình đang phải đối mặt với hoàn cảnh tàn khốc, lấy ví dụ, việc sáng tác âm nhạc sẽ là một cơ hội để họ cùng nhau tham gia trong sự hòa ái.

“Nếu bạn có một người thân đang ở trong bệnh viện dành cho người hấp hối, thì âm nhạc là một động lực đáng kinh ngạc để lôi kéo người trong gia đình đến thăm khi những cuộc thăm viếng thực sự gây khó khăn cho họ”, Fulton nói. “Nếu không thì chuyến thăm đó sẽ làm họ đau lòng, bởi vì có lẽ người bà sẽ không còn nhận ra bất cứ ai trong gia đình được nữa. Khi bà đang hát những bài hát cho bạn nghe, điều đó tạo ra một trải nghiệm tích cực, đầy ý nghĩa và đáng nhớ mà gia đình có thể chia sẻ”.

Những lợi ích của sáng tạo âm nhạc

Tiến sĩ quá cố Oliver Sacks, một nhà thần kinh học nổi tiếng, là một người nhiệt liệt ủng hộ việc trị liệu bằng âm nhạc. Cuốn sách năm 2007 của ông với nhan đề ‘Musicophilia’ kể một số câu chuyện về tác dụng của âm nhạc đối với não bộ của con người, cũng như mong muốn bẩm sinh của não đối với âm nhạc. Có một câu chuyện kể về một người đàn ông sau khi bị sét đánh đã phát triển một niềm đam mê mãnh liệt phải học piano. Những chủ đề khác bao gồm Hội chứng Williams (một nỗi đau buồn mà người chịu đựng nó phải trải qua những khuyết tật phát triển và các vấn đề về tim mạch nhưng vẫn còn có ham thích đặc biệt đối với âm nhạc), và những người rối loạn về thẩm âm do tổn thương ở não (amusia) – hoàn toàn bất lực không thể cảm nhận được âm nhạc. Đối với những người đang chịu khổ sở với bệnh amusia, thì một bản giao hưởng có thể có âm thanh giống như tiếng loảng xoảng của xoong nồi.

Tiến sỹ Sacks đã kết hợp với các chuyên gia âm nhạc khác để chia sẻ hiểu biết của họ trong bộ phim tài liệu ‘Alive Inside” (Bên trong còn sống)”, trong đó cho thấy một chương trình iPod có thể giúp cho các bệnh nhân bị Alzheimer đang gần như hôn mê, hầu như không nói được, trở lại với trí óc của họ. Khi hộ lý đặt tai nghe vào một bệnh nhân, khuôn mặt buồn bã, tuyệt vọng đó đột nhiên nở một nụ cười với niềm vui rạng rỡ.

Nếu được nghe một cách thụ động những bản ghi âm cũng có thể mang đến cho bệnh nhân những lợi ích đáng chú ý, thế thì hãy tưởng tượng xem việc sáng tác âm nhạc có thể mang đến những gì. Nghiên cứu cho thấy qua thời gian các nhạc sĩ phát triển được những thay đổi đáng chú ý trong các cấu trúc và các mạng chức năng của não bộ.

Tiến sĩ Gottfried Schlaug là giám đốc về âm nhạc và hình ảnh thần kinh, và của phòng thí nghiệm phục hồi đột quỵ, trưởng bộ phận các bệnh mạch máu não tại Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess, cũng là giáo sư thần kinh học ở cả hai Trường Y khoa Beth Israel và Harvard, ông lưu ý đến một cấu trúc trong não được gọi là bó cơ hình cong. Cấu trúc này chạy từ phần nghe của não ở thùy thái dương đến một khu vực trong thùy trán giúp liên đới giữa các âm thanh với các hành động. Những so sánh hình ảnh cho thấy cấu trúc này ở các nhạc sĩ chuyên nghiệp là lớn hơn rõ ràng.

Theo Schlaug, bó cơ hình cong là cực kỳ quan trọng trong việc nhận thức âm thanh và so sánh các kích thích âm thanh mới với một cái gì đó mà chúng ta đã lưu trữ được trong bộ nhớ của mình. Nó cũng đóng một vai trò lớn trong việc học tập và sử dụng ngôn ngữ.

Schlaug và nhóm nghiên cứu của ông hiện đang đánh giá các giao thức trong đó việc sáng tạo âm nhạc được sử dụng để giúp đỡ những người bị Parkinson cử động linh hoạt hơn bởi vì chứng bệnh này khiến họ có những cử động giật cục, và giúp các nạn nhân bị đột quỵ lấy lại giọng nói của họ.

Vào tháng ba năm 2015 tại cuộc hội thảo về âm nhạc và y học tại Trường Y Harvard, Schlaug nói rằng việc sáng tạo âm nhạc là một công cụ phục hồi chức năng nổi bật, bởi vì nó không chỉ kết nối âm thanh với hệ thống chuyển động, mà nó còn có một “lợi thế bổ trợ, có thể đóng vai trò một kích thích về tình cảm, làm kích hoạt các hệ thống niềm vui và phần thưởng trong não “.

Nghiên cứu sâu hơn nữa từ bác sĩ Nadine Gaab, giáo sư nhi khoa tại Trường Y Harvard và là nhà nghiên cứu trưởng phòng thí nghiệm Bệnh viện Nhi Boston về khoa học thần kinh nhận thức, cho thấy các nhạc sĩ có chức năng điều hành tốt hơn, độ linh hoạt nhận thức, trí nhớ làm việc, và nói lưu loát hơn những người không phải là nhạc sĩ.

Tại hội thảo Harvard, bà Gaab cho biết điều quan trọng là phải xem xét đến xu hướng thay thế các chương trình âm nhạc bằng việc đọc sách hoặc hướng dẫn học toán nhiều hơn, cốt để tăng điểm trong các bài thi được chuẩn hóa, điều đó thực sự có thể dẫn đến những khiếm khuyết trong các lĩnh vực nhận thức khác.

“Rất nhiều học khu đang loại bỏ môn nhạc, nhưng có lẽ chúng ta đang loại bỏ các chương trình giảng dạy giúp cho [học sinh có được] những kỹ năng nhận thức cơ bản” Tiến sĩ Nadine Gaab nói. (Highwaystarz-Photography/iStock)

“Rất nhiều học khu đang loại bỏ môn nhạc, nhưng có lẽ chúng ta đang loại bỏ các chương trình giảng dạy giúp cho [học sinh có được] những kỹ năng nhận thức cơ bản”bà nói.

Theo Abrams, việc bỏ đi chương trình giáo dục âm nhạc “tước đi trong chúng ta một phần cốt lõi của nhân loại”.

“Nghệ thuật không chỉ là một chủ đề gì khác” ông nói. “Chúng giống như thức ăn. Chúng là cần thiết cho con người. Chúng không phải là một vật trang trí. Chúng là một bộ phận của một con người đầy đủ. Sự chăm sóc sức khỏe thường xuyên giúp chúng ta duy trì sự sống và thể chất chức năng, nhưng chúng ta đang tự mình gìn giữ sự sống và các chức năng là vì điều gì vậy? Chúng ta cần những kinh nghiệm có ý nghĩa. Chúng ta cần phải nhận thức được vẻ đẹp; để tham gia vào các mối quan hệ với nhau. Và đó là tất cả những gì mà nghệ thuật mang tới”.

Tác giả: Conan Milner, Epoch Times | Dịch giả: Ngọc Yến

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN