Lòng người hiểm ác: Cứu vật, vật trả ơn, cứu người, người báo oán

Lòng người hiểm ác: Cứu vật, vật trả ơn, cứu người, người báo oán

Trên thế gian này, con người vẫn tự cho mình là sinh vật cao cấp, có trí tuệ, có văn minh, xứng đáng là chủ tể của muôn loài… Nhưng phải chăng con người vì quá thông minh mới trở nên tàn nhẫn? Câu chuyện cổ dưới đây không khỏi khiến ta liên tưởng đến lòng người hiểm ác trong thời đại mang tiếng là “văn minh” này.

lòng người hiểm ác

Lòng người hiểm ác: Cứu vật, vật trả ơn, cứu người, người báo oán. Ảnh: Best Wallpapers.

Chuyện con khỉ và người đàn ông

Rất lâu về trước, có một con khỉ sống ở nơi núi sâu rừng già. Con khỉ có trái tim thiện lương và giàu lòng nhân ái, yêu thương hết thảy mọi loài vật trong rừng.

Một ngày, trong lúc con khỉ đang hái quả trên cây, nó bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu vọng lên từ phía dưới thung lũng. Nó liền nghĩ: “Thung lũng sâu hun hút và hiểm trở như vậy, làm sao để xuống đó đây? Nhưng tiếng kêu ấy hẳn là của người đang gặp nguy hiểm, mình thật sự không thể bỏ mặc người đang trong hoạn nạn kia được”.

Con khỉ lần theo tiếng kêu cứu, men theo từng cành cây, bám vào từng sợi dây leo mỏng mảnh, thậm chí phải đu mình trên các vách đá, cuối cùng nó cũng tìm thấy người bị thương nằm dưới đáy thung lũng. Nó liền nói: “Người lạ mặt ơi, hãy bám chắc vào lưng tôi, tôi sẽ đưa ông lên”.

Người đàn ông to lớn làm theo lời khỉ, và thế là cả hai cùng bắt đầu một hành trình gian khó thoát ra khỏi thung lũng. Tuy thân thể khỉ nhẹ nhàng, tứ chi nhanh nhẹn, nhưng vách núi quá hiểm trở, lại phải cõng thêm một người trên lưng, dẫu vậy con khỉ bé nhỏ vẫn kiên trì quyết không bỏ cuộc.

Sau rất nhiều khó khăn, vượt qua nguy hiểm trùng trùng, cuối cùng cả hai đã leo lên đến đỉnh núi. Con khỉ đưa người đàn ông đến một nơi an toàn và cẩn thận đặt ông ta xuống. “Giờ ông đã an toàn rồi!”, con khỉ vui vẻ nói, nhưng vì quá mệt mỏi, nó liền nằm xuống cạnh gốc cây ngủ một giấc say nồng.

Ban đầu, người bị thương rất cảm kích con khỉ đã liều mạng cứu mình, nhưng sau khi tỉnh táo trở lại, ông ta bắt đầu suy nghĩ. “Từ khi rơi xuống vực thẳm đến nay cũng bao nhiêu ngày rồi, giờ thì ta rất đói khát và mệt mỏi, ta cần phải ăn chút gì đó để phục hồi thể lực. Dẫu ta đã may mắn thoát khỏi vực sâu, nhưng muốn ra khỏi núi này thì vẫn còn một chặng đường chông gai phía trước. Nếu không có sức lực thì ta phải làm thế nào đây?”

Rồi ông nhìn con khỉ đang nằm ngủ ngon lành dưới gốc cây, trong lòng bỗng dấy khởi niệm tà. “Nó chỉ là khỉ, còn mình là người cơ mà. Động vật sinh ra là để phục vụ con người. Mình đã phải chịu đói bao nhiêu ngày rồi, khó khăn lắm mới giữ được cái mạng này, giờ thì mình phải lấp cho đầy cái bụng thì mới có sức rời khỏi ngọn núi được. Ở đây sẵn có con khỉ này, hay là…”

Nghĩ vậy, ông ta liền nhặt lên cục đá lớn và ném mạnh về phía con khỉ. Con khỉ bị cục đá ném trúng đầu, mặc dù không chết, nhưng trên đầu nó máu đã chảy đầm đìa. Con khỉ lập tức leo lên trên cây chạy thoát thân. Rồi nó nhìn xuống người đàn ông mà mình vừa cứu thoát. Trên khoé mắt của nó, từng giọt, từng giọt nước mắt hoà cùng máu rơi xuống một vùng cỏ xanh rì.

Mặc dù trong lòng khỉ không hề oán hận, nhưng nó sẽ không bao giờ hiểu được lòng người.

Ảnh minh họa: Ngaynay.vn.

Cứu vật, vật trả ơn; cứu nhân, nhân báo oán

Câu chuyện cổ trên rất giống hành động của con người ngày nay. Mẹ thiên nhiên từ bi, rộng lớn, bạn tặng cho chúng ta sự sống. Nhưng chúng ta lại tàn phá thiên nhiên nghiêm trọng, phá rừng, lấp sông, ô nhiễm biển, hủy diệt biết bao sinh vật… Khác nào hành động vong ân bội nghĩa của người đàn ông kia?

Có câu nói rằng: “Cứu vật, vật trả ơn; cứu nhân, nhân báo oán” – câu nói ấy khiến mỗi chúng ta không khỏi suy ngẫm: Trên thế gian này, con người vẫn tự cho mình là sinh vật cao cấp, có trí tuệ, có văn minh, xứng đáng là chủ tể của muôn loài… Nhưng phải chăng con người vì quá thông minh mới trở nên tàn nhẫn, vì quá cao quý mới biến thành lạnh lùng giá băng?

Năm xưa, Lão Tử thấy lòng người hiểm ác đã vội vàng viết cuốn “Ngũ Thiên Ngôn” rồi qua ải Hàm Cốc bỏ lại cõi thế nhân. Có lẽ Ông đã sớm hiểu rằng, người ta không chết vì bầy thú hoang dại, không chết vì thiên tai địch hoạ, cũng không chết vì nước độc rừng thiêng, mà chết vì lòng người quá nham hiểm!

Ý nghĩa chân chính của sinh mệnh

Linh hồn

Ảnh: Tân Sinh

Phật giáo giảng “lục đạo luân hồi” – con người ta chuyển xoay trong kiếp sống luân hồi, đời này mang thân người nhưng đời sau có thể là động vật. Có được thân người là trân quý nhất, vì chỉ làm người mới có thể tu thành thần Phật, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Điều ấy nói lên rằng, không phải cái xác thân bề ngoài, mà bản chất thiện lương và một trái tim thuần khiết mới làm nên giá trị của sinh mệnh!

Trong kiếp sống nhân sinh này, đắc được thân người đã khó, giữ vững thiện lương càng khó hơn. Chi bằng hãy tu dưỡng tâm tính, vun bồi lòng từ bi quảng đại, để mỗi người đều rời xa phần “con” phàm tục mà tiến gần hơn đến phần “người” thiêng liêng…

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN