Hán Vũ Đế – Vị hoàng đế vĩ đại nhất của triều đại nhà Hán

Hán Vũ Đế – Vị hoàng đế vĩ đại nhất của triều đại nhà Hán

Hán Vũ Đế được xem như vị hoàng đế nổi bật nhất của triều đại nhà Hán, ông được đánh giá là vị hoàng đế tài ba, nhờ công lao mở mang lãnh thổ Trung Quốc thật bao la và gây dựng một quốc gia phồn vinh, giàu có. Dưới thời trị vì của ông, nhà Hán đã phát triển rực rỡ.

Hán Vũ Đế

Hán Vũ Đế, vị hoàng đế quả cảm đầy nghị lực. (Ảnh: Chinese BL Translations)

Ông tên thật là Lưu Triệt (157 TCN – 87 TCN) bước lên ngôi hoàng đế và cai trị từ năm 140 TCN đến 87 TCN (54 năm), là vua trị vì lâu nhất trong các vua nhà Hán và lâu nhất ở Trung Quốc từ sau đời Tần Chiêu Tương vương đến trước đời Khang Hy.

Trong tất cả các danh nhân triều Hán, ông giành được sự tôn trọng cao nhất từ các nhà sử học, nhờ công lao mở rộng lãnh thổ bao la của Trung Quốc và gây dựng một quốc gia hưng thịnh mà cho đến ngày nay là một trong những giai đoạn vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con trai thứ 11 của Hán Cảnh Đế, vua thứ sáu của nhà Hán với hoàng hậu thứ hai là Vương Chí. Thời trẻ, Lưu Triệt giành được ngôi thái tử của anh trai Lưu Vinh nhờ vào cuộc hôn nhân cùng với Trần Hoàng hậu. Năm 140 TCN, sau cái chết của cha, ông bước lên ngôi hoàng đế.

Hán Vũ Đế mở đầu phong tục đặt tên năm đăng quang bằng một danh hiệu mang ơn trời đất, hoặc niên hiệu, nhằm ghi chép lại một giai đoạn của lịch sử, và sau đó thay đổi các niên hiệu mỗi năm hoặc vài năm, tuỳ vào từng thời kỳ khác nhau, hoặc để ghi nhớ một sự kiện nào đó. Năm đầu tiên của triều đại Hán Vũ Đế được đặt niên hiệu là Kiến Nguyên với ý nghĩa là “khởi đầu”.

Quyền lực tập trung về tay “thiên triều”

Ông đã thống nhất chính sách cai trị của mình, và quyền lực đã tập trung về kinh đô, không còn cảnh phân chia vương hầu như trước. (Ảnh: Gamecity)

Sau khi đăng quang, Hán Vũ Đế thực hiện một loạt các biện pháp để củng cố sức mạnh của chính quyền trung ương. Từ đầu triều Hán, nhiều dòng họ của các hoàng đế trước đó đã được ban đất đai rộng lớn để cai trị. Ngay sau đó, những thế lực này tiềm ẩn mối đe dọa cho hoàng đế đương triều. Hán Vũ Đế ban hành sắc lệnh cho phép các vị vương và chư hầu để lại lãnh thổ cho bất cứ người con nào chứ không phải chỉ cho con trai đầu tiên nhằm làm suy yếu thế lực của họ, đạo luật này khiến cho các vùng rộng lớn bị chia cắt thành các khu vực nhỏ hơn.

Sau đó, chính quyền trung ương dần dần ghép các khu vực nhỏ này chung vào một tỉnh dưới quyền kiểm soát của hoàng đế, thay vì các nước nhỏ hay các nước chư hầu trung thành với hoàng đế nhưng có vua riêng của mình. Hán Vũ Đế cũng ban hành các chính sách cải cách tài chính để tăng thu ngân sách. Ông tăng thuế và đặt thuế mới đối với thương nhân, và thực hiện các biện pháp khắc nghiệt đối với các thương gia vô đạo đức. Nghề rèn, muối, và rượu thì quốc hữu hoá độc quyền.

Hán Vũ Đế cải thiện kỹ thuật thuỷ lợi nhằm thúc đẩy năng suất nông nghiệp, và thực hiện lịch nông vụ đầu tiên của Trung Quốc. Để có thể cai trị một vùng lãnh thổ rộng lớn như vậy, Vũ Đế bổ nhiệm 13 giám quan để thanh tra giám sát công việc của các quan đầu tỉnh (Thứ Sử) nhằm cải thiện hệ thống quản trị của quốc gia.

Trách nhiệm của các triều thần là tấu trình với quan Đô Ngự Sử về công việc của các Thứ Sử đứng đầu các tỉnh và quý tộc, gồm tất cả việc lạm dụng quyền lực hay tham nhũng, và kể cả tấu trình của người dân về quan lại. Quan Đô Ngự Sử sau đó sẽ tâu trình trực tiếp cho hoàng đế. Đây được coi là hình thức giám sát độc lập và mang tính hệ thống đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Một quốc gia Nho học

Để tuyển chọn nhân tài trên đất nước vào tầng lớp quan lại, Hán Vũ Đế thành lập một hệ thống tuyển chọn cho phép tất cả các quan lại tiến cử nhân tài vào thực tập hoặc học hành nhằm phục vụ cho triều đình. Cách nhìn nhận này đã đem lại nhiều cơ hội cho kẻ sĩ có tài nhưng không có chức danh bước vào hệ thống quan lại, nhờ vậy ngay cả những người tài giỏi dù rất nghèo hay thuộc về tầng lớp thấp hèn, như nô lệ và tù binh chiến tranh, cũng có thể trở thành quan lại quan trọng hoặc binh tướng.

Thêm vào đó, Vũ Đế đã đưa Nho giáo thành tư tưởng chính thống của quốc gia và đào tạo Nho học là điều kiện để gia nhập hàng ngũ quan lại triều đình, dẫn đến việc kết thúc sự thống trị của triết lý pha trộn Pháp gia và Đạo giáo thời Tiền Hán. Hán Vũ Đế cho lập “Thái học” ở kinh đô Trường An, là trường đại học quốc gia đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Hầu hết các học thuyết giảng ở Thái học đều dựa trên nền tảng Nho giáo và học trò thi đậu khoa cử được bổ nhiệm trực tiếp làm quan lại.

Hán Vũ Đế

Tư tưởng của Nho giáo trở thành “quốc tưởng” của nhà Hán. (Ảnh: Lishquwen)

Thái Học được coi trọng, nên nhiều trường và lớp học Nho giáo đã được mở trên toàn lãnh thổ. Kết hợp tiến cử và khoa cử trong hệ thống tuyển chọn nhân tài phục vụ đất nước đã trở thành một phần quan trọng của di sản mà Hán Vũ Đế đã để lại. Đưa triết học Nho giáo thành tư tưởng chính thống của đất nước, đã tạo ra các ảnh hưởng sâu sắc tới chính trị, xã hội và văn hóa của Trung Quốc và Đông Nam Á.

Tư tưởng của Nho giáo tập trung vào việc đề cao các hành vi hợp với luân thường đạo lý và những nguyên tắc đạo đức như lòng nhân từ, công bình, chính trực, khôn ngoan và trung tín,… được xây dựng trên những khuôn mẫu các vị vua hiền từ ngày xưa.

Chính sách quân sự và sự ra đời của “con đường tơ lụa”

Được xem như một nhà hoạt động quân sự lớn, Hán Vũ Đế dẫn dắt triều Hán của Trung Quốc nâng tầm về mọi mặt. Ông huỷ bỏ những chính sách phòng thủ của các hoàng đế tiền bối, lấy lại quyền kiểm soát Hàn Quốc ở đông bắc, tiến quân xuống phía nam Trung Quốc và vùng đất thuộc Việt Nam hiện giờ. Quan trọng hơn cả, vị hoàng đế đã quyết tâm phải chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Hung Nô hùng mạnh, liên minh các bộ lạc du mục (sống ở khu vực thuộc Mông Cổ ngày nay) vốn là mối đe dọa chủ yếu cho biên giới phía bắc của Trung Quốc.

Một loạt các cuộc tấn công mãnh liệt đã được triển khai dẫn đến sự thất bại của gần như toàn bộ các vương quốc Hung Nô. Quân Hán đánh bật quân Hung Nô xa ra khỏi biên giới phía bắc Trung Quốc và sau đó tiếp tục đánh chiếm mở rộng về phía tây vào phần lãnh thổ thuộc Kyrgyzstan và Uzbekistan ngày nay. Trong thời gian đó, từ năm 138 trước Công nguyên, hoàng đế cử sứ giả của ông, Trương Khiên du hành đến Tây Vực xa xôi để tìm kiếm đồng minh lâu dài và thúc đẩy giao lưu văn hóa. Nhờ thế lãnh thổ của triều Hán, khu vực phía tây của Trung Quốc, và Trung Á đã có mối liên kết sâu sắc hơn.

Cuộc thám hiểm này sau đó mở đường cho lụa và các mặt hàng Trung Hoa khác vận chuyển từ Trường An đến những vùng rất xa như Iran ngày nay, và sau đó xa hơn nữa về phương tây tới Châu Âu, tạo ra tuyến đường nổi tiếng được biết đến với tên “Con đường tơ lụa”. Triều Hán đã viết tên Trung Quốc lên bản đồ thế giới và vì thế người dân Trung Quốc thường được gọi là người Hán.

Chiếu thư tự trách tội mình

Hán Vũ Đế cai trị suốt 54 năm và qua đời ở tuổi 70. Dưới triều đại của ông, Trung Quốc đã mở mang bờ cõi rộng lớn nhất trong lịch sử, hơn cả diện tích của Đế quốc La Mã đương thời. Tuy nhiên, những chi phí khổng lồ gắn liền với các chiến dịch quân sự, mở mang lãnh thổ, xây dựng các cung điện lộng lẫy cuối cùng đã làm cạn ngân khố quốc gia, và người dân kiệt quệ.

Gần cuối triều đại của ông, Vũ Đế hối hận vì các sai lầm quá khứ gây ra do sai lầm trong chính sách của mình và công khai tự trách chính mình và xin lỗi dân chúng bằng “Tội kỷ chiếu” (chiếu thư tự trách tội mình). Ông bác bỏ kiến nghị xin khuếch trương quân sự về phía tây và thay vào đó phê chuẩn một tấu trình khác thúc đẩy nền nông nghiệp. Nói chung, chiến tranh và việc mở mang lãnh thổ đã kết thúc.

Mặc dù ông đã tìm cách chuộc lại những lỗi lầm của mình, nhưng những thành tựu quân sự của ông vẫn lưu danh bia miệng với danh hiệu “Vũ”, có nghĩa là “võ lực”.

Minh Luân/DKN

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN